14 thg 12, 2011

Chuyện xưa nhớ lại (P3)

    Đêm trước bố mơ thấy bà nội con về. Lưng bà còng, tóc bạc trắng, hàm răng nhuộm đen vẫn như xưa. Bà rủ bố đi theo bà. Bố nói:
-         Bà đi rồi con phải ở lại trông nom chăm sóc ông con đi sao được.
Không nói gì, bà lau nước mắt lặng lẽ bước đi…
 Bây giờ gặp lại người thân hay con cháu bà, họ đều nhắc đến bà khen bà tốt, sống tình cảm. Bố thường nói với mọi người “chẳng con nào giống tính bà”. Từ ngày bố biết cho đến lúc bà đi, cả đời bà chỉ lo lắng phục vụ chồng con. Bà âm thầm chịu đựng không nề hà bất cứ việc gì, dù buôn bán hay việc gì bà luôn lấy chữ tâm làm điều răn dạy. Bà dạy các con sống phải trung thực, đừng làm điều gì trái đạo đức. Có được tài sản, nhà cửa như ngày nay, một tay bà xây dựng, nếu có bàn ông chỉ gạt đi sợ vất vả lụy đến thân. Bà tính toán chắt chiu, tiết kiệm, chăm lo cho các con ăn học bằng người.
   Không hiểu sao từ ngày bà mất tính tình ông thay đổi cứ như bà nhập vào. Nhiều người mời ăn cỗ ông lấy lý do đau răng không ăn được, chờ ăn xong ông đến chơi nói chuyện với mọi người rất tình cảm.
  Bố không được trời phú thông minh như người khác, sinh ra từ một gia đình thuần nông, bố hiểu mình phải làm gì, con đường học hành của bố rất đáng tự hào, từ năm lớp 5 bố đã dự thi học sinh giỏi cấp huyện sau này bác Khôi cùng học với bố thời cấp 3 nhắc lại bố mới biết. Năm 1964 mấy xã mới có một trường cấp 2, bố học ở trường Hoàng Văn Thụ, tổng kết năm lớp 7 theo thang điểm Liên Xô, tất cả các môn đều đạt 5. Toán 5, Lý 5, Hóa 5, Sinh vật 5, Sử 5... chỉ có môn Văn 4+ (lúc đó cả trường có hai lớp 7  như lớp 9 ngày nay), thầy cô rất quí mến bố, mấy chục năm sau gặp lại thầy Khang người Hà Nội sống ở Sài Gòn vẫn gọi bố theo biệt danh cây toán.
Sau cải cách ruộng đất tư tưởng chủ nghĩa xã hội xuống tới tận vùng quê, đến đâu cũng nhắc đến phe Xã hội chủ nghĩa, nhìn tấm ảnh Mao Trạch Đông mặc bộ áo vét màu sữa cổ quàng khăn đỏ bế cháu thiếu niên mà thấy kiêu hãnh cho “phe mình” sao nó tươi đẹp thế. Song có mấy người biết các “ông anh” chúng ta đang đánh chửi nhau, Trung Quốc và Liên Xô đang bất đồng trên nhiều quan điểm, tranh dành quyền lực. Trên giới truyền thông suốt ngày nghe nói xấu và lên án nhau, ra đường bắt gặp đủ các loại tài liệu chống tư tưởng xét lại của Khrushchev phát không cho mọi người do Trung Quốc in. Cứ tưởng sức mạnh phe ta sắp đảo lộn cả trái đất, đế quốc chỉ còn chờ ngày diệt vong.
 Với tư tưởng của Chủ tịch Mao, các làng xã của ta hình thành các nông trang tập thể, trước mắt thành lập hợp tác xã nông nghiệp. Ruộng đất, trâu bò công cụ sung vào tập thể. Gia đình nhà mình không được xét vào đợt đầu, hàng ngày nghe tiếng ý ới gọi nhau đi làm, bố thấy buồn và thua kém bạn bè hiểu được điều đó bà làm đơn cuối năm 1959 nhà mình vào hợp tác xã, bà khóc còn ông thở dài. Nhà mình lúc đó rất đông vui, sau 7 năm bà đi chữa bệnh sinh thêm chú Đ, cô Ph và chú Ph.
 Năm 1965 Mỹ đánh phá ra Miền Bắc, trường cấp 3 bố học cũng phải đi sơ tán. Hàng ngày về nhà bố theo xã viên hợp tác xã đi làm như gánh phân, nhổ mạ, gặt lúa nhưng chỉ cho ăn công phụ chẳng đáng là bao. Bố tham gia mọi sinh hoạt ở địa phương, xã đoàn tổ chức lớp học văn hóa mời bố dạy cho thanh niên.  Sợ nhất một lần bố đau bụng như chưa từng có, nhưng vẫn vác đất đắp cộng sự cho bộ đội pháo ở cầu Phú Lương tưởng rằng sẽ không sống nổi.
  Cuộc đời đâu có được suôn sẻ như theo mình muốn, sự hòa nhập như vậy bố không suy nghĩ gì cho rằng tuổi trẻ lúc đó là thế. Bố được nhà trường cử đi thi vào lớp toán đặc biệt của tỉnh nay là chuyên toán. Nhà trường yêu cầu phải có lý lịch, từ sáng sớm bà và bố vào gặp ông chủ tịch xã, lúc đó chưa một cửa như bây giờ chủ tịch giữ luôn dấu, chờ mãi ông ta ngủ dậy để ký. Về đến nhà bố đọc xong khóc tu lên, cả đời này bố không thể quên được với dòng chữ  “Chú ruột đảng viên thoái thác nhiệm vụ, cậu ruột đi lính ngụy có nợ máu với dân, bố đi hương dũng 3 tháng” thử hỏi lý lịch như vậy ai chấp thuận cho đào tạo nhân tài đất nước. Bố tìm hiểu ông chú thích văn nghệ, bỏ hết mọi công việc đi học kéo nhị về tham gia đội kịch ở xã, ông cậu thiếu úy lính nhảy dù ở Cát Bi Hải Phòng, bố đi hương dũng công việc hàng đêm ra đầu làng canh gác.
  Mấy tháng liền bố chẳng muốn học hành và làm gì. Nghe có đợt tuyển quân bố gặp bằng được anh Đức xin đi, họ bắt bố viết đơn tình nguyện lúc ấy bố 16 tuổi, người gầy và đen cân nặng 38 kg, khám sức khỏe đạt loại B2 nhưng vẫn được đi. Cả nhà buồn, bạn bè ngỡ ngàng khi biết tin này. Bước ngoặt lớn trong đời bố là đây.

3 nhận xét:

  1. Còn anh và em trai của tôi, ngay cả việc tình nguyện đi bộ đội cũng không được nữa, cuộc sống của gia đình tôi khi đó thật đen tối.
    Tôi còn nhớ bố tôi ngày ấy làm ở Sở Thủ công nghiệp Hải Phòng (quản lý nhiều HTX Thủ công toàn người Trung Quốc), mỗi lần về nhà bố mang về hàng thùng sách và tài liệu do Trung Quốc in, cả đống huy hiệu Mao Trạch Đông...chỉ vì chỗ ở của bố ở Hải Phòng rất chật, không có chỗ để chứa sách và tài liệu đó.

    Trả lờiXóa
  2. Như vậy bạn cũng hiểu thời của chúng ta là thế nào.Bạn có biết câu thơ nổi tiếng của Vũ Hoàng Chương
    "Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ"
    Sau đó ông vào Nam.

    Trả lờiXóa
  3. Thưa, tôi có biết câu này và tôi còn thuộc cả bài thơ có câu này nữa :
    ...
    Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
    Một đôi người u uất nỗi trơ vơ.
    ...

    Trả lờiXóa