11 thg 10, 2011

Nói cho vui

   Tôi có cảm nhận chưa bao giờ đất nước ta lại đối mặt với khó khăn như hôm nay, mở mắt ra là nghe nói điều hành quyết liệt bao giờ chúng ta mới thoát khỏi những khó khăn này? Các nước láng giềng họ vừa điều hành công việc vừa phải chống đối với các cuộc biểu tình trong nước mà tăng trưởng kinh tế cao, lạm phát giảm, đời sống dân ổn định.
  Ông Phan Minh Tánh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương “ Dân vận là trước hết phải nghĩ đến dân và xem sự nghiệp này là của dân. Việc xa dân sẽ làm cho sức mạnh của ta yếu đi, vì lòng dân không yên. Một khi lòng tin giảm đi thì đồng thuận xã hội cũng sẽ giảm. Muốn thế phải lo cho dân, động viên sức dân để hợp lòng lại mới có thể đương đầu bước qua khó khăn. Còn nếu chỉ nghĩ đến tư lợi, cục bộ thì làm suy yếu hơn cho mình. Dân trí ngày càng cao rồi, các kênh tiếp xúc thông tin cũng phong phú, dân họ biết và có quyền chọn lọc. Mình mà không thuyết phục, không làm cho họ nhất trí thì đồng thuận xã hội khó lắm. Phải bằng những chính sách đúng để yên lòng dân”.
    Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 3 khóa 11 có nội dung mới rất quan trọng tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Hội nghị đã thừa nhận: Một số chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 chưa hoàn thành. Kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định; lạm phát vẫn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; thị trường tài chính, thị trường bất động sản giảm sút, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng giá cả đầu vào, lãi suất cao, hàng tồn kho lớn. Đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, đối tượng chính sách xã hội, người lao động ở các đô thị, khu công nghiệp, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa còn nhiều bất cập. Tai nạn và ùn tắc giao thông chưa giảm, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng; khiếu kiện đông người, đình công xảy ra ở nhiều nơi; số vụ tội phạm, tệ nạn xã hội gia tăng, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân, đồng thời do những yếu kém của nội tại nền kinh tế với mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế lạc hậu, kém hiệu quả, tích tụ kéo dài từ lâu, chậm được khắc phục và do những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, đặc biệt là trong điều hành chính sách tiền tệ; quản lý quy hoạch, đầu tư, đất đai, tài nguyên, thị trường bất động sản...
  Các bộ thuộc Chính phủ phát biểu mâu thuẫn với nhau (như vụ giảm giá dầu giữa hai Bộ Công thương và Tài Chính) Nhiều nhà kinh tế như ông Lê Đăng Doanh, bà Phạm Chi Lan, ông Nguyễn Trung, ông Nguyễn Quang A… cũng đã có bài cảnh báo về nợ quốc gia, nợ xấu. Doanh nhân Lê Tiến Thành (con trai TBT Lê Duẩn) có lời tiên đoán vận mệnh đất nước không mấy gì tốt đẹp.
 Ông Lý Quang Diệu, người rất hiểu Việt nam còn thuộc ngạn ngữ của ta, vừa qua ông phải thốt ra mà thấy đau lòng: Nói với họ chẳng khác nào như “nước đổ đầu vịt”, việc đầu tiên Việt Nam cần làm để đưa đất nước đi lên là CHỐNG THAM NHŨNG nhưng có làm được đâu. Bây giờ ông Trương Tấn Sang bảo là cả "bầy sâu" rồi sao mà diệt được.
    Mấy tháng qua tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh liên tiếp có những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, thể hiện rõ sự không đồng thuận giữa Đảng và Dân. Có thể nói rằng đến 99,99% người Việt Nam trong nước, cũng như sinh sống ở nước ngoài không ưa gì Trung Quốc, Dân phân biệt công tội với Trung Quốc rất công minh, nhưng không thể chấp thuận với cách xử sự với chúng ta trong thời gian qua, các nhân sỹ trí thức rất có trách nhiệm đã có những bản kiến nghị với Đảng và Chính phủ nhưng vẫn rơi vào im lặng. Cụ Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (nguyên Đại sứ tại TQ) liên tục có bài phát biểu rất gay gắt song cũng chỉ nói cho vui.

1 nhận xét:

  1. Ông Lý Quang Diệu từng sang Việt Nam nhiều lần, theo lời mời của chính quyền Việt Nam. Ông chân thành góp ý xây dựng, san sẻ kinh nghiệm quý. Nhưng ông đã nản lòng và thất vọng. Mấy năm nay ông lại càng thất vọng hơn. Trả lời báo The Straits Times của Singapore hồi năm ngoái, ông nói về Ấn Độ, về Đài Loan, về Nam Triều Tiên; khi được hỏi về Việt Nam ông lắc đầu: «Nên quên đi, tôi đã nói hết với họ rồi, vô ích!”.

    Trả lờiXóa