NGUYỄN MINH THUYẾT
Thứ tư, 31 Tháng 7 năm 2013
LTS: Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết,
nguyên là đại biểu Quốc hội
Việt Nam các khóa XI, XII, từng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh
niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Trước khi tham gia nghị trường ông là giảng viên cao
cấp, Phó hiệu trưởng Đại học KHXH &NV thuốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong
thời gian tham gia nghị trường ông đã khá nổi bật với nhiều ý kiến thẳng thắn,
được dư luận cử tri cả nước chú ý và đồng tình. Gần đây, Văn hóa Nghệ An đã có
cuộc trao đổi với ông. Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung
cuộc trao đổi này.
PV:Thưa giáo sư, trước khi trở thành chính khách, ông là một nhà khoa
học, một trí thức. Một lần ghé thăm và nói chuyện với chúng tôi tại tạp chí Văn
hóa Nghệ An, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn có nói rằng đã từng đặt rất nhiều hy vọng
vào ông với tư cách một nhà ngôn ngữ học tài năng. Ông có thể cho biết tại sao
từ giảng đường lại rẽ ngang sang chính trường, từ một nhà khoa học trở thành
một chính khách?
GS Nguyễn Minh Thuyết:Cho đến bây giờ tôi vẫn tự coi mình và vẫn được
giới khoa học coi là một nhà nghiên cứu khoa học. Còn bản thân tôi tự đánh giá
mình chỉ là một chính khách nghiệp dư thôi, tôi vẫn là một nhà giáo, nhà khoa
học. Còn về con đường rẽ ngang của tôi, thực ra nó cũng rất là bất ngờ. Tôi
tham gia làm công tác lãnh đạo tại trường từ năm 1990 nhưng chưa bao giờ tôi
nghĩ có ngày mình sẽ rời trường để trở thành một Đại biểu Quốc hội.
Duyên do của việc này là
năm 2002 khi chuẩn bị nhân sự cho Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi
trường (UBKHCN&MT) thì GS.TSKH Vũ Đình Cự - Phó Chủ tịch QH kiêm Chủ nhiệm
UBKHCN&MT thấy Thường trực UB toàn những người làm trong lĩnh vực KHTN
thôi, không có người nào làm trong lĩnh vực KHXH&NV. Chính vì vậy, tôi đã
được giới thiệu ra ứng cử ĐBQH khóa XI và điều lên công tác ở UBKHCN&MT.
Trong cuộc đời công tác của mình, tôi có chuyển công tác nhiều lần. Có thể nói
lần này mình không chủ động. Những lần trước mình đều chủ động.
PV:Ông có suy nghĩ gì về sự thay đổi này? Và đến bây giờ ông có thấy
tiếc là mình đã sang ngang?
GS Nguyễn Minh Thuyết:Lúc mới về QH phải nói là tôi cũng khá hoang
mang, không biết có làm tròn trách nhiệm. Bởi vì mình bị tách ra khỏi môi
trường quen thuộc từ trẻ, mấy chục năm tôi chỉ có giảng dạy và NCKH. Thứ hai,
phải nói thế này, khi về UBKHCN&MT và làm đại biểu chuyên trách thì anh em
người ta đã nói ĐB chuyên trách là 5 không. Bây giờ tôi chỉ nhớ được 3 không:
Không quân, không quyền, không tiền. Ở trường ít nhất là có hơn 10 nghìn sinh
viên và hơn 600 cán bộ, tôi là lãnh đạo nhà trường cho nên các việc anh chị em
sinh viên và cán bộ phản ánh, thấy hợp lý trong quyền hạn của mình, tôi có thể
giải quyết được ngay. Việc gì khó,tôi báo cáo BGH, báo cáo Thường vụ Đảng ủy
nhà trường rồi giải quyết. Ở trường, người giúp việc có, tiền có, gần 100 tỉ/
năm, cả UB chỉ có 1,5 tỉ để hoạt động thôi, bây giờ chắc là hơn.
Lên đến QH thì tôi chỉ là
một cái đinh ở trong bộ máy, không có thẩm quyền gì. Và cần nói thêm là một bộ
phận anh em ở Vụ KHCN&MT giúp cho công việc chung của UB, chứ không có làm
thư ký cho mình. Những công việc cụ thể tôi phải tự giải quyết lấy: Định phát
biểu ý kiến gì thì phải tự nghiên cứu lấy, tự viết lấy và phải tự chịu trách
nhiệm. Có đơn thư của dân gửi lên khiếu nại, tố cáo, tôi phải nghiên cứu,
chuyển đơn giải quyết cho dân, đấu tranh với các cơ quan để bảo vệ quyền lợi
của dân... Tất cả các việc đó tôi đều phải tự làm.
Khi chuyển sang QH tôi
xác định ngay: Mình không được phép để lãng phí thời gian công tác QH, mình
phải làm được việc. Có thể nói thế này, qua thời gian làm việc ở QH thì nếu
mình có tâm huyết thì công việc nào cũng thú vị, việc chung cũng như việc riêng
đều có ích với cử tri. Đối với việc chung của cả nước thì làm ở QH tôi có đóng
góp trực tiếp hơn. Nếu ý kiến của tôi về một điều lệnh, về một chính sách mà
đúng đắn, được QH tiếp thu thì nó sẽ trở quy định của pháp luật, trở thành
chính sách. Từ quy định của pháp luật, từ chính sách ấy sẽ giúp chúng ta cải
tạo thực tiễn, phát triển đất nước được tốt hơn.
Vì thế, tôi không ân hận
khi mình chuyển làm việc tại QH. Phải nói thêm rằng dù làm ĐBQH chuyên trách
nhưng thực sự là tự bản thân tôi thấy mình chưa bao giờ dừng công tác chuyên
môn chứ chưa phải là cắt đứt hẳn chuyên môn. Trong suốt thời gian ở QH, hàng
năm tôi vẫn viết báo, viết sách hàng vài trăm trang.
PV: Một số bạn bè của chúng tôi ở
khoa Ngữ văn của Đại học Tổng hợp [xưa] nói rằng họ vẫn rất nhớ ông là một nhà
giáo, một nhà ngôn ngữ học, một đồng nghiệp thân thiết của họ. Và họ đã tự hào
vì có một đồng nghiệp là ông nghị có những tiếng nói trung thực và hữu ích ở
chính trường, đã nói hộ được cho họ nhiều điều. Ông có suy nghĩ gì về điều này?
GS Nguyễn Minh Thuyết:Tôi rất là cảm ơn các bạn bè, các cựu sinh viên
của tôi ở trường ĐHTH HN, sau này là ở hai trường ĐHKHXH&NV, ĐHKHTN cũng
như các trường ĐH khác trong ĐHQG HN đã giúp đỡ, rèn luyện cho tôi trong quá
trình công tác ở trường. Có thể nói kinh nghiệm những năm công tác ở trường,
với sự giúp đỡ của anh em đã giúp ích rất nhiều cho tôi trong công tác QH. Vì
sao tôi lại nói như vậy? Bởi vì, trước hết kinh nghiệm của một nhà giáo, một
người nghiên cứu khoa học giúp tôi rất nhiều trong hoạt động ở QH. Là một nhà
khoa học, tôi có thói quen nghiên cứu tài liệu, tôi đọc tài liệu QH nhanh hơn,
khái quát vấn đề trúng hơn và là một nhà giáo tôi có khả năng diễn đạt thuận
lợi hơn.
Thứ hai, trong thời gian
ở trường, tôi cũng học hỏi được ở các thầy và ở anh em rất nhiều, không chỉ
những kinh nghiệm về NCKH mà cả đối nhân xử thế, cách nhìn nhận vấn đề đời sống
xã hội...
Có một số bạn ở QH, một
số anh em báo chí, một số anh em bạn bè nhận xét tôi thường nói vấn đề gì là
nói chuẩn và nói trúng. Tôi nghĩ đấy chính là quá trình công tác đã xây dựng
cho tôi quan điểm nhìn nhận vấn đề đúng với cương vị của mình là đại biểu của dân,
mình cứ nhìn những gì là quyền lợi của dân sẽ trúng (cười).
Đặc biệt tôi cảm ơn tình
cảm của anh em đã dành cho tôi trong suốt thời gian tôi xa trường để làm ĐBQH
cũng như đến tận bây giờ. Ở QH mỗi khi tôi tham gia cuộc họp mà có được những ý
kiến đáng chú ý thì bạn bè đều nhắn tin hoặc gọi điện động viên. Và có những
việc mà tôi cần đến sự giúp đỡ của họ thì anh em cũng sẵn sàng giúp đỡ tôi. Ví
dụ lần phát biểu ý kiến về khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, tôi cũng đọc vài trăm
trang tài liệu về vấn đề này, và cũng nắm được nhiều vấn đề nhưng có những
chuyện tôi chưa sát lắm. Ví dụ, tạo ra Alumin thì đã phải là sản phẩm tinh chưa
hay vẫn là sản phẩm thô? Giá Aluminso với giá nhôm như thế nào? Việc vận chuyển
quặng bô-xít như thế nào? Tất cả những chuyện đó tôi phải gọi điện xin gặp một
chuyên gia đầu ngành ở khoa địa lý. Anh ấy nói với tôi là: Thôi, anh rất là
bận, tôi rất thông cảm, anh cứ nói chuyện qua điện thoại với tôi, anh không
phải đến nhà tôi. Nếu anh cần nữa thì tôi sẽ gửi tài liệu cho anh thông qua
email... Có thể nói tất cả những sự giúp đỡ ấy tạo điều kiện cho tôi hoàn thành
nhiệm vụ.
PV:Sau nhiều năm là đại biểu Quốc hội và là Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn
hóa giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng của QH, ông thấy môi sinh văn hóa dân
tộc, đất nước, quốc gia [theo nghĩa rộng là không gian tồn tại của mỗi người và
mọi người, của cả dân tộc] đang nổi lên những vấn đề gì đáng quan tâm nhất,
thậm chí nghiêm trọng nhất?
GS Nguyễn Minh Thuyết:Nếu nói văn hóa theo nghĩa cả văn hóa vật chất
lẫn văn hóa tinh thần, nghĩa là những giá trị được thể hiện trong phần hữu hình
và trong phần vô hình thì có thể nói về văn hóa vật chất điều chúng ta thấy
đáng lo lắng nhất là tiến bộ KHKT của nước ta rất chậm.
Trong số hàng chục nghìn
GS, PGS của nước ta, mỗi năm chúng ta chỉ có một vài đăng ký phát minh sáng chế
ở nước ngoài. Ví dụ năm 2011 chúng ta chỉ có 5 sáng chế, cho đến nay không có
nữa. Trong khi đó, các nước phát triển ở châu Á như Hàn Quốc có hàng nghìn,
Phi-pi-pin là nước có trình độ phát triển gần chúng ta, dân số gần chúng ta, họ
cũng có vài trăm sáng chế/ năm.
Còn những phát minh, sáng
chế trong nước có thể nói là cũng không đáng bao nhiêu. Những điều này cho thấy
tiến bộ về văn hóa vật chất ở nước ta rất chậm.
Đặc biệt đáng lưu tâm là
văn hóa xã hội, tức là vấn đề thuộc về tư tưởng, lối sống, đạo đức đang sa sút
nghiêm trọng. Tôi lấy ví dụ, hiện nay có thể nói là cả nước ta bị một căn bệnh
nói một đằng làm một nẻo. Đây là căn bệnh chung của đã có từ lâu lắm rồi nhưng
nay thể hiện quá rõ, từ trong cơ quan, với hàng xóm láng giềng, với việc quốc
gia... Đấy là điều đau lòng mà hậu quả chắc chắn là rất lớn. Nên nhiều khi tôi
có những phát ngôn, những phát biểu, những hành động mà nhiều người nói là anh
quá bạo. Thậm chí những người có trách nhiệm có khi vẫn trách tôi vì những phát
ngôn ấy. Nhưng tôi vẫn phải nói, hiện nay cả xã hội người ta không dám nói thật
ý của mình. Bây giờ tôi cũng không dám nói thật ý của mình hay các trí thức
cũng không dám nói thật ý của mình thì làm sao các cấp lãnh đạo biết được người
dân đang nghĩ gì? Cho nên đánh giá thế nào thì tôi cũng chấp nhận nhưng mà tôi
nghĩ rằng phải có một số người nói nên suy nghĩ ít nhất là của cá nhân, hoặc
của những người thân để cho người khác và lãnh đạo biết để xử lý.
PV:Những người có trách nhiệm có trách ông? Vậy có đồng chí lãnh đạo
nào phản hồi ý kiến lại với ông không?
GS Nguyễn Minh Thuyết:Có một số vị Bộ trưởng, trưởng ngành, khi tôi
chất vấn họ trên hội trường, thì họ cũng gửi văn bản đến giải thích hoặc giờ
giải lao họ tìm gặp tôi để giải thích tại sao vấn đề lại như vậy... Nhưng cấp
cao hơn thì không có (cười).
Tôi nói tiếp cái đáng báo
động thứ hai về văn hóa của nước ta là cái ác lên ngôi. Thực ra thì ở nước nào
và ở thời nào cũng có những kẻ ác, cũng có những kẻ mất nhân tính nhưng mà có
thể nói giai đoạn hiện nay chúng ta phải chứng kiến quá nhiều sự kiện làm chúng
ta đau lòng về tâm tính của người Việt, trong đó có lớp trẻ. Những vụ giết
người vẫn cứ diễn ra chỉ vì những quyền lợi rất nhỏ nhặt. Những vụ việc tàn
nhẫn không chỉ thể hiện chỗ giết người mà ở chỗ người ta sẵn sàng tranh đoạt
nhau, đẩy nhau vào thế khốn cùng, làm ngơ trước nỗi đau của người khác. Cái ác
nó lên ngôi là thế.
Điều thứ ba là đạo đức
suy thoái. Sự suy thoái này không chừa bất cứ một giới nào, kể cả những người
tai mắt của xã hội. Đó là những chuyện rất không bình thường ở trong xã hội nước
ta hiện nay – vẫn được cho rằng bản chất xã hội tốt đẹp hơn xã hội khác rất
nhiều. Có thể nói đấy là man rợ, không thể tưởng tượng được.Nó không chỉ là
chuyện làm chúng ta buồn, chúng ta nản, mà nó gây hại cho con người. Đó thực sự
là những sự việc nổi cộm hiện nay.
PV:Ông cắt nghĩa như thế nào về nguyên nhân của tình trạng này?
GS Nguyễn Minh Thuyết:Tôi cho rằng, nguyên nhân thứ nhất là trong suốt
quá trình xây dựng đất nước, lãnh đạo của chúng ta đã không có tầm nhìn đúng
đắn về xây dựng và phát triển văn hóa... Nếu bây giờ chúng ta đọc văn bản, nghị
quyết thì sẽ thấy nhiều điều đúng, nhưng không phải tất cả mọi điều đều đúng,
đặc biệt những vấn đề cơ bản lại chưa đúng.
Trước đây, xã hội Việt
Nam lạc hậu thật nhưng dù sao tình người, đạo lý rất được coi trọng. Nhưng
chính chúng ta trong thời gian mới làm cách mạng đã ấu trí làm rạn nứt tất cả
các quan hệ xã hội, đã đạp đổ thần tượng xã hội.
Tôi nói ví dụ, thời Cải
cách ruộng đất (CCRĐ), chúng ta coi tất cả những gì dính dáng đến thờ cúng,
chùa chiền, những văn tự chữ Hán, văn tự chữ Pháp là mê tín, lạc hậu, phong
kiến, chúng ta phá bỏ hết. Rồi làm CCRĐ thì chúng ta phát động nông dân đấu
tranh làm cho rạn nứt hết quan hệ gia đình, quan hệ làng xóm, điều đó vô cùng
nguy hiểm. Chính quyền phong kiến, làng là tổ chức rất vững bền, gắn kết với
nhau, là cái thế ràng buộc lẫn nhau, quan hệ xã hội rất là vững bền.
Cũng trong thời kỳ mới
xây dựng đất nước sau hòa bình lập lại thì chúng ta làm mất thiêng hết tất cả
thần tượng. Trước hết Thần, Phật là không có, chỉ có cuộc đời trần tục này
thôi. Hết cuộc đời trần tục này, con người ra tro bụi, không còn gì nữa cả,
không còn thế lực siêu nhiên nào hết, chỉ có chúng ta tự quyết định vận mệnh
của mình. Điều đó chưa chắc đã đúng nhưng ít nhất nó làm cho con người cảm thấy
không còn thấy có điều gì đáng sợ, không còn điều gì ràng buộc mình nữa. Cho
nên ở đây phải nói là mình nhìn nhận tôn giáo không đúng. Các tôn giáo đều
khuyên các tín đồ, những người đi theo tôn giáo sống một cách nhân hậu, hướng
tới thế giới tâm linh. Mình lại cho tôn giáo là mê tín dị đoan, đả phá hết,
buông thả cho con người muốn làm gì thì làm... cho nên mới sinh ra chuyện.Cũng
may là gần đây bà con mình sinh ra sinh hoạt họ tộc, thờ cúng tổ tiên, bà con
có đạo (đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Tin lành...) đi những nơi thờ cũng nhiều
hơn thì phần nào sẽ giảm bớt cái ác đi.
Rồi vị trí của người thầy
giáo cũng bị hạ bệ, cũng không được coi trọng... Tất cả những cái thiêng liêng
ấy đều bị đánh đổ mất, chỉ còn một cái thiêng thôi. Nếu cái thiêng cuối cùng ấy
cũng bị rung động nốt bởi ý chí khi trong xã hội cái ác lên ngôi thì còn gì nữa?
Thứ hai là trong chính
sách dùng người của mình. Trước đây chúng ta nặng về lý lịch, phải đưa những
người không có trình độ lên làm lãnh đạo. Rõ ràng những người ấy trình độ văn
hóa thấp, nhiều khi họ không cần nghe ai hết. Rồi theo chủ nghĩa bằng cấp, bất
kể trình độ thật sự là thế nào, cứ có cái bằng. Bây giờ bằng cấp cũng chả ăn
thua nữa mà theo TBT Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết rồi: Thứ nhất hậu duệ, thứ
hai quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư mới đến trí tuệ.
Chính sách nhân lực yếu
như thế làm cho người lao động mất niềm tin, mất chỗ dựa, sẽ sinh ra cố gắng
chụp giật, cướp đoạt tất cả, bất kể những gì rơi vào tầm tay của mình.
Thứ ba là xã hội chúng ta
thiếu những tấm gương thực tế sinh động của những người có vị trí xã hội cao.
Đây không phải chỉ là lãnh đạo, mà cả trí thức.
Thứ tư, tôi cho nguyên
nhân là mặt trái của kinh tế thị trường. Cái gì cũng có mặt trái, kể cả huân
chương. Chính mặt trái của kinh tế thị trường được phát huy, làm buông lỏng hóa
pháp luật. Luật của nước mình thì nhiều nhưng mà có mấy ai làm theo luật đâu.
PV:Phải chăng chúng ta đang yếu đuối và bất lực về nhiều phương diện,
trí tuệ và nghị lực, nguồn lực và hợp lực. Chúng ta đang nghèo, đang thiếu
nhiều những thứ đó nhưng lại đang làm cho tản mát, rơi vãi những gì mình đang
có, như ông nói là có luật nhưng mấy ai làm theo đâu. Manh mún cả về nghị lực,
ý chí lẫn nguồn lực, trí tuệ…Chính đây là lực cản lớn nhất đối với số phận của
dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Ông có bình luận hoặc phê phán về nhận thức
này?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Thực ra thì trong xã hội chúng ta vẫn còn rất nhiều người có
lương tri, có lương tâm, có trí tuệ nhưng tiếng nói ảnh hưởng của những người
này hết sức là nhỏ. Không phải vì họ không có cương vị gì trong xã hội. Mà thực
sự ra ngay cả những người có cương vị trong xã hội, có trí tuệ, có tấm lòng tử
tế cũng bất lực. Họ cố gắng mấy cũng không kéo lại được.
Xã hội Việt Nam bây giờ
giống như cô gái đã đến tuổi 20, mình không thể bắt quay trở lại ngây thơ như
tuổi lên 7, lên 8. Một cô gái ngoài 20 rồi, phải hướng làm sao để cuộc sống
lành mạnh, cô ấy lấy được tấm chồng cho tử tế, có được sự nghiệp tử tế, gia
đình tử tế. Trong hoàn cảnh hiện nay mình phải định hướng như thế nào, tôi nghĩ
rằng cần phải nhận ra. Tôi thấy hiện nay có một luồng ý kiến muốn lái xã hội
Việt Nam quay trở lại con đường cũ là không đúng.
Thứ hai, xã hội hiện nay
đang ở thời kỳ phân tán, phân tâm cho nên là người có trí tuệ, có ý chí họ cần
tập hợp lại với nhau. Mỗi người đi một hướng, mỗi người tách bạch một hướng thì
lực không trụ được, không thể tạo thành sức mạnh. Đấy là những cản trở lớn cho
tiến bộ xã hội. Đó là chưa kể bộ phận nhóm lợi ích quá lớn sẽ bẻ queo tất cả
chân lý. Những người trong nhóm lợi ích họ sẽ chỉ biết lo vun vén, vơ vét cho
quyền lợi của bản thân họ, gia tộc họ bất kể xã hội đi đến đâu. Nhóm lợi ích ấy
như Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 đã nói là bộ phận không nhỏ. Đã là
bộ phận không nhỏ thì nó có khắp nơi, kể cả trong bộ phận lãnh đạo. Tôi rất
tiếc trong đợt đóng góp ý kiến cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992 vừa qua, rất
nhiều lời cảnh tỉnh của người dân, của những người nặng lòng ưu tư cho đất
nước, những người có lương tri, có trí tuệ đã bị bỏ qua.
PV:Trên các phương tiện truyền thông thường xuyên xuất hiện các thông
tin phản ánh về tình trạng gia tăng tội phạm và rất nhiều biểu hiện của sự “lên
ngôi” của cái ác, lòng tham, sự tàn nhẫn bất lương trong xã hội. Có lẽ chưa bao
giờ loạn như hôm nay. Từ cái nhìn vĩ mô, tham chiếu lịch sử và hiện trạng các
nước trên thế giới, ông có nhận định gì về vấn đề này, nguyên nhân, hậu quả và
dự đoán về tình trạng này trong thời gian tới?
GS Nguyễn Minh Thuyết:Trước hết phải nói về báo chí. Sự phản ánh của
báo chí về những hiện tượng xấu trong xã hội là cần thiết. Nhưng tôi cảm tưởng
là nhiều cơ quan báo chí, nhiều anh em làm báo không xác định được mục đích
đúng đắn khi phản ánh, cho nên nhiều khi miêu tả để lấy sự quan tâm của người
đọc báo, thu hút độc giả thôi. Nếu chỉ như thế thì rất nguy hiểm. Tờ báo và
nhiều bài báo sẽ có tác động xấu đến các tầng lớp nhân dân. Về mặt kỹ thuật mà
nói, bây giờ ta xem trên các báo, nhất là báo điện tử, rất nhiều chuyện giật gân,
câu khách... Những cái đó làm cho tờ báo trở nên rẻ tiền và có hại cho độc giả.
Còn quan sát trong xã
hội, đạo đức suy thoái, đúng là chưa bao giờ đất nước ở vào tình trạng như hiện
nay. Nói cách khác, trong lịch sử chỉ thời mạt mới xuất hiện những chuyện như
thế. Ví dụ chúng ta đọc Đại Việt sử ký toàn thư, đọc Hoàng Lê nhất thống chí
chúng ta mới thấy thời ấy, thời Lê mạt, xã hội không ra cái gì, quan lại, vua
tôi, thầy trò không ra cái gì cả. Trong Hoàng Lê nhất thống chí, khi Lý Trần
Quán gửi chúa Trịnh cho học trò là Tuần Tráng. Tuần Tráng biết đó là chúa thì
đem bắt nộp cho Tây Sơn. Khi Lý Trần Quán mắng, Tuần Tráng nói: “Sợ thầy không
bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu thân”. Có thể nói đó là câu nói điển hình
cho sự suy thoái.
Còn về các nước, có thể
nói, nếu so sánh, phải thấy là những xã hội có hiện tượng như thế này là xã hội
kém phát triển. Xã hội văn minh cũng có những hiện tượng này nhưng nó không bệ
rạc, không phổ biến như thế. Chuyện chặt chém du khách quốc tế của Việt Nam là
biểu hiện suy đồi, rất ít nước, đặc biệt là những nước phát triển, người ta
không làm như thế.
Triển vọng như thế nào?
Tôi nghĩ là khá là bi quan. Vì bây giờ xã hội giống như một chiếc xe đã xuống
dốc, phanh gần như không có, hoặc có phanh nhưng không hoạt động. Người bóp
phanh, người cầm lái lại đang nghĩ chuyện khác. Cho nên khó. Bây giờ người dân
phải tự tìm ra, phải tự quyết định lấy số phận của mình, người lãnh đạo cũng
phải tỉnh ngộ ra, cũng phải quyết định sự phát triển của đất nước mình, phát
triển cùng sự tồn tại của thể chế, như vậy mới mong cứu được.
Người dân hiện nay có một
điều rất đáng lo là người ta không nói như người ta nghĩ và người ta không làm
như người ta nói. Không phải chỉ người dân đâu, tôi nghĩ lãnh đạo cũng vậy. Nói
thế thôi nhưng họ chẳng làm. Điều đó chứng tỏ lời nói và việc làm quá khác
nhau. Điều đáng buồn thứ hai là người dân Việt Nam đang vô cảm. Vô cảm là vì từ
lâu người ta bị đặt ra ngoài việc nước. Tất cả mọi chuyện đã có Nhà nước lo,
ông nào lo quá có khi mang vạ vào thân. Khi người dân không lo việc chung nữa
thì không khác gì đi trên chuyến xe bus thấy kẻ lưu manh ăn cướp hăm dọa người
khác mà mình cứ làm ngơ thì đến lúc nó sẽ hỏi đến mình nếu như mình có của. Cho
nên người ta nói trách nhiệm là của người lãnh đạo nhưng xét cho cùng trách
nhiệm cũng chính là ở người dân. Bởi vì anh không dám thể hiện nên anh phải
chấp nhận thôi.
Thật sự ra tôi thấy rằng
khó. Mình nói là vô phương cứu chữa thì không phải. Vẫn còn một phương cứu chữa
nhưng anh phải nhận ra được bệnh của mình, anh quyết tâm cứu chữa kia. Qua kinh
nghiệm làm việc và cọ xát của tôi ở nước ngoài, phải nói là người dân đóng góp
cho sự phát triển xã hội rất lớn. Không nói họ sáng tạo trong lao động, chỉ nói
việc họ xây dựng chính quyền hết sức có trách nhiệm nên bao giờ họ cũng chọn
được người giỏi cầm quyền.
PV:Thưa ông, đó là đứng về phía nhân dân, còn những người trí thức
phải chịu trách nhiệm gì, như thế nào về hiện trạng những sa sút về văn hóa,
giáo dục và đạo đức của đất nước? Cá nhân ông là chính khách, lại xuất thân từ
tầng lớp trí thức, ông nghĩ gì về vai trò và trách nhiệm của trí thức Việt Nam
trong hoàn cảnh đất nước hiện nay?
GS Nguyễn Minh Thuyết:Tôi nghĩ rằng trí thức như tên gọi của nó là
những người có hiểu biết cao ở trong xã hội thì phải nhận thức được những nguy
cơ, những khó khăn mà dân tộc mình đang vướng phải và nhận thức được con đường
mà mình phải đi để phát triển bền vững, để đem lại hạnh phúc cho người dân. Cho
nên trí thức có trách nhiệm phải bày tỏ chính kiến của mình để tác động vào
chính sách và để tác động vào công chúng, làm cho công chúng cũng nhận thức
được như mình.
Phải nói rằng, nghiên cứu
về sự chuyển đổi xã hội ở trong một số nước thập kỷ 90 của thế kỷ 20, chúng ta
thấy nước nào dân trí cao, dân chủ cao thì họ chuyển đổi xã hội rất nhanh nhẹn,
còn nước nào dân chủ thấp hơn, dân trí thấp hơn thế nào cũng lủng củng.
Tôi cho rằng vai trò trí
thức rất quan trọng, trí thức là phải dấn thân, tất nhiên là có nhiều kiểu dấn
thân. Có những người chỉ dấn thân trong chuyên môn thôi, như thế cũng đáng quý.
Bởi vì nếu anh dấn thân trong chuyên môn, anh hy sinh thời gian, anh hy sinh
những cám dỗ về vật chất để anh sáng tạo ra những sản phẩm mới cho xã hội thì
rất tốt. Bên cạnh đó ngày càng có nhiều người trí thức dấn thân cho xã hội,
người ta cảnh báo xã hội về những khó khăn, những nguy cơ, người ta nêu ra
những sáng kiến để vượt qua những khó khăn, những nguy cơ ấy cho nhà lãnh đạo
cũng như cho công chúng. Nhưng rõ ràng chúng ta không thể nào mong muốn được
tất cả, tức là được sự chu toàn cho bản thân, được giàu có mà lại vẫn là một
người thức tỉnh xã hội, chuyện đó là cực kỳ khó. Không ai có thể một lúc được
tất cả như thế. Cho nên phải chấp nhận những sự thiệt thòi, nếu mình coi sự
đóng góp cho xã hội là việc quan trọng thì sẽ phải hy sinh những thứ khác.
PV:Xin ông trả lời cho một câu cuối của cuộc trao đổi hôm nay. Từ
kinh nghiệm của bản thân, theo ông là đại biểu Quốc hội thì khó nhất là điều gì
và cần nhất là điều gì?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Đối với ĐBQH, theo tôi khó nhất là bản lĩnh. Những người đã
được chọn vào QH hiện nay trình độ rất cao, gần 100% ĐBQH có trình độ ĐH trở
lên. Nhưng người ta có bản lĩnh để nhận thức được vấn đề không? Bởi vì có hiểu
biết nhưng nếu không có bản lĩnh của nhà trí thức, của người đại biểu để nhận
thức vấn đề hết sức mới mẻ thì anh vẫn chỉ ở trong thế kiến bò miệng chén. Có
bản lĩnh thì anh mới nói lên nhận thức của mình ở nghị trường được, điều này là
rất quan trọng. Chỉ cần độ 20% ĐBQH có bản lĩnh, nhận thức ra vấn đề và nói
được suy nghĩ của mình thì tôi nghĩ rằng tác động của các đại biểu vào chính
sách sẽ khác hẳn.
Thứ hai, là ĐBQH, cần
nhất là đóng đúng vai của mình, đừng có lẫn vai. Vì sao? Vì phần lớn ĐBQH chúng
ta là hai vai, vừa làm cơ quan chính quyền vừa làm đại biểu của dân, nếu không
khéo sẽ luôn luôn lẫn vai.
Kiểm điểm lại quá trình
làm ĐBQH, tôi thấy người dân ủng hộ nhiều. Đó là vì tôi nhìn vào quyền lợi của
người dân chứ tôi không đứng ở vai quan chức trong ngành.
PV:Xin trân trọng cảm ơn GS Nguyễn Minh Thuyết về cuộc trò chuyện hôm
nay./.
Phan Thắng – Kiều Mai Sơnthực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét