17 thg 7, 2010

BA CON KHỈ


Năm trước viết bài “Chuyện về ba con khỉ” nhiều người gọi điện “viết về tôi đấy à” . Tôi chỉ cười nay sửa lại đăng cho vui:
    Cách đây hơn 400 năm  Đền Toshogu ở Nhật Bản, có bức phù điêu tạc hình ba con khỉ. Con thứ nhất lấy hai tay che mắt, con thứ hai lấy hai ngón tay bịt hai lỗ tai, con thứ ba xoè hai bàn tay thật rộng ra để che đủ hết miệng. Con nào con nấy có gương mặt hiền khô nhưng thông minh, hóm hỉnh, đáng yêu. Thành phố Sydney (Australia) có một quán rượu, chủ cửa hàng đặt hình ba con khỉ như vậy ở ngay trên nóc, trước cửa quán. Nhưng ba con khỉ này có gương mặt không được tỉnh táo, trông hơi say say, bên canh có câu châm ngôn:
“See no evils, hear no evils, talk no evils” (Không thấy điều xấu, không nghe chuyện xấu, không nói lời xấu” .
Ở Bắc Kinh người ta bày bán rất nhiều ba con khỉ như vậy bằng chất liệu đồng. Anh bạn tôi mua về để ở phòng khách mỗi khi ai đến chơi anh đều giải thích tư thế của mỗi con. Có lần tôi hỏi:
- Sao ông lại để ba con khỉ này ở đây?
Im lặng một lúc, anh trả lời:
- Đồ khỉ, ông hiểu gia đình tôi làm gì phải giải thích.
Hoá ra cũng là cách để an ủi anh những lúc buồn, anh là giáo viên nay đã nghỉ hưu, vợ anh có cửa hàng lớn mặt phố. Hàng ngày đi đâu, làm gì anh cũng không biết, nhiều lần đi chơi vài ba ngày mới về, được cái anh tiêu tiền thoải mái, nhưng “hạnh phúc” đâu có phải là tiền. Tôi cười và bảo:
- Tuổi già mắt mờ, tai điếc, lưỡi cứng, chẳng cần phải làm như mấy con khỉ.
Anh trừng mắt nhìn tôi và nói:
- Lãnh đạo bây giờ chẳng khác gì mấy con khỉ. Họ làm ngơ, bỏ qua lời góp ý, ngậm miệng ăn tiền, thử hỏi đấy là già à?
Tôi đành thua anh, và hiểu vì sao anh lại để ba con khỉ ở đây.
Trong kinh của đạo Phật không thiếu hình ảnh hài hước, sống động của loài khỉ. Bộ Jataka, truyện tiền thân Đức Phật, kể về câu chuyện Đức Phật đã hiện thân một con khỉ chúa, lấy thân mình nối với sợi dây treo thành một chiếc cầu dây để cứu cả đàn thoát chết qua cơn hồng thuỷ. Đó là hình ảnh thật cao đẹp mà trong một kiếp đời khỉ đã làm.
Trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng Trung Quốc - Tây du kí tác giả Ngô Thừa Ân phỏng tác theo bộ Đại Đường Tây Vực ký của Tam tạng Pháp sư Trần Huyền Trang, đã diễn tả hình ảnh Tôn Ngộ Không - một con khỉ hết sức tài hoa, biểu hiện cá tính một cách sống động, ngang ngược, thẳng thắn, trung thực mà trẻ con và người lớn đều yêu thích.
Chư vị Tổ sư nhận thấy loài khỉ lăng xăng, nhảy nhót nên mượn hình ảnh này sánh cho tâm thức của con người là “tâm viên, ý mã” (Tâm như con khỉ chuyền cành, ý sinh diệt liên tục như con ngựa dong ruổi ngoài đồng). Đó là hình ảnh so sánh ví von để cho những người tu hành biết nhược điểm của tâm mà điều phục cho được thuần hóa.
Quay lại bộ ba con khỉ mà dân gian để lại thật là thâm thuý. Mỗi con thể hiện một phong cách: Con bịt tai, con bịt mắt và con bịt miệng. Nó được làm bằng sành, sứ hay đúc bằng đồng. Đó là một hình ảnh gợi cảm vừa mang tính giáo dục vừa mang tính triết lý sống trong cuộc đời.
   Hình ảnh con khỉ bịt tai, không có nghĩa là không nghe gì cả, nhưng nó cảnh báo rằng, chuyện đời chẳng phải là dễ nghe. Mọi người ai cũng muốn nói điều gì cho mình có lợi và hay dùng lời tọc mạch để đâm thọc người này, bêu xấu người kia, luôn nhìn sự sai trái, kém cỏi ở khắp mọi nơi. Cho nên bịt tai là không nghe những chuyện thị phi làm bận lòng mình, lại không khéo gây phiền hà đến người khác. Xưa có tích Vua Nghiêu  tìm đến mời Hứa Do ra làm quan cả 9 châu. Hứa Do không muốn nghe bèn ra bờ sông Dĩnh Thủy rửa tai. Bấy giờ, Sào Phủ đang dắt trâu xuống bờ sông thấy thế hỏi:
 -Vì cớ gì mà bác phải rửa tai như vậy ?
 Hứa Do thuật chuyện, Sào Phủ liền gò cổ trâu lại mà nói rằng:
-Ta toan cho trâu uống nước đây, e lại bẩn cả miệng trâu.
 Nói đoạn họ Sào dắt trâu lên quãng sông trên cho trâu uống nước.

  Con khỉ thứ hai bịt mắt, bịt mắt không phải là để che bụi mỗi khi ra đường. Bịt mắt là để đừng nhìn đời bằng con mắt thiển cận hay thành kiến, chẳng thế mà Cụ Nguyễn Du đã viết “ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Những người khiếm thị thèm khát được nhìn thấy ánh sáng, một ước mơ nhỏ bé. Các cụ vẫn bảo “giàu hai con mắt” thế mà lại để mất đi. Khi không ưa hoặc không thích một công việc ta không tránh khỏi có cái nhìn sai về nó, oán trách giận hờn vô cớ. Nhìn đâu cũng chỉ thấy màu hồng hoặc đen tối.
   Hình ảnh con khỉ thứ ba bịt miệng, không phải người khác bịt miệng như bức ảnh ở tỉnh nọ, mà chính mình bịt miệng mình. Miệng là một cơ quan vô cùng quan trọng trong việc giao tiếp. Nhờ có cái miệng mà ta đến được với nhau, trao gửi lời yêu thương, giận hờn. Uốn lưỡi để được lòng lãnh đạo, nạt cấp dưới để tăng uy quyền. Nhưng chính nó cũng gây không ít phiền toái, cổ ngôn có câu: “Họa tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập”. Nhưng những lời răn này cần cho ta suy nghĩ, để mỗi khi nói điều gì không đem họa đến cho mình và người khác, ăn những món nào không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và bệnh tật.
Đây là kinh nghiệm mà người xưa đã chắt góp nên bài học cho hậu thế. Dẫu không phải là một giải pháp tốt nhất, nhưng ít ra nó cũng giúp mọi người tập cho mình có thói quen nhẫn nhịn để giữ được thái độ ôn hòa trong giao tiếp chuyện trò hoặc quan hệ công việc với người khác. Khi giận, chúng ta tuôn lời ra cho hả dạ hay nghe một câu nói trái tai liền gây mất hòa khí dẫn tới chẳng còn tình nghĩa. Trong giao tiếp, điều đó thật vô cùng tối kỵ vì nó chẳng lưu lại một sự tao nhã nào để gây ấn tượng tốt đẹp.
    Ở đồng bằng Nam Bộ người ta rất quý trọng chiếc cầu khỉ, nối hai bờ kênh vì hàng ngày đã đem lại bao lợi ích cho họ. Bản chất của con khỉ là nhanh nhẹn, hài hước nhiều gánh xiếc rong ngày xưa những chú khỉ là nhân vật chính để tồn tại mỗi khi về vùng quê biểu diễn, hay mấy ông bán thuốc cũng lấy con khi làm mấy động tác để quảng cáo. Dân gian đã chọn con khỉ là một trong mười hai con giáp, nhưng không hiểu sao các bạn trẻ bây giờ rất sợ sinh con vào năm Thân, có phải vì tuổi Thân là vất vả, chẳng mấy được hạnh phúc.Thật tội nghiệp!

12 thg 7, 2010

Đồng chí hay thằng?



  Những năm ở trong quân ngũ hàng ngày chúng tôi thường gọi nhau bằng “đồng chí”, lúc đó tôi mới 17 tuổi ông Chính trị viên trưởng đại đội bằng tuổi bố mình mà cũng gọi “đồng chí” lúc đầu chưa quen sau rồi thấy nhớ, khi không gọi nhau “đồng chí”. Năm đó chiến tranh ác liệt ngày nào Mĩ cũng ném bom khu vực Hải Phòng đơn vị tôi bảo hệ, không mấy ngày là không có thương vong, tôi nhớ đại đội 172 pháo cao xạ 100 có lần bị bom đơn vị hi sinh và bị thương gần hết, tưởng rằng phải xoá sổ nhưng chỉ sau một đêm đã điều đến gần như đầy đủ. Bấy giờ chúng tôi thương nhau, yêu nhau, như người một nhà, không biết hại nhau. Ngồi với nhau đây nhưng rồi chỉ một trận bom không biết ai còn ai mất. Mỗi trận chiến đấu xong ngồi rút kinh nghiệm, tìm nguyên nhân của thắng lợi và thất bại, các “đồng chí” tự nhận khuyết điểm về mình, anh Đổng đại đội trưởng người Hà Nội đã khóc tự nhận kỉ luật vì không kịp thời cho lệnh bắn dẫn đến nhà máy XM bị ném bom tàn phá mà chẳng rơi máy bay nào, nhưng ngày hôm sau các “đồng chí” vẫn vui vẻ chia nhau mẩu bánh mì…
  Danh từ “ đồng chí” tôi hiểu thêm khi đọc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh Vì vậy tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột” 
 Nhưng mấy ngày nay đọc trên báo thấy các “đồng chí” của ta "tốt" với nhau quá chỉ còn thiếu chưa hạ sát với nhau mà thôi. Danh từ “đồng chí” được dùng để chửi nhau qua các báo cáo lên cấp trên. Lúc này  “đồng chí” , “thằng” , “con” , "hắn" là đồng nghĩa với nhau cả.
   Bắt đầu từ tối 5/7 Đài truyền hình đưa tin về Chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô  Qua kiểm tra nhận thấy đồng chí Nguyễn Trường Tô từ năm 2005 đến nay đã có vi phạm: thiếu gương mẫu trong sinh hoạt, sống buông thả, quan hệ không lành mạnh, vi phạm nghiêm trọng tư cách cấp ủy viên, đảng viên, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh người cán bộ lãnh đạo, gây dư luận bất bình trong đảng và xã hội. Những sai phạm của đồng chí Tô đã được Chủ nhiệm UBKT TW nhắc nhở nhưng không nghiêm túc tiếp thu, khắc phục và không thành khẩn nhận khuyết điểm. Bí thư Tỉnh ủy và Giám đốc Công an tỉnh biết nhưng không báo cáo xem xét giải quyết. UBKT TW đề nghi Ban Bí thư thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Trường Tô bằng hình thức cách chức hết các chức vụ trong Đảng, đề nghị cấp có thẩm quyền bãi nhiệm đại biểu HĐND và cách chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Bí thư Tỉnh ủy và Giám đốc Công an tỉnh phải kiểm điểm trước Tỉnh ủy về việc này một cách nghiêm khắc
   Mấy ngày sau liên tiếp thông tin về sự việc này, ngày 17-5, Đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra trung ương đã mời Bí thư Đảng ủy và Bí thư Chi bộ Tổng hợp Văn phòng UBND tỉnh Hà Giang dự họp, thông qua báo cáo kết quả kiểm tra về dấu hiệu vi phạm đạo đức, lối sống, đồng thời lấy ý kiến bằng hình thức bỏ phiếu của các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh uỷ về hình thức kỉ luật với đồng chí Nguyễn Trường Tô. Ông Hòang Minh Nhất, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang xác nhận trong một báo cáo của mình:Nghe được tin Công an thị xã Hà Giang bắt quả tang một vụ mua bán dâm tại khách sạn, có ảnh đồng chí Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch UBND tỉnh ở trong điện thoại của cô gái bán dâm. Nghe được vậy, tôi yêu cầu Giám đốc công an tỉnh báo cáo vụ việc. Sau khi giám đốc Công an tỉnh báo cáo xong, tôi có giao nhiệm vụ cho giám đốc công an tỉnh gặp đồng chí Nguyễn Trường Tô Chủ tịch UBND tỉnh thông báo, nói rõ vụ việc trên, Đồng thời, tôi cũng giao cho đồng chí Nguyễn Huy Nạp, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy (nay đã nghỉ chế độ) gặp đồng chí Nguyễn Trường Tô nói rõ và yêu cầu rút kinh nghiệm. Trong một cuộc hội ý về công việc giữa tôi và đồng chí Nguyễn Trường Tô, tôi có nêu ra vấn đề trên và nhắc nhở đồng chí Nguyễn Trường Tô cần rút kinh nghiệm trong sinh hoạt. Do đồng chí Nguyễn Trường Tô mới bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh được ít tháng, nên tôi dùng hình thức nhắc nhở, không tiến hành kiểm tra kiểm điểm”.
   Những lúc "đồng chí" có quyền chức sao vui vẻ với nhau thế, ngồi trên bàn tiệc chẳng thấy “đồng chí” gì cả chỉ "chén chú chén anh", nay "đồng chí" gặp nạn, các "đồng chí" của chúng ta họp ra nghi quyết hình thức kỷ luật đảng đối với đồng chí Nguyễn Trường Tô. Tỉnh uỷ có ý kiến: Báo cáo kết quả kiểm tra có nội dung chính là việc đồng chí Tô quan hệ bất chính với chị Nguyễn Thị D. (trú tại Việt Lâm, Vị Xuyên, Hà Giang) tại một nhà nghỉ ở Hà Nội vào năm 2005, trong đó có những tình tiết như chị D. có số điện thoại, có những bức hình chụp đồng chí Tô bằng điện thoại di động, và có lời khai tại cơ quan Công an và trực tiếp với tổ công tác Ủy ban kiểm tra trung ương. Người giúp việc cho Chủ tịch tỉnh cùng "đồng chí" trong thường vụ đó là Thiếu tướng Nguyễn Bình Vận, Giám đốc Công an Hà Giang đã có  báo cáo về vụ việc này: Khi thấy (ảnh) tôi cũng bàng hoàng không tin vào mắt mình người đàn ông đó là anh Nguyễn Trường Tô Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang”. Và sau đó ông Vận đã kiểm tra bằng nghiệp vụ, báo cáo cho Bí thư tỉnh ủy 4 bức ảnh là thật không có cấy ghép .
  Sau đó vài ngày, các cận thần của ông Nguyễn Trường Tô đã tư vấn để ông Tô ký một văn bản báo cáo một số vấn đề có dấu hiệu sai phạm liên quan đến Thiếu tướng Nguyễn Bình Vận  Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang. Văn bản này được gửi đến cơ quan cấp T.Ư và Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang. Đặc biệt, trong bản báo cáo ông Tô nêu Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang đã quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ. Ông Tô khẳng định “dám chịu trách nhiệm với toàn bộ nội dung bản báo cáo này” lúc này chắc không thể gọi nhau bằng "đồng chí" nữa mà là "thằng"?
  Ông Vũ Trung Lâm – Bí thư Chi bộ Tổng hợp Văn phòng UBND tỉnh Hà Giang  cho biết, sau khi đại diện Văn phòng UBND tỉnh được Ủy ban kiểm tra trung ương mời về Hà Nội để nghe thông báo kết luận về ông Nguyễn Trường Tô, trong đó có nêu “ông Tô sống buông  ông Tô đã nêu ra dấu hiệu một vụ “ném đá giấu tay”. Đó là vụ một công dân ký tên Hứa Như Bình (không có địa chỉ) gửi đơn đến nhiều cán bộ có trách nhiệm, cho rằng “ông Vận mới xứng đáng ở cương vị cao hơn, chứ không phải là ông Tô, ông Vinh” . Những chuyện như thế này bọn trẻ con nó bảo chơi đểu với nhau, làm gì còn "đồng chí".
   Đồng chí của chúng ta là vậy. Thủ đoạn, đểu cáng thanh trừng nhau, sẵn sàng làm bất cứ việc gì dù có đạp lên công lí. Liên quan đến vụ này từ những năm 2009 đã ầm ĩ  lên rồi. Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân, luật sư bào chữa cho hai em Thúy và Hằng, cho biết ông đã nhận được giấy từ chối luật sư bào vệ của hai em hồi đầu tháng 6 và cũng rất bất ngờ về việc từ chối này. Cũng theo ông Triển, Công an Hà Giang giải thích với gia đình hai bị can là hai em khi phạm tội môi giới mại dâm thì đang vị thành niên nhưng đến nay đã đủ 18 tuổi nên quyền mời luật sư hay không là của các em. “Trong quá trình nhận lời bào chữa cho hai em Hằng, Thúy, không ít lần tôi nhận được những lời đề nghị khiếm nhã để mua chuộc. Sau đó là những lời lẽ đe dọa. Họ bắn tin cho tôi là từ Hà Giang về Hà Nội chỉ có một con đường thôi, liệu đường mà làm ăn”. Không biết lời đe doạ này có phải là thế lực thù địch hay lại chính mấy “đồng chí” chúng ta? Cũng may tôi hạ cánh rồi, mỗi lần họp Chi bộ danh từ “đồng chí” lại thân mật như thuở nào.
             Trước trận chung kết Tây Ban nha và Hà Lan.

 

8 thg 7, 2010

Ông Tô đã từng doạ Đại biểu Quốc hội


Ngay sau phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ sáu vừa qua, ông Lê Văn Cuông đã nhận được điện thoại của Chủ tịch Hà Giang (Nguyễn Trường Tô) “trách” việc ông đưa chuyện Hà Giang lên diễn đàn Quốc hội. Đoàn ĐBQH Hà Giang cũng gửi công văn “chất vấn ngược” ông Cuông.
“Nhưng tôi nói là dựa trên căn cứ, có cơ sở chứ không vì định kiến với ai”, Phó đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Thanh Hóa Lê Văn Cuông chia sẻ.
Ông Cuông nói: Ngay từ khóa XI, tôi đã có dịp lên thăm Hà Giang, đến vùng núi đá tai mèo để tận mắt tìm hiểu cuộc sống người dân, học hỏi một số kinh nghiệm hay về phổ biến cho bà con sống ở vùng cao Thanh Hóa.
Tôi đã đến xem các đại công trường ở Hà Giang và tại kỳ họp năm đó, tôi đã phát biểu ở Quốc hội về chuyện nợ như chúa chổm ở các đại công trường.
Trong chuyến đi ấy, tôi cũng muốn tìm hiểu hiệu quả điều hành của lãnh đạo Hà Giang. Tôi đã nghe được nhiều thông tin về các quyết định sai trái của lãnh đạo tỉnh với Công ty Sông Lô.
Về nhà tìm đọc thêm báo chí thì thấy các báo đã nói rất nhiều quanh chuyện này. Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc, tòa án cũng đã xử nhưng sự việc vẫn không giải quyết dứt điểm được.
Báo chí cũng đưa tin rằng Thủ tướng năm lần bảy lượt chỉ đạo mà Chủ tịch Hà Giang vẫn không chấp hành.
Thế là tôi quyết định chất vấn Thủ tướng về việc tại sao trên chỉ đạo mà dưới không nghe.
Ban đầu tôi cũng không định nêu thẳng tên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, chỉ định lưu ý Thủ tướng để Thủ tướng kiểm tra. Nhưng khi Thủ tướng hỏi lại là chưa nắm được thông tin này, tôi mới nêu đích danh.
Lúc nêu đích danh Chủ tịch Hà Giang ra, ông có hình dung ra hậu quả ngay sau đó sẽ là phản ứng của lãnh đạo tỉnh này không?
- Làm sao hình dung được. Biết thế nào thì cứ nói chứ. Vì tôi nói có căn cứ, có cơ sở.
Chất vấn buổi sáng thì buổi chiều Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô gọi điện giữa lúc tôi đang thảo luận ở tổ.
Chủ tịch Tô lúc đó đã “to tiếng” với tôi là tại sao lại đưa chuyện Hà Giang lên Quốc hội, ngay trong phiên chất vấn trực tiếp Thủ tướng được truyền hình cho cả nước xem.
Tôi bèn trả lời, vấn đề này thuộc thẩm quyền của đại biểu Quốc hội và tôi chỉ thực hiện quyền của mình, không có định kiến hay dụng ý gì.
Chủ tịch Hà Giang nói sẽ báo cáo việc này về Tỉnh ủy Thanh Hoá.
Tôi nói rằng tôi chỉ thực hiện trách nhiệm của mình, còn ông ấy cứ làm việc của ông ấy.
Tôi cũng báo cáo việc này với Trưởng đoàn là ông Lê Ngọc Hân – Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Một số anh em nói, làm sao Chủ tịch tỉnh có thể dám dọa đại biểu Quốc hội?
Ngày hôm sau, Chủ tịch Nguyễn Trường Tô lại gọi điện nhắc nhở tôi.
Tôi nói luôn là ngay trong phiên họp tổ chiều qua, tôi đã báo cáo chuyện này với trưởng đoàn của chúng tôi. Có tiếng nói to trong điện thoại, nhưng tôi chỉ giải thích như vậy rồi tắt máy và sau đó không nghe các cuộc gọi khác nữa.
Sau đó mọi việc diễn biến thế nào?
- Mấy ngày sau, đoàn ĐBQH Hà Giang làm văn bản gửi tới các đoàn ĐBQH chất vấn lại tôi.
Một, ĐBQH Lê Văn Cuông lấy căn cứ ở đâu để khẳng định Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang 5 lần không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng? Hai, nếu không đủ căn cứ, đề nghị ĐB Cuông phải có trách nhiệm với phát biểu của mình. Văn bản dài tới bốn trang A4. Dưới ký tên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Hoàng Minh Nhất với đầy đủ các chức danh ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy.
Nhiều anh em trong đoàn rất lo cho tôi. Có vẻ anh em ở đoàn khác hình như đã nhìn tôi với con mắt khác so với bình thường.
Nhiều anh em nói, đại biểu thực hiện chức năng nhiệm vụ, trừ khi Thường vụ Quốc hội nêu ý kiến thì mới cần báo cáo lại chứ đại biểu không phải giải trình với đoàn đại biểu khác.
Nhưng tôi đã dám nêu vấn đề chất vấn lên tận Thủ tướng thì tôi sẽ phải chịu trách nhiệm và sẽ trả lời đàng hoàng chứ không thể giữ im lặng. Nhận được phản hồi, phó đoàn ĐBQH Hà Giang cũng gửi lại một văn bản phàn nàn, có ý cho rằng “đáng tiếc” vì tôi mới chỉ nghe thông tin một chiều.
Dịp cuối năm, Thủ tướng có cho biết là yêu cầu Thanh tra Chính phủ kiểm tra làm rõ.
Việc ông gặp rắc rối sau phiên chất vấn này có ảnh hưởng đến tâm lý các đại biểu khác không?
- Ảnh hưởng hay không tùy từng người.
Nhiều đại biểu nhìn vào thấy áp lực với tôi lớn như vậy cũng lo cho tôi.
Tôi tin rằng các vấn đề mà tôi nêu ra đều có căn cứ, tôi cũng không có mục đích cá nhân gì. Tôi không phải là đại biểu hễ thích thì nói bừa, nói ẩu, nói vô căn cứ hay định kiến với lãnh đạo.

Nhưng có vẻ như việc chất vấn lãnh đạo một tỉnh trên diễn đàn Quốc hội cũng dễ khiến đại biểu gặp rắc rối?
- Nhưng không phải lúc nào cũng né quan chức. Mình phải có bản lĩnh chứ không thể lúc nào cũng né tránh. Quan trọng là thông tin đưa ra phải có căn cứ chính xác.
Trước đó, mỗi lần chất vấn về chạy chức, chạy quyền có liên quan đến các quan chức, ông có hay bị nhắc nhở không?
- Chỉ có một lần khi tôi chất vấn về việc bí thư một thị xã ở Tây Ninh dính vào sai phạm đất đai nhưng sau hơn một năm chưa xử lý thì lại được đề bạt lên làm Giám đốc Sở Xây dựng, sau đó tôi nhận được một lá thư ký tên công dân Tây Ninh trách tôi chất vấn chưa đúng và nêu chuyện này ra Quốc hội là không hay.
Những vụ việc và các trường hợp chạy chức chạy việc khác thì sai phạm rõ cả rồi.
Một đại biểu trong đoàn ĐBQH Thanh Hóa kể có lần ông đã nêu trước lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa là “nếu ai có gang mồm tôi lại thì tôi mới không nói”. Thực hư chuyện này thế nào?
- Là thế này, tại một cuộc họp của đoàn ĐBQH Thanh Hóa với UBND tỉnh trước khi ra Hà Nội họp Quốc hội, có vị lãnh đạo lưu ý nhẹ nhàng là trong đoàn ta, có những đồng chí chất vấn thẳng trên diễn đàn, có vẻ không có lợi cho tỉnh. Đề nghị nên rút kinh nghiệm là phát biểu nhẹ thôi, sao cho được cả hai mặt, vừa được cho đại biểu, vừa cho tỉnh nữa.
Tôi bèn phát biểu, vị đại biểu đó chính là tôi chứ ai. Song, lâu nay các ý kiến của tôi đều mang tính chất xây dựng, được cử tri rất đồng tình.
Tôi cho rằng có lẽ đây cũng chỉ là một lo ngại của địa phương đó thôi.
Đã ở cương vị thành viên Chính phủ thì người ta phải ý thức được trách nhiệm với dân với nước, chứ không lẽ lại bị mếch lòng chỉ vì chất vấn của một đại biểu nào đó? Rồi định kiến và đối xử không tốt với cá nhân đại biểu hoặc với địa phương hay sao?
Trường hợp chất vấn chưa đúng thì có thể trao đổi với đại biểu tại Quốc hội cho rõ chứ không nên thông qua lãnh đạo tỉnh để nhắc nhở.
Đại biểu chất vấn theo quyền quy định trong luật và chỉ phản ánh tâm tư cử tri. Bộ trưởng nên nhân dịp này nắm bắt ý kiến phản ánh của dân và cảm ơn đại biểu mới phải.
Tôi tin chắc rằng không thành viên chính phủ nào cư xử như thế. Có lẽ chỉ là ý kiến cá nhân của một vài người đó thôi.
Tôi cũng biết lẽ ra nên nói nhẹ nhàng, dễ nghe cho phù hợp với văn hóa tế nhị ở ta. Nhưng, như Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Quang Bình đã nêu, đó là do khẩu khí của con hùm, vì tôi cầm tinh con hùm mà. Tôi nói thẳng quá nên người nghe cũng không được êm ái dễ chịu cho lắm.
*
Lê Nhung

7 thg 7, 2010

Sao không khỏi phân tâm

                                           
                         Cầu thủ ít học mà còn nói được "Là đàn ông thực sự không mua dâm"

      Hôm trước được phổ biến Chỉ thị của Bộ chính trị do ông Trương Tấn Sang kí tháng 6 với nội dung: Không được tuyên truyền những tin, thư từ… nói về vấn đề mang tính nhạy cảm, nhất là các nhân sự cho Đại hội Đảng XI. Ai phát hiện báo cáo với Đảng cấp trên…
 Mọi người chỉ im lặng.
    Nếu chính quyền mạnh, có đường lối đúng đắn hợp lòng dân thì chẳng ngần ngại, dù ai nói gì, ai chống đối thế nào vẫn kiên trung. Nhưng thời gian gần đây sao không phân tâm khi thấy bao điều phải suy nghĩ: Đại biểu QH so sánh chỉ số IQ với đường sắt cao tốc, bà mẹ đi chợ, trẻ em đi học đều đi tàu cao tốc… Phó tổng Giám đốc EVN so sánh tắc đường Hà Nội với cung cấp điện, Phó Thủ tướng trả lời trước QH “Cán bộ sai thì phải sửa nhưng phải cân lên đặt xuống. Nếu cách chức ngay, lấy ai làm việc. Pháp luật cũng có đạo lý, nếu cứ sai là dẹp thì chúng ta bầu cán bộ không kịp”.
 Chẳng thế mà ông Nguyễn Trường Tô Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang vi phạm đạo đức mà Bí thư Tỉnh uỷ, Giám đốc Công an tỉnh biết từ năm 2005 vẫn làm ngơ, để ông ta mấy năm qua ngang nhiên đứng trên bục để dạy đạo đức cho nhân dân cả tỉnh. Còn nhiều “đồng chí” chúng ta chưa bị lộ, đạo đức và nhân cách cũng “rứa”.
    Tập đoàn kinh tế quả đám thép như TT vẫn nói nay bên bờ phá sản như tập đoàn Vinashin không thể có 90 nghìn tỉ để trả nợ, toàn anh em con cháu gia đình ông Phạm Thanh Bình thay nhau phá, thương cho Dân LV của HD khiếu kiện bao năm nay vì Vinashin. Mỗi khi biết những chuyện như vậy sao không khỏi phân tâm.
  Cũng may mấy ngày nay có World Cup 2010 và giải Wimbledon để quên đi bao điều cần suy nghĩ.

6 thg 7, 2010

Sự thách đố

Sáng nay 6/7 trả lời câu hỏi của báo chí từ nay đến ngày Đại lễ diễn ra Hà Nội có bị cắt điện luân phiên nữa không, ông Nguyễn Mạnh Hùng Phó TGĐ EVN cho hay:

“Bao giờ đường phố Hà Nội hết tắc đường, lúc đó Tổng công ty Điện lực Hà Nội sẽ có thể trả lời được câu hỏi, sản lượng điện sẽ đáp ứng được tất cả các nhu cầu của thành phố”

Là người có IQ thấp tôi không hiểu câu nói này!

                                  Ông Nguyễn M Hùng làm việc tại xã Quỳnh Hội Thái Bình

4 thg 7, 2010

Nhớ bài hát xưa

Những lúc buồn tôi thường đóng cửa, tắt đèn ngồi một mình nghe nhạc Tiền chiến, để quên đi tất cả trở lại thời “bao giờ cho đến ngày xưa”. Cám ơn nhạc sĩ Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Thương, Đặng Thế Phong…và bao nhạc sĩ tài hoa khác đã để lại cho đời những ca khúc mà mọi người thường gọi “sống mãi với thời gian”. 
   Tôi biết ngày 10 tháng 7 sắp tới, Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt-Mỹ (VAALA) sẽ thực hiện chương trình nhạc Cung Tiến với chủ đề “Vết Chim Bay.” Tôi biết ông qua các nhạc phẩm Thu vàng, Hương xưa, Hoài cảm trước năm 1975, ông xa Hà Nội vào Sài Gòn năm 1952. Ông có nhiều sở thích văn chương, tiểu thuyết, thơ,  hội họa, toán học và kinh tế học. Năm 1956 ông được học bổng sang Úc học kinh tế.
   Nhắc tới Hoài cảm ông nói: “Hoài Cảm” không phải là tác phẩm quan trọng lắm, bởi vì ở cái tuổi 14, 15 thì đâu có nghĩ sẽ viết một tác phẩm quan trọng đâu.
Hoài Cảm là bài hát mà tôi viết ra trong tưởng tượng. Tưởng tượng ra là mình nhớ một người nào mình yêu mến thôi, chứ không có ý nghĩ sâu xa gì đằng sau cả. Ðó chỉ hoàn toàn là trí tưởng tượng trong âm nhạc cũng như trong lời ca. Lời ca bị ảnh hưởng từ những bài thơ mình học ở trường, như thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, những nhà thơ lãng mạn của Việt Nam hồi đó.
Âm nhạc hay bất cứ sáng tác nghệ thuật nào, cũng là sự tưởng tượng cả. Tưởng tượng về cái này, tưởng tượng về cái kia, gây lên một mối sầu, mối buồn hay mối vui hay mối khoan thai, hoàn toàn là tưởng tượng của người sáng tác.

1 thg 7, 2010

Một hình ảnh đẹp

                       "Là ĐÀN ÔNG thực sự thì không mua dâm!!" 

("Real MEN don't buy GIRLS!!") để ủng hộ chiến dịch phản đối nạn mại dâm và mua bán phụ nữ.