Thứ Bảy, 30/03/2013 19:05
(NLĐO)- Thiếu tướng Nguyễn Tiến
Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, cho rằng việc
quy định SJC là thương hiệu vàng quốc gia đã đem lại lợi ích cho Công ty SJC và
phương hại đến lợi ích các thương hiệu vàng miếng khác.
Tại cuộc họp giao ban Công tác chống buôn lậu, hàng giả và
gian lận thương mại năm 2012 của Ban chỉ đạo 127/TW ngày 30-3 tại Hà Nội, Thiếu
tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội
phạm - Bộ Công an, đặc biệt lưu tâm đến tình trạng đầu cơ, buôn bán trái phép
đô la, vàng miếng.
Theo Tướng Lực, tình trạng đầu cơ, buôn bán trái phép các
mặt hàng này đã cơ bản được kiểm soát do các quy định chặt chẽ hơn của Ngân
hàng Nhà nước.
Tuy vậy, Tướng Lực cũng cho biết do cơ chế, ngân hàng nhà
nước giao doanh nghiệp SJC được dập và kinh doanh vàng miếng là thương hiệu
vàng quốc gia nên từ năm 2012 đến nay xuất hiện độ chênh lệch giá lớn giữa giá
vàng trong nước và nước ngoài. Do đó đã xuất hiện vàng giả SJC, vàng kém chất
lượng đưa vào các doanh nghiệp kinh doanh bán cho dân.
Từ tháng 7-2012 đến nay, Công ty SJC đã phát hiện 300 lượng
vàng nhái SJC. “Việc quy định SJC là thương hiệu vàng quốc gia đã đem lại lợi
ích cho Công ty SJC và phương hại đến lợi ích các thương hiệu vàng miếng khác”
- Tướng Lực nhấn mạnh.
Theo báo cáo đưa ra tại cuộc giao ban, năm 2012, các lực
lượng chức năng đã phát hiện 31.389 vụ buôn lậu, buôn bán vận chuyển hàng cấm,
hàng nhập lậu với trị giá trên 440 tỉ đồng. Về hàng giả, xâm phạm sở hữu trí
tuệ, hàng kém chất lượng, trong năm qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện
và xử lý 11.284 vụ, trị giá trên 121 tỉ đồng. Ngoài ra, có 62.065 vụ gian lận
thương mại, vi phạm an toàn thực phẩm được phát hiện và tăng mạnh so với năm
trước về số vụ cũng như trị giá vi phạm.
Ban chỉ đạo cho răng năm 2013, tình trạng vận chuyển, buôn
bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại vẫn sẽ diễn biến phức
tạp. Vấn đề vướng mắc được các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo đưa ra là cơ chế
chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo kẽ hở cho gian thương lợi dụng.
Ph.Nhung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét