2 thg 5, 2012

Sợ hay là không muốn dây

LUẬT PHÁP VÀ NHÀ BÁO!
 Tô Văn Trường 
   Nhiều nước trên thế giới đang phải đối phó với khủng hoảng nợ công, sản xuất đình trệ, thất nghiệp gia tăng vv... Nước ta cũng không tránh khỏi vấn nạn kể trên, nhưng nguy cơ trầm trọng hơn vì vẫn còn luẩn quẩn, rối bời về chủ thuyết phát triển và luật pháp còn nhiều lỗ hổng, trong khi sự vô cảm, và lòng dân ngày càng ly tán lại “lên ngôi”! Từ sự kiện Tiên Lãng (Hải Phòng), đến Văn Giang (Hưng Yên) vv… nhiều người dân bức xúc đặt câu hỏi một nhà nước của dân, do dân, vì dân, sao lại hành xử với dân như thế!? Nói chuyện với một số người làm công tác lý luận, thường đi rao giảng chính trị, tiếc thay họ cũng không hiểu thấu đáo tư tưởng lớn của loài người là tư tưởng của dân, do dân và vì dân. Tư tưởng này là thành quả lớn nhất của loài người về mặt chính trị nhưng cũng là bi kịch lớn nhất của loài người về mặt thực tiễn. Xuất xứ câu nói “của dân, do dân, vì dân” thực ra là của Pericles, một nhà tư tưởng thời cổ đại trước thiên chúa giáng sinh, sau đó, được Tổng thống Mỹ và nhiều người khác nhắc lại. Tôn trọng sự thật - bao giờ cũng là tiêu chí thứ nhất cho báo chí Luật pháp ở nước ta do chính quyền đẻ ra, giải thích theo quan điểm của chính quyền, không có tối cao pháp viện và tư pháp độc lập để xử lý. Chỉ riêng luật đất đai từ năm 1993 đã sửa 5 lần nhưng vẫn còn nhiều bất cập chủ yếu liên quan đến quyền sở hữu, dẫn đến xã hội bất ổn. Nhẽ ra, cần phải công nhận đa sở hữu, bỏ ngay khái niệm thu hồi đất, và đền bù, mà phải trưng mua theo giá thị trường, thì không làm. Gần đây, người ta lại tuyên bố bỏ khung giá đất, thử hỏi sẽ căn cứ vào đâu, lấy gì để đánh thuế chuyển nhượng và thuế thổ trạch? Luật pháp cứ luẩn quẩn không giống ai, cho nên trong dân gian mới có khẩu ngữ “luật pháp nước ta chán như con gián”! Trên công luận, ngoài báo công dân, chỉ có tờ báo chính thống “Người cao tuổi” chính thức lên tiếng cho rằng thu hồi đất ở Văn Giang là trái luật. Đúng sai, còn phải bàn, nhưng việc thể hiện chính kiến của báo Người cao tuổi thật dũng cảm, đáng khâm phục trong thời buổi nhiễu nhương hiện nay. Người đời thường nói cùng một tuổi đời khi đã về hưu có người vẫn làm việc có ích cho đời, vẫn sống thanh thản, trong lúc có người trở nên vô tâm, vô cảm và thường thể hiện sự hận thù, ghen tỵ. Báo người cao tuổi không phải là tuổi già bởi vì người già mong được tặng huân chương loại thật cao trong lúc người CAO TUỔI chỉ mong thường dân đón mình như đón người thân trong gia đình! Gs Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường lại cho rằng việc thu hồi đất ở Văn Giang là đúng luật đất đai 2003 “Những khu vực phát triển mà có hạ tầng chung thì đều thuộc phạm vi nhà nước thu hồi đất”!? GS Đặng Hùng Võ là người chủ chốt chỉ đạo sửa luật đất đai 2003, am hiểu luật, luôn thể hiện chính kiến của mình trên công luận là điều rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong luận giải của GS có những điều rất khó hiểu! Vụ Tiên Lãng, GS đã phân tích rất đúng, chính quyền cưỡng chế gia đình anh Đoàn Văn Vươn là sai luật nhưng GS lại cho rằng đất chính quyền giao cho anh Vươn là đất nông nghiệp? Theo tôi hiểu, đây chỉ là đất hoang bãi bồi, gia đình anh Vươn phải bỏ cả chục năm trời, với biết bao công sức, tiền của để cải tạo đất hoang mới trở thành đất nông nghiệp. Gần đây, tôi cùng với GS Đặng Hùng Võ, nhà sử học-đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, ông Nguyễn Minh Nhị, PGS Vũ Trọng Khải, đại tá-nhà báo Bùi Văn Bồng, TS Thang Văn Phúc vv…tham gia viết bài cho Diễn đàn “Sửa luật đất đai theo hướng nào” của báo Người Lao Động. Từ thực tế, tôi tin rằng Gs Đặng Hùng Võ thấy được những cái sai ở luật pháp bất cập không phải lỗi của dân mà là lỗi của hệ thống chính trị làm ra luật pháp này. Do đó, mỗi hệ thống chính trị của dân, do dân và vì dân thì phải chủ động can thiệp vào những chỗ luật pháp bất cập. Cố tình lợi dụng những bất cập của luật pháp là PHẢN DÂN. Về sự kiện Văn Giang, sơ bộ người dân nhận thấy ít nhất, có 4 cái sai: (1) Trong quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 30/6/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện dự án xây dựng đường từ cầu Thanh Trì đi thị xã Hưng Yên, không có nội dung về việc xây dựng “khu đô thị thương mại du lịch Văn Giang”; (2) Phải qua đấu thầu công khai, minh bạch để chọn ra được chủ đầu tư có uy tín, kinh nghiệm và khả năng về tài chính; (3) Nếu là đất thu hồi để làm kinh doanh thì phải qua thương lượng, tạo ra sự đồng thuận với người dân, tái tạo cuộc sống mới cho người dân; (4) Tổ chức lực lượng công an hùng hậu hàng nghìn người với súng AK, lá chắn, lựu đạn hơi cay, dùi cui, đàn áp, cưỡng chế người dân (xem clip trên mạng internet) vừa sai về luật lại vừa trái cả về đạo lý. Vì sao sự kiện Văn Giang nóng như thế mà chỉ có báo công dân lên tiếng, còn hàng trăm tờ báo chính thống của nhà nước đều im lặng đáng sợ!? Ai kìm hãm báo chí, ai bịt miệng truyền thông về vụ Văn Giang, người dân đều hiểu cả. Chính “vòng kim cô” mất dân chủ của thể chế, cấm đoán nhiều người cầm bút thể hiện quyền công dân, chính kiến phản biện xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống của nhà nước. Do “cái ghế” và “nồi cơm”, nhiều nhà báo “tự kiểm duyệt” hoặc bị đè nén, không đủ dũng cảm thể hiện đúng vai trò trách nhiệm của người cầm bút, bất lực dẫn đến thờ ơ trước nỗi đau của đồng loại, đặc biệt của người nông dân, tầng lớp đông đảo nhất, nghèo khổ nhất, có công lớn nhất, hy sinh nhiều nhất trong các cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc nhưng lại chịu nhiều bất công nhất, thiệt thòi nhất trong thời bình. Nhiều tờ báo chính thống đã tự làm sứt mẻ thương hiệu của mình trong lòng bạn đọc. Viết đến đây, tôi lại nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn về “chiếc bẫy chuột” của La Fontaine đại ý như sau: Bác Nông dân đi chợ mua một cái bẫy Chuột về nhà. Trước nguy cơ bị mất mạng, Chuột cầu cứu sự giúp đỡ với các gia súc khác trong nông trại. Chị Gà Mái đang bươi đất, dửng dưng: “Nguy cơ với anh đấy à, chân tôi dài, quyết không thể bị dính bẫy chuột.” Khá hơn một tý, anh Lợn chia sẻ: “Rất tiếc, tôi không giúp gì cho anh được. Tuy nhiên, tôi sẽ cầu nguyện cho anh không vướng vào bẫy”. Với Bò, Chuột nhận được câu trả lời: “Tôi hiểu sự lo âu của bạn, nhưng tôi biết làm gì đây”. Đơn độc, không ai chia sẻ, Chuột ta phải một mình ngày đêm cảnh giác hết sức tránh cái bẫy chuột tàn nhẫn. Một đêm, nghe tiếng bẫy xập, vợ bác Nông dân bèn thắp đèn đi soi Chuột. Chuột đâu không thấy lại bị con Rắn mổ vào chân. Biết bị rắn độc cắn, bác trai tức tốc chở bác gái đi bệnh viện cấp cứu. Giữa lúc giá viện phí tăng, giá thuốc còn tăng trước cả giá viện phí, bác Nông dân quyết định giết Heo rồi mổ Bò lấy tiền mua thuốc mà cũng không cứu được bác gái. Bác gái qua đời, bác trai phải giết nốt con Gà Mái làm mâm cơm cúng. Bài học rút ra là: Cuối cùng cái bẫy chuột lại làm thiệt mạng những con không phải là Chuột. Chúng ta đang sống trong một cộng đồng. Đừng vô cảm, MAKENO, bởi vì mọi biến cố xảy ra xung quanh ta, không ít thì nhiều cũng có ảnh hưởng đến chúng ta cả về hiện tại và tương lai. Đức Phật đã từng dạy : “Nước mắt nào cũng cùng một vị mặn, máu của người nào cũng cùng một màu đỏ”. Triết lý ấy bắt gặp tư tưởng nhân văn cao cả của người Việt Nam ta "thương người như thể thương thân". Ông Võ Văn Kiệt lúc sinh thời, luôn căn dặn :"Viết báo không chỉ cần có tâm hồn nghệ sĩ, mà trước hết phải có gan của người chiến sĩ cầm súng ra chiến trường nghĩa là phải luôn chiến đấu cho sự thật và tôn trọng, phản ánh sự thật". (http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-05-16-ong-sau-dan-day-toi-nghe-viet-bao) Sự kiện trấn áp, cưỡng chế bằng vũ lực từ Tiên Lãng (Hải Phòng) đến Văn Giang (Hưng Yên) trong lúc đang hô hào toàn dân học Nghị quyết 4 của Đảng, dù ngụy biện bằng bất cứ cách nào cũng là vết nhơ trong lịch sử, càng làm người dân mất lòng tin vào luật pháp. Ở đời, mất tiền là mất ít, mất uy tín là mất nhiều nhưng mất lòng tin mới là mất tất cả. Cần nhất là phải phục thiện, biết nhìn nhận vấn đề, nhìn nhận những bất chắc đến với mình, nhìn xa hơn là bất trắc, và sự tồn vong của đất nước.
 TVT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét