12 thg 9, 2013

Chúng ta cố gắng để làm gì?

   Nhân kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam, và tưởng niệm 25 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ –Xuân Quỳnh. Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức “Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ ”. Lâu lắm mới đến rạp xem đoàn kịch tuổi trẻ biểu diễn càng thấy thương tiếc một tài năng đã ra đi quá sớm ở tuổi 40.
 “Mùa hạ cuối cùng" ra đời cách đây hơn 30 năm, đạo diễn Phạm Thị Thành đã dàn dựng năm 1980, nhưng hôm nay đạo diễn Chí Trung đã làm mới vở kịch, câu chuyện mang tính thời sự lôi cuốn khán giả bao nhiêu chuyện bất ngờ, đúng như đề dẫn mỗi chúng ta là công dân của thành phố này, mà thành phố chỉ là chấm nhỏ trên quả địa cầu, quả địa cầu chỉ là vật thể nhỏ bé trong vũ trụ bao la.. Vậy chúng ta cố gắng để làm gì?
   Nhà trường đâu chỉ giáo dục kiến thức cho học sinh, trách nhiệm nặng nề hơn đó là phải xây dựng "con người"có đầy đủ đức tính lòng trung thực, thẳng thắn, có trách nhiệm, có niềm tin... Câu chuyện không mới xoay quanh chuyện gian dối trong thi cử. Chuyện kể về nhân vật Châu học giỏi, thông minh, thẳng thắn, đồng hành cùng Châu là thầy Hiển chủ nhiệm lớp luôn dạy học trò về nhân cách, đạo đức, lý tưởng để vươn tới một xã hội tốt đẹp. 
   Trong kỳ thi cuối năm lớp 12, trong buổi thi toán Châu phát hiện đề bài đã có người cùng lớp đưa cho tối qua, Châu đã đứng lên phản ánh với giáo viên đề nghị hủy kỳ thi và cho thi lại. Vì danh dự của nhà trường, uy tín của thầy hiệu trưởng, mọi người bắt Châu phải xin lỗi, hội đồng kỷ luật quyết định không cho Châu thi tốt nghiệp. 
  Bố và bạn bè trách móc sao “dại thế”, tìm đến thầy chủ nhiệm “thôi em ạ, đôi khi cuộc sống phải biết nhân nhượng, có cái gì tuyệt đối đâu”. Thần tượng của Châu bao nhiêu nay mà suy nghĩ như vậy, thử hỏi còn tin vào đâu? Tinh thần suy sụp em bỏ nhà đi.

Đức Khuê trong vai thầy Hiển



Ngọc Huyền trong vai phụ huynh học sinh có đề thi- và học sinh Châu

 Song câu chuyện kết cũng có hậu mọi chuyện đã được làm sáng tỏ. Lương tâm đã đánh thức cô văn thư tự thú, việc lộ đề là do cô, vì sống với gia đình nhà chồng trong căn nhà chật chội bao thế hệ, cô chỉ mong ước được mua “căn hộ giá gốc” để vợ chồng con cái ra ở riêng, nên đã tiết lộ đề cho một phụ huynh.
  Vở “Lời thề thứ chín” đề tài chống tiêu cực, tôi còn nhớ mỗi sáng thứ hai cả đại đội chào cờ chúng tôi thay phiên nhau đọc Mười lời thề danh dự, học thuộc không sai một chữ, cho đến nay đã mấy chục năm tôi vẫn còn nhớ đoạn đầu “ Chúng tôi quân nhân, quân đội Nhân dân Việt Nam xin thề…”
Tôi lạnh người khi nghe trên sân khấu một chiến sỹ bảo vệ biên cương Tổ quốc, ở nhà bố bị chính quyền xã bắt tù oan đã phải thốt lên “Đất nước không tươi đẹp, nhân dân không anh hùng, nhân dân nhát.." cả rạp đứng dậy vỗ tay,  vở này đã nhiều lần đưa trên đài truyền hình nay đã dàn dựng khác, tháng trước Tổng bí thư NPT, Thủ tướng NTD cũng đã xem vở này, không biết đạo diễn có đưa những câu nói này không, nếu có các ông suy nghĩ gì về sự tình đất nước hiện nay?

  Chờ ngày mai đến rạp Công nhân xem “Hồn Trương Ba da hàng thịt” có gì mới không?

1 nhận xét:

  1. Ở xa Hà nội thiệt thòi quá, chẳng cần nói ai cũng hiểu xã hội ngày nay ntn

    Trả lờiXóa