9 thg 12, 2011

Chuyện xưa nhớ lại (phần 1)

Bác khóc sau CCRĐ (ảnh TL)

     Ngày xửa ngày xưa… tưởng đã lâu, nhưng bố vẫn còn nhớ.
 Ngày bố còn nhỏ nhà mình chưa phải là nghèo, chẳng thế mà cải cách ruộng đất họ xếp thành phần trung nông. Bà nội buôn bán hàng đồng cứ vài ngày lại lên tỉnh, rồi đi tầu lên làng Đông Mai để cất hàng, mỗi lần như vậy khi về bà thường mua vài quả cam, khi chiếc bánh mì ở quê không có cho ông và hai chị em bố. Ông nội ít học, đọc sách đánh vần từng chữ, chữ viết rất to nguềnh ngoàng sai chính tả, bà nội có phần khá hơn nhất là tính nhẩm, bố thuộc lòng câu cửa miệng của bà “bà ngoại mất lúc tao mười hai tuổi đã phải đòn gánh trên vai đi chợ kiếm tiền nuôi em và cháu”, buổi tối bà theo học lớp bình dân do mấy ông ở xã dạy được chữ nào hay chữ đó, nhưng bà thuộc nhiều thơ, có cả Nguyễn Bính và truyện thơ khuyết danh, buổi tối bên ngọn đèn dầu bà kể bố nghe chuyện “Lưu quân cống Hồ” , “Lỡ bước sang ngang” chính vì thế bố cũng thuộc, lúc đó mấy ông đội cấm đọc Lỡ bước sang ngang cho là ủy mị. Ông thường kể những chuyện dân gian, phong tục cổ  theo “Thọ mai gia lễ” bố hiểu thế nào là hiếu thảo với cha mẹ, thờ cúng, tang lễ ngày xưa.
Năm 1953
    Mãi sau này bố mới biết lúc đầu có tên là Cốt, sau đổi lại như tên bây giờ vì ông bác họ nói cốt là xương là nhục, chuyện này chính bác ấy kể cho bố nghe, duy nhất anh M con của bác hiện đang ở Sài Gòn vẫn gọi tên Cốt.
    Những năm chiến tranh nhà mình ở trong xóm trại giữa cánh đồng, bố sinh ra ở đó năm bố lên hai hay ba gì đó chỉ bà còn nhớ, tây đi càn đốt cháy hết, hai chị em cõng nhau ra đầu làng ngồi khóc, lúc đó ông đi làm, bà đi chợ, bà bảo "thế là trắng tay" duy nhất còn sót lại chiếc chăn vải nhuộm củ nâu và cái đồng hồ Con gà của Pháp để trong cái nồi dấu ở vườn, đến nay chiếc đồng hồ vẫn còn để ở quê gần bằng tuổi bố.
   Bố cũng đã từng đi xem nông dân tố khổ do mấy ông đội chỉ đạo, nói đến các ông đội dân ai cũng sợ, không biết họ có tài gì mà để cho mọi người căm thù địa chủ phú nông đến thế, họ quát mắng địa chủ hơn cả con, họ lấy của địa chủ chia cho diện bần cố nông từ cái nồi, mâm bát đến con trâu, mảnh ruộng, nhà mình chẳng được chia gì. Bố được thấy mấy người đứng lên chỉ mặt địa chủ “vu oan giá họa” đổ tội cho họ, các bác địa chủ có người bố biết chỉ biết im lặng vì cãi là chết, có bác sợ quá tè cả ra quần. Thật đáng thương cho xã hội lúc bấy giờ chính ta lại vả vào mặt ta.
         HN 12/2011
 Tôi viết blog chỉ là ngẫu hứng, trải lòng mình cùng mọi người. Không chính trị chính em gì cả. dangnba.

8 nhận xét:

  1. Tôi cũng thương cho sự sai lầm CCRĐ ngày ấy

    Trả lờiXóa
  2. Còn tôi thì lớn lên mới biết...hú vía vì bố mẹ tôi đã may mà thoát được.

    Trả lờiXóa
  3. Ông nhắc lại chuyện xưa, tôi buồn lắm!
    Khi đó tôi trạc tuổi các cháu tôi bây giờ, mà tôi nhớ hết.
    Tôi vẫn nói với các con, khi chúng quát mắng con chúng nó. Hồi xưa bố bằng tuổi này nhưng có sự việc bây giờ còn nhớ hết. Liệu lời mà dạy con.

    Tôi nhớ nguyên hình ảnh hai Bác tôi, khi bị bắn, không chết được, chắp tay lạy liên hồi. Sau này được ăn học, tôi nghĩ sao người ta không bắn nữa cho chết hẳn, đó là nhân đạo vậy.

    Hồi đi trận những năm 70, chúng tôi thường cầu xin là nếu trúng đạn thì chết hẳn hoặc bị thương nhẹ để Mẹ không phải nuôi. Nhờ trời bây giờ cón sống để viết cho Ông. Thương các bạn không về …

    Bố tôi, chỉ là khóa sinh, dăm ba chữ, hiền lành, biết đi xây nên được bầu 'làm' trung nông. Hồi đó, lúc ăn cơm, đặt lên cái nia, ông bà đội đi qua thì đẩy vào gầm giường. Chúng con chào bà đội ạ! Lạy bà ạ! Thói quen nói “ạ” này bây giờ tôi cũng không sửa được. Tôi sẽ chép đăng truyện “Hạt thóc” của bố bạn tôi, để nói đôi lời.
    Khổ thân tôi, sao bây giờ vẫn còn nhớ. Như hạt thóc nhớ sợ tiếng gà trưa. Nhưng không bao giờ tôi kể cho con cháu. Nói như Trần Đăng Khoa, giá như là cứt chó thì tốt biết bao, không sợ vì “chó chết, hết chuyện”.

    Trả lờiXóa
  4. Dangnba nhắc lại chuyện xưa làm VanPham buồn lắm.
    VanPham nhắc lại chuyện xưa của VanPham làm tôi buồn thêm. Tuy bố mẹ tôi thoát được CCRĐ nhưng vẫn phải sống Hậu CCRĐ, mây xám đã phủ lên tuổi thơ của anh chị em chúng tôi. Cũng khổ thân tôi, sao đến mãi tận bây giờ mà tôi vẫn không sao quên được.
    Tôi cũng không biết rằng nếu ngày đó mẹ tôi bị làm sao thì không biết cuộc sống của anh em tôi sẽ thế nào, lúc bấy giờ anh tôi 4 tuổi còn tôi thì 2...
    Ơn trời vẫn còn là may lắm lắm.

    Trả lờiXóa
  5. Đọc xong bài viết không khỏi nghẹn ngào, rơi lệ cho một giai đoạn lịch sử tăm tối...

    Trả lờiXóa
  6. Em là hậu sinh, chỉ biết những chuyện này qua trang sách. Nhưng thực tế là ông nội em lúc bấy giờ là Huyện đội Thanh Hà còn bị quy là Quốc dân đảng, bị Đội (ông ấy là bần nông, anh em thúc bá với ông nội em mới đau chứ)treo lên xà nhà. Dây chão mục, ông nội bị quật xuống, gãy hết một bên quai hàm. Đến kì sửa sai, hình như được hạ xuống trung nông, rồi cũng được phục hồi đảng tịch.Nhưng nỗi đau cứ theo gia đình và đặc biệt là đeo đẳng cụ đến cuối đời.Không có một động thái nào tiếp theo của những người có trách nhiệm nữa. Đến năm 1991, khi ông em mất, ông bác em có vài lời khiến cho cả gia đình được nhẹ lòng... còn chính quyền thì coi như chuyện mặc nhiên!!!

    Trả lờiXóa
  7. Nghe hungtang kể chuyện, tôi cũng thấy nhẹ lòng đôi chút.
    Nhớ lại khi cha tôi mất (1999) trong rất nhiều vòng hoa kính viếng có một vòng hoa đề : HUYỆN ỦY - HĐND - UBND ...KÍNH VIẾNG, còn một vòng hoa thì đề : ĐẢNG ỦY - HĐND - UBND XÃ...KÍNH VIẾNG, mặc dù anh chị em chúng tôi không ai là đảng viên cả.

    Trả lờiXóa
  8. Nhắn rằng "Muối mặn gừng cay"
    Chốn yêu thương ấy những ngày lớn khôn
    Có mùa nắng giãi mưa tuôn
    Có câu thơ, có nỗi buồn xót xa
    Dẫu rằng sương gió phôi pha
    Vẫn trong tim, khó nhạt nhòa tiếng Quê !

    -Mến Tặng anh Đang, câu thơ vườn ( H.sĩ làm thơ mà) ! Ngẫu hứng, sau khi đọc tùy bút của anh !

    Trả lờiXóa