Trên blog của Nhà thơ Nguyễn
Trọng Tạo có bài viết “Nhà văn Nguyên Ngọc và buổi gặp gỡ cuối năm” của Khánh
Trâm (con dâu Tướng Trần Độ), tôi được biết trong thời gian ở SG vợ chồng TS
Nguyễn Xuân Diện nhân chuyến đi CPC có gặp Khánh Trâm và Nhà văn Nguyên Ngọc, NXD kể “em tháp tùng vợ em sang CPC lấy tư
liệu về Angkor, về nhà mới biết trong chuyến đi được CA chăm sóc rất kĩ, như thế lại an toàn cho em không sợ cướp”, những
cuộc gặp mặt như thế này thật hiếm.Dangnba.
KHÁNH TRÂM
Năm nhâm thìn 2012 này đầy ắp những sự kiện. Mỗi lần ngồi nghĩ
lại những cuộc biểu tình đã qua có biết bao chuyện thật khủng khiếp. Cứ tưởng
tượng nếu được học sử và trở thành một nhà sử học thì mình vui lắm. Đầu năm thì
“chơi xuân nhà hàng xóm” để học được cách làm du lịch đầy kinh nghiệm của Thái
Lan. Giữa năm thì dồn dập những cuộc xuống đường ở 2 đầu đất nước, cuối năm là
gặp gỡ với nhà văn Nguyên Ngọc và nhiều bè bạn đặc biệt là những người cùng
chung ý chí, chiến đấu quyết liệt chống lại quân bành trướng Bắc Kinh.
Hôm qua,
24/12/2012 người người vui Noel, nhà nhà vui Noel còn mình thì lại vui với vợ
chồng TS Nguyễn Xuân Diện. Hôm nay, vừa sáng sớm cũng đã lại có tin vui. Đó là
tin nhắn của nhà báo Lê Phú Khải, anh cho biết nhà văn Nguyên Ngọc đang ở Sài
Gòn và hẹn trưa nay đi ăn cơm. Từ lúc nhận tin anh và nghe đến cái tên Nguyên
Ngọc, trong lòng mình cứ khấp khởi chỉ mong cho sớm tới trưa vì năm nay chưa có
dịp gặp chú lần nào.
Đúng 11 h, mọi người hẹn nhau ở 265 Nam Kỳ Khời Nghĩa để đón nhà
văn.Vừa đến nơi đã thấy Lê Phú Khải và Mai Oanh đang ngồi cùng tác giả của “Đất nước đứng lên”. Chú vô Sài Gòn lần
này để tham dự một hội nghị về giáo dục cách đây ít hôm, chiều nay sẽ ra sân
bay về lại Hội An. Mình là người quen cũ mà cứ vui ra mặt chẳng khác gì Mai
Oanh. Bạn là người rất ngưỡng mộ nhà văn và đây là lần đầu tiên được gặp ông
nên rất vui. Chúng tôi đến quán Riêu Cá Chép, tới nơi gọi thêm Ánh cello mà tôi
cứ gọi đùa là “mụ hoa hậu của bè cello, dàn nhạc giao hưởng Châu Á”. Thế là tất
cả có 6 người: Nguyên Ngọc, Lê Phú Khải, Khánh Trâm, Mai Oanh, Vũ Trọng Khải và
Hồng Ánh. Mọi người định tham gọi thêm nhà thơ Hoàng Hưng nhưng bác đang ở xa.
Bạn mới, bạn cũ nhưng toàn là những người mê chữ cả nên vừa gặp
nhau trò truyện như đã thân quen. Vui thật. Nhớ lại lần đầu gặp chú, đó là ngày
cuối cùng của tháng 7/2011. Hôm đó tại trường ĐHKHXH và NV ở đường Đinh Tiên
Hoàng nhà văn nói về tác phẩm “chúng tôi ăn
rừng” của nhà dân tộc học người Pháp nổi tiếng Georges Condominas
mà ông là người hiệu đính bản tiếng Việt (đồng thời cũng là bạn thân của
Condo). Nhờ đi nghe mà tôi có được 2 của quý: Chữ ký của nhà văn và kiến thức
về văn hóa của người Mnông Gar ở rừng Tây Nguyên, nhất là thuật ngữ “ăn rừng”.
Hôm nay, ông lại chia sẻ với thế hệ sau chúng tôi về những vấn đề hết sức quan
trọng của thời cuộc. Nó quyết định đến tính sống còn cũng như sự thịnh vượng
của một dân tộc. Chẳng hạn như câu hỏi: Tại sao chỉ có CNCS mới có cách mạng
văn hóa và cánh đồng chết? Một câu hỏi không thể không suy nghĩ- nó đã cướp đi
mạng sống của bao nhiêu con người. Cuộc sống hôm nay đầy rẫy những sai lầm cũng
từ học thuyết này. Đúng là tư duy, trí tuệ và đầu óc nhìn nhận vấn đề của một
nhà văn lớn . Ông đã trải nghiệm qua các cuộc chiến tranh để có được kiến thức
và kinh nghiệm ngày hôm nay. Là thế hệ sinh sau, nên khi được nghe ông chia sẻ,
đối với chúng tôi chuyện gì cũng quý giá. Ông say sưa kể lại cái thời đau
thương lửa đạn của vùng đất khu V, nơi chiến trường mà ông gắn bó đầy ác liệt.
Câu nói (và cũng là mệnh lệnh): “Cầm lấy cây rìu mà sống” là của tướng Chu Huy
Mân nói với ông và các chiến sỹ ông vẫn còn nhớ mãi. Để hiểu câu nói này, theo
ông, thì người chiến sỹ ngày ấy đừng mong trông chờ vào ai, vào cấp trên, mà
phải tự làm rẫy, trồng trọt, đốn củi…mà sinh sống. Các chiến sỹ cụ Hồ ngày ấy
là vậy. Những con người rất đáng tự hào!
So sánh
với thời bình hôm nay, người chiến sỹ trong quân ngũ được hưởng lương với hệ số
cao hơn dân thường. Những kỹ sư, bác sỹ có tay nghề và niên hạn công tác lâu
năm lương cũng thua xa sỹ quan quân đội và cảnh sát cấp bậc thấp và niên hạn ít
hơn nhiều. Chẳng thế mà chế độ này đã sinh ra những câu khẩu hiệu làm người dân
rất bất bình: “ Công an nhân dân chỉ biết còn Đảng còn mình” và cái khẩu hiệu
oai hùng của người chiến sỹ Trường Sơn, của anh bộ đội cụ Hồ ngày nào: “Quân
đội ta trung với nước, hiếu với dân” nay đã được thay bằng: “Quân đội ta trung
với Đảng hiếu với dân”. Nghe câu khẩu hiệu này, người dân được “vô tình” định
hướng là Đảng cũng là nhà nước. Thực ra hai khái niệm này không bao giờ thay
thế cho nhau được. Đảng là tổ chức chính trị, nước là tổ quốc. Mà tổ quốc là
vĩnh cửu là trường tồn, còn các tổ chức chính trị chỉ là tạm thời. Chân lý này
đã được lịch sử chứng minh ở bất kỳ nơi đâu.
Hôm nay ông nhắc đến tướng Chu Huy Mân rất nhiều và câu chuyện
nào cũng đầy ý nghĩa. Ông cũng tâm sự nguyên nhân ra đời của một số tác
phẩm của ông cũng có lý do từ vị tướng này. Một hôm tướng Chu Huy Mân nói
với Nguyên Ngọc: “Anh viết hịch tướng sỹ thời nay đi”, thế là từ một câu nói,
cũng có thể là một lời khuyên, một yêu cầu…để rồi nhà văn quân đội Nguyên Ngọc
đã thức thâu đêm và bạn đọc cũng như các chiến sỹ đã được thưởng thức một tùy
bút bất hủ “Đường chúng ta đi”-
một “hịch tướng sỹ”
thời chống Mỹ, ra đời vào cuối những năm 60 của thế kỷ XX. Ông kể vừa dứt thì
nhà báo Lê Phú Khải cứ thuộc làu làu: “ Nếu phải minh họa lịch sử nước ta thì mỗi một trang
phải vẽ một thanh gươm và tô đậm một dòng máu. Máu thấm đậm rãnh cầy ta gieo
hạt giống.Máu thấm đượm mảnh sân con ta nô đùa ngày bé. Máu thấm đượm con đường
nơi đó mẹ ta lau nước mắt ngày tiễn ta ra đi. Máu thấm đượm bờ ao nơi em ta
ngồi giặt trên chiếc cầu nhỏ gập ghềnh…” Nguyên Ngọc nhìn người bạn
đàn em tủm tỉm cười. Một áng văn hùng ca mà những con dân nước Việt không thể
nào quên: “Ôi dân tộc ta từ trong máu lửa
mà sinh ra, mà lớn lên. Từ trong máu lửa bốn ngàn năm chúng ta đứng dậy và cất
tiếng nói...”. Tôi cảm và hiểu được cái hạnh phúc của ông giây phút
đó. Lê Phú Khải có tài thuộc văn thơ. Tôi ngồi sát bên nhìn anh, một cây bút
viết về ĐBSCL với bao yêu thương, bao trăn trở cho mảnh đất Nam Bộ mà phần lớn
cuộc đời ông đã dành cho nó để có “Đồng
Tháp Mười hôm nay”, “Viết từ
ĐBSCL”, hay “ Rắn độc trong tay người”…Ngồi kế anh là
nhà văn Nguyên Ngọc. Hai cây viết của các thế hệ nhà văn, nhà báo xuất sắc của
độc giả chúng ta. Trong một lần đến thăm anh ở nhà riêng ( tôi và LPK ở cách
nhau có “cái giậu mùng tơi” thôi nên cũng tiện), anh cho xem một cái túi nặng
đến 4-5 kg đựng toàn giấy báo lãnh tiền nhuận bút và biên lai nhận tiền. Tôi
nhìn mà phát ngốp về sự lao động của anh. Hôm đó tôi đã nói ngay: “ Thời các
anh với những nhà báo làm việc có trách nhiệm và có lương tâm nghề nghiệp đã
qua rồi. Những nhà báo có tài, có đức bây giờ vẫn còn nhưng thật hiếm hoi. Hôm
nay em thấy nhiều nhà báo có thẻ hành nghề hẳn hoi mà không viết nổi một bài.
Nghề báo của các anh chán quá “phú quý giật lùi”, chưa kể mở báo ra phần lớn là
tin lá cải, câu khách rẻ tiền với cướp-giết-hiếp…”.
Trong buổi gặp mặt hôm nay,chúng tôi là những người con của Hà
Nội sống ở đất phương Nam nhưng vẫn luôn hướng về Hà Nội trong sự kiện 11 cuộc
biểu tình của nhân sỹ, trí thức và nhân dân đất Hà thành năm 2011 còn nhà văn
Nguyên Ngọc đã cùng 25 người đồng ký tên phản đối Bản thông báo không có chữ ký
của UBNDTP Hà Nội về nghị định 38- NĐCP về vấn đề “cấm tụ tập đông người” nhằm
ngăn cản cuộc biểu tình chống Trung cộng gây hấn trên Biển Đông. Không những
thế, ông còn lặn lội ra Bắc để tham gia biểu tình với nhân dân thủ đô. Hình ảnh
của ông bên các nhân sỹ tri thức như GS Nguyễn Huệ Chi, TS Nguyễn Quang A, TS
Nguyễn Văn Khải…trong hàng ngũ biểu tình chống quân bành trướng Bắc Kinh được
truyền đi khắp thế giới và từ hình ảnh này của Nguyên Ngọc, Ts Hà Sỹ Phu đã gửi
đến độc giả bài thơ mượn tên của cuốn tiểu thuyết “ Đất
nước đứng lên” của nhà văn nhưng chỉ thêm một chữ nghe rồi còn mãi
trăn trở. Đó là bài thơ “Đất nước lại đứng
lên”:
“ Một thời “đất nước đứng lên”/ Nay
lại phải đứng lên lần nữa” và nhân vật anh hùng Núp rất nổi tiếng
của Nguyên Ngọc cũng được tác giả mượn danh để chơi chữ, mô tả cái hiện tình
đầy xấu xa về mọi mặt của xã hội: “Anh hùng
“Núp” nay sinh nhiều con cháu/ núp cột đèn rình phạt/ núp Bác
Hồ, núp Mác, núp Lê/ núp “16 chữ vàng” quỷ quyệt/ núp chủ nghĩa, núp nhân
dân…kiếm chác/ hút kiệt bình phong/ thành ngáo ộp dọa đe người/ để “một thời
đểu cáng lên ngôi”. Đứng trước thảm cảnh quê hương đầy hiểm nguy,
những “tư bản đỏ hiện rõ tim đen/ xã hội
đen đến thời vận đỏ” nhưng nguy hiểm nhất vẫn là “ cuộc
bán mua đến cả giang sơn/ chơi canh bạc đỏ đen thế kỷ ” thì một người như Nguyên Ngọc
không thể “bình chân như vại” được nữa. Ông đã xuống đường và những câu thơ đã
mô tả rất chân thật con người ông “ người nghệ sỹ cũng là chiến sỹ/ đứng lên cùng đất
nước đứng lên/giờ xót xa thấy dân trí ươn hèn/ lập quỹ, mở trường noi gương
người cũ/ khai dân trí, trấn dân khí, hậu dân sinh/ đứng dậy bắt đầu từ Phan
Châu Trinh ”
và Nguyên Ngọc luôn là con người “không thể
đứng lên nhờ đôi chân kẻ khác” khi ông nhìn thấu “sáu mươi sáu năm một bài học chưa thông/ vay nặng lãi
những Mao cùng Mác/ tan nát giống nòi, oan thác nhân dân”. Người
con đất Việt hôm nay cứ luôn tự hỏi “ có thể nào tháo cùm kẹp tay chân/ khi trên đầu vòng
kim cô đã xiết”? Nhưng ông và những người con yêu nước sẽ mãi mãi “ ta
lại hát dậy mà đi/ những tiếng hát giục con người đứng dậy ” Bước chân ông và bao người
bước trên Hồ Gươm cái ngày thu tháng tám ấy đã đánh động cả thần kim quy “
Kim quy hỡi chắc người nghe thấy/ lưỡi gươm thiêng thủa ấy lại trao dân”
để “ bóng tối kia!/ lùi lại trước gươm thần ”. Đối với bao người, hình ảnh
xuống đường biểu tình của ông chống quân bành trướng Bắc Kinh hôm nay là mệnh
lệnh và lương tri của thời đại.
Tổ quốc Việt Nam, đất mẹ Việt Nam còn những người con như nhà
văn Nguyên Ngọc thì nhất định sẽ trường tồn, giống như câu nói nổi tiếng của
học giả Phạm Quỳnh “tiếng ta còn thì nước ta còn” vậy. Câu nói của bậc trí giả
đã trở thành chân lý. Đúng vậy, tiếng Việt và những trang văn của ông sẽ còn
sống mãi trong lòng dân tộc và ngày nay nó đã vượt không gian để đến với những
người đọc khắp năm châu. Đó là những bản anh hùng ca về lòng yêu nước. Đó là
những áng văn đầy nhân bản. Đó là bức thông điệp cuộc đời mà những người con
đất Việt luôn ghi nhớ và biết ơn ông, nhà văn của nhân dân, của vùng đất Quảng
Nam, của MẸ Việt Nam: Nhà văn Nguyên Ngọc.
Sài Gòn, 27/12/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét