21 thg 9, 2013

Lý do Hải Dương báo cáo ngược với Chính phủ vụ cháy?

  Chia sẻ với tiểu thưởng HD, tôi đã gọi điện chia buồn với người thân. Tôi nghĩ hãy đặt  mình bị thiệt hại vụ hỏa hoạn này sẽ suy nghĩ gì về PCCC HD. Báo Đất Việt sáng nay có bài viết.

(Tin tức thời sự) - Trước báo cáo của tỉnh Hải Dương với Chính phủ về vụ cháy trung tâm thương mại vào rạng sáng ngày 15/9 có nhiều điểm mâu thuẫn, trái ngược với tình hình thực tế tại hiện trường vụ việc, dư luận bức xúc cho rằng tỉnh này có nhiều báo cáo ngược để che đậy sự thật.


Truyền thống báo cáo ngược từ vụ đốt pháo?

Ngày 16/9, UBND tỉnh Hải Dương gửi văn bản báo cáo Chính phủ về việc cháy Trung tâm Thương mại Hải Dương vào sáng ngày 15/9. Nội dung báo cáo khẳng định: Khoảng 3h20’ ngày 15/9 mới phát hiện thấy cháy và lập tức tổ bảo vệ tiến hành công tác dập lửa tại chỗ, báo với PCCC Hải Dương.
Đám cháy được phát hiện kịp thời tại quầy bán vải thuộc tầng 1 nhờ công tác tuần tra của nhóm bảo vệ 6 người. Tới 8h cùng ngày, lực lượng chức năng đã khống chế được đám cháy.

Nội dung báo cáo này hoàn toàn mâu thuẫn với lời tố cáo của hơn 500 tiểu thương mấy ngày nay. Tất cả các tiểu thương và nhân dân sống xung quanh trung tâm đều khẳng định cháy từ lúc 1h sáng nhưng không gọi được lực lượng PCCC. Hơn 3h sáng, dân phải phi xe máy tới trụ sở PCCC đập cửa mới báo được.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương báo cáo Chính phủ cháy là do chập điện.
Chiều ngày 19/9, công an Hải Dương đã có buổi làm việc với 6 bảo vệ được cho là những người đầu tiên phát hiện ra vụ cháy TTTM. Đồng thời, công an đang lấy danh sách cuộc gọi từ bưu điện đến các đầu số đường dây nóng 114 để tìm ra thời điểm vụ cháy.
Cùng với đó là lời khẳng định của ông ông Vũ Khắc Thuyết - Giám đốc Trung tâm Thương mại Hải Dương: "Buổi tối trước khi xảy ra hỏa hoạn, bảo vệ trung tâm đã làm đúng quy chế của Ban quản lý là cắt điện lúc 18h30".

Với lời khẳng định của ông Thuyết thì vào hôm TTTM bị cháy không có điện thì chập kiểu gì? Như vậy, báo cáo này của tỉnh Hải Dương gửi lên Chính phủ có nhiều điểm mâu thuẫn với tình hình thực tế và trái với logic thông thường.

Điều này đã làm cho nhiều người liên tưởng đến vụ việc tỉnh Hải Dương báo cáo lên Chính phủ về tình trạng đốt pháo trên toàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán 2013.

Theo đó, vào giữa tháng 2/2013, tỉnh Hải Dương đã gửi báo cáo lên Chính phủ nói rằng trong dịp Tết Nguyên Đán 2013, trên địa bàn toàn tỉnh Hải Dương không để xảy ra tình trạng đốt pháo, thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc buôn bán, tàng trữ và đốt các loại pháo.

Ông Hoàng Mai Khương - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương, khẳng định: "Lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra đón giao thừa, đón xuân ở các địa phương không có đồng chí nào phản ảnh hiện tượng đó. Theo yêu cầu của Chính phủ, chúng tôi đã báo cáo lên Chính phủ là không có hiện tượng đốt pháo".

Pháo đốt đầy đường nhưng Hải Dương vẫn báo cáo với Chính phủ là không có tình trạng này.
Pháo đốt đầy đường nhưng Hải Dương vẫn báo cáo với Chính phủ là không có tình trạng này.

Thế nhưng, ngay sau đó, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã đăng tải hàng loạt những hình ảnh về xác pháo tại huyện Kẻ Sặt, Thanh Miện, Kim Thành - Hải Dương được đốt trong dịp Tết Nguyên Đán 2013.

Đặc biệt, tại huyện Bình Giang, tuyến đường ngay trước trụ sở UBND huyện, xác pháo rải sát ngay trước hiên nhiều nhà dân, nhiều cửa hàng.

Ngay sau khi báo chí phản ánh sự việc, ông ông Nguyễn Văn Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, lại cho rằng: “Nói chung là giảm rất nhiều so với năm trước”.

Người chết còn báo cáo láo, huống chi tài sản

Khi công văn của tỉnh Hải Dương được gửi lên Chính phủ với nhiều nội dung mâu thuẫn  cùng vào thời điểm một vụ việc khác ở tỉnh Lào Cai cũng đang bị chính quyền sở tại giấu nhẹm về thông tin số người chết trong vụ sạt lở mỏ vàng "thổ phỉ" vào ngày 4/9 tại địa bàn xã Minh Lương (Văn Bàn, Lào Cai).

Theo đó, sau khi vụ sạt lở mỏ vàng "thổ phỉ" xảy ra, lãnh đạo xã Minh Lương báo cáo lên huyện. Huyện hỏa tốc thông báo lên tỉnh. Tỉnh thông báo lên Trung ương với một dòng thông tin ngắn ngủi: 2 người chết, 12 người bị thương.

Tại hiện trường vụ việc, ngày 9/9, công tác tìm kiếm thi thể của các gia đình nạn nhân vẫn đang diễn ra.
Theo nhiều người chứng kiến kể lại, hàng chục phu vàng bị cuốn phăng theo con nước dữ, bị đất đá vùi lấp. Có người, may mắn được tìm thấy thi thể - dù không nguyên vẹn; có người, mãi mãi nằm sâu trong lòng đất. Những chuyến xe vùn vụt lao đi trong đêm, chở những thi thể không nguyên vẹn về quê hương an táng. Tất cả đều vội vã.
Phóng viên báo Tiền Phong tại hiện trường vụ sạt lở

Con số 2 người chết mà chính quyền huyện Văn Bàn - Lào Cai báo cáo lên tỉnh, tỉnh báo cáo lên Trung ương khiến cho bất kỳ người nào ở gần khu vực sạt lở cũng phải nghi ngờ.

Liên quan đến vụ việc, chỉ tính riêng thống kê của xã Tuân Đạo, Lạc Sơn, Hoà Bình, trong ngày 5/9, xã tiếp nhận 4 người chết, ngày hôm sau tiếp nhận thêm 1 người chết nữa.

"Trong văn bản của Công an xã ghi rõ, 5 nạn nhân đều bị chết trong vụ sạt lở núi ở bãi vàng tại xã Minh Lương, Văn Bàn, Lào Cai" - ông Bùi Văn Rưn (Chủ tịch UBND xã Tuân Đạo, Lạc Sơn, Hoà Bình) nói.

Báo Hòa Bình ngày 9/9 cũng đưa tin: “Đến thời điểm này, ở 3 xã Tân Lập, Tuân Đạo và Quý Hòa đã xác định có 8 nạn nhân bị chết trong vụ sạt lở núi xảy ra vào trưa ngày 5/9 tại khu khai thác vàng trái phép Rừng Vầu, Rừng Xanh thuộc xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, số người thiệt mạng và bị thương trong cơn lũ quét kinh hoàng xảy ra tại xã Minh Lương, huyện Văn Bàn đã được 'đóng đinh' bởi những con số 2 người chết, 12 người bị thương 'ma quái' đó.

Và có một thực tế là: Số người bị thiệt mạng trong vụ lở núi này lớn hơn nhiều! Con số cụ thể là bao nhiêu, chỉ có những bưởng vàng và chính quyền Lào Cai mới biết được.
Bộ ngành, doanh nghiệp cũng khiến nhiều người "té ngửa" vì báo cáo ngược

Tình trạng báo cáo ngược, không đúng thực tế đang không chỉ xảy ra phổ biến ở một số cơ quan hành chính mà phổ biến ở các doanh nghiệp nhà nước. Xăng dầu liên tục kêu lỗ để xin tăng giá nhưng sau đó hạch toán ra lại lãi lớn, thị trường BĐS kêu gào "đóng băng", mong Nhà nước cứu giúp nhưng đến cuối năm vẫn thưởng cho nhân viên cao ngất ngưởng.

Cụ thể, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) liên tục kêu lỗ, kêu khó khăn không đủ tiền nộp thuế, song theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II năm 2013 của Petrolimex gửi lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn cho thấy, Tập đoàn này đạt lợi nhuận 898 tỷ đồng.

Petrolimex kêu lỗ để tăng giá nhưng hạch toán mỗi quý lại lãi lớn.
Petrolimex kêu lỗ để tăng giá nhưng hạch toán mỗi quý lại lãi lớn.

Trong đó, lợi nhuận từ mặt hàng xăng dầu chiếm 43%. Mặc dù Petrolimex luôn phát đi thông tin kinh doanh xăng dầu khó khăn, nhưng theo báo cáo tài chính thường niên của tập đoàn này thì mức lãi không hề nhỏ.

Theo đại diện một DN đầu mối xăng dầu cho biết, mức chiết khấu phổ biến cho các đại lý xăng dầu trên thị trường hiện nay là 500 - 550 đồng/lít, áp dụng cho cả mặt hàng xăng lẫn dầu diesel. Mức này bắt đầu áp dụng từ đầu tháng 9/2013, sau khi giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng khá mạnh. Trước đó, mức phổ biến trên thị trường lên tới 700 - 750 đồng/lít.

Còn theo quy định của Bộ Tài chính, chỉ cho phép DN đầu mối chi hoa hồng không quá 430 đồng, bằng một nửa so với tổng chi phí định mức 860 đồng.

Quế Phong

1 nhận xét:

  1. Theo em, việc báo cáo ngược là có cơ sở vì họ SỢ đủ thứ. Nỗi dau lớm nhất là các vị "công bộc" lớn nhỏ đều SỢ TRÁCH NHIỆM dù họ thừa biết rằng đang ăn lương từ tiền thuế của dân.
    ĐAU!

    Trả lờiXóa