30 thg 9, 2012

Giáo dục: Tiếp tục giam hãm hay khai phóng?



  Sáng 29/9, góp ý kiến cho hội nghị Trung ương VI vào tuần tới - những tri thức thủ đô không ngần ngại ngày nghỉ, đã hội tụ để "hiến kế" cho công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục nước nhà. Họ là những Nhà giáo nhân dân, GS đầu ngành có nhiều đóng góp cho giáo dục đã không thể ngồi yên trước những lo âu cho thế hệ tương lai của đất nước.
   Hơn 3 tiếng "hiến kế" không giải lao, GS Hoàng Tụy, GS Hoàng Xuân Sính, GS Chu Hảo, GS Nguyễn Lân Dũng, GS Phạm Minh Hạc, GS Nguyễn Xuân Hãn, nguyên phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.... đã phác thảo nhiều "mảng tối" của giáo dục đào tạo nước nhà cần tháo gỡ.
GS Hoàng Tụy: "Tiếp tục giam hãm hay khai phóng phát triển?"
Từ 15 năm nay nhiều người đã liên tục cảnh báo, giáo dục của Việt Nam không chỉ lạc hậu mà còn nguy hiểm hơn là nó đang đi lạc hướng ra xa con đường chung của nhân loại, đang phát triển lạc điệu với thế giới văn minh.
Trong thế giới hiện đại, với xu thế toàn cầu hóa không thể đảo ngược được, nước nào không hội nhập được, không thích nghi được sẽ bị cô lập, sẽ bị bỏ rơi đằng sau đuôi, "chết lâm sàng" rồi từ từ bị đào thải nếu không sớm tỉnh ngộ.
Có thể nói cái khuyết tật cấu trúc, lỗi hệ thống của giáo dục, cái nguyên nhân sâu xa mà từ đó đẻ ra mọi khó khăn, vấp váp chính là sự lạc điệu, lạc hướng không giống ai...Nhà trường không thể chỉ dạy chữ, dạy kiến thức mà còn phải dạy người.
Dạy người trong nền giáo dục đó là đề cao tính nhân văn: rèn luyện nhân cách, phẩm chất trí tuệ, năng lực cảm thụ, ý thức cộng đồng, hướng theo thang giá trị phổ quát của nhân loại đương thời. Có như thế mới có thể hội nhập thành công và mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh mới có cơ may hiện thực". Bằng không chúng ta sẽ mãi mãi lẹt đẹt theo sau thiên hạ và cái mục tiêu ấy mãi mãi xa vời...
Sau mấy chục năm giáo dục chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi các ràng buộc ý thức hệ cứng nhắc, đã đến lúc phải có lựa chọn: hoặc là tiếp tục con đường cũ, tiếp tục giam hãm đất nước trong nền giáo dục ngày càng tụt hậu so với thế giới, hoặc là cương quyết thay đổi tư duy - thực hiện bước ngoặc cơ bản, mở đường cho một giai đoạn giáo dục khai phóng phát triển?
GS Chu Hảo: "Tổng điều tra GD trong năm 2013"
Nền giáo dục của chúng ta hiện nay không phải là lạc hậu (đi đúng hướng nhưng đi chậm) mà là lạc đường. Những yếu kém, bất cập và lạc hậu đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng trong nền giáo dục quốc dân của chúng ta đã tồn tại từ nhiều năm nay ngày càng trầm trọng.
Hậu quả của nó không chỉ là không đáp ứng được nguồn nhân  lực cho công cuộc CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, mà quan trọng hơn là góp phần làm suy yếu thêm nền tảng văn hóa - đạo đức xã hội.
Thực tế, bao nhiêu chỉ thị, nghị quyết của Đảng đều không được thực hiện nghiêm chỉnh; những cảnh báo, kiến nghị của các cá nhân và tập thể đều như "đấm vào bị bông". Trách nhiệm này thuộc về ai?
Để giải quyết các vấn đề đặt ra, Nghị quyết về GD lần này nên ngắn gọn, không kể lể dài dòng thành tích và tồn tại theo kiểu "ba sôi hai lạnh", về nguyên nhân thành công và yếu kém, thời cơ và thách thức...mà đi thẳng những vấn đề cần quyết và cần chỉ đạo.
Nghị quyết cần khẳng định nền GD đang khủng hoảng và cần tiến hành một cuộc cải cách triệt để. Đồng thời, thành lập Ủy ban Quốc gia về CCGD độc lập với Bộ GD-ĐT để thực hiện hai nhiệm vụ: Tổ chức tiến hành cuộc Tổng điều tra GD trong năm 2013. Tổ chức soạn thảo đề án tổng thể về CCGD trong năm 2014 để Chính phủ trình Quốc hội thông qua và tổ chức thực hiện từ năm 2015.
Từ nay đến khi có đề án tổng thể về CCGD, không tiến hành bất cứ một đề án Đổi mới hoặc dự luật GD mới nào do Bộ GD-ĐT đề xuất
GS Hoàng Xuân Sính: "Bỏ lối quản lý bằng mệnh lệnh..." 
Một bức tranh trải ra trước mắt: hệ phổ thông với thầy và trò suốt ngày dạy thêm học thêm; hệ ĐH với những sinh viên chỉ muốn xả hơi sau 12 năm gò lưng trên bàn học, đến mùa thi thì đi thầy để có bảng điểm tốt; và một danh sách dài những gia đình chán ngán giáo dục nước nhà, tìm cách cho con ra nước ngoài học....
Có thể nói trong 12 năm từ tiểu học đến hết THPT - giáo dục của Việt Nam chỉ làm được việc dạy kiến thức, còn việc dạy người thì chưa làm được gì. Người ta thường nói: cứ xem người dân hành xử ở nơi công cộng thì sẽ đánh giá được ngay giáo dục của nước họ.
Đi Trung Quốc sẽ thấy những biển đề nghị "Nói khẽ", ở Thái Lan là "Không xả rác", ở Singapore là "Thừa một lạng thức ăn phải trả 1 đô la sing"...ở quán tự phục vụ. Các biển đó viết bằng tiếng Việt chứ không phải tiếng Anh, nghĩa là chỉ dành cho người Việt Nam. Nhưng người mình không thấy đó là điều sỉ nhục mà chỉ thấy ngồ ngộ!?
Vấn đề giáo dục phải làm là dạy chữ không quên dạy người. Con người có học là con người tử tế, phải biết xấu hổ với các hành động không tốt, không đẹp. Đồng thời, phải thiết lập một mạng lưới trường lớp hợp lí. Bỏ lối quản lý bằng mệnh lệnh không phù hợp với thực tiễn, tạo cơ chế xin -cho...
Nguyên phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: "Sửa đổi chính sách đối với nhà giáo" 
Đổi mới căn bản và toàn diện nền GD không chỉ nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực con người mà kết quả sẽ góp phần quan trọng vào công cuộc chấn hưng đạo đức và văn hóa xã hội.
Xu hướng của thế giới, muốn phát huy sức mạnh của đất nước phải phát huy tiềm năng của từng con người. Song song với dạy chữ cần phải dạy làm người - đó là nhiệm vụ quan trọng - phải dạy làm người lương thiện có trách nhiệm với xã hội, có tư duy độc lập sáng tạo...
Cần phải tập trung sửa đổi chính sách đối với nhà giáo và cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Theo kết quả điều tra mới nhất, một tỷ lệ khá lớn giáo viên phổ thông đang không đủ sức đáp ứng các yêu cầu của chương trình hiện hành. Tới đây, chất lượng giáo viên mới vào nghề còn thấp hơn nữa...Lo ngại hơn, có từ 40-60% giáo viên thẳng thắn bày tỏ ý kiến, nếu được chọn lại nghề thì sẽ không làm nghề dạy học.
Cùng với đó, hội nghị TW phải nêu được yêu cầu đổi mới cơ bản toàn diện GD, những vấn đề trọng tâm cần giải quyết để có cách thực hiện. Cách làm hiện nay của Bộ GD-ĐT không thể đổi mới được.
Cần thành lập một Hội đồng Quốc gia, trong đó Bộ GD-ĐT có vai trò quan trọng trong việc tổ chức xây dựng các đề án cụ thể. Hội đồng gồm những chuyên gia GD trong và ngoài ngành mới thực hiện được sự nghiệp lớn. Đảm bảo đến năm 2015-2020 có một đề án tổng thể về đổi mới căn bản toàn diện GD nước nhà.
PV Kiều Oanh

2 nhận xét:

  1. Một nền giáo dục tốt cần phải là một nền giáo dục khai phóng, đặt trọng tâm vào vấn đề trí dục và đức dục: trí dục đưa học sinh ̣đến đỉnh cao khoa học của thê giới cũng như đóng góp cùng nhân loại những phát minh mới; đức dục là giáo dục học sinh đạo đức cơ bản của con người, kê thừa truyền thống tốt đẹp về đạo đức của cha ông, đừng nên nhồi sọ chính trị vào trí óc non nớt của tuổi thơ .

    Trả lờiXóa
  2. Sông Quê Êm Đềmlúc 22:03 1 tháng 10, 2012

    Tôi và NXD cũng vừa mới tới thăm GS Chu Hảo hôm qua. Giá như có nhiều thời gian để nghe GS nói chuyện...

    Trả lờiXóa