22 thg 2, 2013

Điều 4 của Hiến pháp 1980 đến Hiến pháp 1992


    Phát biểu tại Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Hiến pháp do Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (Văn phòng Quốc hội) và Tạp chí Pháp luật và phát triển (Trung ương Hội luật gia Việt Nam) tổ chức sáng nay 22.2, GS Nguyễn Minh Thuyết nêu lại một số thay đổi trong quy định tại Điều 4 của Hiến pháp năm 1980 đến Hiến pháp 1992 về vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN.
  Theo đó, tại Điều 4 Hiến pháp năm 1980 quy định Đảng CSVN là “lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội”. Đến Hiến pháp 1992, vai trò lãnh đạo của Đảng được sửa lại thành: Đảng CSVN là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội”.
GS Thuyết nhìn nhận, sau khi Hiến pháp được ban hành, Điều 4 trở nên có vị trí rất đặc biệt. Cả những lập luận chính thống trong nước cũng như những thế lực thù địch hiện nay đều cho rằng chỉ có giữ được Điều 4 mới giữ được vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN. Thiết tưởng, đó là những nhận thức mang nhiều định kiến.
“Bởi vì một khi Điều 2 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã khẳng định “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” và toàn bộ mô hình tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước đã thể hiện tính chất xã hội chủ nghĩa trong một bản hiến pháp được toàn dân đồng tình qua trưng cầu ý dân rồi thì dù không có Điều 4 cũng không ai xóa bỏ được chế độ xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ được vai trò lãnh đạo của Đảng ở nước ta”, GS Thuyết lý giải.
Cũng theo ông Thuyết, trong trường hợp xét thấy nhất thiết phải giữ Điều 4 như thể hiện trong Dự thảo thì “Hiến pháp cần quy định rất rõ phương thức lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội của Đảng để tránh tình trạng mất cân đối hiện nay: Quyền và nghĩa vụ của nhân dân, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan Nhà nước được quy định rất cụ thể, trong khi đó quyền và nghĩa vụ của lực lượng lãnh đạo cả nhân dân lẫn nhà nước là Đảng lại được quy định một cách khá sơ sài”.
Ông Thuyết cũng cho rằng, những nguyên tắc đang dẫn dắt đời sống chính trị nước nhà như Hiến pháp thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng (chứ không phải một khế ước xã hội), hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa các nghị quyết của Đảng hay những quyền lực thực tế của Đảng như xác định phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, bố trí nhân sự và lãnh đạo công tác của toàn bộ bộ máy nhà nước… cần được quy định trong Hiến pháp để đảm bảo “các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, và “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.
“Không có những quy định này, rất có thể dẫn đến xung đột quyền lực hoặc quyền lực của nhiều chủ thể mang tính hình thức”, GS Thuyết cảnh báo; đồng thời dẫn ví dụ: Hiến pháp quy định Chủ tịch nước “thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân” (khoản 5 Điều 93) nhưng ai cũng biết người thực sự thống lĩnh lực lượng này là Bí thư Quân ủy Trung ương, tức Tổng bí thư BCH Trung ương Đảng.
Hay như, Hiến pháp quy định Chủ tịch nước có quyền “đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ” (khoản 3 Điều 93) nhưng Chủ tịch nước không thể thực hiện được quyền này nếu không có nghị quyết của Bộ Chính trị hoặc BCH Trung ương Đảng.
Phát biểu thảo luận sau đó, ông Lê Tiến, hội viên Hội luật gia Việt Nam, đề nghị Hiến pháp sửa đổi nên có một chương riêng về Đảng, trong đó nêu rõ trách nhiệm cụ thể của Đảng với tư cách lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét