29 thg 10, 2010

Master của Pháp không được công nhận ở Việt Nam

GS Ngô Bảo Châu có bài viết trên blog của mình, xin phép đăng lại để các bạn hiểu thêm về thu hút nhân tài của ta.

Đi thăm bác Pierre

Trong tiếng Việt, chữ “bác” khi được dùng ở ngôi thứ hai song song với ngôi thứ nhất là “tôi”, thể hiện sự thân mật, bình đẳng. Nó được dùng ở ngôi thứ ba như một tiền tố không thể thiếu của tên riêng, chỉ trong trường hợp ngôi thứ ba là đối tượng của tình cảm yêu thương , kính trọng đặc biệt của ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai. Ngày xưa chúng ta có bác Hồ, bác Tôn. Bây giờ, các bạn trẻ yêu Vật lý ở Việt Nam có thêm một bác tây phương phi là bác Pierre.
GS. Pierre Darriulat là một nhà vật lý thực nghiệm tên tuổi. Ông là một trong những nhân vật chính trong cuộc hành trình khám phá ra hạt boson W và Z, tác nhân của lực tương tác yếu. Những người ngoại đạo (như tôi) có thể đọc thêm về cuộc phiêu lưu đi tìm hạt W và Z ở đây và ở đây.
Quá trình GS. Darriulat trở thành bác Pierre bắt đầu từ cách đây khoảng mười năm, khi ông về hưu từ viện CERN. Bác Pierre mang sang Việt Nam sách, dụng cụ thí nghiệm để xây dựng labo nghiên cứu tia vũ trụ và tình yêu để bắt đầu cuộc sống trên một lục địa xa lạ.
Cách đây hơn một năm, anh Đàm Thanh Sơn có gửi cho tôi một số bài viết của GS. Darriulat về giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Đọc thấy thú vị quá nên hè vừa rồi, tôi có liên lạc với bác Pierre và xin phép đến thăm phòng thí nghiệm của bác.
Bác Pierre có một cái nhìn không khoan nhượng về khoa học Việt Nam  về những người làm khoa học ở Việt Nam. Tôi tin rằng sự tha hóa của đạo đức khoa học, và đạo đức nói chung đã làm bác Pierre thất vọng. Nhưng nụ cười đôn hậu thường trực trên môi bác, cùng với những đôi mắt sáng ngời của những bạn trẻ xung quanh bác, làm tôi tin rằng sự thất vọng đã không làm bác thôi hy vọng.
Buổi trò chuyện với những nhà vật lý trẻ làm việc tại Phòng thí nghiệm Tia vũ trụ làm buổi sáng trôi rất nhanh. Chị Tuyết Nhung, tiến sĩ mới toanh, trình bày công việc nghiên cứu chung của phòng thí nghiệm. Câu chuyện rắc rối về bằng cấp của Nhung không khỏi làm tôi suy nghĩ đến trường hợp của anh Trần Ngọc Nam. Cả hai đều là những thành công đáng tự hào của chương trình đào tạo phối hợp Việt-Pháp. Sau những năm làm việc ở Việt Nam dưới sự hướng dẫn của GS. Darriulat và ở Pháp, Nhung bảo vệ luận án của ở Paris. Theo thỏa thuận về hợp tác đào tạo, chị Nhung sẽ nhận bằng tiến sĩ của cả Pháp và Việt Nam. Trong thực tế, ĐHQGHN không hào hứng lắm trong việc cấp bằng tiến sĩ cho chị Nhung. Trường hợp của anh Nam, xảy ra cach đây mấy năm có phần còn oái oăm hơn. Sau khi đã viết xong luận án tiến sĩ, nhận được ý kiến rất tốt của phản biện, việc bảo vệ ở Pháp chỉ còn tính chất hình thức, Nam quyết định quay về Việt Nam để bảo vệ luận án tiến sĩ ở Việt Nam để tôn trọng một thỏa thuận có từ trước. Khi về Hà Nội, Nam được biết là bằng thạc sĩ của Pháp không được ĐHQG công nhận, và vì thế Nam đã phải thi lại bằng thạc sĩ Việt Nam rồi sau đó mới tính tiếp chuyện bảo vệ tiến sĩ. Cuối cùng thì Nam cũng đã bảo vệ tiến sĩ, nhưng với cái giá là bốn năm mất đi cho những lý do lẩm cẩm. Bốn năm mà anh chắc chắn có thể đã làm được nhiều việc khác.
Một luận án tiến sĩ với nội dung khoa học nghiêm túc là một sản phẩm đáng tự hào của bất kỳ trường đại học nào. Tại sao thay vì làm hết sức để có thêm nhiều tiến sĩ thật made in Vietnam, ta lại đặt ra vô số qui định để cản trở nó ?
Cái làm tôi thực sự băn khoăn sau buổi nói chuyện sáng hôm ấy là điều kiện sống và làm việc của các bạn trẻ bắt đầu làm khoa học ở Việt Nam. Sau đó, tôi có tâm sự với một lãnh đạo một doanh nghiệp về việc nhà nước không có chính sách học bổng cho nghiên cứu sinh làm luận án trong nước. Tôi cho rằng đây là một bất cập, thiếu công bằng so với học bổng nghiên cứu sinh du học. Anh bạn tôi cho rằng, hầu hết người đi làm nghiên cứu sinh trong nước vì không biết làm gì khác. Câu trả lời của anh, có chủ ý gây sốc, vẫn là một biểu hiện sinh động cho sự mất lòng tin trầm trọng đối với nghiên cứu khoa học trong nước. Một biểu hiện sinh động khác, mà các học trò trẻ của bác Pierre cho tôi biết, là việc các doanh nghiệp tư nhân cũng như nhà nước, ngày một mê tín giải pháp chìa khóa trao tay, không cho các nhà khoa học dù một cơ hội nhỏ, tham gia vào việc cài đặt, vận hành, sử dụng.
Ngược lại với trào lưu chung, bác Pierre đã đặt lòng tin vào những bạn trẻ mới bước chân vào con đường khoa học. Bên cạnh lòng tin, bác đã làm hết khả năng của mình để tạo ra điều kiện cho họ sống và làm khoa học thật sự.
Để duy trì hy vọng, thực ra chúng ta không có lựa chọn nào khác.

 

1 nhận xét:

  1. Hihi, chú vẫn chưa làm được cái quick comments rồi. Hiệu chè Chính Thái ở đầu đường Phó Đức Chính chú ạ.

    Trả lờiXóa