Bài đăng lại trên Báo điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Ba điều ước đối với giáo dục Việt Nam
PV-Nhân Bộ Giáo dục- Đào tạo có Bộ trưởng mới, trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Tổ Quốc, Giáo sư Hoàng Tuỵ nêu ba điều ước đối với giáo dục Việt Nam.
Gặp ông trong căn nhà riêng tại phố Đội Cấn. Mái tóc bạc, đôi tai không còn được “chuẩn” nhưng đôi mắt vẫn tinh anh, trí tuệ vẫn minh mẫn và vẫn tâm huyết với giáo dục. Có lẽ, chỉ những người thuộc thế hệ như ông mới trăn trở với giáo dục nhiều đến thế, mới lo cho nền giáo dục nước nhà đến thế. Đã có những lúc ông hy vọng rồi lại thất vọng và giờ, lại bắt đầu hy vọng. Bộ GD-ĐT có tân Bộ trưởng, tuy ông biết làm giáo dục bây giờ “khó hơn” ngày xưa rất nhiều nhưng ông cũng vẫn rất hy vọng giáo dục sẽ có nhiều chuyển biến. Ông chính là GS.Hoàng Tụy.
Bộ GD-ĐT có bộ trưởng mới, giáo sư có kỳ vọng giáo dục sẽ thay đổi những gì?
Tôi không dám chắc các báo có thể đăng hết các ý kiến của tôi. Trước hết, có thể thấy, sau khi Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý đã có bài viết nói về những việc mà Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã làm được trong suốt 4 năm gắn bó với ngành. Những thành tựu này, tôi e rằng nó sẽ là một áp lực quá lớn đối với Bộ trưởng mới. Không chắc gì Bộ trưởng mới vượt qua được áp lực này. Nhưng tôi vẫn phải nói. Có thể nói không ngoa, ở Việt Nam hiện nay, không có vấn đề gì quan trọng hơn là vấn đề giáo dục. Trước đây ông Lý Quang Diệu sang Việt Nam đã từng khuyên có thắng trong giáo dục thì mới thắng trong kinh tế. Lời khuyên này không phải ta nghe lần đầu. Tôi không có kỳ vọng gì nhiều, trừ khi có thay đổi từ cấp cao hơn. Nhưng tôi vẫn xin đưa ra 3 kỳ vọng của tôi đối với tân bộ trưởng.
1.Cải cách giáo dục
Muốn chấn hưng giáo dục trong tình hình hiện nay không còn cách nào khác là cải cách giáo dục. Đây không phải là ý kiến của riêng tôi mà điều này đã được ghi trong Nghị quyết của Đại hội lần thứ X của Đảng. Rồi sau đó được ghi trong 3 Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Tôi hy vọng Bộ trưởng mới đủ dũng cảm làm tròn nghĩa vụ của một Đảng viên thực sự, thực hiện Nghị quyết của Đảng đã nêu. Còn cải cách như thế nào thì tất nhiên sẽ phải bàn. Tôi phải khẳng định một điều là làm không dễ.
2. Cương quyết đổi mới tư duy và phong cách lãnh đạo
Tôi biết, việc này sẽ làm cho nhiều người không hài lòng. Nhưng tôi muốn kêu gọi trách nhiệm của Bộ trưởng trước nhân dân, đối với lợi ích tối cao của tổ quốc.
Nói về tư duy giáo dục, mấy năm vừa qua tôi thấy quá sức cũ kỹ. Cũ kỹ đến hàng nửa thế kỷ, dù lúc nào cũng nói đến từ “đổi mới”. Tôi cho rằng đến năm 2020 sẽ “tràn” từ “đổi mới” trong giáo dục mà thực tế chưa có gì đổi mới. Thực ra những cái chúng ta đang làm cho giáo dục là những cái đã làm từ 50 – 70 năm về trước. Ở trên thế giới không còn nước nào làm. Bên cạnh tư duy cực kỳ bảo thủ thì lại có một số quan điểm gọi là mới nhưng thực chất là học “lỏm” của các nước khác. Nhưng học mà không “tiêu hóa”. Cụ thể là quan điểm quản lý giáo dục như quản lý các thị trường khác, không thấy trách nhiệm của nhà nước, của Chính phủ đối với giáo dục. Điều này thể hiện ở việc, vừa qua, vấn đề hàng trăm trường ĐH tư thục không đủ điều kiện tối thiếu đã nở rộ khắp nước và vấn đề này đã làm “nóng nghị trường quốc hội”. Người ta đua nhau kinh doanh giáo dục vì kinh doanh giáo dục là siêu lợi nhuận. Bộ GD-ĐT đề ra quy cách về mặt hình thức rất chặt chẽ về mở trường nhưng thực tế, điều ấy chỉ làm khó dễ để có điều kiện… chứ không theo dõi, kiểm tra.
3. Vấn đề thi
Qua mỗi mùa thi đều có rất nhiều chuyện đau lòng. Trong khi đó, mỗi kỳ thi cực kỳ tốn kém để được cái gì? Kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm nay trên 90% đỗ, thậm chí có nhiều trường đỗ 100% nhưng có những trường tỷ lệ đỗ lại thấp. Nhưng cái thấp hay cái cao đó, người ta ngờ rằng đó không phải là do chất lượng thực sự của từng trường mà do việc kiểm soát thi cử chặt chẽ hay không. Quan niệm về thi cử của chúng ta rất sai. Ví dụ thi tốt nghiệp THPT, có thể tưởng tượng học phổ thông giống như việc sản xuất một cái tivi trong một nhà máy. Nó có nhiều bộ phận. Khi sản xuất từng bộ phận, người ta đã kiểm tra chất lượng ngay. Đến khi lắp ráp người ta chỉ kiểm tra lắp ráp có vấn đề gì trục trặc không và xuất xưởng. Học phổ thông cũng vậy. Quá trình học có nhiều modun học cũng như mỗi bộ phận của ti vi. Học đến đâu kiểm tra đến đấy, đủ điểm cho lên lớp và không để ngồi nhầm lớp. Cứ như thế, đến lớp 12 đủ điểm thì tốt nghiệp. Như vậy, không phải để dồn đến lớp 12, trong mấy tháng học lấy học để, học nhồi học nhét mà chỉ để học thuộc lòng. Hơn nữa, ở ta, học rất lạ. Ở phổ thông, học nhiều công thức, nhiều biến cố lịch sử, thầy kiểm tra đòi hỏi trò phải nhớ nhưng ra đời, không ai đòi hỏi kiến thức đó. Đến kỳ thi THPT lại bắt học sinh thi lại hết kiến thức ở lớp dưới. Đày đọa học sinh, không được lợi ích gì. Và vì vậy nó chiếm rất nhiều thời gian nên không có thời gian để học những cái khác.
Còn thi tuyển vào ĐH, hàng năm cả triệu học sinh thi vào ĐH nhưng chỉ có 20% trúng tuyển. Cách học này là cách học dại dột. Đáng lý ra, tốt nghiệp THCS, coi như văn hóa phổ thông cần thiết là đủ. Còn THPT không phải là dành cho tất cả. Chỉ 1/3 hoặc ¼ số học sinh THCS vào THPT. Còn đại bộ phận phải đi vào trường nghề để học lấy một nghề. Học xong họ có thể gia nhập thị trường lao động hoặc có thể học tiếp. Còn những người đã học THPT là học bước đệm để lên ĐH. Theo tôi, muốn chấn hưng giáo dục, trước hết phải chấn hưng giáo dục phổ thông.
Ngoài ra, theo GS, ngành giáo dục còn vấn đề nào nữa?
Thứ nhất là quản lý tài chính. Hiện nay tham nhũng trong giáo dục rất nghiêm trọng và rất tinh vi. Nhiều khoản chi tiêu trong giáo dục người ta gọi là khoản “trời ơi”. Vì những khoản đó mà quan chức thì được thu nhập khá cao. Còn giáo viên thì phải làm thêm đủ nghề mới đủ sống. Tôi có thể nói, tiền đầu tư vào giáo dục không thiếu nhưng chi tiêu không hiệu quả nên không giải quyết được vấn đề học phí cho thỏa đáng. Không giải quyết được vấn đề lương cho giáo viên. Trong khi đó có rất nhiều dự án và toàn tính bằng tiền triệu đô. Tất nhiên, các khoản tiền này đều vay của nước ngoài. Thứ 2 là quản lý giáo dục phải phân cấp.Thực sự hiện nay, mọi thứ đều tập trung hết vào Bộ GD-ĐT. Rồi vấn đề ĐH đẳng cấp quốc tế. Không ai xây ĐH quốc tế như Việt Nam. Hiện nay mới có ĐH Việt Đức xây dựng theo mô hình này. Nhưng chưa có căn cứ nào để người ta tin rằng trường đó sẽ trở thành đẳng cấp quốc tế.
Có thể nói tóm lại, lãnh đạo ngành giáo dục phải là người có đủ tâm và đủ tầm và phải đặt lợi ích tối cao của nhân dân lên trên lợi ích phe phái của mình.
Vậy theo GS, vấn đề nào quan trọng nhất mà Bộ GD-ĐT cần phải làm ngay?
Thi và chấn chỉnh bộ phận tham mưu. Nếu làm được hai việc này thì sẽ làm được tất cả.
Xin cảm ơn giáo sư
Tuệ Lâm
.
Phát hành tại địa chỉ http://www.toquoc.gov.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét