26 thg 5, 2012

Không nên đặt cược tính mạng dân tộc


Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết:

Không nên đặt cược tính mạng dân tộc


Ngày 5/5/2012 tại buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân tại cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân đã giải đáp nhiều thắc mắc của người dân, trong đó có vấn đề xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) tại Ninh Thuận. Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng đã thông báo năm 2014 chưa thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Một ngày sau  tuyên bố của Bộ trưởng, Nhật Bản đã chính thức đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng. Nhân sự kiện này, VNT đã phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - người được dư luận đánh giá cao về những phát biểu ở Quốc hội khi ông giữ vai trò Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá,  Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - xung quanh sự kiện này.

Chúng ta sẽ sụn lưng nếu làm ĐHN

- Dư luận xã hội đánh giá ông là một trong những đại biểu Quốc hội có những ý kiến rất sâu sắc liên quan đến nhiều vấn kinh tế - xã hội, đặc biệt, ông  từng có ý kiến không đồng thuận về dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên và về vụ nợ nần cả trăm nghìn tỷ ở tập đoàn Vinashin. Nhưng hình như ông rất ít nói đến dự án ĐHN, vì sao vậy?

- Dự án xây dựng hai nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận được Chính phủ trình Quốc hội vào tháng 11 năm 2009, tại Kỳ họp thứ 6 QH khoá XII. Khi đó, tôi là một trong những người phát biểu ý kiến phản đối và là một trong 39 người biểu quyết không đồng tình với dự án này. Tôi nhớ là cùng với 39 người không đồng tình, còn có 18 người không biểu quyết (tức là bỏ phiếu trắng).

-  Ông có thể nói rõ lý do khiến ông có những ý kiến không đồng thuận?

- Một dự án phát triển kinh tế - xã hội phải được đánh giá trên ba phương diện: sự cần thiết, tính khả thi và tác động của dự án.

 Về sự cần thiết của dự án, Tờ trình của Chính phủ cho biết với tốc độ phát triển GDP của Việt Nam trung bình 8 – 9 %/năm thì nhu cầu điện năng vào năm 2020 sẽ là 380 tỷ kWh, gấp bốn lần năm 2010. Trong khi đó, Việt Nam không còn khả năng phát triển nhiệt điện do hết than, không còn khả năng phát triển thủy điện vì chỗ nào làm thủy điện được thì đã tận dụng gần hết, làm điện gió, điện mặt trời thì đắt, do đó phải làm ĐHN.

Tuy nhiên, trên thực tế, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của nước ta chỉ đạt 6 – 7 %/năm và trong hoàn cảnh khó khăn về tài chính và khủng hoảng kinh tế như hiện nay, khả năng tăng trưởng cao hơn là rất khó. Theo tôi, để giải quyết vấn đề thiếu điện, một mặt, Việt Nam cần tích cực giảm lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng điện; mặt khác nên chủ động giảm tăng trưởng GDP. Trong nhiều năm, để tăng trưởng GDP, chúng ta thu hút đầu tư bằng mọi giá. Nhưng đổi lại, dân ta bị  mất đất, môi trường bị tàn phá, người lao động có việc làm, nhưng mức lương chỉ từ 1,2 - 1,5 triệu/tháng. Vốn bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả sản xuất rất thấp. Hiện nay chỉ số ICOR (hiệu quả kinh tế) của Việt Nam là 7 tức bỏ ra 7.000 đ thì chỉ thu về được 1.000 đ. Chỉ số này ở khu vực kinh tế nhà nước còn lên đến 9,1. Như vậy, nếu không tăng được hiệu quả đầu tư, không chống được tham nhũng, lãng phí  thì càng tăng trưởng mạnh lại càng thất thoát nhiều.

Thứ hai là tính khả thi của dự án. Đây là một dự án không có tính khả thi. Xét về mặt nhân lực, chúng ta chưa có bất kỳ một cán bộ kỹ thuật nào về ĐHN chứ chưa nói đến chuyên gia. Hiện nay chúng ta đã cử cán bộ ra nước ngoài để học về ĐHN. Nhưng làm ĐHN khác với đóng gạch. Học đóng gạch chỉ cần một tháng, học làm ĐHN không những đòi hỏi thời gian dài mà còn đòi hỏi tác phong công nghiệp, trước hết là tính kỷ luật, sự cẩn trọng, chính xác. Phải nói thẳng là về tác phong công nghiệp thì người Việt Nam mình hạn chế rõ ràng. Nhiều người tham gia giao thông, cứ thấy vắng bóng cảnh sát là vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Không hiếm trường hợp người ta tháo cả giằng cầu đi bán. Có người còn lấy cắp cả hộp phóng xạ về nhà, bán không ai mua thì đem làm đòn kê chẻ củi. Tính kỷ luật trong xã hội thấp như vậy thì không chắc người được đào tạo về ĐHN sẽ không bị ảnh hưởng hoặc những người phục vụ xung quanh không bị ảnh hưởng.

Về nguyên liệu, nếu làm ĐHN, Việt Nam phải nhập từ nước ngoài. Theo số liệu thống kê thì lượng uranium trên toàn cầu chỉ còn khoảng 15 triệu tấn, đủ phục vụ cho 440 lò phản ứng HN đang hoạt động trong vòng vài chục năm nữa. Và như vậy, khi uranium trở nên khan hiếm thì giá của nó vô cùng đắt đỏ; đến lúc ấy, chắc chắn ta không thể chịu đựng được, đành bỏ không nhà máy ĐHN.

Thứ ba là tác động của dự án. Tôi xin nói về tác động tài chính trước. Về kinh phí làm 2 nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận, Nghị quyết của Quốc hội đưa ra con số 13,2 tỷ USD, nay tương đương 260.000 tỷ đồng. Song Quốc hội lại yêu cầu làm bằng công nghệ an toàn nhất. Ngay tại phiên thảo luận của Quốc hội, nhiều đại biểu đã khẳng định rằng không thể có giá rẻ như vậy. Và trên thực tế, Việt Nam đã ký Hiệp định liên Chính phủ với Nga trong đó Nga cam kết cho vay khoảng 8 tỷ USD (chưa tính phần vốn đối ứng trong nước) cho việc xây NMĐHN Ninh Thuận 1; còn với Nhật tuy chưa ký Hiệp định, nhưng cũng đã đồng ý cho công ty Nhật triển khai làm nhà máy thứ hai dự báo giá thành cũng không thấp hơn. Đó là chưa kể đến chi phí chôn lấp chất thải HN trên dưới 2 tỷ euro/nhà máy. Chi phí dỡ bỏ nhà máy ĐHN khi hết hạn sử dụng (chừng 40 – 50 năm) cũng khác hẳn chi phí tháo dỡ một nhà máy lắp ráp ô tô. Theo GS.VS Hoàng Xuân Phú, ở CHLB Đức, để dỡ bỏ 2 nhà máy ĐHN, người ta phải chi tới 4,1 tỷ euro. Nói thẳng là nếu làm ĐHN chúng ta sẽ sụn lưng.

Tác động đến xã hội cũng là điều cần cân nhắc. Làm ĐHN, chắc chắn chúng ta phải vay tiền; mà khả năng vay từ nguồn ODA (viện trợ trả chậm, không lấy lãi hoặc lãi suất thấp) là không có. Trong khi đó, nợ công của Việt Nam đã xấp xỉ 60%. Gánh nặng nợ nần có thể dẫn đến những bất ổn xã hội. Đó là chưa kể tâm lý lo lắng của người dân, nhất là ở vùng trực tiếp chịu ảnh hưởng của nhà máy ĐHN. Gần đây, tôi có đọc một số ý kiến của nhà thơ dân tộc Chăm Inrasara phản ánh tâm trạng lo lắng về ảnh hưởng của ĐHN đối với quê hương mình. Đó là những ý kiến rất cần được quan tâm.   

Tổ tiên run rủi?

Thảm họa đến từ thiên nhiên là bất khả kháng, nhưng trên thực tế thảm họa đến từ con người không phải là không thể xảy ra, liệu công nghệ hoàn hảo như chúng ta kỳ vọng sẽ đẩy lùi được thảm họa?

- Trận động đất, sóng thần dẫn đến thảm hoạ ĐHN ở Fukushima, Nhật Bản, cho thấy con người không thể tưởng tượng được hết mức độ và hậu quả khủng khiếp của thiên tai. Tốt nhất là hãy từ các thảm hoạ nhỡn tiền rút ra bài học cho mình. Tôi nghĩ tổ tiên đã run rủi cho chúng ta bằng những điểm báo rất rõ ràng: Khi ta chuẩn bị triển khai đại dự án bauxite ở Tây Nguyên thì xảy ra thảm họa bùn đỏ ở Hungary; định làm đường sắt cao tốc thì xảy ra hàng loạt tai nạn tầu cao tốc ở Trung Quốc; định làm ĐHN thì xảy ra thảm họa ĐHN ở Nhật Bản. Chẳng lẽ những cảnh báo dồn dập như vậy chưa đủ hay sao? Nên nhớ công nghệ cao đến đâu cũng có rủi ro. Lấy ví dụ, cầu Cần thơ do chuyên gia Nhật Bản thiết kế và chỉ đạo thi công bị sập cầu dẫn; Nhà máy lọc dầu Dung Quất với công nghệ tiên tiến của Pháp cũng dật dờ lúc đóng lúc mở suốt từ ngày khánh thành đến nay. Chúng ta không nên đặt cược tính mạng dân tộc vào kỹ thuật nước ngoài. Nếu còn thoát ra được thì nên cố gắng thoát ra. Thảm họa  có thể xảy ra từ thiên nhiên hay từ những bất cẩn của con người mà Chernobyn là một ví dụ điển hình về sự bất cẩn ấy.

- Nếu không làm ĐHN, Việt Nam sẽ không thể khắc phục được tình trạng thiếu điện đang ngày càng trở nên trầm trọng?

- Năng lượng điện của hai nhà máy ĐHN dự kiến chỉ đóng góp được 4% vào tổng năng lượng điện quốc gia, trong khi lãng phí điện ở nước ta rất lớn. Trong sản xuất, 1kwh điện ở Việt Nam chỉ làm ra được 0,8 USD, trong khi đó cũng 1kwh ở Nhật Bản, người ta làm ra 4,6 USD; ở Singapore 3,4 USD; ở Indonesia 2,7 USD và ở và Philippines 2,1 USD. Vì điện được sử dụng hiệu quả hơn nên mức tăng trưởng điện năng trung bình (do phát triển thêm nhà máy điện hoặc mở rộng quy mô các nhà máy điện hiện có) ở Nhật trong những năm qua chỉ là 0,8%/năm; ở Singapore 4,4%; ở Indonesia 6,3% và ở Philippines 4,6%; trong khi ở Việt Nam là 14,4%, cao hơn cả Trung Quốc (13%). Để đạt 380 tỷ kwh vào năm 2020, nước ta sẽ phải nâng mức tăng trưởng năng lượng điện lên 17%/năm. Nhưng nếu không nâng cao được hiệu quả sử dụng điện thì càng tăng trưởng nhiều càng bất lợi.  
Theo GS.VS Hoàng Xuân Phú, nếu tính cả kinh phí chôn lấp chất thải HN và dỡ bỏ nhà máy ĐHN khi hết hạn sử dụng, tổng giá thành làm ĐHN sẽ cao gấp 43 lần nhiệt điện, 41 lần điện từ khí, 27 lần điện từ gió biển. Trong khi đó, với trên 20 tỷ USD dự kiến đầu tư cho hai nhà máy ĐHN, chúng ta hoàn toàn có thể làm một nhà máy nhiệt điện công suất 18.750 MW, gấp 4,6 lần 2 nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận.

- Sau hơn 1 năm xảy ra sự cố ĐHN, ngày 6/5 Nhật đã chính thức đóng cửa lò phản ứng hạt nhân cuổi cùng, trong khi đó nước Nhật vẫn là đối tác giúp Việt Nam xây dựng nhà máy ĐHN? Ông suy nghĩ thế nào về sự kiện này?

- Việt Nam lựa chọn Nga và Nhật là hai nước có khoa học - công nghệ phát triển và cũng là hai nước có thảm họa hạt nhân lớn nhất làm đối tác giúp xây dựng 2 nhà máy ĐHN đầu tiên. Với những thông tin mà mình có được, tôi không hiểu rõ lý do lựa chọn hai nước này. Nhưng điều quan trọng hơn là không hiểu vì sao nước ta vẫn kiên trì phát triển ĐHN, trong khi hàng loạt quốc gia phát triển như Đức, Bỉ, Thuỵ Điển, Tây Ban Nha, Italia,… và chính nước Nhật đã từ bỏ chính sách phát triển ĐHN. Thủ tướng Nhật Naoto Kan khi còn tại chức đã khẳng định: “Xem xét nguy cơ nghiêm trọng của các tai hoạ hạt nhân, chúng tôi cảm nhận mạnh mẽ rằng chúng ta không thể cứ tiếp tục dựa trên lòng tin là chỉ cần tìm cách bảo đảm an toàn hạt nhân.” Và ngày 6/5 vừa qua, nhà máy điện HN cuối cùng ở Nhật đã phải đóng cửa theo yêu cầu của người dân Nhật. Người dân Nhật cũng rất có thiện chí khi biểu tình đòi Chính phủ không được bán công nghệ ĐHN cho Việt Nam. Ở chiều ngược lại, vừa qua, một số nhà khoa học và các giới khác ở Việt Nam cũng đã gửi thư cho Thủ tướng Nhật Bản với mong muốn nước Nhật không đưa công nghệ ĐHN vào Việt Nam. Còn vì sao Việt Nam vẫn kiên trì thì câu hỏi này chỉ có thể tìm câu trả lời đầy đủ nhất từ Chính phủ.

Theo nhìn nhận của ông, vì sao Nhật chấm dứt ĐHN?

- Thảm họa HN ở Fukushima đã làm tăng sự tàn phá của trận sóng thần đối với đất nước Nhật, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế cũng như đến đời sống người dân Nhật nói chung và người dân tại Fukushima nói riêng. Nếu ĐHN có góp được phần nào cho sự phát triển của nước Nhật trong giai đoạn vừa qua thì bây giờ nó lại chứng tỏ sức tàn phá quá khủng khiếp. Và ở một nước dân chủ như Nhật thì Chính phủ phải có những quyết định hợp với lòng dân. Chấm dứt ĐHN chính là để đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Quân khi trả lời trực tuyến báo chí đã chính thức   thông báo ĐHN chưa thể bắt đầu vào năm 2014.  Theo ông, có nên lùi thời hạn xây dựng ĐHN tới năm 2020?

- Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt, cho rằng nên lùi thời gian ít nhất là 10 năm và chỉ nên làm vài lò phản ứng để có kinh nghiệm đã. Nhưng dự kiến của Việt Nam là đến năm 2025 - 2030 sẽ đứng vào hàng thứ 15 thế giới về ĐHN. Thiết tưởng, chạy theo thành tích trong lĩnh vực này nguy hiểm hơn các lĩnh vực khác nhiều. Mà trên thế giới, cũng không ai người ta khuyến khích mình thi đua như vậy. Ngược lại, chúng ta phải nghiên cứu xem vì sao nhiều nước tiên tiến trên thế giới đang từ bỏ ĐHN.

Theo tôi, là một nước nhiệt đới, chúng ta nên đầu tư học hỏi, nghiên cứu làm điện từ năng lượng gió, từ nhiệt của mặt trời, chứ không nên phát triển ĐHN. Giá thành ban đầu có thể đắt nhưng khi cải tiến được công nghệ sẽ rẻ. Năm ngoái, tôi đi châu Âu, thấy những dàn điện gió trải khắp nước Hà Lan và những tấm pin mặt trời trải khắp nước Đức, tôi cứ mong một ngày nào điện gió, điện mặt trời cũng phổ biến trên khắp đất nước ta.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!
                                                                                          THU HÀ (thực hiện)

Nguồn : Văn Nghệ Trẻ số 22 (282), ngày 27/5/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét