30 thg 6, 2010

Một hành động phản cảm của thủ quân Bồ đào nha


Bị thua Tây ban nha 0-1 tối qua, cầu thủ nổi tiếng Ronaldo của Bồ đào nha một thời đá cho MU. Trên đường rời sân sau khi khi trận đấu kết thúc, thủ quân đội tuyển Bồ Đào Nha đã nhổ toẹt một bãi nước bọt hướng thẳng về phía một ống kính máy quay khi thấy nó đang chĩa vào mình. Một hành động của “dân tứ chi phát triển”.
               

27 thg 6, 2010

KÈN VUVUZELA

     Sáng  nay được biết kèn vuvuzela của Nam Phi có tiếng kêu hơi lạ, chiếc kèn mang cờ của Germany.  Mọi người sẽ hiểu fan này cổ vũ cho đội tuyển nào vào đêm nay giữa England và Germany
 Nếu đêm nay đội tuyển England phải về nước HLV Capello lại sẽ lên tiếng về World cup 2010 nay, ông đã từng chỉ trích gay gắt nhất trái bóng Jabulani chính thức tại World Cup 2010 khi cho rằng sản phẩm của hãng Adidas đi nhanh và có độ trơn, xoáy lớn hơn các trái bóng thông thường. Ông thậm chí còn mô tả "đó là trái bóng tệ nhất mà tôi từng thấy". Các tuyển thủ England cũng quen sử dụng bóng của Umbro trong các trận quốc tế, và bóng của Nikes khi thi đấu tại giải Ngoại hạng. Trong khi đó, các cầu thủ Germany đã làm quen với Jabulani từ vài tháng trước

20 thg 6, 2010

HAI CÁI GIẾNG

Không thể tin được một nhà toán học mà có suy nghĩ hay đến vậy (dangnba). Xin gửi tặng mọi người cùng đọc.
Lâu quá hôm qua mới có dịp đến thăm sư cụ Hồng Minh. Đến chơi với sư cụ, được nghe sư cụ kể chuyện, lại vừa đánh đàn vừa hát cho mà nghe, ngu sĩ rất lấy làm thích thú. Xin kể lại một câu chuyện của sư cụ để bạn đọc của Thích Học Toán cùng thưởng thức.
Chuyện kể rằng có một chàng trai người nước Vệ, đi học hoặc là đi làm xa nhà, chi tiết này không quan trọng cho nội dung của chuyện. Sau hai mươi năm bôn ba châu Âu, châu Phi, châu Mỹ la tinh, đến một ngày kia, anh kéo vali về cái làng nghèo nơi anh đã cất tiếng khóc chào cuộc đời. Hay tin ba mẹ anh đã mất cả. Công cuộc đổi mới đã làm bộ mặt của cái thôn nhà anh thay đổi nhiều quá. May có ông cụ già tốt bụng dẫn đường, anh mới tìm về được ngôi nhà cũ của ba mẹ anh. Cái nhà xưa bây giờ không còn nữa, thay vào đấy là căn nhà hai tầng màu xi-măng trông rõ trơ tráo. Chàng trai thấy hơi trạnh lòng. Cụ già tốt bụng chỉ cho anh cái giếng xưa nơi u anh rửa chân mỗi khi đi đồng về. Bao nỗi bâng khuâng thương nhớ của hai mươi năm xa nhà bây giờ được dịp dâng lên làm mắt anh cay cay.
Cụ già bảo : “Tôi với ông Nam bố anh là bạn vong niên đó”. Nghĩ là cụ nói ngọng, anh sửa : “Thưa cụ, bố con tên là Lam ạ”. Lúc đó mắt cụ già chợt sáng lên :”À, mày là thằng cu Tí, con ông Lam phải không. Lúc nãy bác nghe nhầm. Nhà anh ở đầu kia làng cơ.” Thế là anh bạn của chúng ta đi theo cụ già về đúng cái nhà của anh, cũng không còn nữa, thay vào đó là một cơ ngơi xi-măng trơ tráo khác. Cái giếng nước thì vẫn còn đó. Nhưng lần này, đứng trước cái giếng nước của mình thật, anh bạn của chúng ta không tài nào xúc động thêm lần nữa.
Câu hỏi sư cụ Hồng Minh đặt ra là : Ta có thể yêu ai hai lần không ?
Bạn đã nghe câu hát này bao giờ chưa : “Could you be loved, and be loved …” . Nếu bạn không có cái may mắn nghe sư cụ Hồng Minh nghêu ngao câu hát này lại vừa xập xình ghi-ta điện đệm theo, bạn có thể xem anh Bob Marley hát (mở You Tube) để thấm thía câu chuyện trên. Anh Bob Marley hát chưa được hay như sư cụ, nhưng cũng không đến nỗi nào.

Sưu tầm (Hoà thượng Thích Hoc Toán)

TẠI SAO CHỈ CÓ HƠN 83% ĐẠI BIỂU CÓ MẶT


                                          Cứ làm đường sắt cao tốc QH. CP sẽ lo tiền            
     Suốt mấy ngày qua trên nhiều thông tin đại chúng đưa tin về dự án đường sắt cao tốc. Đây là chủ trương lớn của Chính phủ đưa ra trong kỳ họp QH này, bao nhiêu ý kiến trái ngược được ra trong buổi thảo luận, có đại biểu đưa cả chỉ số IQ ra để bảo vệ dự án. Nhiều cử tri mấy ngày qua cầu khấn QH không thông qua dự án này, mấy cụ hưu bên nhà tôi còn bảo “đằng nào chẳng thông qua, bác nghị quyết mới là chuyện lạ”.
  Và “chuyện lạ” đã đến: Chỉ với 37% số đại biểu tán thành, 41% không tán thành, chủ trương xây dựng dự án đường sắt cao tốc trị giá 56 tỷ USD do Chính phủ trình đã không được Quốc hội thông qua chiều 19/6.
 Việc đáng suy nghĩ của tôi,  không hiểu sao buổi chiều 19/6 quan trọng là vậy, các cử tri gửi niềm tin vào các đại biểu QH mà vắng nhiều đến thế chỉ có 83,2% đại biểu có mặt.
    Bỏ phiếu lần 1: 440 đại biểu có mặt trên tổng số 491; Lần 2: 439 đại biểu có mặt trên 491; lần 3: 409 đại biểu có mặt trên 491 đại biểu?
            “Bản thân tôi là người trong cuộc nhưng cũng bất ngờ với kết quả biểu quyết, Quốc hội quyết định được như thế là rất hợp với lòng dân”.

   Ở cơ quan tôi cuộc họp vắng như thế này là có vấn đề, chỉ được phép vắng với lý do chính đáng chẳng hạn bố mẹ mất, hay bản thân phải nằm viện….Dân còn biết hôm nay lấy biểu quyết nên chờ ngóng tin ở bên ngoài đến nghẹt thở chẳng khác nào các con chiên ở bên ngoài chờ kết quả bầu Giáo hoàng ở La mã. Chẳng lẽ các đại biểu lại quên bỏ ra ngoài để giải quyết việc riêng hay né tránh không muốn đối đầu. Dù kiểu gì nếu như không có lý do chính đáng cũng cần xem xét  tư cách đại biểu vắng mặt chiều qua.
 
        “Tôi cũng không có gì quá buồn, chúng tôi sẽ tuân thủ quyết định hôm nay của Quốc hội”,

19 thg 6, 2010

              Rooney chửi bậy CĐV Anh- Một hành động không thể tha thứ cho cầu thủ lắm tài nhiều tật. Hình ảnh Rooney quay lại với PV sau trận hoà Anh- Algeria (0-0)

17 thg 6, 2010

Gặp lại cô chủ nhiệm năm xưa


    Mỗi khi gặp cô Nguyễn Tuyết Mai, cô đều nhắc lại những kỷ niệm khi làm chủ nhiệm năm lớp 8, năm đó mình mới tập đi xe đạp, còn chưa vững cô bảo đưa cô đi chợ Nứa, mình sợ quá không dám từ chối, song cũng dũng cảm đưa cô đi may hôm đó không có chuyện gì xảy ra, từ sau lần đó mỗi sáng chủ nhật, cô không về Hà Nội bọn mình lại cùng cô đi chơi.
  Cô là con gái Hà Nội, bố là quan chức thời tây, tốt nghiệp sư phạm Khoa Sinh cô về dạy ở quê mình, trường mới thành lập giáo viên phải ở nhờ nhà dân, mọi sinh hoạt ở đây cô đều xa lạ, ăn uống tắm giặt ở ao, chủ nhà ngủ không có màn, buổi tối ăn xong cả nhà đi ngủ, chỉ còn cô thắp đèn dầu làm việc...mọi chuyện rồi cũng qua đi, bây giờ mới thấy sức chịu đựng của cô là thế nào.
   Năm đó giặc Mỹ leo thang đánh phá Miền Bắc trường phải đi sơ tán lại càng khổ, mình nhớ thầy trò đi đào hầm trú ẩn các thầy bắt đỉa bỏ vào nón, cô kêu toáng lên và khóc, lúc đó trường chỉ có 6 thầy cô, cô trẻ nhất, các thầy đều ở Thanh hoá, Nghệ An, thầy Bùi Tinh Quang hiệu trưởng- giáo viên cấp 2 đi học ĐH về dạy chính trị, sau này mình có nói với thầy " em cũng đã từng làm quản lý nhưng chúng em không học được thầy, suốt ngày thầy chỉ nghĩ đến công việc và công việc" có thể công việc của thầy làm cả ngày, bây giờ em chỉ làm trong 30 phút.  
  Hôm nay thầy Đậu Kế Đức từ TP Hồ Chí Minh ra chơi, thể theo nguyện vọng của thầy mình đưa thầy về thăm lại trường cũ, nay chẳng còn bóng dáng gì, dãy nhà lá ngày xưa làm phòng học nay là nhà cao tầng của trường THCS.
  Năm nay học sinh của thầy cô đã nghỉ hưu cả, mấy mạnh thường quân tổ chức gặp mặt tại nhà riêng mời thầy Đức và cô Mai đến dự. Hay nhất là những món ăn mà  45 năm trước cô rất sợ, nay lại là đặc sản ở các nhà hàng, thể theo yêu cầu của thầy Đức, bọn mình tìm được cá diếc kho tương, rau rền chấm mắn cáy, chả rươi, thịt gà ta kho gừng... tất nhiên phải kiếm bằng được những món ngon có tiếng ở Hà Nội như ngỗng quay hàng Buồm để tiếp thầy cô. 
  Cô bây giờ đã là bà ngoại, con gái lớn sang Mỹ, con thứ hai làm BS ở BV HN. song vẫn đẹp dịu dàng như ngày xưa, ai cũng bảo cô còn trẻ hơn cả chúng em, nhìn ảnh khó phân biệt đâu là cô giáo và học sinh, chỉ có thầy Đức nhiều tuổi dễ nhận ra.  
         23 giờ ngày 17/6/2010

NHỮNG CÂU NÓI ẤN TƯỢNG Ở QUỐC HỘI


                       GS.TS Nguyễn Đức Dân (Bài đăng trên SGTT)
1. Tôi kính trọng đại biểu (ĐB) Nguyễn Đình Xuân khi dũng cảm công khai đề nghị Quốc hội xem xét chỉ số tín nhiệm ông bộ trưởng là cấp trên trực tiếp của mình với tuyên bố: “Bộ trưởng đã không hoàn thành nhiệm vụ với tư cách bộ trưởng quản lý rừng của đất nước” (Tuổi Trẻ, 12.6.2010)
2. Để ủng hộ dự án đường sắt cao tốc, ĐB Trần Tiến Cảnh lập luận: “Những nơi có chỉ số IQ cao thì họ có đường sắt cao tốc. Việt Nam ta cũng có chỉ số IQ cao” (VN Economy, 8.6.2010). Tiền đề thứ nhất của lập luận trên là một lý lẽ bừa bãi, vô căn cứ. ĐB Nguyễn Minh Thuyết: “Tôi xin nói thật với Quốc hội là chỉ số IQ của tôi hơi thấp, nên chắc chắn tôi không tán thành dự án này”. ĐB Thuyết đã nói ngược theo cách châm biếm vì ông là giáo sư tiến sĩ. Và đây là bằng cấp loại I.
Xin được mở một dấu ngoặc kép: ở ta có nhiều loại bằng: trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ,…Nhưng tôi chỉ phân biệt hai loại bằng: Loại I, bằng cấp có trước lúc làm quan, nghĩa là đi học rồi mới làm quan. Loại II, bằng cấp có sau lúc làm quan, nghĩa là làm quan rồi mới đi học. Ông Thuyết là giáo sư tiến sĩ trước khi là ĐB Quốc hội, nên ông có bằng loại I, chỉ số IQ của ông hẳn không thể “hơi thấp”. Điều này còn thấy qua cách ông Thuyết dùng ngay cái lý lẽ tuỳ tiện này để phản đối ý kiến của ông Trần Tiến Cảnh.
3. Trước những bức xúc của các ĐB Quốc hội về những cái sai cực kỳ trầm trọng cần được xử lý, thậm chí có những cái sai liên quan tới vận mệnh dân tộc được ĐB Dương Trung Quốc nhắc lại bài học cảnh giác từ câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thuỷ,… phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nói: “Tôi đồng ý xử nghiêm. […] Nghiêm ở đây không có nghĩa sai là “chặt chém” ngay, như vậy thì hết người, không có người để làm” (Tuổi Trẻ, 13.6.2010)
Tôi giật mình. Câu này có nghĩa là hầu hết cán bộ chúng ta đều sai và làm sai nhiều quá. Và câu này còn chuyển tải một thông điệp trong con mắt của những người đứng đầu đất nước, không còn người thay thế họ để đảm trách công việc đất nước.
4. Tôi không có tầm nhìn 50 năm. Thể theo luận điểm của ĐB Trần Tiến Cảnh, tôi “hy vọng” là hiện nay chỉ số IQ – chỉ số thông minh – của người Việt Nam thấp để khỏi phải xây dựng đường cao tốc tốn 56 tỉ USD. Tôi mơ phần Hà Nội mở rộng sẽ thành một đại công viên làm nên lá phổi xanh khoẻ mạnh cho thủ đô, và chúng ta khỏi tốn một dự án 90 tỉ USD cho quy hoạch Hà Nội (ĐB Phạm Quốc Anh, VietNamNet, 4.6.2010)
Với tầm nhìn hạn hẹp, tôi mong Nhà nước đầu tư dăm bảy tỉ USD cho ngành giáo dục đại học (là quốc sách) để nhanh chóng trong vòng 20 năm nữa Việt Nam có trường đại học lọt vào tốp 200 của châu Á. Thế thôi. Như vậy con cháu chúng ta sẽ không phải è lưng è cổ kéo cày trả nợ cho những kế hoạch vĩ đại và những tầm nhìn xa nửa thế kỷ của cha ông chúng.

9 thg 6, 2010

NGHE THẢO LUẬN HIỂU THÊM VỀ ĐBQH

Hôm nay các báo đều đưa tin về phiên thảo luận hôm qua về đường sắt cao tốc Bắc - Nam hai luồng ý kiến trong Quốc hội phân rẽ rõ rệt. Cũng may không truyền hình trực tiếp để cử tri được nghe, qua đó mới thấy “dân trí” của đại biểu Quốc hội có vấn đề. Các cụ vẫn bảo dốt lại hay nói, ông TTC đại biểu (Hà Nam ) phát biểu:
“Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc. Ra nước ngoài tôi đi thử rồi. Tốc độ nhanh, an toàn, trẻ em đi học, bà mẹ đi làm... Việt Nam không phải nước nghèo, với quyết tâm chính trị, tôi đề nghị phải xây". Ông này chắc chưa biết IQ là gì, tôi xin nhắc lại:
IQ là viết tắt từ hai chữ cái đầu của từ tiếng Anh “Intelligence Quotient”, thường dịch là thương số trí tuệ hay còn gọi là chỉ số thông minh.
      
Theo tôi hiểu ông TTC chưa được học các kiến thức sơ đẳng về lôgic, với cách suy diễn của ông người Do Thái có chỉ số IQ cao nhất chắc Israel phải có đường sắt cao tốc sớm nhất. Đường sắt cao tốc có liên quan gì đến chỉ số IQ, quan trọng là vốn và điều kiện của từng nước, chả thế mà ông Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Nguyễn Minh Thuyết đa phải nói “Chỉ số IQ của tôi thấp nên tôi chắc chắn không tán thành".
Đại biểu QH mà còn như vậy, sao đại diện cho cử tri được, hệ quả kéo theo là “văn hoá ấn nút”. Những người như vậy có kéo lùi xã hội lại không nhỉ?

8 thg 6, 2010

ĐẠI HỌC VIỆT NAM ĐI VỀ ĐÂU


      Hôm nay Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học trước Quốc hội.
   Theo đánh giá của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, chỉ từ 2005 - 2009, cả nước đã có tới 200/312 trường đại học, cao đẳng được thành lập,  trong đó có 148 trường công lập, 52 ngoài công lập. Các trường ngoài công lập có vốn đầu tư ban đầu nhỏ, chủ yếu dựa vào nguồn thu học phí. Việc thành lập dễ dãi các trường đại học cao đẳng ở các địa phương khiến đầu tư bị dàn trải, manh mún. Cơ sở vật chất quá thiếu thốn, đội ngũ cán bộ giảng dạy quá yếu. Các đại biểu đã phải kêu lên “Khi thành lập trường danh sách giảng viên toàn giáo sư, tiến sĩ, nhưng tuyển sinh xong không thấy bóng dáng đâu. Có phải lừa dân không?” Không ít trường hợp danh sách giảng viên thỉnh giảng của một số trường trùng nhau, tập trung vào một số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Nhiều giảng viên dạy tới 1.000 tiết/năm trong khi đó theo quy định 260 tiết/năm
   Tổng quy mô đào tạo đào tạo, cao đẳng năm học 2008 - 2009 là 1.719.499 sinh viên, tỉ lệ sinh viên/số dân năm 1997 là 80 sinh viên/10.000 dân thì đến năm 2009 là 195 sinh viên/10.000 dân.
   Nhìn các Quốc gia Châu Á mà thấy buồn, Việt Nam không có một trường đại học nào được đứng trong 200 trường, mấy trường có tên tuổi như ĐHQGHN xếp thứ 569, ĐHBKHN xếp thứ 1364, ĐHKTQD xếp thứ 1860...
       Bảng xếp hạng ở Châu Á
Quốc gia
Số trường
Nhật Bản
56
Hàn Quốc
42
Trung quốc
40
Đài Loan
17
Ấn Độ
12
Hồng Kông
7
Indonesia
7
Thái Lan
7
Malaysia
6
Philippines
4
Singapore
2
Tổng số
200
   Hàng năm số học sinh tốt nghiệp THPT bỏ nước ra đi “du học” không phải là ít, trong số đó có nhiều con cán bộ cao cấp, rõ ràng ngay cả họ cũng không tin GD đại học ở Việt Nam, thời gian học thì dài, giáo trình không chuẩn, hiệu quả thu lại thì ít. Tôi biết có gia đình nhà không có tiền, thương con nghĩ tương lai sau này, đã phải cho thuê nhà ở mặt phố rồi đi thuê lại ở ngõ hẻm lấy tiền cho con đi du học nước ngoài. Các cháu học ở trường chuyên các tỉnh đạt giải Quốc gia (chứ không nói HN hay SG học sinh đua nhau đi du học) đã biết nghĩ đến mình tham khảo những anh chị đi trước, sớm muộn tìm nguồn học bổng để đi không hẹn ngày trở lại.
    Năm thứ ba liên tiếp, tỷ lệ sinh viên Việt Nam học ở Mỹ tăng (năm học 2007-2008: 45%, năm trước: 31%). Đồng thời, "thứ hạng" đã nhích lên 11 bậc so với 2 năm trước đó. Cha mẹ suy nghĩ như thế nào chỉ muốn cho các cháu du học ở những nước “bên bờ vực” như Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Singapo…năm 2009 hàng vạn HS đi du học ở nước ngoài, VN đứng thứ 8 số SV sang Mỹ.
  Chẳng biết học ở bên đó như thế nào, nhưng chỉ sau một năm về nghỉ hè, ai cũng khen các cháu tự tin, tiến bộ hẳn, đúng là tiền nào của ấy.
  Tôi cũng đã ra nước ngoài, và ngay trên Hà Nội thường bắt gặp các cậu “Tây ba lô” còn rất trẻ chẳng cần hướng dẫn vẫn tìm được đường đi, nơi ăn, nghỉ. Trong khi đó sinh viên mình học xong đại học cho ra nước ngoài du lịch nếu không có hướng dẫn viên chắc “botay.com”. Các đại biểu hôm nay “nói nhiều nhưng trúng ít” đừng  đổ lỗi cho ít tiền nên chất lượng đào tạo kém, tất cả do cơ chế của ta mà ra. Từ quyết định thành lập trường, giảng viên lộ cộ, “cháo chấm cơm”, mở trường là nghĩ đến thương mại, những ông chủ không biết gì về giáo dục. Buồn hơn nữa là đại học tại chức “đầu vào thế nào đầu ra như rứa”, không biết bao nhiêu sinh viên học giả bằng thật. Cán bộ thi cao học mang tài liệu vào phòng thi là chuyện bình thường, chẳng may bắt được ai người ấy phải chịu. Ông Nguyễn Lân Dũng hôm nay nói mạnh quá “hãy đừng để dốt chuyên tu, ngu tại chức” nhiều vị ngồi trong hội trường giật mình.
 Cuối cùng Phó Thủ tưởng Nguyễn Thiện Nhân có lời kết luận
"Bộ sẽ tập trung đổi mới trong khâu quản lý - quản lý nhà nước cũng như quản lý trường - trong 3 năm từ giờ đến 2012, giáo dục đại học sẽ tốt lên"
 
  Hồi còn làm Bộ trưởng ông từng nghĩ ra nào là chống bệnh "thành tích", hai vạn tiến sĩ... những việc lớn vẫn chưa làm xong, cả xã hội ầm lên thầy đổi tình lấy điểm, trò tạt axit vào thầy... thế mà hai năm nữa giáo dục sẽ tốt lên thử hỏi ai tin được? Hãy đợi đấy!


4 thg 6, 2010

Một góc nhìn về những chuyện dân gian ngày xưa

Mỗi lần gặp N bạn cùng học phổ thông, lại thấy anh phát hiện một vấn đề “mới” trong các truyện dân gian, có lần anh bảo Thị Mầu là người đại diện cho lớp trẻ, thể hiện đúng bản năng con người quyền tự do, “quyền được yêu” và yêu hết mình, còn Thị Kính là người có lòng từ bi hoá thân của Bồ Tát, chỉ biết cam chịu, thiếu trung thực giả dạng nam nhi đến chùa Vân để tu hành, “lừa” cả trên đất Phật, bạn bè tôi bảo N là “lập dị” tôi không nghĩ là vậy. Sau khi đi bộ đội về anh làm thơ viết truyện ngắn, đã được đăng báo Trung ương, in hai tập truyện ngắn và thơ toàn để tặng bạn bè.
Anh cho rằng truyện Lưu Bình Dương Lễ là nhẫn tâm, không đúng lời răn của đạo Phật, nếu bây giờ sẽ khép vào vi phạm bạo lực. Truyện Lưu Bình Dương Lễ là truyện thơ Nôm khuyết danh của Việt Nam , gồm 788 câu lục bát. Câu chuyện này đã được chuyển thể sang chèo, cải lương và dựng phim. Ngày còn nhỏ tôi đã từng theo ông chú đi ra sân đình xem biểu diễn.
“Lưu Bình và Dương Lễ là hai người bạn tâm giao từ thuở nhỏ. Dương Lễ nhà nghèo, còn Lưu Bình con nhà giàu có, nghĩ đến tình bạn Lưu Bình đem bạn về ăn cùng mâm, ở cùng nhà, học cùng đèn, tình bạn hữu rất là tương đắc. Dương Lễ biết phận mình nhà nghèo nên chăm chỉ học hành, còn Lưu Bình cậy mình có của nên lười biếng, ham chơi. Ðến khoa thi, Dương Lễ thi đậu được bổ ra làm quan, còn Lưu Bình hỏng thi nên sinh ra chán nản, ăn chơi, thi lần thứ hai không đỗ, tiền của khánh kiệt, lang thang. Sực nhớ đến bạn ngày xưa là Dương Lễ nên tìm đến để nhờ giúp đỡ. Dương Lễ lánh mặt không tiếp, dọn cơm hẩm với đĩa cà thâm để đãi, có vẻ khinh bạc. Lưu Bình tức giận tủi nhục ra về hẹn ngày báo oán. Dọc đường ghé lại quán trọ, quen với một thiếu phụ tên là Châu Long đang kén chồng. Nghe Lưu Bình thi hỏng, Châu Long tìm lời an ủi, động viên khuyên nhủ, nàng lo liệu mọi việc để cho Lưu Bình yên tâm ăn học, giao hẹn khi nào thi đỗ mới tính việc vợ chồng. Trai tài gái sắc cùng sống chung một nhà, có khi Lưu Bình không nén được lòng, muốn cùng ân ái, Châu Long cương quyết từ chối, nhắc lại lời giao hẹn lúc mới gặp nhau. Nhờ sự khuyến khích giúp đỡ của Châu Long nên Lưu Bình ráng sức học hành tiến bộ, khoa thi năm đó thi đỗ cao. Trở về nhà thì không thấy Châu Long đâu nữa. Hỏi thăm khắp nơi không ai biết nàng ở đâu, Lưu Bình cũng không hiểu vì sao Châu Long lại ra đi vào lúc mình đã công thành danh toại, nên đâm ra lo lắng, đau khổ, nhớ thương.
Lưu Bình tìm đến thăm Dương Lễ để mắng mỏ mấy câu cho hả giận. Dương Lễ vui vẻ đón tiếp. Lưu Bình toan mở miệng mỉa mai trách móc, thì bỗng thấy Châu Long từ trong bước ra chào. Dương Lễ mới giới thiệu nàng là thiếp thứ ba của mình. Lưu Bình hiểu ngay rằng trước đây Dương Lễ sở dĩ bạc đãi là để khích khí mình, sợ mình không có nơi nương tựa mà bê trễ việc học hành, rồi sai vợ lẽ là Châu Long thay mặt đi giúp đỡ mình ăn học cho thành tài. Từ đó Lưu Bình và Dương Lễ sống với nhau thân tình, khắng khít hơn xưa.
Một câu chuyện đầy cảm động, tình bạn cao cả đẹp như trong mơ. Kể ra thì cũng đúng. Về đạo lý giúp bạn để thành công dù có hắt hủi vẫn tốt hơn là nuông chiều những thị hiếu thấp kém của bạn. Có điều biện pháp để Dương Lễ thực hiện tình bạn cao cả với quan niệm của đạo Phật là không hợp, vi phạm vào điều răn, có thẻ nói quá là man rợ, nó được đánh đổi bằng tình vợ chồng. Ai chả biết câu nói cửa miệng chỉ mối quan hệ nam nữ theo quan niệm của nho giáo “nam nữ thụ thụ bất thân” giữa cái cho và cái nhận của hai người khác giới, chính vì thế Châu Long trước khi đi đã thành thật nói với chồng “Thiếp e lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” Nhưng Dương Lễ vẫn quyết để nàng ra đi. Ngay cả khi Châu Long chỉ là một người vợ lẽ hay một nàng thiếp đi nữa thì dùng cuộc đời nàng để thể hiện tình bạn của mình cũng là một điều tuyệt đối không nên. Châu Long bị biến thành một công cụ, nàng không những bị tước quyền làm vợ hay làm thiếp mà còn bị tước cả quyền làm người. Nếu cho rằng đề cao tình bạn thì, mặt khác lại thể hiện một cái nhìn coi thường phụ nữ. Trong xã hội ngày nay đề cao sự bình đẳng của phụ nữ, câu chuyện rõ ràng trở thành lỗi thời, nó không còn mang ý nghĩa giáo dục. Nếu không muốn nói, ngược lại.
Song câu chuyện Lưu Bình Dương Lễ có những điểm phù hợp với tinh thần của Chúa Giêsu:
Thứ nhất, tình bạn cao quý giữa hai người. Lưu Bình tuy giàu nhưng không quên Dương Lễ lúc hàn vi. Và khi Dương Lễ giàu sang, thế lực cũng không quên ơn Lưu Bình.
Thứ hai, tình bạn phải có sự hy sinh. Lưu Bình hy sinh tiền bạc để giúp bạn. Sau này Dương Lễ hy sinh danh dự, chịu để Lưu Bình nghĩ xấu về mình, và hy sinh một người thiếp để thay mặt mình chăm sóc cho Lưu Bình.
Thứ ba, tình bạn phải tích cực, phải giúp nhau đi lên. Dương Lễ có thể cung cấp chu đáo cho Lưu Bình về mọi mặt, nhưng nếu làm như vậy Lưu Bình vẫn ỉ lại sự giúp đỡ đó mà không cố gắng vươn lên. Do đó, Dương Lễ phải dùng đến "xỉ nhục kế" để Lưu Bình vì tự ái mà chăm chỉ học hành và đã thành đạt.

MUỐI


Một chàng trai trẻ đến xin học một ông giáo già. Anh ta lúc nào cũng bi quan và phàn nàn về mọi khó khăn. Đối với anh, cuộc sống chỉ có những nỗi buồn, vì thế học tập cũng chẳng hứng thú gì hơn.

Một lần khi chàng trai than phiền về việc mình học mãi mà không tiến bộ, người thầy im lặng lắng nghe rồi đưa cho anh một muỗng muối thật đầy và một ly nước nhỏ.
- Con cho muỗng muối này vào ly nước và uống thử đi. Lập tức chàng trai làm theo rồi uống thử.
- Ly nước mặn chát. Chàng trai trả lời.
Người thầy lại dẫn anh ra một hồ nước gần đó và đổ một muỗng muối đầy xuống nước. Bây giờ con hãy nếm thử nước trong hồ đi.
- Nước trong hồ vẫn vậy thôi, thưa thầy. Nó chẳng hề mặn lên chút nào.
Chàng trai nói khi múc một ít nước dưới hồ và nếm thử.
Người thầy chậm rãi nói: "Con của ta, ai cũng có lúc gặp khó khăn trong cuộc sống. Và những khó khăn đó giống như muỗng muối này đi. Mỗi người sẽ hoà tan nó theo một cách khác nhau. Những người có tâm hồn rộng mở giống như một hồ nước thì nỗi buồn không làm họ mất đi niềm vui và sự yêu đời. Nhưng với những người tâm hồn chỉ nhỏ như một ly nước họ sẽ tự biến cuộc sống của mình trở thành đắng chát và chẳng bao giờ học được điều gì có ích".
(Sưu tầm)

2 thg 6, 2010

Nhớ bài thơ cũ

Bài thơ “Nghỉ hè” của thi sĩ Xuân Tâm viết từ năm 1941, đã từng đạt giải nhất trong cuộc thi của báo "Bạn đường", được giới thiệu trong "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh - Hoài Chân. So với bây giờ không thể gọi là hay, nó chỉ mộc mạc giản đơn.
Bài thơ cũng được chọn in trong sách giáo khoa của nhà trường ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 để cho các em học sinh học thuộc lòng.
Ngày xưa những gia đình khá giả ở các tỉnh lẻ thường cho con về Hà Nội và các thành phố lớn để học, sau một năm học được trở về làng quê bay nhảy, học sinh được nghỉ đúng “ ba tháng hè”. Ước gì học sinh bây giờ được như vậy bởi “ai chở mùa hè của em đi đâu ?”. Nhà trường, thầy cô, bố mẹ chỉ cho các cháu được nghỉ một tuần rồi lại bắt học thêm. Càng thương cho các cháu học sinh ngày nay.

NGHỈ HÈ

Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết,
Ðoàn trai non hớn hở rủ nhau về.
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ!

Một nét mặt, trăm tiếng cười rộn rã
Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu
Chờ đêm nay; sáng sớm bước lên tàu
Ăn chẳng được, lòng nôn nao khó ngủ.

Trong khoảnh khắc sách, bài là giấy cũ.
Nhớ làm chi, Thầy Mẹ đợi, em trông.
Trên đường làng huyết dụ nở thành bông,
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.

Kiểm soát kỹ có khi còn thiếu sót;
Rương chật rồi, khó nhốt những niềm vui.
Tay bắt tay, hồn không chút bùi ngùi,
Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng.
1941

1 thg 6, 2010

Thầy và trò

Như thường lệ mỗi khi ăn tối xong ông lại ngả lưng trên chiếc ghế phô-tơi để theo dõi chương trình thời sự trên Đài truyền hình, bên cạnh là cuốn sổ ông ghi chép những tin ông cho là hay trong nước cũng như quốc tế một việc làm để chống sức ì của trí tuệ, đồng thời thêm sự hiểu biết đôi lúc giúp mọi người. Nghe có tiếng gõ cửa ông quay lại nhận ra cô con dâu, ông ngạc nhiên vì không mấy khi thấy cô đến phòng ông vào giờ này. Ông vội vàng bảo:
- Con vào đi.
- Thưa bố, con có việc muốn nói chuyện với bố và nhờ bố giúp chúng con. Ông nhìn cô và nói:
- Có việc gì thế? Cô khép cửa và ngập ngừng nói với ông;
- Bố ạ, sáng nay đứa bạn con dạy ở trường Lê Văn Tám cho biết cháu Dũng không có danh sách trong lớp A, nghe tin này con buồn quá, lúc về con qua trường xem đúng là như vậy.
Ông đứng dậy đi lại bên chiếc bàn uống nước và tắt tivi. Quay lại với vẻ ngạc nhiên nói với cô:
- Hôm trước cháu Dũng cho bố xem giấy báo trúng tuyển, điểm thi vào trường ghi rõ xếp thứ 41, lớp chọn A vẫn thường lấy 45, 50 học sinh sao cháu lại không có danh sách?
- Con hỏi giáo vụ cháu được vào lớp chọn nhưng ở lớp C, việc này con chưa nói với cháu Dũng nhưng ngày mai chắc bạn bè cháu sẽ thông báo cho nhau cháu sẽ biết. Ông chậm dãi nói:
- Bố nghĩ có thể đây là sự nhầm lẫn, điều đó không tránh khỏi của Hội đồng tuyển sinh khi xếp danh sách, hoặc bây giờ có nhiều phụ huynh muốn con vào lớp chọn A nên trường lại đặt lớp A thành lớp C để phụ huynh khỏi làm phiền hà;
- Đã từ lâu vợ chồng con, cũng như cháu Dũng có nguyện vọng thi đại học khối A để theo nghề của nhà con, cháu học giỏi Toán nên vào lớp chọn A có điều kiện hơn. Ông trầm ngâm suy nghĩ rồi cất tiếng hỏi:
- Thế bây giờ các con định thế nào?
- Chuyện này con chưa nói với nhà con vì anh ấy đi công tác đầu tháng mới về, ngày mai con muốn bố đến trường gặp thầy Thành hiệu trưởng nhà trường trình bày xin chuyển cháu về lớp A, đứa bạn con bảo học sinh chuyển lớp chọn đều qua thầy hiệu trưởng cả.
Hiệu trưởng nhà trường là học sinh ông chủ nhiệm trước khi ông nghỉ hưu, năm ấy lớp ông chủ nhiệm đỗ đại học gần một nửa đứng đầu toàn trường, mặc dù ông chỉ dạy môn Giáo dục công dân nhưng ông rất vui, Thành đỗ vào Khoa toán Đại học sư phạm, ông vẫn nhớ hai bố con Thành đến chào và cám ơn ông trước khi lên trường, không những vậy ông dạy cả chị gái Thành, hiện nay công tác ở Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm nào cũng gửi thư chúc mừng ông.
Từ ngày vợ ông mất, rất ít khi ông ra khỏi nhà, hàng ngày làm bạn với mấy tờ báo và những quyển sách cũ, thỉnh thoảng qua lại phòng Dũng trò chuyện và xem cháu học bài, ông quan niệm Dũng không chỉ là cháu nội mà còn như bạn tâm tình hàng ngày. Đầu tháng ông chỉ đến sinh hoạt chi bộ, mọi người vận động ông tham gia công tác xã hội cho vui, ông chỉ nhận tham gia Hội khuyến học của xã. Hè vừa rồi học sinh cũ làm Giám đốc một công ti ở Sài Gòn ra ngoài Hà Nội công tác, mua vé máy bay mời ông đi chơi ở Thành phố Hồ Chí Minh ông lấy lý do từ chối:
-Tuổi già đến chỗ không quen khó ngủ lắm, không ngủ được là ốm, chẳng may làm sao khó cho các anh các chị, thỉnh thoảng về thăm thầy thế này là vui rồi.
Cô biết tính ông không muốn phiền ai, rất ngại phải đi nhờ vả một công việc nào đó dù người ấy là thân quen, kể cả khi ông còn dạy học. Cô con dâu nói tiếp:
- Bạn con bảo mấy hôm vừa rồi thầy hiệu trưởng đã giải quyết mấy trường hợp ở bên Uỷ ban huyện và Sở Giáo dục gì đó.
Ông lắng nghe và thong thả nói:
- Con nói như vậy là thực lòng, có người nói chuyện vào lớp chọn ở các trường bây giờ quá nhiều tiêu cực bố không tin toàn những chuyện đồn đại. Ông rót nước đưa cô và nói tiếp:
- Những năm qua bố biết các con luôn quan tâm đến bố, nhưng không quên chăm sóc lo lắng học hành cho cháu Dũng, bố nghĩ cháu Dũng được học lớp chọn C của trường cũng tốt, chắc nhà trường cũng phải tính toán, việc tuyển học sinh vào lớp chọn nhà trường phải đưa ra tiêu chí cụ thể. Bây giờ yêu cầu phải học toàn diện, chứ đừng chỉ chú trọng mấy môn thi đại học, thậm chí gần đây có trường còn ngoại khoá cho học sinh về kỹ năng sống, để khi ra trường các cháu hoà nhập với xã hội. Việc sang trường gặp thầy Thành bố không từ chối, theo bố con nên hỏi ý kiến cháu Dũng xem cháu nó muốn thế nào?
Gần hai mươi năm sống trong gia đình, ông không chỉ là bố chồng mà còn là người thầy giúp đỡ cô rất nhiều, cô thường nói với mọi người trong cơ quan “bố chồng mình một con người tuyệt vời, trong sinh hoạt hàng ngày không tìm thấy điểm xấu của ông từ việc làm tới phát ngôn, kể cả trong suy nghĩ, đúng nghĩa là tấm gương sáng”.
Chính vì những điều đó cô luôn kính trọng ông, hàng ngày đi làm về cô luôn thể hiện là con dâu ngoan ngoãn hiếu thảo, người vợ, người mẹ dịu hiền.
Nghe ông nói vậy cô hiểu ông đã “xuống thang” vì thương con cháu, cô chỉ nói:
- Vâng, con sẽ nói với cháu. Bố nghỉ đi kẻo mệt. Cô đứng dạy khép cửa bước ra ngoài. Ông nhìn theo thở dài.
Cả đêm qua hết nằm, lại ngồi có lúc trở dậy đi lại trong phòng nhưng vẫn không ngủ được. Ông nghĩ tới người vợ một đời vất vả, hết lòng vì chồng con, đến lúc được sung sướng lại bỏ ông ra đi. Thời gian ông ở chiến trường một mình bà nuôi dạy hai con lại vừa đi học, khi ông trở về cháu nhỏ đã vào lớp 1.
Ông luôn tự hào về hai đứa con ông đều học tốt, ngày xưa trường không có lớp chọn ít có điều kiện học thêm, cả hai bố mẹ là là giáo viên, với chế độ tem phiếu ăn không đủ no, thi đại học khó khăn là vậy mà đứa nào đi thi cũng đỗ điểm cao. Những lúc đông vui ông thường kể cho các con nghe cuộc sống thời bao cấp dù thiếu thốn nhưng cũng rất vui. Ông vẫn còn nhớ khi được phép dạy thêm cả tháng hè năm đó ông dành mua chiếc màn tuyn và cái vỏ chăn con công mà vợ ông mong ước. Bây giờ hai đứa đã trưởng thành, anh con trai tốt nghiệp bách khoa đang làm trên thành phố, cô con gái dạy ở trường đại học trên Hà Nội.
Sáng ra chưa đến giờ làm việc ông đã đi xe ôm tới cổng trường, người bảo vệ nhận ra mời ông vào phòng đợi. Đến gần trưa thầy hiệu trưởng đến, ông đi cùng Thành vào phòng hiệu trưởng, bước vào phòng ông thấy khác lạ quá, chẳng khác gì phòng của các giám đốc mà ông vẫn thấy trong phim Việt Nam, trên bàn làm việc có tấm biển với dòng chữ “Hiệu trưởng thạc sĩ Trần Thành”
- Chúc mừng tân thạc sĩ, hôm nay tôi mới biết
- Thưa thày em mới bảo vệ được hai tháng, em theo học lớp thạc sĩ quản lí do tỉnh mở, khi nào nhận bằng em sẽ mời thầy đến dự. So với các thầy chúng em còn phải học nhiều.
- Tôi thấy các em đã làm được nhiều việc mà chúng tôi ngày xưa chưa làm được. Trường khang trang sạch đẹp, cái cổng trường to như cổng làng ngày xưa. Trường nhiều năm đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc, lại sắp được công nhận trường chuẩn Quốc gia.
Hai thầy trò ngồi ôn lại những kỉ niệm cũ, Thành kể những câu chuyện đầy cảm động mà ông đã dành cho cho học sinh lớp chủ nhiệm, chính ông cũng không nhớ. Cứ mải chuyện ông sực nhớ ra việc chính mà ông đến trường, ông trao đổi với Thành chuyện của cháu Dũng. Thành nói với ông:
- Thầy cứ ngồi đây em hỏi giáo vụ xem thế nào? Một lúc sau Thành quay lại và nói:
- Thưa thầy, em trực tiếp xem trường hợp cháu Dũng: Cháu có điểm thi vào trường cao, học lực lớp 9 xếp loại giỏi, điểm tổng kết ba môn Ngữ văn, Toán, và Ngoại ngữ xếp thứ hai, ba môn Toán, Lý, Hoá cháu xếp thứ 15 trong số học sinh đỗ vào trường nên Hội đồng tuyển sinh xếp em vào lớp chọn C. Ngập ngừng một lúc Thành nói tiếp:
- Thầy về nói với bố mẹ cháu và động viên cháu học ở lớp C, chúng em coi đây là hạt giống quí của trường. Từ ngày có Chuyên ban rất ít học sinh vào học Ban Xã hội, những em này còn giúp nhà trường thi học sinh giỏi các môn Văn, Sử, Địa, nếu không có giải Sở không xếp trường mình đạt tiên tiến em lo lắm.
Nói như vậy ông còn nói gì nữa, ông không muốn làm khó cho ai, nhất lại là học sinh và tập thể trường. Thành mời thầy đi ăn cơm trưa thầy bảo:
- Tôi cám ơn, hồi này tôi ăn uống kém không mấy khi đi ăn cỗ. Hẹn em dịp khác, việc cháu Dũng em không phải suy nghĩ tôi sẽ về nói với mọi người.
Ông kể với cô con dâu những gì Thành trao đổi sáng nay. Cô im lặng một lát rồi nói:
- Vâng, con cám ơn bố nhưng bố không nói gì với cháu Dũng.
Nói vậy cô đến nhà cô bạn cùng học phổ thong ngày xưa, nay là giáo viên của trường vừa khóc vừa kể lại chuyện cháu Dũng. Cô bạn nhìn thẳng vào mắt cô và nói:
- Thôi được tao giúp mày chiêu này, sẽ hạ nốc-ao lão ta.
Cô kể tất cả những gì được biết về lớp chọn của trường. Hàng năm do “cung” và “cầu” nên trường hình thành hai lớp chọn dành cho học sinh thi đại học khối A gọi là A1, A2 và một lớp chọn C, không mấy học sinh thích vào học lớp chọn C, chính vì thế hai lớp chọn A thường “nóng” hơn nhiều, hai phần ba số học sinh trong lớp chọn theo tiêu chuẩn quy định của Hội đồng tuyển sinh, số còn lại dành cho con giáo viên trong trường và “đối ngoại”. Mọi trường hợp "đối ngoại" do thầy hiệu trưởng giải quyết, xung quanh việc này có bao nhiêu chuyện xì xèo trong trường, nhưng chỉ một thời gian rồi cũng qua đi chẳng ai muốn nhớ. Cô nghe mà lạnh cả người , không nghĩ rằng trường trung học phổ thông cấp huyện lại có nhiều chuyện phức tạp như vậy. Nghe hết câu chuyện cô nói với bạn:
- Tao sợ lắm, tao không làm được, chưa làm thế bao giờ, ông ấy không nhận thì sao? Cô bạn nổi khùng và bảo:
- Việc này chỉ có mày làm, không ai được thay mày, lão ta không muốn có người trung gian và cấm không được cho bố chồng mày biết chuyện này. Được hay không là ở mày đấy.
Nghe cô bạn nói, cô đành nhắm mắt làm theo. Cô mua một túi quà và bỏ vào đó chiếc phong bì ba triệu đồng và đến thăm thày hiệu trưởng.
Hai hôm sau cô vừa đi làm về, bố chồng cô đã chờ sẵn ở cửa, với vẻ mặt tươi cười khác với mấy ngày qua:
- Thầy hiệu trưởng chiều nay điện cho bố thông báo cháu Dũng đã chuyển về học ở lớp A và không quên nhắc cháu học đều các môn, nếu được cử đi thi học sinh giỏi các môn xã hội nhớ phải tham gia đấy,
Cô khẽ trả lời;
- Vâng, con cám ơn bố. Cô cúi xuống và dắt xe vào nhà.
Cô thấy xót xa thương cho ông tóc đã bạc mà vẫn bị học sinh cho qua mặt, nhưng cô thấy lo hơn khi con trai mình phải học ở ngôi trường có người thầy như vậy, không hiểu cháu có biết không?
Bây giờ cô mới thấy sức mạnh của đồng tiền mà bấy nhiêu nay cô hiểu giản đơn tiền chỉ dùng để chi tiêu và trao đổi hàng hoá.
Hà Nội tháng 11-2009

Tiếng nấc

Chị đã bước sang tuổi bốn lăm, tóc đã điểm những sợi bạc. Thời gian này chị có gầy đi nhưng vẫn giữ được nét đẹp dịu dàng, đôn hậu, kiêu sa của một người thiếu phụ có học. Với vẻ đẹp của chị mấy năm trước, nhiều chị em trong trường đã phải thốt lên:
- Mày xinh đẹp như vậy, là phụ nữ tao còn mê huống chi bọn đàn ông.
Thường những người phụ nữ nhan sắc, tài ba tục ngữ có câu “Hồng nhan bạc mệnh” có phải vì thế nên chuyện tình duyên trắc trở nó đã theo đuôỉ chị suốt đời.
Chị sinh ra và lớn lên ở một thị xã miền trung du, bố chị là ông Đồ Nghệ ra ngoài này dạy học, lấy cô giáo cùng trường rồi lập nghiệp tại đây, cái thị xã nhỏ bé này dù chỉ là quê ngoại nhưng cả tuổi thơ cũng như những năm học đại học gắn bó với chị, bao nhiêu kỷ niệm vui buồn đã in sâu vào trí nhớ, mỗi khi cả nhà xum họp hay gặp lại các bạn tuổi ấu thơ cùng học ngày xưa chị kể vanh vách như mới ngày hôm qua.
Được thừa hưởng cái gen của bố, khi còn là sinh viên chị đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, lại có đề tài khoa học được đánh giá cao ở trường. Thầy Chủ nhiệm lớp đại học không như thầy chủ nhiệm ở phổ thông, nhưng thầy thường xuyên đến thăm chị ở kí túc xá, đồng thời trao đổi nội dung sinh hoạt seminer hàng tháng cho sinh viên trong khoa hoặc đưa chị mượn giáo trình để tham khảo, với linh cảm của một thiếu nữ chị biết thầy yêu mình, mấy cô bạn cùng phòng không nói, nhưng những biểu hiện họ tỏ ra ghen tức với chị. Nhiều lần chị lảng tránh lấy lý do để không muốn gặp thầy. Song cái gì đến nó sẽ đến, hôm ấy thầy đến chơi các bạn cùng phòng đi vắng, khác với mọi lần ngồi rất lâu mà chẳng nói gì, khi về thầy gửi chị cuốn sách trong đó có lá thư:
“Em thân yêu! Chắc em không khỏi ngạc nhiên khi nhận lá thư này, thời gian cũng đã đủ để anh nói với em: Anh rất yêu em, em hãy tin điều đó là sự thực. Anh luôn mang hạnh phúc đến cho em và cùng em đi hết cuộc đời này”.
Chị gấp thư và đi lại bên cửa sổ, ngoài trời một không gian mênh mông với ánh sáng nhạt nhoè được hắt lên từ ngọn đèn dưới sân. Chị im lặng thở dài.
Chị biết thầy là người của công việc, thời gian hàng ngày dành cho nghiên cứu khoa học và lên lớp, khu tập thể cán bộ giảng dạy chỉ có thầy ăn bếp ăn tập thể cùng sinh viên, thầy bảo ra chợ rất ngại không biết mua bán. Mấy lời tỏ tình ấy cũng đủ hiểu thầy yêu chị như thế nào, bao nhiêu lần gặp nhưng chưa một lần trái tim chị dung động trước thầy.
Thầy đâu có biết, lúc đó chị đang yêu một cậu cùng lớp hơn chị chưa đầy một tuổi, họ yêu nhau say đắm, suốt ngày bên nhau tưởng như trên đời này chỉ có họ mà thôi, không có sức cản nào làm xa rời được đôi uyên ương ấy. Năm cuối ở đại học hai người đã công khai với gia đình và bạn bè hẹn, báo cáo với tổ chức khoa xin về cùng nơi công tác, sau đó làm lễ cưới.
Tốt nghiệp đại học, chị về dạy học quê bạn trai bên bờ sông Luộc. Cả nhà đều thương và lo ngại cho chị, vừa phải đi xa lại ở vùng quê nơi mà không có một người thân. Dù là chị cả nhưng từ nhỏ đến giờ chưa hề biết lo toan vất vả, mọi việc ở nhà đều do mẹ làm. Hôm nhận quyết định, cả bố mẹ xuống tận trường sắp xếp nơi ăn nghỉ cho chị, lúc chia tay hai mẹ con ôm nhau không muốn rời xa.
Về đây, dù là giáo viên cấp 3 nhưng cuộc sống của mọi người lúc đó đầy khó khăn vất vả. Chả thế mà có giai thoại được truyền nhau vừa buồn cười nhưng không khỏi chạnh lòng, trên bảng tin của cửa hàng thực phẩm ghi:
"Ô 01 tháng 1 bìa C, D mọi cán bộ công nhân kể cả giáo viên được mua thêm 2lạng thịt"
Tháng nào cũng vậy chưa hết tháng đã không còn tiền, mỗi khi về nhà bao giờ chị cũng xin mẹ khi thì lạng mì chính, hay túi cá khô, lúc thì can dầu đốt. Cuộc sống thiếu thốn vậy nhưng ai cũng vui chẳng thấy kêu ca, gặp nhau là cười đùa.
Hết một học kỳ, bạn trai của chị xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động ở Nga, ban đầu chị khóc và phản đối dữ dội, nghe mọi người phân tích và được thấy những người đi "Tây" thường xuyên gửi hàng hoá về giúp đỡ gia đình, cuối cùng chị cũng để anh đi. Sau hai năm chờ đợi chị nhận được tin anh đã lấy vợ người Hà Nội cùng làm bên đó, bỏ việc đi buôn bán quần áo.
Tin ấy làm chị gục ngã tưởng như không vượt qua được, nhiều lúc chị không tin cho đây chỉ là giấc chiêm bao, cả tháng chị không ra khỏi nhà, niềm vui của chị chỉ còn là các em học sinh, và những bức thư động viên an ủi của cô em gái gửi ra cho chị. Mỗi khi đêm về gối chị thấm đầy nước mắt…
Đã có lúc chỉ định bỏ dạy học để về nhà. Thời gian đó một anh bộ đội chuyển ngành làm cán bộ vật tư, cháu ông Phó chủ tịch huyện đến tìm hiểu và là chồng chị sau này. Tối nào anh cũng đến chơi, mỗi khi về thăm bố mẹ, anh làm "tài xế" đưa đón chị ra bến xe của tỉnh. Mấy tháng sau anh ngỏ lời yêu chị, dù chị chẳng hề yêu, nhưng “mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng chị buông xuôi nhận lời lấy anh.
Công việc của chồng chị lúc đó hàng ngày giao nhân vật tư, mặc dù không học hành gì chỉ là anh bộ đội chuyển ngành nhưng thu nhập gấp bốn, năm lần lương chị mà chẳng vất vả đi đâu xa, thời buổi “xin và cho” chỉ một chữ ký cũng bằng cả tháng lương. Cưới nhau chưa đầy một năm vợ chồng chị đã xây được nhà, cuộc sống của chị là mơ ước của nhiều giáo viên trong trường. Hàng ngày chị đi dạy học, không phải lo gạo, thực phẩm, chất đốt… là những mặt hàng chiến lược của thời bao cấp, chỉ có điều chị thường xuyên phải nghe những câu:
- Hôm nay em thích ăn thịt nuộc hay thịt quay để anh mua?
- Em đừng phải no nghĩ nàm gì cả cứ để đấy cho anh!
- A nô ai gọi đấy...
Mỗi khi nghe những câu như vậy chị chỉ muốn bịt tai, dù đang vui cũng tan biến. Đã thế khi cùng chị đi chơi với bạn bè anh lại hay nói, mọi người hiểu được chỉ cười như để an ủi chị. Song khổ nhất với chị là chuyện "chăn gối", nhiều đêm chị cứ vờ soạn bài, làm việc chờ anh đi ngủ trước, rồi chị mới vào giường, nửa đêm anh vùng dậy như con thú khát mồi, chị chỉ biết cắn răng, ràn rụa nước mắt.
Ông trời như hiểu và thương chị, cho chị hai đứa con giống mẹ nhiều hơn giống bố, học giỏi chăm ngoan, đứa con gái lớn đã vào Đại học. Cháu rất hiểu và thương chị, mỗi khi ở trường về hai mẹ con lại bên nhau thủ thỉ đến gần sáng. Mỗi lần cháu ở trường về đều nói với chị:
- Mẹ đừng buồn, có hai chị em con là hạnh phúc của mẹ rồi, sau này con sẽ ở với mẹ. Chị chỉ cười ôm con và nước mắt chảy ra.
Cơ quan chồng chị thu nhập không còn được như trước. Do cơ chế thị trường xoá bỏ bao cấp, công việc ít cán bộ lần lượt thay nhau nghỉ hoặc tự tìm nguồn hàng mua đi bán lại để có lãi chia nhau, sau nhiều ngày chống chọi cuối cùng cơ quan giải thể và anh được nghỉ mất sức.
Sau ngày nghỉ việc chồng chị không nghề nghiệp chẳng biết làm gì, có ít tiền phụ cấp chế độ trước khi nghỉ, anh cùng với mấy người bạn đi nhập phân đạm và thuốc trừ sâu về bán, được mấy chuyến đầu mua bán dễ dàng, chuyến sau không có giấy tờ chứng minh nguồn hàng Ban quản lý thị trường tịch thu hết, thế là trắng tay. Cả nhà chỉ còn trông vào đồng lương của chị, không còn đường nào khác chị liều về quê vay tiền bố mẹ mua máy khâu để làm thêm, sáng đí dạy chiều về nhận may gia công hoặc may quần áo trẻ em giao cho các bà bán ngoài chợ công rẻ mạt, thu nhập chẳng đáng là bao chỉ đủ để mua ra.
Mấy năm sau dạy thêm không còn cấm đoán, học sinh đến học chị ngày một đông, hàng tháng chị thu nhập chính bằng dạy thêm, đã mua sắm được nhiều đồ dùng đắt tiền, tiện nghi sinh hoạt trong nhà đầy đủ, bây giờ bọn trẻ trong trường lại mơ ước có một gia đình như chị .
Chồng chị ngày càng thay đổi, thể hiện rõ bản chất của người ít học, không còn chăm chút cho chị như ngày xưa nữa, không mấy ngày là không đi cùng bạn bè uống rượu, có hôm say nằm ngay ngoài đường, chị lại phải ra đón về. Nhiều lần hàng tháng anh và chị không nói với nhau một câu, chị lầm lũi đi về như cái bóng.
Vào một buổi trưa chị vừa nằm nghỉ để chiều đi dạy, tiếng chuông điện thoại reo lên linh tính như có điều chẳng lành, từ đâu dây bên kia một giọng nói vội vàng:
- Chị ra ngay bệnh viện anh bị cảm bọn em đưa anh nằm ngoài đó.
Chị choàng dậy hốt hoảng dắt xe lao đi vừa đến cổng bệnh viện mấy người bạn của anh chạy lại dắt xe cho chị và đưa chị vào phòng cấp cứu.
Chị chỉ còn nhận ra chiếc áo sơmi anh mặc, cả người anh dính đầy máu, mọi người vây xung quanh, cô y tá đang lau những vết máu trên mặt. Chị chạy lại bên anh chỉ thốt lên được một câu:
- Sao thế này. Rồi chị gục xuống bên gường.
Hôm đó anh cùng mấy người bạn rủ nhau đi uống rượu trên thị trấn, trên đường về anh bị tai nạn giao thông.
Chị ngồi bên quan tài, ôm chặt hai đứa con như không muốn rời ra. Chị gào, chị hét, chị khóc cho đến khi không còn nước mắt. Chị chẳng còn tâm trí nào để cảm tạ những người đến viếng. Họ nhìn chị với ánh mắt đầy xót xa.
Có phải chị khóc thương anh hay khóc thương cho chính bản thân mình?
Từ nghĩa trang về nhà chị như cái xác không hồn, người ta phải đi bên dìu chị. Đến cửa chị kịp nhận ra thầy Chủ nhiệm và các bạn sinh viên năm xưa, thầy đưa tay đỡ chị vào nhà. Chị nấc lên và ôm lấy thầy:
- Thầy ơi số em khổ thế!