Xa quê đã mấy chục năm, nhưng mỗi khi tết đến vẫn không quên được kỷ niệm của ngày xưa…
…Tháng Chạp các cụ vẫn gọi là tháng “củ mật”, thường mưa phùn gió bấc, liên tiếp gối lên nhau mùa đông như kéo dài ra, đến nẫu gan nẫu ruột. Cây gạo, cây bàng đầu làng chỉ còn trơ lại những cành cây xương xẩu. Mới chập tối nhưng rất ít người đi lại, đường trong làng, ngoài xóm heo hút vắng vẻ, đường mấp mô, lại còn bốc lên mùi nồng nặc ngai ngái, khai khai của phân trâu bò. Thỉnh thoảng mới bắt gặp một người tay cầm đèn dầu và chiếc gậy lăm lăm dùng để đánh chó, trộm cắp nhiều nên nhà nào cũng nuôi chó có nhà tới vài ba con. Đêm về trời lạnh hơn, sương muối bao phủ quanh làng, gió thổi lùa qua bức liếp kêu cọt kẹt cùng với tiếng lộp độp của mưa rơi trên tàu lá chuối sau vườn càng thấy ảm đạm của mùa đông. Mỗi khi có tiếng động chỉ là con chuột chạy qua hay là tàu cau rơi, con chó nằm ở đầu hè giật mình cất tiếng sủa như báo cho chủ nhà rồi lại nằm im, quá nửa đêm nghe rõ tiếng của mấy con vạc đi ăn đêm về tranh nhau chỗ ngủ ở bụi tre ngoài ngõ. Về khuya đom đóm bay ra càng nhiều, có hôm bay cả vào nhà mỗi lúc như vậy bọn trẻ chúng tôi nằm im trong ổ rơm sợ không dám mở mắt chỉ biết ôm lấy nhau. Cả làng chìm trong đêm tối.
Thầy tôi vẫn thường kể mấy nhà giàu ban đêm thường để vỏ chai, gạch vỡ, giáo mác để chống trộm mỗi khi mò đến nhà, nhà tôi ở trong xóm trộm cũng có vài lần lẻn vào nhưng không lấy được gì sáng ra mới biết dấu vết để lại, thầy tôi rất cẩn thận trước khi đi ngủ ông đi lại quanh nhà xem có thứ gì để bên ngoài phải cất đi, ra ngõ đóng cổng cài then.
Buổi tối thầy thường kể chuyện cho mấy chị em chúng tôi, sợ nhất ông kể chuyện mùa này quan âm hay về bắt người, nên trong làng không mấy ngày là không có đám ma cả già lẫn trẻ, có ông buổi chiều hôm trước còn gặp sáng ra đã nói chết, cho đến sau này tôi mới hiểu mùa đông các cụ già dễ bị bệnh tai biến, trẻ em mắc bệnh sởi, ho gà không có thuốc chạy chữa chết là phải.
Buổi tối thầy thường kể chuyện cho mấy chị em chúng tôi, sợ nhất ông kể chuyện mùa này quan âm hay về bắt người, nên trong làng không mấy ngày là không có đám ma cả già lẫn trẻ, có ông buổi chiều hôm trước còn gặp sáng ra đã nói chết, cho đến sau này tôi mới hiểu mùa đông các cụ già dễ bị bệnh tai biến, trẻ em mắc bệnh sởi, ho gà không có thuốc chạy chữa chết là phải.
Sáng ra chưa rõ mặt người đã nghe tiếng gà gáy âm vang cả xóm, đúng là "tức nhau tiếng gáy" con nào, con nấy cố vươn cao cổ lên như báo hiệu buổi sáng là của riêng mình. Hay hơn cả là tiếng chửi rủa của các bà đêm qua bị mất con gà, ổ trứng, cái nồi, rổ khoai…nghe rất vần có bài bản, xen kẽ là tiếng khóc nỉ non của những nhà làm ma khô (sang cát) cho người chết cách đó ít nhất ba năm, cũng như tục lệ nhà nào có người mới chết, buổi sáng buổi tối đều khóc để tỏ lòng thương nhớ cho đến 49 ngày hoặc 100 ngày, thậm chí có nhà khóc hàng năm mới thôi...
Bây giờ nhắc lại chuyện ấy con trẻ hỏi rằng “có phải đấy là cổ tích không ông”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét