8 thg 9, 2010

CẢ LÀNG HỌC TOÁN


    Xuống xe buýt tôi đi lại ngã ba để bắt xe ôm về quê, mọi khi từ xa cánh xe ôm chạy lại chèo kéo đón khách, không hiểu vì sao hôm nay vẫn thấy tụm lại nói chuyện rất to, tôi thầm nghĩ chắc tháng cao điểm giao thông, tỉnh muốn lập lại trật tự đón đưa khách cho văn minh lịch sự. Một anh khua tay nói:
-         Bài toán này do một nhà toán học ở Canađa đưa ra cách đây ba mươi năm, các nhà toán học nổi tiếng thế giới phải bó tay, Ngô Bảo Châu giải được là quá giỏi rồi. Thằng Tàu cứ bảo giỏi giang nhưng đã có ai được giải Noben toán đâu, chỉ cái làm hàng dỏm là tài, Việt Nam chỉ có đứng sau Nhật Bản.
Một anh khác nói tiếp:
-         Ngô Bảo Châu hơn cụ Lê Quý Đôn là cái chắc, cụ giỏi thật nhưng thời ngày xưa nó dễ, chỉ có nước mình phong cụ là bác học, còn ở nước ngoài ai biết đến cụ. Cái anh Đặng Thái Sơn nổi tiếng thế giới đánh Pianô, mà chỉ có chơi nhạc Sô-panh được thôi còn nhạc cổ điển, và hiện đại  khác thì vứt.
Anh mặc áo kẻ chậm dãi nói:
-         Ngô Bảo Châu không chỉ nổi tiếng với Bổ đề cơ bản, mà còn hiểu rộng trên mọi lĩnh vực. Mặc dù làm việc ở Pháp nhưng rất có trách nhiệm với đất nước, năm ngoái gửi thư cho Quốc hội phân tích về khai thác bô xít ở Tây Nguyên, khuyên Quốc hội nên dừng lại vì phần thiệt hại vẫn là Việt Nam.
Tôi đứng lặng nghe các anh nói chuyện, hoá ra cánh xe ôm "dân trí" cũng cao, IQ hơn cả mấy ông nghị, vì thế không muốn giục đi sợ mất hứng câu chuyện của các anh. Đành chờ các anh ngừng chuyện mới lên xe.
  Vừa về đến đầu làng đã thấy băng rôn được treo ở ngọn cây đa với dòng chữ “Việt Nam tự hào có Ngô Bảo Châu”. Mỗi khi về quê tôi chẳng thể đi đâu được, các ông chú bà bác, con cháu trong xóm đến chơi hỏi chuyện trên giời dưới bể “Hà Nội hồi này còn tắc đường không”, “Cầu Thăng Long đã vá xong chưa” , “anh có gặp Cụ Rùa ở Hồ Gươm bao giờ không”, “ Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long nghe nói thuê nước ngoài bắn mây hàng tỷ đồng chẳng khác gì như thần thoại, mưa gió là chuyện của giời đừng quá tinh vi làm cho tốn kém”…Các câu hỏi chất vấn cứ như tôi là lãnh đạo thành phố hay Nhà Hà Nội học không bằng, hoá ra các cụ ở quê hiểu thời sự và tin tức hơn nhiều người thành phố. Nhiều lúc không trả lời được tôi bảo:
-         Cháu cũng từ quê ra Hà Nội được vài năm nay, mải với công việc có đi đâu mà biết.
  Nhưng lần này thì hoàn toàn khác các câu hỏi chỉ xung quanh Ngô Bảo Châu. Mấy tuần nay làng trên xóm dưới đâu đâu cũng râm ran nói về Đại hội toán ở Ấn Độ, Ngô Bảo là một trong bốn người nhận giải “Phiu”, mà lại còn được báo cáo trước Đại hội thế mới oách chứ. Hôm trước ông Phó Thủ tướng đến tận nhà thăm, thân mật lắm, cánh nhà báo còn chụp cả bức ảnh đặt tay lên đùi Ngô Bảo Châu. Ông Chúa đảo còn tặng không ngôi biệt thự lên đến hàng ba triệu đô…
 Tối hôm đó nhà tôi chật kín người cứ như có cuộc họp. Ông trưởng thôn nói:
-         Vừa rồi tôi họp trên huyện các anh ấy phổ biến: Năm học này phải mở các lớp chuyên, anh Ngô Bảo Châu thành đạt được cũng nhờ chuyên toán, thôn ta sẽ mở một lớp chuyên toán cấp 1, và khối chuyên toán cấp 2, thành lập Câu lạc bộ Toán trẻ gồm tất cả bà con yêu toán ở trong thôn, lấy xóm Chợ làm nòng cột. Cả xã phải có thư viện toán việc này tôi nhờ anh tư vấn giúp hộ.
Ông Quặc ở đầu làng, từ ngày tôi đi công tác rất ít gặp, nay cũng đến và góp chuyện;
-         Đúng đấy nhờ anh ấy mua sách ở Hà Nội, nên mua lại mấy bà đồng nát cho rẻ nhất là sách tiếng Tây, còn sách tiếng Việt mua ở Đinh Lễ họ hạ giá trên 50%, để trong tủ cho nó mới oách, nhớ kiếm mấy ảnh các nhà bác học thế giới nhưng không được quên ảnh Ngô Bảo Châu.
 Bà cụ Goòng cũng chêm vào:
-         Đây là chủ trương nhớn các bác ở trên nhìn xa trông rộng, mình phải cương quyết làm bằng được, không thì thua mấy xã bên thị nhục lắm. Thua gì thì thua chứ không thua việc học hành.
Hôm trước nghe tin Ngô Bảo Châu nhận giải Fields, thôn tôi đã kịp thời đi trước đón đầu bằng cách tổ chức thi Giải toán nhanh mấy cô cậu vừa học xong lớp 12 không được giải, lại còn càng cổ cãi “ giải kiểu này là không được, làm mò”. Chị bán tạp hoá đầu chợ dành giải nhất lên phát biểu:
-         Em học hết nớp 5, mẹ em cho đi chợ thế là em bỏ học nuôn, vừa đỡ mệt đầu lại kiếm được nhiều tiền. Em chẳng biết toán là gì nhưng ngày lào em cũng phải tính nhẩm để nấy tiền và trả tiền thừa cho khách lếu nhầm em bán nhà mà đền à.
 Nhà chị Bé bên cạnh nhà tôi, cháu mới học lớp 3 suốt ngày bắt còn làm toán, 5 giờ sáng đã bắt ngồi học, tìm được cậu học sinh lớp 12 không đỗ đại học hàng ngày đến nhà để kèm thêm. Còn treo giải thưởng nếu đứng đầu lớp mua cho chiếc điện thoại di động để gọi cho sướng.
   Tôi chuẩn bị về Hà Nội, hai vợ chồng thằng cháu họ mang nải chuối và mấy cân gạo nếp sang cho và nói:
-         Tối qua đông người cháu không tiện nói, vợ chồng cháu mới bán con lợn nhờ ông ở trên đó mua cho con nhà cháu cuốn Bổ đề cơ bản ở đây cháu tìm không thấy sợ nay mai hết, con nhà cháu học toán giỏi lắm năm nào cũng thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Sang năm cháu nhờ ông cho cháu được học chuyên toán trường mà anh Ngô Bảo Châu học ngày xưa ấy, ở dưới này không có điều kiện cho cháu phát huy hết khả năng, biết đâu cháu nó lại được giải Phiu như bác Châu làm vẻ vang cả xóm. Ông không lo cháu bán vài tạ thóc là đủ tiền đi thi, cháu thi là đỗ.
Tôi cười và bảo: Tôi cũng chưa biết Bổ đề cơ bản là thế nào, mua cho con anh chị để làm gì. Tôi biết cháu học giỏi thật đi thi có thể đỗ, mà thi chỉ là bước đầu, còn việc học chuyên Toán ở Hà Nội tốn kém lắm, mỗi tháng tiền học thêm hàng 100 đô, mà xin học đâu có dễ họ toàn nhận con nhà giàu, bố mẹ làm cán bộ to, họ ra nước ngoài như cơm bữa, vợ chồng anh chị có theo được không?
   Nghe đến đây hai vợ chồng nhìn nhau rồi cúi xuống không nói gì thêm.

3 nhận xét:

  1. chi tiết "nhờ ông ở trên đó mua cho con nhà cháu cuốn Bổ đề cơ bản ở đây cháu tìm không thấy" rất thú vị đấy ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Thấy cảnh xã hội nhiều chuyện viết tếu táo cho vui thôi V à.

    Trả lờiXóa
  3. Đúng là vấn nạn lên đồng tập thể. Thằng học lớp 4 nó còn giỏi hơn , nó lãnh đạo 86 triệu người im re

    Trả lờiXóa