4 thg 1, 2011

Cán bộ là gì của dân?

(Tamnhin.net)  Phải chăng lâu nay vì chúng ta chỉ nhấn mạnh cái vế phục vụ (“nô bộc, đầy tớ”), mà xảy ra tình trạng, một bộ phận cán bộ đã biến chất thành những tên – vẫn là "đầy tớ" đấy, nhưng là thứ đầy tớ lưu manh, ăn hiếp, ăn cắp, thậm chí ăn cướp của "chủ" - dân!  
  Chúng ta thường nói: “Cán bộ là đầy tớ” của nhân dân!  Đạo Khổng, đạo Nho dạy: Quan là công (nô) bộc[1] của dân. Suốt mấy nghìn năm lịch sử, không biết bao nhiêu triều đình phong kiến Á Đông đã tuân theo điều răn dạy ấy! 
  Nhưng không chỉ có một vế nô bộc, triều đình phong kiến còn định nghĩa: Quan là phụ mẫu của dân! Như vậy quan vừa phải là người tận tụy làm việc cho dân (như một nô bộc); vừa phải đàng hoàng, gương mẫu trước dân (như cha mẹ của dân)!
Từ một dân tộc bị nô lệ dưới ách đô hộ của ngoại bang, được Cách mạng giải phóng, vươn lên thành chủ nhân đất nước[2], người dân còn ý thức được một điều hệ trọng: Từ nay, không còn chế độ quan lại hạch sách nhũng nhiễu dân lành. Cán bộ cách mạng là những người làm việc công tâm; vì cuộc sống, vì lợi ích chính đáng của dân mà phục vụ hết lòng! Còn vấn đề... “cán bộ là đầy tớ của dân” thì hình như trong thực tế, đại bộ phận dân chúng cũng chỉ cho đấy là một cách nói dân chủ, cách nói thể hiện sự ưu việt đặc thù của chế độ xã hội mới, mà thôi! Nói thế, không có nghĩa là không tin, mà cái chính là, ngay cả trong thời đang còn “sẻ cửa sẻ nhà” nuôi cán bộ hoạt động bí mật, dân cũng không mong, và cũng không cần cán bộ phải hạ mình  như vậy!
Phải chăng lâu nay vì chúng ta chỉ nhấn mạnh cái vế phục vụ (“nô bộc, đầy tớ”), mà xảy ra tình trạng, một bộ phận cán bộ đã biến chất thành những tên – vẫn là "đầy tớ" đấy, nhưng là thứ đầy tớ lưu manh, ăn hiếp, ăn cắp, thậm chí ăn cướp của "chủ" - dân!
Vậy thì nên hiểu người cán bộ cách mạng là gì đối với dân? Theo thiển nghĩ của người dân, cán bộ cấp nào cũng vậy, đều là viên chức nhà nước – viên chức cấp thấp và viên chức cấp cao. Là viên chức thì trước hết phải hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách, theo luật pháp; đồng thời phải hiểu được điều cốt lõi này: Đồng lương anh nhận hằng tháng, căn nhà anh ở hằng ngày, miếng cơm (cỗ) anh ăn hằng bữa, chiếc xe anh thường xuyên dùng... thảy đều của dân đóng góp từ mồ hôi nước mắt, hai sương một nắng mà có! Cái chức, cái ghế cũng do dân bầu, Đảng cử. Phải làm việc như thế nào cho xứng đáng, là trách nhiệm và lương tâm của mỗi người!
Chỉ cần làm tròn lương tâm, trách nhiệm và đúng pháp luật! Việc nào thấy đúng thì làm, nhưng phải đảm bảo không xâm phạm lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của dân. Nếu vì lý do gì đó dân chưa hiểu thì phải giải thích cặn kẽ, thấu tình đạt lý, không hùng hổ áp đặt, cưỡng bức. Việc nào làm sai phải sửa, không cãi chầy, nói ngang, nói cùn hoặc "kiểm điểm lấy lệ". Đừng cho mình là tầng lớp cao hơn dân; hoặc nhầm tưởng mình giống như vua quan phong kiến, lúc nào cũng chỉ muốn làm cha làm mẹ dân! Làm cha mẹ mà lại cứ chỉ nghĩ cách ăn cướp thật nhiều tài sản của con dân, thì « cha mẹ » ấy là thứ cha mẹ nào?!.
                                      Trần huy Thuận

[1] Theo từ điển Hán Việt Thiều Chửu, công  có nghĩa của chung, bộc có nghĩa đầy tớ. Cụm từ "công bộc của dân" có thể được hiểu là "người đầy tớ chung của dân".
Trên thế giới, khái niệm viên chức nhà nước là công bộc của dân (tiếng Anh là "servant of the people" có nguồn gốc từ tiếng Latinh "servus" có nghĩa là nô lệ) đã có từ rất lâu, trong quan niệm của người Mỹ, đạo Hồi. Khái niệm này có lẽ đã được bắt nguồn từ nền dân chủ đầu tiên - dân chủ Athena - tại Hy Lạp thời cổ đại.

[2] "Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ" (HCM Toàn tập. Tập 16, trang 515).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét