25 thg 8, 2010

Nhà toán học và bầy cừu


 Bài Của Hiệu Minh               
  Thời công tác ở Hà Nội những năm 1980, tôi quen hai anh chuyên toán Vũ Đình Hòa và Bùi Việt Hà. Vũ Đình Hòa trước làm ở Viện Tin Học, sau chuyển sang viện Mật mã. Bùi Việt Hà sau khi trôi dạt khắp nơi, hiện phụ trách Công ty Công nghệ Tin học Nhà trường rất nổi tiếng.
Các anh đã giúp không biết bao nhiêu học sinh đạt giải toán, tin quốc tế. Gọi họ là những nhà toán học siêu việt chẳng sai chút nào.

Những nhà toán học
Vũ Đình Hòa giảng giải về các thuật toán mật mã thì người nghe như bị thôi miên. Anh nhìn ra vẻ đẹp của toán học như nhà tạo mẫu thấy các chân dài trên sàn diễn. Cái đẹp của thân thể thì cả triệu người đều rõ, nhưng nét lung linh và kỳ ảo của thuật toán có lẽ chỉ vài người như Vũ Đình Hòa mới thấy được.
Bùi Việt Hà tham gia bồi dưỡng đoàn học sinh thi tin học quốc tế trong rất nhiều năm. Làm việc cùng nhau nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ, mình có thể giải những bài toán anh ra cho học sinh bằng lập trình Pascal trên máy tính.
Ngoài các anh ra, tôi còn biết khá nhiều các nhà toán học siêu phàm, những người thông minh thuộc loại nhất nhì tại Việt Nam. Có thể gặp ở Viện Toán, Đại học Tổng hợp, Viện Tin học và nhiều trung tâm nghiên cứu hay giảng dạy khác. Họ lý giải những vấn đề hóc búa của toán học nhẹ nhàng như ta lướt web.
Nhắc đến Bùi Việt Hà và Vũ Đình Hòa vì “hình như” một thời dạy Giáo sư Ngô Bảo Châu, người vừa được giải Fields, một giải Nobel toán học thế giới.
Người làm toán không ngạc nhiên khi nghe tin Ngô Bảo Châu được giải Fields, nhất là các thầy cô hay bạn của anh. Đó không phải một ngôi sao bỗng nhiên sáng trên bầu trời nước Việt. Truyền thống yêu toán ăn sâu vào tiềm thức học sinh phổ thông trong một thời gian rất dài và đến lúc này đơm hoa kết trái.
Có những người thầy giỏi thì trò đoạt giải Nobe, chẳng có gì lạ. Được đầu tư đúng mức như bác Tạ Quang Bửu từng làm, người từng coi toán học là chìa khóa cho mọi ngành nghề, có những lãnh đạo như Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn coi trọng trí thức là nguyên khí quốc gia.
Trường chuyên lớp chọn thời đó đã tạo ra một lớp người giải toán quỉ cốc thần sầu. Dự thi quốc tế thường đoạt hết các giải lớn bé.
Sỹ tử nghèo chẳng có gì ngoài cái bút chì và tờ giấy nháp. Người yêu toán có thể suy tư và tìm lời giải ở mọi nơi mọi chỗ, trên bảng đen, ngoài đường, trên bãi biển. Chẳng cần phòng thí nghiệm cao siêu, máy bắn gia tốc đắt tiền như bên hóa, vật lý hay sinh học. Toán học rất hợp với nước nghèo.
Chỉ có điều, những người giỏi toán ấy lại mê toán học như một thứ ma túy. Họ quên rằng trên đời này, ngoài lý thuyết mầu xám với công thức đẹp, thuật toán hay, bổ đề chỉ có giá trị sau vài trăm năm, thì cây ngoài đời hiện tại rất cần mầu xanh.
Có lẽ vì thế mà những gì mà toán học mang lại chỉ gói gọn trong sàn diễn của chính những người làm toán. Họ tự tìm tòi, tự vui buồn và đôi khi…tự sướng, như một cây toán đã giải nghệ từng tâm sự.
Không phải ngẫu nhiên, Nobel di chúc dành số tiền cho các giải thưởng, không có toán học, chỉ dành cho kinh tế, vật lý, hóa học, y học hay kể cả Nobel hòa bình, vì chúng thiết thực với số đông nhân loại.
Điều gì sẽ xảy ra nếu như những trí tuệ bác học như Ngô Bảo Châu, Vũ Đình Hòa hay Bùi Việt Hà được dùng trong những ngành nghề khác. Rất có thể đóng góp cho quốc gia lại nhiều hơn gấp bội.
Ngô Bảo Châu được giải Nobel toán học nói lên tiềm năng trí tuệ của nước ta rất cao nhưng không được khai thác và sử dụng đúng mục đích. Biết anh Châu được cả Tổng thống Pháp vinh danh thì càng vui hơn vì Giáo sư là người của toàn cầu hóa.
Nếu anh tìm lời giải cho bổ đề Langlands ở Viện Toán trên Nghĩa Đô (Hà Nội) hay tại một trường đại học nào đó ở Việt Nam thì niềm vui nhân lên gấp bội. Dù bổ đề kia chả đóng góp gì cho xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam, nhưng hiện tượng Ngô Bảo Châu mang đến niềm tin mãnh liệt cho dân tộc đang cố bơi ra biển lớn.
“Sự im lặng của bầy cừu – The silence of the lamps”
Kết thúc entry, tôi muốn bàn về lời phát biểu về lề trái, lề phải và đàn cừu của Giáo sư Ngô Bảo Châu.
Bầy cừu. Ảnh minh họa
Xin trích nguyên văn trên blog của Giáo sư viết sau khi được giải Fields “Có một vài bác không quen, bình thường cũng tỏ ra rất hiểu biết,  lần này cứ thắc mắc về chuyện NBC là lề trái hay lề phải. Xin thưa, bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”.
Câu chuyện lề phải, lề trái là do ông Bộ trưởng Bộ 4T đưa ra cho báo chí như một thông điệp định hướng truyền thông quan trọng. Tôi không bàn về chuyện “lề” là đúng sai vì dễ gây hiểu lầm. Đất nước mình nó thế.
Không phải ai sinh ra cũng có tự do như mong muốn, cho dù họ ở Việt Nam, châu Phi hay ngay tại nước Mỹ. Và thế nào là tự do, một khái niệm cả nhân loại tìm mãi chưa ra định nghĩa. Nó không rõ ràng như những tiên đề trong toán học.
Tuy nhiên, gọi người bám theo lề như con cừu thì có nên chăng, nhất là giáo sư vừa được giải Fields cách đó vài ngày. Việc phân biệt thiên tài không đi với bầy cừu như một bài báo sau đó bình luận liệu có hợp ngữ cảnh.
Đã là thiên tài phải phục vụ nhân loại, đi cùng nhân loại. Nếu đứng một mình thì chẳng hiểu thiên tài kia phỏng có ích chi. Những người chưa có tự do hoặc đang khao khát tự do, phải nương tựa vào nhau, men theo lề để tồn tại, bị coi như đàn cừu thì liệu mệnh đề trên còn mang chút tinh tế nào của toán học.
Viết tới đây tôi chợt nhớ ra bộ phim Mỹ rùng rợn “Sự im lặng của bầy cừu” nói về một kẻ ăn thịt người Lechter bị giam ở Maryland (bang gần nhà HM) đối đầu với cô sinh viên tập sự FBI Clarice. Người ta hy vọng Lechter giúp cung cấp thông tin về tâm lý tên sát nhân giết người hàng loạt tên là Bill Buffalo. Hắn đã bắt cóc con gái bà Nghị sĩ.
Lechter đòi hỏi biết về đời tư của Clarice để đổi lấy những thông tin quan trọng về vụ án. Clarice kể cho Lechter về ký ức thơ ấu khi cô sống ở nhà họ hàng, nửa đêm thường nghe thấy tiếng cừu non kêu thảm thiết.
Một đêm tỉnh dậy, cô chứng kiến cảnh họ giết những con cừu ấy nên mở cửa chuồng mong giải thoát cho chúng. Bị phát hiện, cô bỏ chạy chỉ kịp bế theo một con cừu nhưng rồi nó cũng chết. Những tiếng kêu của đám cừu ám ảnh cô suốt cuộc đời.
Với mong muốn thoát khỏi nỗi sợ hãi, Clarice đã rất cố gắng trong vụ giải cứu con gái bà Nghị sĩ. Nếu không thành công thì suốt đời cô phải chung sống với những tiếng kêu thảm thiết.
Kết thúc phim, Bill Buffalo, kẻ chuyên thiết kế y phục phụ nữ bằng da người sống, bị giết. Con gái bà Nghị sĩ đã được giải thoát và cô Clarice vượt qua nỗi ám ảnh của chính mình.
Đàn cừu non im lặng trong phim chẳng liên quan gì đến con cừu “theo lề” của giáo sư Ngô Bảo Châu. Cô Clarice không được giải Fields. Cô chỉ là thiếu nữ yếu đuối, sợ tiếng kêu lạ trong đêm. Nhưng sự dũng cảm của Clarice cố vượt lên nỗi sợ hãi để cứu đàn cừu non rất đáng khâm phục.
Trong lúc ấy tại Việt Nam, đất nước đang chuyển mình, việc ẩn dụ đàn cừu để chỉ số đông “đi theo lề” có thể làm cho giải quốc tế bớt đi chút ánh hào quang. Đã là người của công chúng thì khó hơn rất nhiều so với làm “Hòa thượng Thích làm toán”.
Còn tôi đang băn khoăn, hai thầy Vũ Đình Hòa, Bùi Việt Hà và phần đông bạn đọc đang bước theo lề nào đây.
Hiệu Minh. 24-08-2010

2 nhận xét:

  1. Chào anh Đặng Bá (?)

    Tình cờ ghé qua đây, thấy bài viết này thật tâm đắc (phần nói về cừu). Và ... tư tưởng lớn gặp nhau, vì tôi cũng đã từng viết một bài về cừu ngay sau khi GS NBC có phát biểu. Xin được chia sẻ với anh:

    http://bloganhvu.blogspot.com/2010/08/chung-ta-la-nhung-con-cuu.html

    Trả lờiXóa
  2. "bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do"- Điều đó không suy ra được rằng ai đi theo lề thì là con cừu.

    Trả lờiXóa