4 thg 10, 2010

VĂN HOÁ HÀ NỘI ĐI VỀ ĐÂU

   Anh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, bố anh là hoạ sĩ cùng thời với Dương Bích Liên. Tôi biết anh những ngày ở Trường Sơn, sau mỗi trận đánh thường nghe anh kể về Hà Nội, anh nói Ngã tư Vọng, Đường Láng, Chợ Bưởi… là xa lạ đối với các anh chứ chưa nói sang Gia Lâm, phải qua cầu Long Biên. Sau chiến tranh anh trở về Hà Nội xin được việc làm ở cơ quan Nhà nước, trời phú cho anh có tài viết văn, lúc đầu anh viết truyện ngắn chỉ là ôn lại kỉ niệm thời chiến tranh, và anh đạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, sau này anh trở thành hội viên Hội nhà văn.
Bây giờ nhiều người biết anh, ngay trong làng văn cũng kính nể, anh quen như ngày ở chiến trường không bỏ được cách xưng hô mày tao và nói bậy, gọi mọi người là thằng nọ, thằng kia nghiêm túc lắm xưng ông tôi, ngay cả viết văn cũng rất bình dị, cuốn tiểu thuyết gần đây anh gọi cái của đàn ông là "thỏi sắt nguội" . Trước ngày Đại lễ anh bảo:
     "Nhiều thằng ở quê ra, học đại học xong được công tác ở Hà Nội, đ.. biết gì mà cũng viết về lịch sử, nếp sống thanh lịch của người Hà Nội không những thế lại còn sai. Chỉ được nghe kể mà cũng đòi viết về Hà Nội, chúng nó được học hành tử tế sao mà dốt thế. Tao đã nhìn thấy nhiều người nhường ghế tàu điện cho người già, chuyện nhặt của rơi đem trả lại là chuyện bình thường. Còn bây giờ ngày nào báo chí cũng nói chuyện đâm chém nhau là chuyện vặt, chỉ vì tội va chạm xe máy hoặc “nhìn đểu”, ra đường người ngay sợ kẻ gian, không còn cảnh “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”. Điêù đáng buồn hơn là dân trí người Hà Nội xuống cấp quá. Những năm 60 của thế kỉ trước lớp thanh niên chúng tao không mấy ai là không biết những bản nhạc cổ điển như Phiên chợ Ba Tư của nhà soạn nhạc người Anh Albert William, chúng mày được nghe như lạc vào thế giới cổ tích.
    Năm 1970 trước khi vào chiến trường, tao về thăm nhà ba ngày đúng dịp kỉ niệm 200 năm ngày sinh Beethoven, 10 đêm nhạc Beethoven ở Nhà Hát Lớn lúc nào cũng đông nghịt. Tháng trước họ cho tao vé chương trình hòa nhạc "VNSO Beethoven cycle Vol.5" do nghệ sĩ piano nổi tiếng người Nhật Michie Koyama (Người đoạt cả 2 giải quốc tế Chopin và Tchaikovsky), sát giờ biểu diễn chỉ có vài chục người, đêm đó tao thấy Nhà Hát không hết chỗ. 
    Nghe nói Đặng Thái Sơn biểu diễn trong mấy ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội chắc cũng vắng như Chùa bà Đanh thôi. Dịp vừa rồi Hương Lan-Tuấn Vũ về nước ra Hà Nội biểu diễn, giá vé 3 triệu rưỡi một cặp, biểu diễn nửa tháng mà đêm nào cũng hết vé. Văn hoá kiểu bây giờ là thế họ thích những buổi như vậy, tao khẳng định với chúng mày trong số này có rất ít người Hà Nội đến xem. Đừng cho rằng thanh niên Hà Nội phải biết hip hop, tóc màu, cưỡi xe triệu đô còn nếp sống văn hoá như thế nào không cần biết.
    Tao không muốn nhắc những ngày lễ họ không biết từ đâu đến giẫm đạp lên thảm cỏ, tranh cướp hoa như không có chuyện gì". Ngang tàng là vậy nói xong anh lấy tay lau nước mắt.
         Không biết thanh lịch của người Tràng An còn nữa không?
Ngay trong ngày Đại lễ
          
   

2 nhận xét:

  1. Dễ hiểu Hương Lan Tuấn Vũ là món bình dân còn nhạc Đặng Thái Sơn là đặc sản

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét về văn hóa hiện nay của người Hà Nội quá chuẩn! Xã hội nào, văn hóa nấy. Khi mà cuộc sống là chụp giật, lừa lọc, bịp bợm, lừa mị,... thì làm gì có cái gọi là văn hóa cao được!

    Trả lờiXóa