* TS. TÔ VĂN TRƯỜNG
Nhìn lại cả quá trình phản biện xã hội về dự án bô xít Tây Nguyên, rất nhiều nhà khoa học, người dân đã không tiếc thời gian, công sức nghiên cứu, tìm hiểu đi thực tế, phân tích đánh giá toàn diện dự án để khuyên can, kể cả lấy chữ ký kiên trì kiến nghị tập thể của hàng nghìn người nhưng kết quả như “đàn gảy tai trâu ” nên mới tới cơ sự này.
Mấy hôm nay, lại bùng lên 2 sự kiện là Thủ tướng tuyên bố dừng cảng Kê Gà và thông tin là làm kiểu gì cũng lỗ! Thông tin xấu không bưng bít được nữa. Vinacomin chắc cũng hết “máu” rồi nên đang “giẫy chết” và đang bắt đầu điệp khúc “chỉ triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ ” – tức là đổ tội cho Thủ tướng đây. Trước đây, Thủ tướng đã có lần đăng đàn nói rõ dự án bô xít là chủ trương lớn của Đảng. Còn Đảng là ai và có thể đổ tội cho ai đây?!!! Ngay nhiều vị lãnh đạo chủ chốt đương chức hiện nay đã từng nói như ra lệnh cho Quốc hội "Đã quyết rồi"! Liệu có thể lôi ra công luận, và tòa án lương tâm ông cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, cái người cả gan ký với Tàu năm xưa đã kịp hạ cánh an toàn về cưới cô vợ trẻ hay không?
Có 2 việc quan trọng cần phải làm ngay. Thứ nhất là thành lập Ban Thẩm định đánh giá độc lập xem xét lại toàn diện về dự án bô xít. Các số liệu “ma, ảo thuật” liên quan đến dự án là trách nhiệm cụ thể của ai? Dừng ngay bây giờ thì còn phúc cho dân tộc, cho dù đã đầu tư tốn kém đến đâu chăng nữa. Cần phải dừng ngay dự án để xác định rõ những kẻ tiếp tục “cố đấm ăn xôi” hay ngoan cố để vụ lợi hoặc chạy trốn trách nhiệm. Thứ hai là bài học nào từ sự kiện này có thể rút ra cho việc ra các quyết định chiến lược và lắng nghe phản biện xã hội?
Người dân có quyền đặt câu hỏi vì lý do gì khi dự án bô xít Tây Nguyên biện giải ở trên giấy cũng còn chưa xong, khía cạnh nào cũng thấy lo “điên đảo luôn” (ngôn ngữ của Táo quân), giờ thì làm kiểu gì cũng lỗ nữa thì tại sao lại còn làm? Có mục tiêu thật nào chưa nói ra không? Tại sao nhìn vào đâu cũng thấy công nghệ Trung Quốc, công nhân Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sản phẩm bô xít gần như duy nhất là Trung Quốc? Chỉ có điếc và mù mới không biết Trung Quốc đang nhăm nhe muốn nuốt chửng Việt Nam.
Lý do chính để Đảng và Nhà nước vẫn quyết tâm thực hiện dự án bô xít lâu nay vẫn là hiệu quả kinh tế trên giấy. Nay thực tiễn, bước đầu đã bác bỏ thành lũy cuối cùng của một thứ lập luận lừa dối thiên hạ này. Các loại VINA lâu nay có làm được cái gì ra hồn đâu ngoài việc xà xẻo phần trăm các dự án cho vào túi riêng. Các mặt khác như văn hóa, an ninh quốc phòng, môi trường vv…các chuyên gia, các nhà khoa học đã nói từ lâu, không ai có thể bào chữa được nữa về mức độ rủi ro cao và tác động xấu của dự án. Có điều trước đây người ta vẫn nói theo kiểu “cả vú lấp miệng em” là do ta nghèo nên vẫn phải chấp nhận hy sinh một vài thứ để có cái ăn.
Về các bài học thì có lẽ vẫn là về lỗi hệ thống. Về quyết định chiến lược, lâu nay có một thực tế tệ hại là đất nước cứ bị mang ra làm trò thí nghiệm. Đất nước và dân tộc ta đang là một con “chuột bạch” khổng lồ! Có một loạt việc tày đình được quyết định rất ẩu và khoác một cái vỏ bọc an toàn là ”thí điểm” để có thể thành công hay không thì kẻ phạm tội vẫn có cửa thoát thân. Nếu coi những chuyện lớn như vậy là thí điểm thì quả là người ta đã mang đất nước ra để làm trò đùa. Thí điểm tập đoàn nhà nước, hút hết máu của nền kinh tế thì là chuyện thật chứ còn thí điểm gì nữa. Thí điểm 2 nhà máy bô xit, đây là đầu tư thật cả tỷ đô la và kéo theo một loạt các hạ tầng phụ trợ , lại là thí điểm. Nếu công luận không sớm lên tiếng thì quy mô khủng có thể bắt đầu ngay chứ đâu chỉ giới hạn ở 2 nhà máy.
Lần này, các lãnh đạo Vinacomin còn đang sống sượng, muối mặt phán bừa rằng biết đâu trong 30 năm nữa thì giá nhôm sẽ lên cao thì dự án lại hiệu quả!!! Cần phải đánh giá lại toàn diện dự án để từ đó rút ra bài học về những sai sót trong việc quyết định làm dự án. Trong việc đánh giá lại, nên loại bỏ quyết định mang tính chính trị mà phải xây dựng trên việc đánh giá lợi ích kinh tế và môi trường. Làm đến đâu, chỉ mang tính thử nghiệm, hay khai thác đáp ứng nhu cầu của thị trường thì phải xem xét lợi ích kinh tế như thế nào, có tính đến cả giá của nó trong thời gian sắp tới. Theo tôi, 5 năm trước mắt, giá alumin khó lòng mà đi lên vì kinh tế thế giới sẽ tiếp tục yếu. Theo bài báo Wall Street Journal, về cung vẫn cao hơn cầu. Họ sản xuất nhưng tồn kho để giữ giá. Nếu lãi suất tăng, tồn kho sẽ đắt, hàng tung ra sẽ làm giá xuống nữa, ít nhất 20%. Như vậy, năm 2014-2015 lối ra của bô xit vẫn sẽ đen tối (tham khảo bài báo theo đường link dưới đây).
Có phương pháp “ngụy luận” khác là thay vì đưa ra các chỉ số đo lường kết quả và sự thành công, người ta hay quy về một số chỉ số định tính khó đo lường, mập mờ. Cần phải tiếp tục cảnh giác với kiểu lập luận đưa mọi sự vào thế mập mờ để nói thể nào cũng được này (đã dốt lại còn tỏ ra “nguy hiểm”). Doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ ở các chỉ số tài chính, kinh doanh thì đưa ra khái niệm khó đo là điều tiết vỹ mô, điều tiết thị trường. Chương trình đánh bắt cá xa bờ thay vì cần có các chỉ số đo lường hiệu quả bền vững của đồng vốn đầu tư thì lại viện cớ củng cố an ninh quốc phòng mơ hồ. Cuối cùng cũng đành thú nhận thất bại. Nhà máy Dung Quất thay vì sử dụng các chỉ số đầu tư đơn giản như NPV, IRR thì lại nhấn mạnh tới động lực phát triển miền Trung, cố tình “giật gấu, vá vai” bưng bít, để mỗi năm lỗ 120 triệu đô la, tất cả lại đổ lên đầu tiền thuế của dân vv…Lợi ích nhóm sẽ tiếp tục hoành hành biến lãnh đạo thành "hoàng đế cởi truồng" trước bàn dân thiên hạ. Dự án tỷ đô Cảng Lạch Huyện đang tìm cách “lách luật” thì nguy cơ đi theo vết xe đổ đã hiển hiện rõ ràng.
Tàu cao tốc không làm xuyên Việt được thì cũng dự định “thí điểm” ở 1 đoạn để thúc đẩy phát triển du lịch miền Trung. Tới đây, không biết nhà máy hạt nhân có thí điểm không? Mà nói rộng ra đi lên Chủ nghĩa xã hội mà chẳng ai biết rõ nó là cái gì thì cũng lại là một cuộc thí điểm nhiều đời hết ông đến cha, giờ đã đến cháu chắt rồi. Ai là người đam mê “thí điểm” và tự cho mình có quyền “thí điểm” nhiều và với quy mô như vậy? Cơ thể của đất nước, xã hội có thể chịu đựng nổi bao nhiêu lần thí điểm nữa đây?
Một bài học sâu xa nữa là văn hóa tiếp thu phản biện xã hội. Không thể không đặt câu hỏi tại sao lãnh đạo đất nước lại mắc quá nhiều sai lầm như vậy?. Hầu như đụng đâu, sai đấy, làm đâu, hỏng đấy! Quyết định càng lớn lại càng sai. Bên cạnh nhiều vị lãnh đạo tầm nhìn, tư duy, năng lực hạn chế là đội ngũ tham mưu hỏng. Còn chốt kiểm soát cuối cùng là phản biện xã hội thì lại bị thù ghét thì còn ai chỉ dẫn, góp ý cho mình nữa. Chuyện xảy ra quá nhiều lần. Chân lý của quyền lực đã thắng quyền lực của chân lý hết lần này đến lần khác. Riêng lần này, ai có thắc mắc về dự án bô xít, xin nhớ lại lời của thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang, còn chụp mũ cho các trí thức là phản động!?
Vấn đề không chỉ nằm trong việc tiếp thu phản biện xã hội mà chính là hệ thống hiện hành không dung thứ ý kiến trái chiều với nhà cầm quyền. Cái gì cũng để Đảng và Nhà nước lo thì lo sao cho thấu. Mưu sỹ thì toàn lựa đám a dua, lựa theo ý cấp trên mà minh họa theo thì làm gì còn có khoa học nữa. Trung thần còn có mấy người? Không chỉ là văn hóa tiếp thu phản biện mà còn là văn hóa tự chịu trách nhiệm cá nhân. Những người to mồm về dự án bô xit này đi đâu cả rồi? Ai là người đưa ra chủ trương lớn? Ai là người xây dựng báo cáo khả thi? Cái gốc cuối cùng vẫn phải là dân chủ hóa xã hội để mỗi quyết định quan trọng của đất nước được đưa ra đều phải có chất lượng dựa trên một quy trình khoa học, chuẩn mực.
Đã đến lúc Đảng, Quốc hội và Chính phủ phải nhận thức được rằng những tiếng nói phản biện xã hội không còn là những tiếng đàn bầu thánh thót du dương vì còn đâu những cánh đồng cỏ xanh non, những bờ xôi, ruộng mật, còn đâu những cánh rừng bạt ngàn Tây Nguyên vươn lên từ đất để bảo vệ đất. Những tiếng nói phản biện xã hội đang trở thành tiếng cồng, tiếng chiêng của Tây Nguyên hùng vĩ, là tiếng sóng gầm trong bão của biển Đông đang ôm ấp cái đất nước còng lưng hình chữ S mảnh mai đầy đau thương, bất hạnh này. Tiếng nói phản biện là tiếng lòng chắt lọc từ trí tuệ của các trí thức, người dân có trái tim hàng đêm nhỏ máu trước vận nước.
Không thể chữa các vết thương đã hoại tử bằng bông băng và thuốc đỏ. Từ dự án bô xít, (một chuyện trong hàng ngàn chuyện) Đảng tự đặt mình trên dân tộc, quốc gia rồi, vậy cần gì Quốc hội, cần gì Hiến pháp? Điều 4 Hiến pháp như khẳng định: "Cha là chủ gia đình". Đúng, Cha là chủ gia đình, theo nghĩa ấy mà trị quốc thì là "Nhân trị" chứ không phải "Pháp trị". Vì có mấy ai làm cha mà có thương ghét các con công bằng, công tâm đâu. Vì thương ghét là phạm trù tình cảm, trạng thái tâm lý, cảm tính. Cả Quốc hội, Chính phủ, Tòa án đều do một "Cha" quyết thì thà rằng "Cha" làm luôn như trong chiến tranh, Đảng quyết hết mà có ai nói gì đâu?. Hoàn cảnh thời bình, tập tành với nền kinh tế thị trường cho nên phải học kinh nghiệm của những nước tiên tiến. Làm theo kiểu cũ, say mê thí điểm thì sẽ còn biết bao bô xít, các Vina và những "dị nhân Hoàng Hữu Phước" xuất hiện làm điên đảo nhân quần! Đã đến lúc người dân không cho phép đem dân tộc ta, đất nước ta bị chính ta vày vật làm thí điểm bởi những tư duy tủy hứng, bất định và cả vụ lợi, để phải gánh chịu mọi đớn đau như con “chuột bạch” khốn cùng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét