Chỉ khổ cho người tiêu dùng vì "tiền trong ví luôn bị đánh cắp"
(TBKTSG Online) - Tính đến thời điểm này, nhiều địa phương, trong đó có hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3. Theo đó, CPI tháng 3 ở TPHCM và Hà Nội được ghi nhận chỉ tăng nhẹ so với tháng 2, ở mức lần lượt là 0,12% và 0,19% dù giá xăng dầu, đầu vào của nhiều ngành hàng đã tăng 10% hôm 7-3.
Đây là con số nằm ngoài dự báo của các chuyên gia giá cả trước đó. Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho hay hoàn toàn bất ngờ với số liệu công bố của các địa phương. Bởi vì trước đó, ngay Tổ điều hành thị trường trong nước cũng đã dự báo CPI tháng 3 tăng trong khoảng 0,4% - 0,5%.
Đặc biệt, xăng dầu tăng 10% ngay trong thời điểm lấy số liệu. Thực tế diễn ra trong các năm trước đó cũng cho thấy khi xăng tăng, CPI đều tăng cao, ví dụ như năm 2008 (tăng 4.500 đồng/lít hồi tháng 7) hay năm 2011 (tăng 2.900 đồng vào tháng 2). Do vậy, “có địa phương giảm phát thì càng đáng nghi ngờ”.
Cùng quan điểm, một chuyên gia về giá cả có nhiều năm kinh nghiệm nói rằng không dễ dàng để hiểu việc tăng thấp của CPI tháng 3 các tỉnh, thành phố. “Nếu bảo là không đúng thì cũng khó có đủ số liệu để chứng minh nhưng nếu cho là đúng thì tôi lại cảm thấy áy náy với lương tâm”, ông nói.
Theo vị này, nếu nhìn trực tiếp, đà tăng của CPI tháng này tại các địa phương chậm lại có vẻ hợp lý. Bởi, nhóm giao thông và nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tuy có tăng nhưng chỉ chiếm tỷ trọng lần lượt là 8,87% và 10,1% trong rổ tính CPI còn nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 40% là hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã giảm trong tháng này.
Tuy nhiên, ông này cho rằng trên thực tế, nhóm giao thông và nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng khi đã tăng thì tác động lan truyền đến các nhóm khác, gây ảnh hưởng nhiều đến CPI hơn tỷ trọng mà nó nắm giữ trong rổ tính. Do vậy, mức tăng của CPI chắc chắn sẽ cao hơn so với con số đã được các thành phố công bố.
Tính chính xác của số liệu thống kê cũng đang được nhiều người đặt ra bởi hiện đang có sự khác biệt lớn giữa các địa phương. Cứ nhìn vào số liệu tháng 3 của các tỉnh, thành phố là thấy ngay điều nay. Cũng là việc xăng dầu tăng 10% nhưng mức độ ảnh hưởng, tác động đến chỉ số giá của nhóm hàng giao thông mỗi nơi mỗi khác. Trong khi nhóm giao thông của Hà Nội trong tháng 3 được ghi nhận tăng 1,36% thì con số này tại TPHCM lại là 0,65%. Nói như ông Long, đúng là mọi sự so sánh là khập khiễng nhưng với hai đô thị lớn có điều kiện gần như tương đồng mà có sự chênh lệch lớn như vậy thì cần xem xét lại.
Sự khác biệt này cũng đã hơn một lần được thể hiện. Còn nhớ hồi tháng 9-2011, trong khi chỉ số giá của TPHCM được ghi nhận tăng 0,88% thì Hà Nội lại chỉ tăng 0,2%. Cơ quan chức năng lý giải sở dĩ có sự khác biệt này là do cách tính cơ cấu các nhóm hàng hóa trong rổ CPI ở các địa phương khác nhau dựa vào cơ cấu dân cư, tiêu dùng. Và trong trường hợp của tháng 9 kể trên thì sự khác biệt chính là tỷ trọng của nhóm giáo dục ở TPHCM lên tới 5,99%, cao hơn nhiều địa phương cũng như cả nước.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của một người trong ngành, cũng là giáo dục nhưng có địa phương không tính trường tư, trường nghề vào CPI và đây thực chất là cách để kéo chỉ số giá của nhóm này xuống!
Cũng vào thời điểm tháng 9 năm ngoái, cơ quan chức năng làm nhiệm vụ thống kê của một địa phương cũng làm giới truyền thông đặt dấu chấm hỏi về tính chính xác của các con số khi trước sau bất nhất. Chuyện là trong cuộc họp đầu tiên với lãnh đạo thành phố, số liệu CPI của tháng được báo cáo là tăng trên 1% so với tháng trước đó. Báo chí dự họp nắm tin, tính chuyện đăng báo thì được thông báo ngừng lại vì còn phải điều chỉnh. Kết quả là hôm sau, một báo cáo hoàn chỉnh được công bố với CPI tăng ở mức gần 0,9%.
Chuyên gia kể trên nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng, các nhà quản lý muốn điều chỉnh số liệu thì chắc chắn tất cả con số tăng giảm đều được cân đối, chỉ số giá cuối cùng nhìn vào đều có thể hợp lý. Tuy vậy, có phản ánh đúng thực tế hay không thì rất khó để có câu trả lời xác đáng.
Có lẽ vì sự không phản ánh thực tế này mà các dự báo của chuyên gia về CPI dựa trên thực tế suốt thời gian qua thường hay bị “hố”, cao hơn hẳn con số của cơ quan chức năng công bố.
Có hay không chuyện “làm đẹp số liệu”, nói như ông Long là chưa thể khẳng định bởi phải kiểm tra, có chứng cớ rõ ràng nhưng không loại trừ khả năng các địa phương coi CPI tăng thấp là một thành tích.
Thực tế cũng đã chứng minh điều ông Long nói. Trong nhiều tháng qua, khi CPI liên tục tăng cao, lạm phát trở thành câu chuyện thường nhật, con số thống kê về chỉ số giá vốn rất bình thường bỗng nhiên được cập nhật, chú ý. Ngay đến CPI của một tỉnh lẻ cũng được đăng báo hàng tháng. Lãnh đạo một thành phố trong nhiều báo cáo thành tích đều rất tự hào so sánh CPI của thành phố mình tăng thấp hơn thành phố bạn.
Thống kê, cũng giống như bất kỳ ngành khoa học nào khác đều phải đảm bảo tính khách quan, chính xác. Trong trường hợp của chỉ số giá này, nói như chuyên gia Ngô Trí Long, điều đó càng cần được đảm bảo hơn bao giờ hết bởi đây chính là thực tế khách quan về đời sống xã hội và bức tranh kinh tế. Có phản ánh đúng thì các cơ quan quản lý mới có những quyết định điều hành chính xác.
Trước đó, Cục Thống kê TPHCM công bố CPI tháng 3 trên địa bàn này tăng 0,12% so tháng 2, đưa CPI 3 tháng đầu năm tăng 2,35%. Theo ghi nhận của Cục Thống kê, trong tháng này có 9/11 nhóm hàng trong rổ tính CPI tăng giá, 2 nhóm hàng giảm giá. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm có quyền số chiếm gần 40% giảm 0,74% nên CPI chỉ tăng nhẹ (0,12%). 2/3 mặt hàng trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng này được ghi nhận giảm giá mạnh so với tháng 2. Cụ thể, mặt hàng lương thực giảm 1,06% và thực phẩm giảm 1,43%. Mặt hàng còn lại, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,41%. Ngược lại, 9 nhóm hàng khác đã tăng giá. Nhóm tăng mạnh nhất là nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng với 2,51%. Trong rổ tính CPI, nhóm này chiếm 10,1%. Trong khi đó, xăng dầu tăng thêm 10% hôm 7-3 được ghi nhận chỉ tác động nhẹ vào nhóm giao thông khi nhóm này tăng 0,65%. Các nhóm còn lại hầu hết tăng nhẹ, ở mức dưới 0,5%. Tại Hà Nội, CPI tháng 3 được ghi nhận tăng 0,19% so với tháng 2 và tăng 2,62% so với cuối năm ngoái khi 10/11 nhóm hàng tăng giá. Tăng cao nhất là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,84%. Tiếp đến là nhóm giao thông tăng 1,36%. Trong khi đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tại đây giảm nhẹ với 0,8%. |