2 thg 7, 2012

BẦY SÂU VÀ QUẢ TÁO THỐI


Truyện ng n
Thái Bá Tân    

Lúc ấy trời đã xế chiều.
Hai ông già, một gầy một béo, ghé vào quán nước để nói chuyện “nhân tình thế thái”, tức là chuyện chính trị.
Dạo này đâu người ta cũng thấy các ông nói chuyện chính trị. Mà nói to, không thèm thậm thụt như trước.
Ông gầy lấy ra một tờ giấy, thích thú đặt nó lên bàn rồi nói:
“Ông đọc đi.”


     Đức Phật bảo đệ tử:
“Hãy nhìn kia, bầy sâu
Đang ăn quả táo thối.
Mà cắn xé, tranh nhau.

Chúng tưởng chúng hạnh phúc
Ăn thứ nhơ bẩn này.
Ta, người thường, thấy chúng
Là loài đáng thương thay.

Còn những người giác ngộ
Thì thấy người vô minh
Như sâu ăn táo thối,
Rất hài lòng với mình.”    

Ông béo đọc xong, ngước lên hỏi:
“Thì sao?”    
“Thì nó nói đúng phóc chứ sao?”
“Nói gì?”
Ông gầy không trả lời thẳng vào câu hỏi của bạn:
“Đây là bài thơ trên một tờ báo “lề đảng”. Để bàn về cái nhân, cái đức, cái gì gì đấy của Phật. Không quan trọng. Quan trọng là nó nói đúng thực trạng của ta hiện nay. Tôi biết lão tác giả này. Lão thâm lắm. Là ông quan văn của đảng nên lão phải mượn cổ nói kim, mượn người nói ta. Cũng phải thông cảm cho lão.”
Ông béo gật gù:
“Đúng là bọn tham quan đang đục khoét đất nước như bầy sâu tranh nhau ăn quả áo thối. Vấn đề ở chỗ là có quả táo thối trước để sâu đến ăn hay ngược lại, vì sâu ăn mà quả táo thành thối. Táo chín, tự rơi xuống đất cũng có thể thành thối.”
“Thế ông nghĩ sao?”
“Ở một nước bình thường thì đa phần táo rụng mà thối. Còn nước ta thì do sâu ăn.”
Ông gầy thở dài:
“Mà bọn chúng tranh nhau ăn kinh lắm. Sắp hết quả táo rồi. Đất nước ta sắp toi rồi.”
Ông béo cũng thở dài theo. 
Im lặng một lúc, ông gầy lại nói:
“Tôi đọc kỹ bài thơ, thấy Phật nói đúng. Cứ như Ngài đang nói về ta ấy.”
Ông béo cầm tờ giấy đọc lần nữa, rồi hỏi:
“Ông có thương hại chúng không?”
“Không. Chỉ Phật mới có thể yêu hết mọi người. Với Ngài, không có người xấu, chỉ có người tốt và chưa tốt. Tôi thì tôi nghĩ phải giết chúng. Giết hết!”
“Thời buổi sâu nhiều người ít, giết thế nào xuể.”
“Thì phải làm sao cho người nhiều sâu ít.”
“Làm cách nào?”
“Phật chẳng đã nhắc đến hai chữ “giác ngộ” đó sao? Không ít người thậm chí giờ còn chưa nhận thấy chúng là sâu. Phải làm cho họ “giác ngộ để thấy bộ mặt thật của chúng.”
“Đành thế, nhưng khó.”
“Ừ, khó.”
Rồi cả hai ông gãi tai, gần như cùng một lúc.
Bất chợt, ông béo nói, giọng hồ hởi:
“Tôi nghĩ lại rồi. Về việc sâu trước hay táo thối trước ấy mà, tôi cho rằng ở ta nhất định phải do táo thối trước. Ý tôi muốn nói tới môi trường xã hội, hay cơ chế, hệ thống gì đó như bây giờ người ta hay nói. Nó bị lỗi, bị thối từ đầu nên mới đẻ ra lắm sâu thế. Những con sâu vốn dĩ cũng là người bình thường như ta, có con còn tốt hơn. Thế mà thành sâu. Sâu cũng ba bảy loại. Loại sâu hoàn toàn, loại nửa người nửa sâu hay sâu một phần, người ba phần. Nhưng chung qui vẫn là sâu, vì trong một quả táo đã thối thì không thành sâu cũng khó. Hoặc cái miệng ăn, cái tay vơ là sâu, còn cái đầu, cái tâm thức vẫn sót lại đôi chút chất người...”
Đến lượt ông gầy hồ hởi:
“Bác nói thế làm tôi chợt nảy ý này. Có thể làm cho người nhiều sâu ít bằng cách khơi gợi, khuyến khích, hoặc nếu được thì bắt sâu trở lại làm người, nhất là những con sâu bự, sâu chúa. Từ người thành sâu được thì cũng có thể từ sâu lại thành người được chứ sao.”
“Miễn là có điều kiện cần và đủ,” ông béo chêm vào.    
“Đúng. Bài thơ này về lời Phật dạy cũng góp phần tạo nên điều kiện ấy. Và rồi chính những con sâu quay lại làm người ấy sẽ tự mình chữa  cái “lỗi hệ thống” kia, và làm cho quả táo không thối nữa. Đừng quên trước khi thành sâu chúng cũng từng là người, và trong chừng mực nào đó, chúng cũng là nạn nhân của cái “ hệ thống” được áp đặt từ trước.”
“Ông nói cứ ngon ơ. Chúng không dễ gì muốn trở lại thành người đâu.”
“Có thể. Nhưng hiện giờ tôi nghĩ đó là điều khả thi hơn cả, nếu không muốn nói duy nhất.”
Khi đứng dậy ra về, ông béo nói một câu không ăn nhập mấy với những điều vừa tranh luận:
“Giá bây giờ có Phật sống lại nhỉ?”

Hà Nội, 30. 4. 2012




1 nhận xét:

  1. Thái Bá Tân mới viết bài thơ "Mắng con" - Ngày 7/7.

    Trả lờiXóa