4 thg 6, 2010

Một góc nhìn về những chuyện dân gian ngày xưa

Mỗi lần gặp N bạn cùng học phổ thông, lại thấy anh phát hiện một vấn đề “mới” trong các truyện dân gian, có lần anh bảo Thị Mầu là người đại diện cho lớp trẻ, thể hiện đúng bản năng con người quyền tự do, “quyền được yêu” và yêu hết mình, còn Thị Kính là người có lòng từ bi hoá thân của Bồ Tát, chỉ biết cam chịu, thiếu trung thực giả dạng nam nhi đến chùa Vân để tu hành, “lừa” cả trên đất Phật, bạn bè tôi bảo N là “lập dị” tôi không nghĩ là vậy. Sau khi đi bộ đội về anh làm thơ viết truyện ngắn, đã được đăng báo Trung ương, in hai tập truyện ngắn và thơ toàn để tặng bạn bè.
Anh cho rằng truyện Lưu Bình Dương Lễ là nhẫn tâm, không đúng lời răn của đạo Phật, nếu bây giờ sẽ khép vào vi phạm bạo lực. Truyện Lưu Bình Dương Lễ là truyện thơ Nôm khuyết danh của Việt Nam , gồm 788 câu lục bát. Câu chuyện này đã được chuyển thể sang chèo, cải lương và dựng phim. Ngày còn nhỏ tôi đã từng theo ông chú đi ra sân đình xem biểu diễn.
“Lưu Bình và Dương Lễ là hai người bạn tâm giao từ thuở nhỏ. Dương Lễ nhà nghèo, còn Lưu Bình con nhà giàu có, nghĩ đến tình bạn Lưu Bình đem bạn về ăn cùng mâm, ở cùng nhà, học cùng đèn, tình bạn hữu rất là tương đắc. Dương Lễ biết phận mình nhà nghèo nên chăm chỉ học hành, còn Lưu Bình cậy mình có của nên lười biếng, ham chơi. Ðến khoa thi, Dương Lễ thi đậu được bổ ra làm quan, còn Lưu Bình hỏng thi nên sinh ra chán nản, ăn chơi, thi lần thứ hai không đỗ, tiền của khánh kiệt, lang thang. Sực nhớ đến bạn ngày xưa là Dương Lễ nên tìm đến để nhờ giúp đỡ. Dương Lễ lánh mặt không tiếp, dọn cơm hẩm với đĩa cà thâm để đãi, có vẻ khinh bạc. Lưu Bình tức giận tủi nhục ra về hẹn ngày báo oán. Dọc đường ghé lại quán trọ, quen với một thiếu phụ tên là Châu Long đang kén chồng. Nghe Lưu Bình thi hỏng, Châu Long tìm lời an ủi, động viên khuyên nhủ, nàng lo liệu mọi việc để cho Lưu Bình yên tâm ăn học, giao hẹn khi nào thi đỗ mới tính việc vợ chồng. Trai tài gái sắc cùng sống chung một nhà, có khi Lưu Bình không nén được lòng, muốn cùng ân ái, Châu Long cương quyết từ chối, nhắc lại lời giao hẹn lúc mới gặp nhau. Nhờ sự khuyến khích giúp đỡ của Châu Long nên Lưu Bình ráng sức học hành tiến bộ, khoa thi năm đó thi đỗ cao. Trở về nhà thì không thấy Châu Long đâu nữa. Hỏi thăm khắp nơi không ai biết nàng ở đâu, Lưu Bình cũng không hiểu vì sao Châu Long lại ra đi vào lúc mình đã công thành danh toại, nên đâm ra lo lắng, đau khổ, nhớ thương.
Lưu Bình tìm đến thăm Dương Lễ để mắng mỏ mấy câu cho hả giận. Dương Lễ vui vẻ đón tiếp. Lưu Bình toan mở miệng mỉa mai trách móc, thì bỗng thấy Châu Long từ trong bước ra chào. Dương Lễ mới giới thiệu nàng là thiếp thứ ba của mình. Lưu Bình hiểu ngay rằng trước đây Dương Lễ sở dĩ bạc đãi là để khích khí mình, sợ mình không có nơi nương tựa mà bê trễ việc học hành, rồi sai vợ lẽ là Châu Long thay mặt đi giúp đỡ mình ăn học cho thành tài. Từ đó Lưu Bình và Dương Lễ sống với nhau thân tình, khắng khít hơn xưa.
Một câu chuyện đầy cảm động, tình bạn cao cả đẹp như trong mơ. Kể ra thì cũng đúng. Về đạo lý giúp bạn để thành công dù có hắt hủi vẫn tốt hơn là nuông chiều những thị hiếu thấp kém của bạn. Có điều biện pháp để Dương Lễ thực hiện tình bạn cao cả với quan niệm của đạo Phật là không hợp, vi phạm vào điều răn, có thẻ nói quá là man rợ, nó được đánh đổi bằng tình vợ chồng. Ai chả biết câu nói cửa miệng chỉ mối quan hệ nam nữ theo quan niệm của nho giáo “nam nữ thụ thụ bất thân” giữa cái cho và cái nhận của hai người khác giới, chính vì thế Châu Long trước khi đi đã thành thật nói với chồng “Thiếp e lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” Nhưng Dương Lễ vẫn quyết để nàng ra đi. Ngay cả khi Châu Long chỉ là một người vợ lẽ hay một nàng thiếp đi nữa thì dùng cuộc đời nàng để thể hiện tình bạn của mình cũng là một điều tuyệt đối không nên. Châu Long bị biến thành một công cụ, nàng không những bị tước quyền làm vợ hay làm thiếp mà còn bị tước cả quyền làm người. Nếu cho rằng đề cao tình bạn thì, mặt khác lại thể hiện một cái nhìn coi thường phụ nữ. Trong xã hội ngày nay đề cao sự bình đẳng của phụ nữ, câu chuyện rõ ràng trở thành lỗi thời, nó không còn mang ý nghĩa giáo dục. Nếu không muốn nói, ngược lại.
Song câu chuyện Lưu Bình Dương Lễ có những điểm phù hợp với tinh thần của Chúa Giêsu:
Thứ nhất, tình bạn cao quý giữa hai người. Lưu Bình tuy giàu nhưng không quên Dương Lễ lúc hàn vi. Và khi Dương Lễ giàu sang, thế lực cũng không quên ơn Lưu Bình.
Thứ hai, tình bạn phải có sự hy sinh. Lưu Bình hy sinh tiền bạc để giúp bạn. Sau này Dương Lễ hy sinh danh dự, chịu để Lưu Bình nghĩ xấu về mình, và hy sinh một người thiếp để thay mặt mình chăm sóc cho Lưu Bình.
Thứ ba, tình bạn phải tích cực, phải giúp nhau đi lên. Dương Lễ có thể cung cấp chu đáo cho Lưu Bình về mọi mặt, nhưng nếu làm như vậy Lưu Bình vẫn ỉ lại sự giúp đỡ đó mà không cố gắng vươn lên. Do đó, Dương Lễ phải dùng đến "xỉ nhục kế" để Lưu Bình vì tự ái mà chăm chỉ học hành và đã thành đạt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét