9 thg 3, 2013

Báo Quân đội nhân dân đưa tin


Nơi Bác trao cờ “Trung với nước, hiếu với dân”
QĐND - Thứ Ba, 22/12/2009, 6:53 (GMT+7)
Ngày 26-5-1946, nhân dịp Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (Trường Sĩ quan Lục quân 1 ngày nay) khai giảng khóa 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và trao tặng nhà trường lá cờ thêu 6 chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân”. 6 chữ vàng đó đã trở thành bản chất truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bác Hồ trao lá cờ “Trung với nước, hiếu với dân” cho Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1) ngày 26-5-1946. Ảnh tư liệu.
63 năm đã qua, nhưng mỗi lần nhớ lại sự kiện đó, cựu chiến binh Đỗ Hạp, 84 tuổi, Trưởng Ban liên lạc truyền thống khóa 1 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, vẫn không khỏi bồi hồi xúc động... Ngày ấy, ông và hơn 300 học viên khóa 1, tuổi đời mười tám, đôi mươi, nhưng lòng sục sôi căm thù giặc, khát khao độc lập, tự do luôn cháy bỏng trong tim. Ông kể:
- Ngày ấy, nhiều anh em chúng tôi đã có bằng tốt nghiệp Thành chung, có thể tìm cho mình một việc làm phù hợp trong bộ máy chính quyền thực dân để hưởng cuộc sống “an nhàn”. Nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh em chúng tôi hăng hái lên đường và được vào học tại trường võ bị đầu tiên của nước ta. Đầu tháng 5-1946 chúng tôi tựu trường, bắt đầu cuộc đời binh nghiệp bằng những buổi học chính trị, luyện tập đội ngũ, lao động vệ sinh trường sở... chuẩn bị cho ngày khai giảng.
Lúc đầu, Bộ Quốc phòng định tổ chức khai giảng vào ngày 22-5. Sau khi xin ý kiến, Bác Hồ chỉ đạo: “Ngày 22-5 là Thứ tư, là ngày làm việc, nên lùi khai giảng đến ngày Chủ nhật 26-5 để tất cả các vị được mời có điều kiện đến dự đông đủ”. Bác nhắc đồng chí Tạ Quang Bửu, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chuẩn bị lá cờ thêu 6 chữ “Trung với nước, hiếu với dân” để Bác tặng nhà trường, đồng thời chọn một học viên miền Nam nhận lá cờ của Bác...
Dừng một lát, bác Đỗ Hạp xúc động nhớ lại:
 - Sáng 26-5, toàn trường đồng phục, đội ngũ chỉnh tề, nghiêm trang. Bác đến trường từ sớm, nhưng đi thăm, kiểm tra nơi ăn ở của học viên, nên sát giờ khai mạc Bác mới vào lễ đài. Sau lễ chào cờ, Bác xuống sân, đi thẳng tới bộ phận tiếp nhận cờ, gồm 6 đồng chí, đứng thành hai hàng ngang. Hàng đầu có 3 học viên quê ở 3 miền... Đồng chí Bùi Minh Trân, quê miền Nam, vinh dự bước lên nhận lá cờ từ tay Bác và giương cao. Dòng chữ “Trung với nước, hiếu với dân” thêu bằng chỉ vàng lấp lánh dưới ánh nắng. Quân nhạc cử bài “Tiến quân ca”; những tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm!” vang rền... Bác đứng nghiêm trước cờ một lát rồi quay về lễ đài. Người căn dặn: “Trung với nước, hiếu với dân là bổn phận thiêng liêng, trách nhiệm nặng nề, nhưng cũng là vinh dự của người chiến sĩ...”.
Vinh dự, tự hào được Bác Hồ 9 lần về thăm, được Bác trực tiếp trao tặng lá cờ “Trung với nước, hiếu với dân”, kể từ ngày thành lập đến nay, hơn 10 vạn cán bộ được đào tạo dưới mái Trường Sĩ quan Lục quân 1 đã không ngại gian khó, hi sinh, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 27 đồng chí được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và Anh hùng lao động, hơn 200 đồng chí trở thành tướng lĩnh của quân đội, hàng nghìn đồng chí anh dũng hi sinh trong chiến đấu, góp phần xây dựng, phát huy bản chất cách mạng “Trung với nước, hiếu với dân” của quân đội ta.
Địa điểm Bác trao lá cờ "Trung với nước, hiếu với dân" nay là Bến xe khách thị xã Sơn Tây, nằm bên Quốc lộ 21. Đại tá Lê Viết Anh, Chủ nhiệm Chính trị nhà trường cho biết:
 Theo đề nghị của nhà trường và nguyện vọng của các thế hệ cán bộ, học viên, ngày 19-4-2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ra quyết định xếp hạng địa điểm trên là di tích lịch sử cấp tỉnh. Nhà trường đang tiếp tục đề nghị các cơ quan chức năng, hoàn thiện các thủ tục cần thiết để nâng cấp thành di tích lịch sử cấp quốc gia. Ý nghĩa chính trị, giáo dục của di tích rất lớn. “Trung với nước, hiếu với dân” không chỉ là truyền thống của nhà trường, mà đã trở thành bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội ta. Khi được nâng cấp, di tích sẽ được xây dựng với quy mô tương xứng với giá trị lịch sử, văn hóa.
Mới đây, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã có công văn thông báo ý kiến của lãnh đạo thành phố, đồng ý về chủ trương và giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn tất các thủ tục cần thiết đề nghị Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia địa điểm Bác Hồ trao lá cờ “Trung với nước, hiếu với dân”. Mong rằng, chủ trương trên sẽ sớm trở thành hiện thực.
TRUNG KIÊN – XUÂN DÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét