12 thg 3, 2013

Bình luận của TS Tô Văn Trường về buổi trả lời của BT Công thương


  Bài trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trên truyền hình đêm 10/3 trong mục “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” đã được đăng toàn văn trên Báo Nhân dân ngày 11/3/2013 nên có điều kiện tìm hiểu đúng nội dung ý kiến của Bộ trưởng. Qua đó, người viết bài này có một số bình luận sau đây:

1. Về việc khẳng định chủ trương phát triển công nghiệp khai thác và chế biến bô-xít là chủ trương đúng đắn, cần thiết và phù hợp. Tôi tán thành chủ trương đó nhưng vấn đề cần làm rõ là quá trình tổ chức thực hiện chủ trương này đã phạm sai lầm gì dẫn đến việc gây bức xúc và bất đồng trong dư luận xã hội. Vì thế nên đáng ra phải yêu cầu Bộ trưởng làm rõ những sai lầm trong quá trình thực hiện chủ trương chứ không phải chỉ dừng lại ở việc khẳng định sự đúng đắn của chủ trương. Do đó nội dung trả lời của Bộ trưởng cũng thể hiện sự mâu thuẫn, không nhất quán giữa chủ trương với việc xem xét phê duyệt hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ.

2. Sai lầm đầu tiên trong việc thực hiện chủ trương này được thể hiện ngay trong phát biểu của Bộ trưởng, thể hiện ở:

- Coi đây là vấn đề mới nên cần “phải làm thí điểm và đi từ quy mô nhỏ lên dần quy mô lớn”. Tôi tán thành cách đặt vấn đề này của Bộ trưởng.

- Hai dự án  Tân Rai và Nhân Cơ được xác định là hai dự án đầu tư thí điểm. Thế nhưng việc phê duyệt hai dự án này lại không quán triệt chủ trương đi từ quy mô nhỏ lên dần quy mô lớn. Vì là giai đoạn thí điểm thì chỉ nên triển khai 1 dự án chứ không phải là triển khai 2 dư án như đã được phê duyệt. Mặt khác, quy mô của dự án phải nhỏ vì đấy là dự án thí điểm, một dự án mang tính chất pilot. Thế nhưng lại phê duyệt dự án với quy mô lớn, với vốn đầu tư lớn đã hơn 1 tỷ đô la , nên không mang tính thí điểm mà mang ngay tính chất kinh doanh.

- Phải chăng trong lĩnh vực này, người có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư đã loại bỏ kiến nghị đầu tư theo quy mô nhỏ?

3.  Sai lầm thứ hai là ở chỗ xác định giá bán thương phẩm. Bộ trưởng trả lời là dự án có thời hạn hoạt động dài 30 đến 40 năm nên cần phải dựa trên những tính toán dài hạn, không thể chỉ căn cứ vào một thời điểm để khẳng định hiệu quả hay không. Thế nhưng dự án lại căn cứ vào một thời điểm cụ thể là năm 2009 để xác định giá bán alumin mà không dựa trên cơ sở dự đoán sự biến động của giá để làm căn cứ tính hiệu qủa kinh tế của dự án. Về phương diện này, Bộ trưởng cũng đã công nhận là “không ai bảo đảm rằng mức giá này sẽ cố định như thế trong vòng 5 hoặc 10 năm tới”. Mặt khác, cũng không tính đến biến động giá của các yếu tố đầu vào nên dẫn đến nhu cầu phải tăng vốn đầu tư.

4. Vấn đề cảng Kê Gà, thực chất không chỉ là cảng Kê Gà mà là vấn đề đầu tư phát triển tuyến đường giao thông chuyên dùng phục vụ vận chuyển cung ứng vật tư và xuất a-lu-min từ địa điểm xây dựng hai dự án xuống đến biển. Chính vì dự án đầu tư xây dựng hai nhà máy Tân Rai, Nhân Cơ lại bỏ qua nhiệm vụ đầu tư phát triển dự án của ngành có liên quan là dự án tuyến đường giao thông này nên dẫn đến tổng dự toán được xác định thấp, dễ được thông qua.

5. Khi xem xét để phê duyệt phương án công nghệ xử lý quặng để chế biến thành alumin, đã không chú ý đúng mức đến so sánh phương án công nghệ ướt với phương án công nghệ khô. Do đó, trước vụ vỡ tường chắn bùn đỏ tại nước bạn nên đã phải tạm dừng triển khai dự án nên việc kéo dài thời gian thi công là thuộc trách nhiệm của ngươi phê duyệt dư án chứ không phải thuộc nguyên nhân khách quan.

6. Việc dự kiến đầu tư để chế biến bùn đỏ cũng  là vấn đề liên quan đến việc xét chọn  dự án công nghệ ướt. Do đó sẽ phát sinh nhu cầu đầu tư mới làm tăng tổng vốn đầu tư cho việc thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp khai thác và chế biến bô-xít. Nếu cộng thêm vốn đầu tư cho tuyến đường giao thông và đầu tư để xử lý bùn thải thì tổng vốn đầu tư để khai thác và chế biến bô-xít là đề án thuộc phạm vi phê duyệt chủ trương đầu tư của Quốc hội. Phải chăng việc cắt các dự án bộ phận để phê duyệt riêng rẽ là một cách “lách luật” để không phải đưa trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư ? Đó là chưa tính đến dự án đầu tư bảo đảm nguồn điện cho hai nhà máy này trong khi nền kinh tế nước ta đang ở tình trạng căng thẳng triền miên vì không đảm bảo được nguyên tắc khách quan là “điện đi trước 1 bước”.

7. Bất kỳ một dự án đầu tư nào cũng phải tính đến hiệu quả kinh tế xã hội, không thể chỉ dừng lại ở tính hiệu quả của bản thân dự án. Dư luận xã hội đã nêu ảnh hưởng của việc triển khai dự án đến môi trường tự nhiên, môi trường xã hội (đặc biệt là ảnh hưởng đến nền văn hóa truyền thống của các dân tộc trên vùng Tây nguyên) và cả đến an ninh quốc phòng, … nên đã có thể dự báo hiệu quả kinh tế-xã hội. Phải chăng khi phê duyệt dự án Tân Rai, Nhân Cơ, người có thẩm quyền phê duyệt đã không quan tâm đúng mức (nếu không nói là bỏ ngoài tai) những ý kiến liên quan đến đánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội?

8. Nếu coi tác động môi trường của dự án chỉ là vấn đề bùn đỏ và xử lý bùn đỏ thì không thỏa đáng. Bản thân việc khai thác, chế biến quặng và sản xuất alumin đã tiềm ẩn nhiều tác động môi trường nghiêm trọng khó thể khắc phục, từ việc có thể dẫn đến nguy cơ xung đột sử dụng nước, gây ô nhiễm môi trường do thải bùn quặng đuôi, nguy cơ gây thảm họa môi trường nếu vỡ hồ bùn đỏ (có độ kiềm rất cao), đến việc phá hủy cảnh quan, không dễ hồi phục môi trường. Việc đặt địa điểm sản xuất alumin ở Tây Nguyên càng làm gia tăng những nguy cơ này. Vì thế câu trả lời của Bộ trường "chúng ta có thể yên tâm về vấn đề môi trường tại 2 dự án trên" không đủ thuyết phục nếu chỉ nói đến "các biện pháp bảo vệ môi trường, biện pháp xử lý hữu hiệu khi xảy ra sự cố".

Nhớ lại khi Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi trường Phạm Khôi Nguyên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội trên Hội trường khẳng định sự an toàn của hồ bùn đỏ, tôi đã viết 2 bài “Lỗ hổng của thiết kế hồ bùn đỏ” và “Trông người lại ngẫm đến ta” trong đó không quên nhắc khéo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã nhầm lẫn pH cho lớn hơn 15 thậm chí còn gán cho pH có đơn vị phần nghìn?. Ngày nay, nghe các lập luận của Bộ trưởng Hoàng, nhớ đến các phát biểu của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Nguyễn Minh Quang vv… càng làm cho người đọc, nhất là các nhà khoa học phải tự hỏi vì sao kiến thức và bản lãnh của nhiều vị chính khách của ta lại như thế nhỉ?

9. Điệp khúc dự án Tân Rai-Nhân Cơ còn mang ý nghĩa tổng hòa xã hội nghe thật buồn cười vì không đo đếm được. Bộ trưởng Hoàng cũng mắc phải căn bệnh “ngụy luận” mà tôi đã nêu rõ trong bài viết “Con chuột bạch khốn cùng” có đoạn nguyên văn như sau: ” Có phương pháp “ngụy luận” khác là thay vì đưa ra các chỉ số đo lường kết quả và sự thành công, người ta hay quy về một số chỉ số định tính khó đo lường, mập mờ. Cần phải tiếp tục  cảnh giác với kiểu lập luận đưa mọi sự vào thế mập mờ để nói thể nào cũng được này (đã dốt lại còn tỏ ra “ngụy biện”). Doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ ở các chỉ số tài chính, kinh doanh thì đưa ra khái niệm khó đo là  điều tiết vỹ mô, điều tiết thị trường. Chương trình đánh bắt cá xa bờ thay vì cần có các chỉ số đo lường hiệu quả bền vững của đồng vốn đầu tư thì lại viện cớ củng cố an ninh quốc phòng mơ hồ. Cuối cùng cũng đành thú nhận thất bại. Nhà máy Dung Quất thay vì sử dụng các chỉ số đầu tư đơn giản như NPV, IRR thì lại nhấn mạnh tới động lực phát triển miền Trung, cố tình “giật gấu, vá vai” bưng bít,  để mỗi năm lỗ 120 triệu đô la, tất cả lại đổ lên đầu tiền thuế của dân vv…Lợi ích nhóm sẽ tiếp tục hoành hành biến lãnh đạo thành "hoàng đế cởi truồng" trước bàn dân thiên hạ. Dự án tỷ đô Cảng Lạch Huyện đang tìm cách “lách luật” thì nguy cơ đi theo vết xe đổ đã hiển hiện rõ ràng.

Tàu cao tốc không làm xuyên Việt được thì cũng dự định “thí điểm” ở 1 đoạn để thúc đẩy phát triển du lịch miền Trung.  Tới đây,  không biết nhà máy hạt nhân có thí điểm không? Mà nói rộng ra đi lên Chủ nghĩa xã hội mà chẳng ai biết rõ nó là cái gì thì cũng lại là một cuộc thí điểm nhiều đời hết ông đến cha, giờ đã đến cháu chắt rồi. Ai là người đam mê “thí điểm” và tự cho mình có quyền “thí điểm” nhiều và với quy mô như vậy?  Cơ thể của đất nước, xã hội có thể chịu đựng nổi bao nhiêu lần thí điểm nữa đây?”.

10. Tôi tin rằng nếu Bộ trưởng Hoàng bỏ thời gian vào mạng xã hội, tìm đọc các ý kiến đa chiều của nhân dân, các vị lão thành cách mạng, trí thức trong và ngoài nước về dự án bô xit Tây Nguyên, tự sắp xếp thành hệ thống, suy ngẫm về việc sử dụng tiền thuế của dân, nghiêm khắc nhìn lại công việc của Bộ Công thương và TKV chắc chắn sẽ tự tin và có trách nhiệm hơn khi trả lời trước dân chứ không phải trước cấp trên của mình.
Tô Văn Trường
Ban chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước
KC08/11-15 Bộ Khoa học & Công nghệ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét