Như thường lệ mỗi khi ăn tối xong ông lại ngả lưng trên chiếc ghế phô-tơi để theo dõi chương trình thời sự trên Đài truyền hình, bên cạnh là cuốn sổ ông ghi chép những tin ông cho là hay trong nước cũng như quốc tế một việc làm để chống sức ì của trí tuệ, đồng thời thêm sự hiểu biết đôi lúc giúp mọi người. Nghe có tiếng gõ cửa ông quay lại nhận ra cô con dâu, ông ngạc nhiên vì không mấy khi thấy cô đến phòng ông vào giờ này. Ông vội vàng bảo:
- Con vào đi.
- Thưa bố, con có việc muốn nói chuyện với bố và nhờ bố giúp chúng con. Ông nhìn cô và nói:
- Có việc gì thế? Cô khép cửa và ngập ngừng nói với ông;
- Bố ạ, sáng nay đứa bạn con dạy ở trường Lê Văn Tám cho biết cháu Dũng không có danh sách trong lớp A, nghe tin này con buồn quá, lúc về con qua trường xem đúng là như vậy.
Ông đứng dậy đi lại bên chiếc bàn uống nước và tắt tivi. Quay lại với vẻ ngạc nhiên nói với cô:
- Hôm trước cháu Dũng cho bố xem giấy báo trúng tuyển, điểm thi vào trường ghi rõ xếp thứ 41, lớp chọn A vẫn thường lấy 45, 50 học sinh sao cháu lại không có danh sách?
- Con hỏi giáo vụ cháu được vào lớp chọn nhưng ở lớp C, việc này con chưa nói với cháu Dũng nhưng ngày mai chắc bạn bè cháu sẽ thông báo cho nhau cháu sẽ biết. Ông chậm dãi nói:
- Bố nghĩ có thể đây là sự nhầm lẫn, điều đó không tránh khỏi của Hội đồng tuyển sinh khi xếp danh sách, hoặc bây giờ có nhiều phụ huynh muốn con vào lớp chọn A nên trường lại đặt lớp A thành lớp C để phụ huynh khỏi làm phiền hà;
- Đã từ lâu vợ chồng con, cũng như cháu Dũng có nguyện vọng thi đại học khối A để theo nghề của nhà con, cháu học giỏi Toán nên vào lớp chọn A có điều kiện hơn. Ông trầm ngâm suy nghĩ rồi cất tiếng hỏi:
- Thế bây giờ các con định thế nào?
- Chuyện này con chưa nói với nhà con vì anh ấy đi công tác đầu tháng mới về, ngày mai con muốn bố đến trường gặp thầy Thành hiệu trưởng nhà trường trình bày xin chuyển cháu về lớp A, đứa bạn con bảo học sinh chuyển lớp chọn đều qua thầy hiệu trưởng cả.
Hiệu trưởng nhà trường là học sinh ông chủ nhiệm trước khi ông nghỉ hưu, năm ấy lớp ông chủ nhiệm đỗ đại học gần một nửa đứng đầu toàn trường, mặc dù ông chỉ dạy môn Giáo dục công dân nhưng ông rất vui, Thành đỗ vào Khoa toán Đại học sư phạm, ông vẫn nhớ hai bố con Thành đến chào và cám ơn ông trước khi lên trường, không những vậy ông dạy cả chị gái Thành, hiện nay công tác ở Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm nào cũng gửi thư chúc mừng ông.
Từ ngày vợ ông mất, rất ít khi ông ra khỏi nhà, hàng ngày làm bạn với mấy tờ báo và những quyển sách cũ, thỉnh thoảng qua lại phòng Dũng trò chuyện và xem cháu học bài, ông quan niệm Dũng không chỉ là cháu nội mà còn như bạn tâm tình hàng ngày. Đầu tháng ông chỉ đến sinh hoạt chi bộ, mọi người vận động ông tham gia công tác xã hội cho vui, ông chỉ nhận tham gia Hội khuyến học của xã. Hè vừa rồi học sinh cũ làm Giám đốc một công ti ở Sài Gòn ra ngoài Hà Nội công tác, mua vé máy bay mời ông đi chơi ở Thành phố Hồ Chí Minh ông lấy lý do từ chối:
-Tuổi già đến chỗ không quen khó ngủ lắm, không ngủ được là ốm, chẳng may làm sao khó cho các anh các chị, thỉnh thoảng về thăm thầy thế này là vui rồi.
Cô biết tính ông không muốn phiền ai, rất ngại phải đi nhờ vả một công việc nào đó dù người ấy là thân quen, kể cả khi ông còn dạy học. Cô con dâu nói tiếp:
- Bạn con bảo mấy hôm vừa rồi thầy hiệu trưởng đã giải quyết mấy trường hợp ở bên Uỷ ban huyện và Sở Giáo dục gì đó.
Ông lắng nghe và thong thả nói:
- Con nói như vậy là thực lòng, có người nói chuyện vào lớp chọn ở các trường bây giờ quá nhiều tiêu cực bố không tin toàn những chuyện đồn đại. Ông rót nước đưa cô và nói tiếp:
- Những năm qua bố biết các con luôn quan tâm đến bố, nhưng không quên chăm sóc lo lắng học hành cho cháu Dũng, bố nghĩ cháu Dũng được học lớp chọn C của trường cũng tốt, chắc nhà trường cũng phải tính toán, việc tuyển học sinh vào lớp chọn nhà trường phải đưa ra tiêu chí cụ thể. Bây giờ yêu cầu phải học toàn diện, chứ đừng chỉ chú trọng mấy môn thi đại học, thậm chí gần đây có trường còn ngoại khoá cho học sinh về kỹ năng sống, để khi ra trường các cháu hoà nhập với xã hội. Việc sang trường gặp thầy Thành bố không từ chối, theo bố con nên hỏi ý kiến cháu Dũng xem cháu nó muốn thế nào?
Gần hai mươi năm sống trong gia đình, ông không chỉ là bố chồng mà còn là người thầy giúp đỡ cô rất nhiều, cô thường nói với mọi người trong cơ quan “bố chồng mình một con người tuyệt vời, trong sinh hoạt hàng ngày không tìm thấy điểm xấu của ông từ việc làm tới phát ngôn, kể cả trong suy nghĩ, đúng nghĩa là tấm gương sáng”.
Chính vì những điều đó cô luôn kính trọng ông, hàng ngày đi làm về cô luôn thể hiện là con dâu ngoan ngoãn hiếu thảo, người vợ, người mẹ dịu hiền.
Nghe ông nói vậy cô hiểu ông đã “xuống thang” vì thương con cháu, cô chỉ nói:
- Vâng, con sẽ nói với cháu. Bố nghỉ đi kẻo mệt. Cô đứng dạy khép cửa bước ra ngoài. Ông nhìn theo thở dài.
Cả đêm qua hết nằm, lại ngồi có lúc trở dậy đi lại trong phòng nhưng vẫn không ngủ được. Ông nghĩ tới người vợ một đời vất vả, hết lòng vì chồng con, đến lúc được sung sướng lại bỏ ông ra đi. Thời gian ông ở chiến trường một mình bà nuôi dạy hai con lại vừa đi học, khi ông trở về cháu nhỏ đã vào lớp 1.
Ông luôn tự hào về hai đứa con ông đều học tốt, ngày xưa trường không có lớp chọn ít có điều kiện học thêm, cả hai bố mẹ là là giáo viên, với chế độ tem phiếu ăn không đủ no, thi đại học khó khăn là vậy mà đứa nào đi thi cũng đỗ điểm cao. Những lúc đông vui ông thường kể cho các con nghe cuộc sống thời bao cấp dù thiếu thốn nhưng cũng rất vui. Ông vẫn còn nhớ khi được phép dạy thêm cả tháng hè năm đó ông dành mua chiếc màn tuyn và cái vỏ chăn con công mà vợ ông mong ước. Bây giờ hai đứa đã trưởng thành, anh con trai tốt nghiệp bách khoa đang làm trên thành phố, cô con gái dạy ở trường đại học trên Hà Nội.
Sáng ra chưa đến giờ làm việc ông đã đi xe ôm tới cổng trường, người bảo vệ nhận ra mời ông vào phòng đợi. Đến gần trưa thầy hiệu trưởng đến, ông đi cùng Thành vào phòng hiệu trưởng, bước vào phòng ông thấy khác lạ quá, chẳng khác gì phòng của các giám đốc mà ông vẫn thấy trong phim Việt Nam, trên bàn làm việc có tấm biển với dòng chữ “Hiệu trưởng thạc sĩ Trần Thành”
- Chúc mừng tân thạc sĩ, hôm nay tôi mới biết
- Thưa thày em mới bảo vệ được hai tháng, em theo học lớp thạc sĩ quản lí do tỉnh mở, khi nào nhận bằng em sẽ mời thầy đến dự. So với các thầy chúng em còn phải học nhiều.
- Tôi thấy các em đã làm được nhiều việc mà chúng tôi ngày xưa chưa làm được. Trường khang trang sạch đẹp, cái cổng trường to như cổng làng ngày xưa. Trường nhiều năm đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc, lại sắp được công nhận trường chuẩn Quốc gia.
Hai thầy trò ngồi ôn lại những kỉ niệm cũ, Thành kể những câu chuyện đầy cảm động mà ông đã dành cho cho học sinh lớp chủ nhiệm, chính ông cũng không nhớ. Cứ mải chuyện ông sực nhớ ra việc chính mà ông đến trường, ông trao đổi với Thành chuyện của cháu Dũng. Thành nói với ông:
- Thầy cứ ngồi đây em hỏi giáo vụ xem thế nào? Một lúc sau Thành quay lại và nói:
- Thưa thầy, em trực tiếp xem trường hợp cháu Dũng: Cháu có điểm thi vào trường cao, học lực lớp 9 xếp loại giỏi, điểm tổng kết ba môn Ngữ văn, Toán, và Ngoại ngữ xếp thứ hai, ba môn Toán, Lý, Hoá cháu xếp thứ 15 trong số học sinh đỗ vào trường nên Hội đồng tuyển sinh xếp em vào lớp chọn C. Ngập ngừng một lúc Thành nói tiếp:
- Thầy về nói với bố mẹ cháu và động viên cháu học ở lớp C, chúng em coi đây là hạt giống quí của trường. Từ ngày có Chuyên ban rất ít học sinh vào học Ban Xã hội, những em này còn giúp nhà trường thi học sinh giỏi các môn Văn, Sử, Địa, nếu không có giải Sở không xếp trường mình đạt tiên tiến em lo lắm.
Nói như vậy ông còn nói gì nữa, ông không muốn làm khó cho ai, nhất lại là học sinh và tập thể trường. Thành mời thầy đi ăn cơm trưa thầy bảo:
- Tôi cám ơn, hồi này tôi ăn uống kém không mấy khi đi ăn cỗ. Hẹn em dịp khác, việc cháu Dũng em không phải suy nghĩ tôi sẽ về nói với mọi người.
Ông kể với cô con dâu những gì Thành trao đổi sáng nay. Cô im lặng một lát rồi nói:
- Vâng, con cám ơn bố nhưng bố không nói gì với cháu Dũng.
Nói vậy cô đến nhà cô bạn cùng học phổ thong ngày xưa, nay là giáo viên của trường vừa khóc vừa kể lại chuyện cháu Dũng. Cô bạn nhìn thẳng vào mắt cô và nói:
- Thôi được tao giúp mày chiêu này, sẽ hạ nốc-ao lão ta.
Cô kể tất cả những gì được biết về lớp chọn của trường. Hàng năm do “cung” và “cầu” nên trường hình thành hai lớp chọn dành cho học sinh thi đại học khối A gọi là A1, A2 và một lớp chọn C, không mấy học sinh thích vào học lớp chọn C, chính vì thế hai lớp chọn A thường “nóng” hơn nhiều, hai phần ba số học sinh trong lớp chọn theo tiêu chuẩn quy định của Hội đồng tuyển sinh, số còn lại dành cho con giáo viên trong trường và “đối ngoại”. Mọi trường hợp "đối ngoại" do thầy hiệu trưởng giải quyết, xung quanh việc này có bao nhiêu chuyện xì xèo trong trường, nhưng chỉ một thời gian rồi cũng qua đi chẳng ai muốn nhớ. Cô nghe mà lạnh cả người , không nghĩ rằng trường trung học phổ thông cấp huyện lại có nhiều chuyện phức tạp như vậy. Nghe hết câu chuyện cô nói với bạn:
- Tao sợ lắm, tao không làm được, chưa làm thế bao giờ, ông ấy không nhận thì sao? Cô bạn nổi khùng và bảo:
- Việc này chỉ có mày làm, không ai được thay mày, lão ta không muốn có người trung gian và cấm không được cho bố chồng mày biết chuyện này. Được hay không là ở mày đấy.
Nghe cô bạn nói, cô đành nhắm mắt làm theo. Cô mua một túi quà và bỏ vào đó chiếc phong bì ba triệu đồng và đến thăm thày hiệu trưởng.
Hai hôm sau cô vừa đi làm về, bố chồng cô đã chờ sẵn ở cửa, với vẻ mặt tươi cười khác với mấy ngày qua:
- Thầy hiệu trưởng chiều nay điện cho bố thông báo cháu Dũng đã chuyển về học ở lớp A và không quên nhắc cháu học đều các môn, nếu được cử đi thi học sinh giỏi các môn xã hội nhớ phải tham gia đấy,
Cô khẽ trả lời;
- Vâng, con cám ơn bố. Cô cúi xuống và dắt xe vào nhà.
Cô thấy xót xa thương cho ông tóc đã bạc mà vẫn bị học sinh cho qua mặt, nhưng cô thấy lo hơn khi con trai mình phải học ở ngôi trường có người thầy như vậy, không hiểu cháu có biết không?
Bây giờ cô mới thấy sức mạnh của đồng tiền mà bấy nhiêu nay cô hiểu giản đơn tiền chỉ dùng để chi tiêu và trao đổi hàng hoá.
Hà Nội tháng 11-2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét