21 thg 12, 2013

SỬ VIỆT CHO HỌC SINH (Tiếp theo kì trước)


  Sử việt cho học sinh chỉ để bố mẹ, ông bà kể cho các cháu chưa đến tuổi tới trường.

TRUYỀN THUYẾT VỀ MỴ CHÂU, TRỌNG THỦY

1
Xưa, ở nước Âu Lạc,
Vua là An Dương Vương
Muốn xây thành giữ nước.
Một việc rất bình thường.

Thành ấy hình xoắn ốc
Ở kinh đô Cổ Loa,
Phải cao và phải rộng,
Cấu trúc phải hài hòa.

Vua và dân xây mãi,
Thế mà không hiểu sao
Cứ ngày xây, đêm đổ,
Chẳng ai hiểu thế nào.

Vua lập đàn cầu tế,
Thần Kim Qui giúp ngài
Xây xong thành lũy ấy,
Vững chắc cả trong ngoài.

Xong, Kim Qui còn lấy
Một chiếc móng của mình
Đưa cho vua và nói
Nó sẽ giúp giữ thành.  

“Dùng nó làm lẫy nỏ,
Sẽ là chiếc nỏ thần,
Bắn trăm phát trăm trúng,
Một lúc giết nghìn quân.”

Vua liền sai Cao Lỗ,
Một người thợ thông minh,
Làm cho vua nỏ ấy,
Rồi luôn giữ bên mình.

Đó là chiếc nỏ đẹp
Và rất cứng, muốn dương,
Phải là tay lực sĩ
Có sức mạnh phi thường.      

Nước Nam Việt phía Bắc,
Đánh Âu Lạc nhiều lần
Nhưng luôn chịu thất bại
Vì gặp phải nỏ thần.

Nên ông vua nước ấy,
Có tên là Triệu Đà,
Bèn toan tính kế khác -
Cho con sang giảng hòa.  

Đó là chàng Trọng Thủy,
Đúng một đấng mày râu,
Cha bắt sang Âu Lạc
Để cầu hôn Mỵ Châu.

Mỵ Châu là con gái
Của vua An Dương Vương,
Một công chúa trong trắng,
Lại xinh đẹp khác thường.

Vì thơ ngây, trong trắng,
Và cả tin, nên nàng
Đem lòng yêu Trọng Thủy,
Không biết mưu cha chàng.

Về phần mình, Trọng Thủy
Cũng yêu nàng thiết tha,
Tình yêu cũng trong trắng,
Bất chấp ý đồ cha.

Thấy Mỵ Châu, Trọng Thủy
Yêu thương nhau thực lòng,
An Dương Vương đồng ý
Cho họ thành vợ chồng.

Một đêm trăng tuyệt đẹp,
Hai người ngồi trước thềm.
Nước dưới hồ lấp lánh
Nghìn vạn ánh sao đêm.  

Rồi như thể nhân tiện,
Trọng Thủy hỏi vợ mình
Bí quyết nước Âu Lạc
Giữ vững được Loa Thành.

Nghĩ đã là chồng vợ,
Không giấu diếm điều gì,
Mỵ Châu liền kể chuyện
Chiếc nỏ thần Kim Qui.

Hơn thế, nàng lấy trộm
Chiếc nỏ từ phòng cha,
Hướng dẫn cách sử dụng,
Tỉ mỉ và thật thà.

Ngày hôm sau Trọng Thủy
Xin phép được lên đường
Quay trở về Nam Việt
Để dự lễ Trùng Dương.

Trước khi đi, lưu luyến,
Chàng nói với Mỵ Châu:
“Sự đời khó biết trước,
Lần này ta xa nhau,  

Nhỡ can qua, ly biệt,
Khó biết đâu mà tìm.”
Mỵ Châu nói: “Nhà thiếp
Có chiếc áo lông chim.

Nếu không may loạn lạc,
Phải chịu cảnh tha hương,
Thiếp nhổ lông chiếc áo
Rồi bỏ lại dọc đường.

Theo đó mà tìm thiếp
Một khi chàng quay về.
Nói đoạn, nàng liền khóc,
Nước mắt chảy dầm dề.

Lại nói chàng Trọng Thủy
Về nước gặp Triệu Đà,
Kể hết về chiếc nỏ
Rồi đưa cho vua cha

Chiếc lẫy thần, chiếc móng
Của thần Rùa Kim Qui.
Chàng đã lấy trộm được
Mà không ai biết gì.

Mấy tháng sau, Nam Việt,
Với chiếc lẫy trong tay,
Cho quân đánh Âu Lạc,
Chắc thắng lợi lần này.      

Được tin giặc lại đến
Vua Việt, An Dương Vương,
Cậy nỏ thần vô địch,
Vẫn bình tâm như thường.

Nhưng khi đem nỏ bắn
Thì thấy mất lẫy thần,
Thành Cổ Loa thất thủ,
Vua phải trốn, thoát thân.

Chỉ một mình một ngựa,
Người ngựa phóng như bay,
Sau lưng là con gái,
Liên tục suốt mấy ngày.      

Nàng Mỵ Châu lấy áo,
Nhổ lông rắc dọc đường.
Cuối cùng đến dãy núi,
Đêm vừa buông, mù sương.

Ngọn núi ấy gần biển,
Phía trước không đường đi.
Sau lưng giặc đang đuổi.
Vua không biết làm gì.

Ngài xuống ngựa, cầu khấn
Thần Kim Qui giúp mình.
Khấn xong, trời nổi gió
Và mặt biển rùng mình.

Thần Kim Qui xuất hiện:
“Giặc đang ngồi phía sau!”
Vua Âu Lạc chợt hiểu,
Liền chém con đứt đầu.

Rồi ngài ôm con khóc,
Leo lên tảng đá cao,
Nhảy xuống biển tự tử.
Biển nổi sóng dâng trào.

Nhớ lời vợ, Trọng Thủy
Liền lên đường đi tìm.
Chàng cứ đi, đi mãi,
Lần theo vết lông chim.

Khi đến núi Mộ Dạ,
Chàng tìm thấy Mỵ Châu,
Người vợ chàng yêu quí,
Chết, mà không có đầu.

Chàng ôm vợ than khóc,
Day dứt và chân thành.
Rồi vội vàng lên ngựa
Đem vợ về kinh thành.

Chàng làm lễ mai táng
Theo nghi thức vương gia,
Rồi gieo đầu xuống giếng
Chết trong thành Cổ Loa.

Chiếc giếng ấy, được biết,
Đã trải qua nhiều đời.
Nghe nói lấy nước giếng
Rửa ngọc, ngọc sáng ngời.


9
HAI BÀ TRƯNG

Bắt đầu giai đoạn mới
Trong lịch sử nước ta -
Một nghìn năm lệ thuộc 
Vào phong kiến Trung Hoa.

Vào năm Một Bảy Chín
Trước Công Nguyên, Triệu Đà
Sáp nhập vào Nam Việt
Nước Âu Lạc hiền hòa.

Nam Việt, như ta biết
Là Lưỡng Quảng ngày nay,
Vùng đất thuộc Trung Quốc,
Tức Quảng Đông, Quảng Tây.

Triệu Đà chia Âu Lạc
Thành hai quận, đông dân
Và rộng lớn lúc ấy,
Là Giao Chỉ, Cửu Chân.

Giao Chỉ ở Miền Bắc,
Còn Cửu Chân bây giờ
Thuộc vùng Thanh Nghệ Tĩnh,
Phong cảnh đẹp như mơ.

Vào năm Một Một Một,
Nhà Hán chiếm nước ta.
Lập thêm một quận nữa,
Nhật Nam, quận thứ ba.

Quận này đất cũng rộng,
Nhưng người thưa, hanh khô,
Từ Quảng Bình cát trắng
Đến Quảng Nam bây giờ.

Nhà Hán nhập ba quận
Với vùng đất người Tàu,
Thành một Châu rộng lớn,
Đặt tên là Giao Châu.

Thủ phủ của Châu ấy
Đóng ở huyện Thuận Thành.
Luy Lâu là tên cũ,
Nay thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Thái Thú đứng đầu quận.
Thứ Sử đứng đầu Châu.
Tất cả đều người Hán.
Còn Lạc Tướng, Lạc Hầu

Vẫn giữ nguyên người Việt.
Cai trị vẫn như xưa.
Dân chịu nhiều sưu thuế,
Thân phận như trâu, lừa.

Năm Ba Tư, Tô Định
Được nhà Hán cử sang
Làm Thái Thú Giao Chỉ.
Tên này loại làng nhàng,

Nhưng nham hiểm, độc ác,
Chuyên vơ vét cho mình,
Làm nhiều điều ngang ngược,
Gây khổ cho dân tình.

Bấy giờ ở vùng đất
Nay thuộc huyện Mê Linh,
Có hai chị em gái
Vừa đẹp vừa thông minh.

Con một vị Lạc Tướng.
Trưng Trắc là cô đầu.
Cô em là Trưng Nhị,
Ghét Tô Định từ lâu.

Quan Thái Thú Tô Định,
Gian xảo và đê hèn
Lập mưu giết Thi Sách,
Con quan huyện Châu Diên.

Ông là chồng Trưng Trắc,
Trước đó từng bất bình
Với cách quan nhà Hán
Cai trị dân nước mình.

Vào đầu năm Canh Tý,
Tức là năm bốn mươi,
Hai Bà Trưng khởi nghĩa  
Thu hút rất nhiều người.

Trước hết đền nợ nước,
Sau để trả thù nhà.
Nghĩa quân thắng dòn dã,
Nức lòng dân gần xa.

Theo truyền thuyết kể lại,
Hay tin, Nguyễn Tam Trinh
Từ Mai Động kéo đến
Cùng hai nghìn tráng binh.

Hơn ba nghìn lính nữ
Theo chủ tướng, Ông Cai,
Gia nhập quân khởi nghĩa,
Từ vùng đất Thanh Oai.

Quân Hai Bà rất mạnh.
Sáu lăm thành đầu hàng.
Tô Định trốn về nước,
Nhục nhã và vội vàng.

Hai Bà lập nước mới,
Kinh đô ở Mê Linh,
Đuổi Thái Thú phương Bắc,
Cai trị theo cách mình.

Đứng đầu đất nước ấy
Là hai vị nữ vương.
Xưa nay trong lịch sử,
Một sự kiện phi thường.

Năm Bốn Hai, nhà Hán
Sai Mã Viện Phục Ba,
Lưu Long làm phó tướng,
Sang chiếm lại nước ta.

        Cùng rất nhiều xe ngựa
Và hai vạn tinh binh
Chúng tấn công Hợp Phố,
Và cướp bóc dân tình.

Mã Viện đi đường thủy,
Lưu Long đi đường rừng,
Gặp phải sự chống cự
Nghĩa quân Hai Bà Trưng.

Quân Mã Viện thế mạnh,
Áp tới tận La Thành
Nghĩa quân không chống nổi,
Rút lui bảo vệ mình.

Sau một năm cầm cự,
Dũng cảm và kiên cường,
Quân Hai Bà đành rút,
Binh sĩ chết đầy đường.

Cuối cùng đến Phúc Thọ,
Giặc dụ dỗ ra hàng,
Nhưng Hai Bà tuẫn tiết,
Nhảy xuống dòng Hát Giang.  

Ở đấy giờ đang có
Ngôi đền thờ Hai Bà,
Một tấm gương trung liệt,
Trả nợ nước, thù nhà.

Quân Mã Viện tuy thắng,
Nhưng thiệt hại nặng nề.
Mười phần chết sáu, bảy
Ở vùng đất Cấm Khê.

Lại nói tướng Mã Viện,
Khi việc bình định xong,
Hắn ngạo nghễ cho đúc
Chiếc cột lớn bằng đồng.

Trên cột đồng hắn khắc
Hai dòng chữ sơn son:
“Khi cột đồng này gãy,
Đất Giao Chỉ không còn.”

Thật láo và hợm hĩnh
Viên tướng người Tàu này.
Cột đồng giờ chẳng thấy,
Nước Việt vẫn còn đây.

Hơn thế, còn hùng mạnh,
Đã đánh đuổi nhiều lần
Quân phương Bắc xâm lược.
Chúng sợ, chẳng dám gần.

*
Chuyện Trưng Trắc, Trưng Nhị,
Thế là ông kể xong.
Một trang sử chói lọi
Sống mãi cùng non sông.

Ngày mai ông kể tiếp
Chuyện bà Triệu Thị Trinh,
Hay còn gọi Bà Triệu,
Một anh hùng xứ Thanh.

Bây giờ, để giải trí,
Các cháu nghe chuyện này.
Chuyện ngụ ngôn Esôp,
Ý nghĩa và rất hay.


ÔNG GIÀ VÀ THẦN CHẾT

Xưa có ông già nọ,
Rất già yếu, thế mà
Phải hàng ngày hái củi
Ở tít trong rừng xa.
  
Một hôm, hái xong củi,
Đang định cõng mang về,
Nhưng bó củi quá nặng,
Lưng thì đau và tê,

Ông lão kêu tuyệt vọng:
“Thật khốn khổ thân tôi!
Chỉ mong sao Thần Chết
Đến bắt đi cho rồi!”

Lập tức, Thần Chết đến.
Đó là một bộ xương,
Một tay cầm lưỡi hái,
Đáng sợ và dị thường.

Ông lão run lập cập.
“Ngươi vừa mới gọi ta?”
“Vâng, ta muốn Thần Chết
Mang bó củi về nhà!”

Bây giờ các cháu biết,
Không phải mong ước nào
Cũng muốn thành hiện thực.
Cuộc sống lạ kỳ sao.  


10
NHO GIÁO, ĐẠO GIÁO VÀ PHẬT GIÁO

Nhà Đông Hán suy yếu,
Đầu thế kỷ thứ ba.
Ba nước Ngô, Thục Ngụy
Ra đời ở Trung Hoa.

Đó là thời Tam Quốc,
Khi ba nước tranh tài.
Nhà Ngô đã tự tiện
Chia Giao Châu thành hai.

Phần đất ở Trung Quốc
Được gọi là Quảng Châu.
Phần của Âu Lạc cũ
Thì gọi là Giao Châu.

Khi dẹp xong khởi nghĩa,
Các triều vua Trung Hoa
Cử người sang cai trị
Các huyện ở nước ta.

Cùng thời gian, đất nước
Phát triển hơn xưa nhiều.
Nhưng người dân vẫn khổ
Và cơ cực đủ điều.

Nhân tiện, ông muốn nói,
Rằng vào thời gian này,
Thế kỷ Một đến Sáu,
Đã có nhiều đổi thay

Trong đời sống văn hóa
Và tinh thần nước ta.
Nho Giáo rồi Đạo Giáo,
Rồi Đạo Phật Thích Ca

Được người Hán du nhập
Vào đời sống hàng ngày.
Sơ bộ, ông giải thích
Về từng đạo thế này.

*
Nho Giáo, hay Khổng Giáo,
Do Khổng Tử lập ra.
Là bộ luật ứng xử
Và lễ nghĩa người Hoa.

Khổng Tử người nước Lỗ,
Thông minh và thâm trầm,
Một triết gia cổ đại,
Hai nghìn năm trăm năm.

Cơ sở của Nho Giáo
Là Tứ Thư, Ngũ Kinh.
Nó dạy người nhỏ tuổi
Phải chăm lo học hành.

Luôn kính yêu cha mẹ,
Lớn, xây dựng nước nhà.
Như các cụ vẫn nói:
“Tu thân rồi tề gia…”

Sống, có trên có dưới,
Đúng đạo lý làm người.
Vua được gọi “Thiên Tử”,
Nôm na là “Con Trời’.

Nó dạy nhiều điều khác,
Nói chung, toàn điều hay.
Ảnh hưởng của Nho Giáo
Còn đến tận ngày nay.

*
Cùng thời với Khổng Tử,
Có Lão Tử, là người
Đã lập nên Đạo Giáo,
Chủ trương sống ở đời

Phải tuân theo số phận
Và qui luật tự nhiên.
Sống giản đơn, thanh bạch,
Không lo lắng, buồn phiền.

Lão Tử là tác giả
Bộ sách Đạo Đức Kinh.
Dựa vào nó, Lão Tử
Xây dựng thuyết của mình.

Đạo Giáo bao quát rộng,
Ngoài nghi lễ tinh thần,
Còn có cả tướng số,
Thuốc chữa bệnh, thiên văn.

Cả phép trừ ma thuật,
Cả phong thủy, pháp thiền,
Dưỡng sinh và diệt độc,
Cả phép luyện thuốc tiên…

Một người khác, Trang Tử,
Cũng đóng góp phần mình
Vào tư tưởng Đạo Giáo
Bằng cuốn Nam Hoa Kinh.

Ông này, theo truyền thuyết,
Có giấc mơ lạ thường.
Ông mơ mình hóa bướm,
Bay lượn mãi bên đường.

Tỉnh dậy, ông rất tiếc,
Thấy mình vẫn là người,
Không biết mơ hay tỉnh,
Đành thở dài, mỉm cười.

*
Quê hương của Phật Giáo
Không phải nước Trung Hoa,
Mà là nước Ấn Độ.
Đức Phật là Thích Ca.

Ngài là người có thật,
Sinh tháng Tư, ngày Rằm,
Cách đây đã lâu lắm -
Hai nghìn năm trăm năm.

Giáo lí của Đạo Phật
Chủ yếu ba điều này:
Không được làm việc ác,
Làm việc thiện hàng ngày.

Điều thứ ba, luôn nhớ
Làm sạch ý nghĩ mình
Bằng cách ngồi thiền định
Hoặc niệm Phật, cầu kinh.

Thế giới, ba Đạo lớn,
Là Đạo Phật lâu đời,
Rồi đến Đạo Thiên Chúa,
Cuối cùng là Đạo Hồi.

Đạo Phật giúp hướng thiện,
Xua đuổi cái ác tà,
Làm lòng người nhân ái,
Xã hội đẹp, hài hòa.

Vậy là ông nói hết
Tam Giáo của người Tàu,
Nhập vào đời sống Việt,
Cái thuở ấy ban đầu.

*
Các cháu mệt chưa nhỉ?
Không sao, ông có đây
Thêm một truyện cổ tích.
Truyện rất nhộn, thế này.


MƯỜI VOI KHÔNG ĐƯỢC BÁT NƯỚC XÁO

Xưa, có ba cô gái,
Đến tuổi, đi lấy chồng.
Thành ra nhà ba rể.
Ba ắt tốt hơn không.

Hai anh đầu giàu có,  
Nghiêm chỉnh và đàng hoàng.
Anh thứ ba nghèo khổ,
Lại còn thói huênh hoang.

Một hôm, bố vợ chết,
Hai anh mang lợn, xôi.
Anh thứ ba tay trắng,
Còn khinh khỉnh bĩu môi:

“Lợn hai bác bé quá.
Để bây giờ em đi
Mua mười voi làm cỗ
Chừng ấy thấm tháp gì.”

Rồi anh ta đi thật.
Đi đâu không ai hay,
Bắt người ta chờ mãi,
Cho đến khi tối ngày

Anh ta mới quay lại,
Tay không vẫn tay không,
Rồi làm bộ giận dữ:
“Thật đúng là mất công.

Cái nhà kia thật láo,
Tôi định mua mười voi,
Mà hắn chỉ có tám,
Thế là chờ công toi.”

Rồi anh ta ngồi xuống,
Thản nhiên chén ngon lành,  
Lại chê con lợn bé,
Không có mỡ trong canh.

Từ đấy mới có chuyện
Nói khoác những mười voi,
Không được bát nước xáo.  
Một anh rể không tồi.


11
BÀ TRIỆU

Hôm qua ông đã nói,
Vì sưu thuế nặng nề,
Dân Giao Châu cơ cực
Và khốn khổ đủ bề.

Nhiều nơi dân khởi nghĩa
Chống lại ách ngoại bang,
Khiến vua quan Trung Quốc
Phải hoảng sợ, kinh hoàng.

Thái Thú quận Giao Chỉ
Là Tiết Tống tâu vua:
“Dân Giao Chỉ khó trị,
Đất lam chướng bốn mùa…”

Năm Hai Trăm Bốn Tám,
Giữa thế kỷ thứ Ba,
Một cuộc khởi nghĩa lớn
Có nhiều người tham gia.

*
Một truyền thuyết kể lại,
Xưa ở quận Cửu Chân
Có một con voi trắng
To đẹp như voi thần.

Nó xuống núi phá phách,
Dẫm đạp hết mùa màng.
Nhiều khi còn táo tợn
Xông cả vào xóm làng.

Con voi thật to lớn,
Duy nhất chỉ một ngà.
Ai nhìn thấy cũng sợ,
Phải né tránh từ xa.

Thế mà một cô gái,
Xinh đẹp, để vai trần,
Quyết tay không bắt nó  
Để trừ hại cho dân.

Cô đi trước, khiêu khích,
Nhử nó ra đầm sình,
Rồi nhảy lên đầu nó
Đưa về nuôi nhà mình.  

Về sau, cô gái ấy
Chiêu quân chống giặc Ngô,
Luôn cưỡi nó ra trận,
Voi một ngà, khổng lồ.

Truyền thuyết còn kể lại
Rằng ngực cô rất dài,
“Dài tới hơn ba thước”,
Thường phải vắt lên vai.

Quân giặc nhìn, cả sợ,
Liền bỏ chạy thoát thân.
Cô gái ấy xinh đẹp,
Oai nghiêm như vị thần.

*
Cô gái trong huyền thoại,
Tên là Triệu Thị Trinh,
Một anh hùng dân tộc,
Dám vì dân quên mình.

Bà người huyện Yên Định,
Tỉnh Thanh Hóa bây giờ,
Không may bố mẹ chết
Khi đang còn trẻ thơ.

Anh bà, Triệu Quốc Đạt,
Nuôi em như mẹ hiền.
Ông là một hào trưởng,
Làm huyện lệnh Quan Yên.

Lớn lên, bà giỏi võ,
Có sức khỏe hơn người,
Lại nung nấu chí lớn
Muốn ra tay giúp đời.

Gặp người chị dâu ác,
Bà trốn nhà đi xa,
Lên rừng chiêu binh mã,
Hơn nghìn người theo bà.

Thấy giặc Ngô tàn ác,
Bà về bàn với anh
Cùng khởi binh chống lại,
Và được anh đồng tình.

Từ căn cứ Yên Định,
Nghĩa quân lấn đánh dần,
Chiếm quận lỵ Tư Phố,
Rồi cả vùng Cửu Chân.

Quốc Đạt lâm bệnh chết,
Bà cầm quân thay anh.
Ra trận mặc giáp bạc,
Cưỡi voi, cài trâm anh.

Trông bà thật lẫm liệt,
Xinh đẹp như nữ thần,
Nên người ta thường gọi
Là “Nhụy Kiều Tướng quân.”

*
Nghe tin có bạo loạn,
Vua Ngô rất lo âu,
Liền cử tướng Lục Dận
Làm thứ sử Giao Châu.

Cùng sáu nghìn binh mã,
Theo đường bộ tới đây,
Hắn quyết tâm đàn áp
Cuộc khởi nghĩa lần này.

Hắn dùng tiền mua chuộc
Nhiều hào trưởng địa phương,
Hứa phong cho Bà Triệu
Chức Lệ Hải Bà Vương.

Tất nhiên Bà từ chối,
Nhất quyết không đầu hàng.
Nghĩa binh được khích lệ,
Tinh thần càng vững vàng.

Nhiều trận đánh ác liệt
Ở căn cứ Bồ Điền.
Nhưng do lực quá yếu,
Thiếu lương thực và tiền,

Nên chỉ sau hai tháng
Cầm cự rất kiên cường,
Thành Bồ Điền thất thủ,
Rơi vào tay đối phương.

Bà Triệu đã tuẫn tiết
Trên núi Tùng đầy mây.
Nó ở xã Triệu Lộc,
Huyện Hậu Lộc ngày nay.

Bà mới hăm ba tuổi,
Chết, để lại tấm lòng
Và chiến công hiển hách,
Sống mãi với non sông.

*
Giờ thì các cháu thấy
Rằng phụ nữ nước ta
Đúng là thật oanh liệt.
Thật oanh liệt các Bà.

Bà Trưng rồi Bà Triệu.
Rồi sau nữa con nhiều.
Tổ tiên chúng ta đấy.
Ngoan cường và đáng yêu.

Bây giờ, như thường lệ,
Nào, ngồi xích lại đây.
Lại kê chuyện cố tích,
Cực nhộn và cực hay.


VUA LỢN  

Xưa, có anh chàng nọ,
Nhà nghèo, không mẹ cha,
Phải đi ở từ bé
Cho ông quan huyện già.  

Vì làm lụng vất vả,
Vì ở bẩn thành quen,
Anh chàng bẩn như lợn.
Và Lợn cũng là tên.  

Một hôm, đang kỳ cọ
Chân quan huyện bên bồn,
Hắn thấy mu chân chủ
Có ba nốt ruồi son.

Buột miệng thôi, Lợn nói
Hắn cũng có sau lưng
Chín nốt ruồi như thế.
Quan nghe, bảo hắn dừng,  

Cởi áo, quan xem kỹ.
Quả có chín nốt ruồi.
Xếp thành hàng thật đẹp,
Nốt nào cũng hồng tươi.

Không nghi ngờ gì nữa.
Đây là tướng làm vua.
Thằng Lợn thành vua Lợn?
Đây không phải chuyện đùa.

Quan quyết định giết hắn,
Bèn lệnh cho nô tỳ,
Bảo như thế, như thế,
Như thế cứ làm đi.  

Nô tỳ tên là Gái,
Thầm yêu Lợn lâu nay,
Bèn báo cho Lợn biết,
Bảo phải trốn đi ngay.

Lợn sợ, đi xa lắm,
Theo dòng sông ngược lên,
Cuối cùng hắn được nhận
Giúp việc trong ngôi đền.

Đền có tượng hộ pháp
To lớn và phương phi.
Lợn lau, với không tới,
Bèn nói: “Ngồi xuống đi.”

Thật lạ, ông hộ pháp
Nghe nói thế liền ngồi.
Lau xong, lại đứng dậy,
Còn mỉm cười, nhếch môi.

Ban đêm Lợn bảo tượng
Ra tập võ cho mình.
Có hôm tập hăng quá
Đến tận rạng bình minh.

Ông chủ đền thấy lạ,
Bèn hỏi rõ đầu đuôi.
Lợn thật thà kể hết,
Kể cả chuyện nốt ruồi.

Ông già báo quan huyện.
Quan đến bắt Lợn đi
Vì ngài vẫn muốn giết
Cái thằng này lạ kỳ.

Bất chợt một toán cướp
Từ trong rừng nhảy ra,
Đánh quân lính tan tác
Rồi khênh Lợn về nhà.

Ở đấy, chúng sụp lạy 
Trước Lợn rồi kính thưa:
Đêm qua thần báo mộng
Hôm nay sẽ gặp vua.

Lợn vui vẻ đồng ý
Làm thủ lĩnh nghĩa quân,
Được tắm rửa sạch sẽ
Và thay mới áo quần.

Nhưng tên Lợn vẫn giữ.
Thủ lĩnh Lợn oai phong.
Các anh hùng hào kiệt
Đến tụ nghĩa rất đông.      

Rồi khởi nghĩa thắng lợi,
Lợn được tôn làm vua.
Một vị vua rất oách,
Vua thật chứ chẳng đùa.

Một lần ngài kinh lý,
Thấy cô Gái năm nào.
Gái nói: “Vua oai nhỉ?”
Ngài đáp: “Ừ, thì sao?

Có muốn làm hoàng hậu
Thì lên xe đi cùng.”
Gái gật đầu: “Cũng được.”
Rồi hai người về cung.


12
LÝ BÍ VÀ NHÀ TIỀN LÝ

Đầu thế kỷ thứ Sáu,
Nhà Lương chia nước ta
Thành sáu châu lớn nhỏ.
Tên các châu ấy là:

Giao Châu ở Bắc Bộ.
Ở Thanh Hóa - Ái Châu.
Đức, Lợi, Minh - Nghệ Tĩnh.
Quảng Ninh là Hoàng Châu.

Ở Giao Châu thời ấy
Thứ Sử là Tiêu Tư,
Tham lam và gian ác
Nhưng giả bộ nhân từ.

Hắn đặt nhiều thuế mới,
Tăng lao dịch, lao công,
Làm người dân cơ cực,
Luôn ấm ức trong lòng.

Rồi một cuộc khởi nghĩa,
Năm năm trăm bốn hai,
Do Lý Bí khởi xướng,
Ác liệt và kéo dài.

Sau, ông thành vua Việt,
Hậu duệ người Trung Hoa,
Đó là Lý Nam Đế,
Chính trực và tài ba.

Vào cuối đời Tây Hán,
Để tránh nạn đao binh,
Tổ tiên ông phiêu dạt
Sang nước Nam yên bình.

Đến đời thứ mười một
Lý Nam Đế mới sinh.
Cụ bà ông người Việt,
Đa tài và rất xinh.

Ông lập nhà Tiền Lý,
Khai sinh nước Vạn Xuân,
Một anh hùng dân tộc,
Sống mãi cùng nhân dân.

Ông tên là Lý Bí,
Sinh ở nơi ngày nay
Là vùng đất Thạch Thất
Và thị xã Sơn Tây.

Năm tuổi, ông mất bố.
Bảy tuổi, mẹ qua đời,
Ông sống với người chú.
Đến khi ông lên mười,

Một nhà sư đức độ
Cho vào chùa nhập thiền.
Sau mười năm đèn sách,
Ông thành người thâm uyên.

Tiêu Tư cho Lý Bí
Làm Giám quân Đức Châu,
Nay thuộc huyện Đức Thọ,
Nhưng một thời gian sau,

Thấy dân tình quá khổ
Vì sưu thuế nặng nề,
Vì chế độ lao dịch,
Ông từ quan về quê.

Ông chiêu binh, mãi mã,
Quyết chống lại người Tàu.
Trong số người hưởng ứng
Có thủ lĩnh nhiều châu,

Như Triệu Túc, Hà Nội,
Phạm Tu ở Thái Bình.
Thế mạnh như thác đổ,
Háo hức lòng dân tình.

Chỉ trong vòng ba tháng,
Nghĩa quân chiếm hết châu.
Tiêu Tư cùng gia thất
Phải trốn chạy về Tàu.

Toàn bộ vùng Bắc Bộ
Nằm trong tay nghĩa quân.
Lần lượt các châu khác
Cũng được giải phóng dần.

Vua nhà Lương, Vũ Đế,
Tháng Tư, năm bốn hai,
Cho quân sang trấn áp,
Cử toàn những tướng tài.

Nghe tin này, Lý Bí  
Liền chủ động đưa quân
Sang bán đảo Hợp Phố
Mai phục sẵn một phần.

Thành Hợp Phố lúc ấy
Còn thuộc về Giao Châu.  
Khi quân Lương kéo đến
Liền bị đánh phủ đầu.

Quân của tướng Tôn Quýnh
Mười phần chết bảy phần.
Thế là thành đại bại,
Hắn phải đành rút quân.

Cả nước được giải phóng
Sau trận chiến thắng này,
Kể cả quận Hợp Phố
Thuộc Quảng Đông ngày nay.

Ngày ấy ở vùng đất
Quảng Bình đến Quảng Nam
Là vương quốc Lâm Ấp,
Ở phía bắc nước Chàm.

Lâm Ấp thấy Lý Bí
Đang bận đánh quân Lương,
Định xâm lấn bờ cõi,
Thái độ rất khinh thường.

Chúng đem quân đánh chiếm
Phần phía Nam Giao Châu,
Nay là Thanh, Nghệ, Tĩnh,
Bằng đường bộ, bằng tàu.

Lý Bí sai tướng giỏi
Vào đánh dẹp, rất nhanh
Đội quân của Lâm Ấp
Đã bị đánh tan tành.

*
Năm năm trăm bốn bốn,
Lý Bí tự xưng vương,
Gọi là Lý Nam Đế,
Một việc cũng bình thường.  

Đặt niên hiệu Thiên Đức,
Quốc hiệu là Vạn Xuân.
Lập trăm quan văn võ,
Xuống chiếu để yên dân.

Lập đô ở Đan Phượng,
Thuộc Hà Nội ngày nay,
Cho xây điện Vạn Thọ
Để triều kiến hàng ngày.

Tướng Tinh Thiều giỏi chữ,
Được đứng đầu ban văn.
Còn đứng đầu ban võ 
Là Phạm Tu phong trần.

Năm sau, vào tháng Sáu,
Tướng Bá Tiên dẫn đầu
Một đoàn quân hùng mạnh
Sang chiếm lại Giao Châu.

Lý Nam Đế lập tức
Điều ba vạn nghĩa quân
Quyết một lòng bảo vệ
Đất nước mới Vạn Xuân.

Ở cửa sông Tô Lịch
Quân của ông bị thua.
Tướng Tinh Thiều tử trận
Khi phá vây cứu vua.

Thế yếu, Lý Nam Đế
Rút về thành Gia Ninh,
Nay ở tỉnh Phú Thọ,
Để chấn chỉnh lương, binh.

Tháng Giêng năm bốn sáu
Bá Tiên chiếm thành này.  
Tướng Phạm Tu tử trận,
Vua phải bỏ nơi đây

Để đến hồ Điển Triệt,
Huyện Lập Thạch bây giờ.
Ông đóng nhiều thuyền lớn,
Đậu kín cả mặt hồ.

Quân Lương không dám tiến,
Chờ nước lụt dâng cao.
Bất ngờ nước dâng thật,
Thuyền quân giặc kéo vào.

Do không phòng ngự trước
Quân của vua thua to,
Rút về động Khuất Lão, 
Dai dẳng thế dằng co.

Năm năm trăm bốn tám,
Ở trong hang quá lâu,
Ông nhiễm bệnh, mù mắt,
Qua đời mấy tháng sau.

Hưởng thọ bốn sáu tuổi,
Trị vì được năm năm,
Vua băng hà, để lại
Lừng lẫy một tiếng tăm.

Người vợ vua yêu quí,
Hoàng hậu Bùi Thị Quyền,
Cũng là một dũng tướng,
Hy sinh cùng chiến thuyền.

*
Lại thích nghe cổ tích?
Được thôi, ông có đây.
Ông nhiều cổ tích lắm.
Có thể kể suốt ngày.


ĂN QUẢ KHẾ, TRẢ CỤC VÀNG

Hai anh em nhà nọ  
Sớm mồ côi mẹ cha.
Người anh, khi lấy vợ,
Đuổi em ra khỏi nhà.

Ruộng đất và nhà lớn
Anh ta giữ cho mình.
Chỉ cho em cây khế
Và một túp lều tranh.

Người em, vốn dễ tính,
Không một lời cằn nhằn,
Chỉ chăm sóc cây khế
Và làm thuê kiếm ăn.  

Không hiểu sao năm ấy
Cây khế trái rất nhiều.
Người em mừng, nghĩ bụng
Bán khế lấy tiền tiêu.

Thế mà rồi bất chợt
Có con chim khổng lồ
Không biết từ đâu đến,
Mổ khế ăn kỳ no.

Người em nhìn, tiếc của:
“Tôi chỉ có cây này.
Nếu chim ăn hết khế,
Tôi sống thế nào đây?”

Con chim đáp: “Đừng sợ,
Tôi là người đàng hoàng.
Cứ ăn một quả khế,
Tôi trả anh cục vàng.”

Hôm sau và sau nữa
Con chim ấy khổng lồ
Tiếp tục đến ăn khế,
Ăn nhiều, ăn thật no.

Cuối cùng con chim nói:
“Hãy may túi ba gang,
Ngồi lên lưng, tôi chở
Đi đến chỗ lấy vàng.

Con chim bay, bay mãi,
Chàng chẳng nhớ bao lâu,
Cuối cùng đến hòn đảo
Đầy bạc vàng, ngọc châu.

Chàng đi dạo quanh đảo,
Chỉ nhặt một ít vàng
Cho vào chiếc túi vải
Rộng vừa đúng ba gang.

Chim bảo lấy thêm nữa
Nhưng chàng chỉ lắc đầu.
Trở về nhà, từ đó
Chàng thành người rất giàu.

Người anh khi biết chuyện
Liền đến gạ gẫm chàng,
Xin đem hết nhà cửa
Đổi lấy cây khế vàng.  

Thương anh, lại dễ tính,
Cuối cùng chàng gật đầu.
Người anh tham, háo hức
Chờ mùa khế năm sau.

Con chim kia lại đến,
Ăn khế, hứa trả vàng.
Ăn sắp hết, lại dặn
May túi vải ba gang.

Chim không biết trước đấy
Hai vợ chồng anh này
Đã may sẵn chiếc túi
Rộng đúng bằng sải tay.

Thành ra khi đến đảo
Lấy vàng xong, quay về,
Chim nặng, bảo vứt bớt,
Nhưng anh chàng không nghe.

Anh ta ôm chặt túi,
Nhất quyết không chịu rời.
Chim tức giận, nghiêng cánh,
Rơi cả túi lẫn người.

*
Thế là anh ta chết
Vì lòng tham, đúng không.
Bài học này các cháu
Phải ghi nhớ trong lòng.

Giờ thì ông kể tiếp
Về đất nước Vạn Xuân
Sau khi Lý Bí chết,
Lực lượng suy yếu dần.


13
TRIỆU QUANG PHỤC VÀ NHÀ HẬU LÝ

1
Lý Nam Đế khi mất,
Có dặn dò ân cần
Và trao lại quyền bính
Cho một người rất thân.

Đó là Triệu Quang Phục,
Người cùng bố giúp ông
Đánh giặc Lương đô hộ
Và gây dựng non sông.

Dưới triều đại nhà Lý
Ông là Tả tướng quân,
Người nắm quyền quân sự 
Đất nước trẻ Vạn Xuân.

Vâng mệnh, Triệu Quang Phục,
Sau thành Triệu Việt Vương,
Đã giữ vững bờ cõi,
Chống xâm lược nhà Lương.

Ông là con Triệu Túc,
Người ở huyện Chu Diên,
Nay nằm ở vùng đất
Phía Đông thành Long Biên.

Hai cha con họ Triệu
Theo Lý Bí từ đầu,
Lập được nhiều công lớn
Truyền tụng mãi về sau.

Năm năm trăm bốn bảy,
Ông đến một đầm lầy
Có tên là Dạ Trạch,
Huyện Khoái Châu ngày nay.

Đó là một đầm lớn,
Ở giữa có gò cao,
Cây cối rất rậm rạp,
Khó ra và khó vào.

Ông tập trung ở đấy
Những hơn hai vạn người.
Dùng chiến thuật du kích,
Giấu khói và giấu người.

Trần Bá Tiên, tướng giặc,
Muốn đánh nhanh thắng nhanh,
Nhưng bị ông giữ lại,
Ngập chân trong bùn sình.

Đêm, các thuyền độc mộc
Đi từ bãi Tự Nhiên
Đến đánh úp lương thảo
Doanh trại Trần Bá Tiên.  

Quân giặc bị bắt sống
Hoặc bị giết hàng nghìn.
Quân Lương rất mệt mỏi,
Nhưng chỉ biết đứng nhìn.

Năm năm trăm bốn tám,
Lý Nam Đế qua đời.
Ông xưng vương, điều ấy 
Hợp lẽ người, lẽ trời.

Tên nước vẫn như cũ,
Ông thành Triệu Việt Vương,
Vẫn ở đầm Dạ Trạch,
Vẫn chiến đấu như thường.

Một thời gian sau đó
Trần Bá Tiên về Tàu,
Giao Dương Sàn, tỳ tướng,
Phải mai phục dài lâu.

Vua Vạn Xuân lập tức
Tung quân đánh họ Dương.
Quân Lương thua, tan vỡ
Phải trốn về Bắc phương.

Đất nước hết bóng giặc, 
Hết chiến tranh triền miên.
Vua và tôi nhà Triệu
Dọn về thành Long Biên.

*
Lại nói Lý Nam Đế
Trước có người anh trai
Tên là Lý Thiên Bảo,
Một dũng tướng có tài.

Khi vua Lý gặp khốn,
Bị bệnh, nằm trong hang,
Ông và Lý Phật Tử,
Một người cùng họ hàng,  

Đem ba vạn binh mã
Đánh vào vùng Đức Châu,
Nay thuộc đất xứ Nghệ,
Định tính kế dài lâu.

Họ giết Trần Văn Giới,
Một viên tướng người Tàu,
Rồi đem quân ra Bắc,
Tiến đánh vùng Ái Châu.

Trần Bá Tiên đánh trả,
Họ thua, sang Ai Lao,
Đến đất người Di Lạo,
Nay thuộc về nước Lào.

Binh lính chết già nửa,
Chỉ còn hơn vạn người.
Họ chọn vùng đất rộng,
Màu mỡ và xanh tươi

Rồi lập nên nước mới
Đặt tên là Dã Tăng,
Còn tướng Lý Thiên Bảo
Tự xưng vương, Đào Lang.

Khi vua Đào Lang chết,
Chỉ mấy năm sau này,
Không có con nối dõi,
Lý Phật Tử lên thay.  

Năm năm trăm năm bảy  
Lý Phật Tử lên đường
Đem quân xuống giao chiến
Với quân Triệu Việt vương.  

Hai bên đánh năm trận
Ở vùng đất Thái Bình.
Phật Tử biết mình yêu,
Bèn chủ động hoãn binh.

Ông đề nghị vua Triệu
Cùng thôi binh, giảng hòa. 
Hơn thế, còn mong muốn
Được trở thành thông gia.

Con trai Lý Phật Tử,
Có tên là Nhã Lang,
Muốn lấy con vua Triệu
Là công chúa Cảo Nương.

Còn nặng tình họ Lý,
Triệu Việt Vương gật đầu,
Chia đất nước ông có
Thanh hai phần đều nhau.

Phía Tây thuộc Phật Tử,
Phía Đông của Việt Vương.
Đất ai người ấy giữ,
Đúng như lẽ đạo thường.

Đường ranh địa giới ấy
Là bãi sậy lơ thơ
Giữa làng Thượng, Hạ Cát,
Huyện Từ Liêm bây giờ.

Sau đó Lý Phật Tử
Dọn đến thành Ô Diên
Nay là xã Hạ Mỗ,
Cũng thuộc huyện Từ Liêm.

Hai bên cựu thù địch
Giờ giảng hòa với nhau,
Thề thân ái, đoàn kết
Tới răng long, bạc đầu.

*
Theo truyền thuyết kể lại,
Khi lấy nàng Cảo Nương,
Nhã Lang muốn tìm hiểu
Binh tình nhà Việt Vương.

Năm năm trăm bảy mốt
Lý Phật Tử bội thề,
Đánh úp Triệu Quang Phục,
Bao vây khắp tứ bề.

Thế yếu không địch nổi,  
Cùng con gái của mình
Vua bỏ chạy, chạy mãi
Rồi hai người quyên sinh.

Thế là nhà Triệu mất,
Trị vì hăm ba năm.
Nhà Lý được khôi phục
Sau bao nỗi thăng trầm.

Lên ngôi, Lý Phật Tử
Đóng đô ở Phong Châu,
Cũng xưng Lý Nam Đế,
Các sử gia đời sau

Gọi là nhà Hậu Lý
Để phân biệt gian, ngay
Giữa Lý Bí vua trước
Và Phật Tử vua này.

Nhà Tùy bên Trung Quốc,
Hơn ba mươi năm sau
Cho quân sang đánh chiếm,
Tướng Lưu Phương cầm đầu.

Hay tin, Lý Phật Tử
Rút về thành Cổ Loa.
Bị bao vây, dụ dỗ,
Ông nộp mình xin hòa.

Cả hoàng tộc bị giết,
Một cảnh tượng đáng thương.
Vua bị đưa về Bắc
Rồi cũng chết dọc đường.

*
Nước Vạn Xuân kết thúc,
Năm sáu trăm linh ba.
Nhà Đường được thành lập,
Và đô hộ nước ta.

Ngày mai ông sẽ kể 
Về giai đoạn sử này.
Giờ thì nghe ông đọc
Bài thơ tếu sau đây.

Bài thơ về loài vật,
Trong một chuyến đi chơi
Tranh chỗ trên xe buýt,
Bị người ta chê cười.

Tác giả là Mac-sắc,
Nhà thơ lớn người Nga.
Ông dịch từ lâu lắm
Sang tiếng Việt nước ta.


TRÊN XE BUÝT

1.
A, xe buýt đến rồi!
Bò nhảy lên chiếm chỗ.
Chó cũng chen vào ngồi.
Dê tranh nhau với Chó.

Én lách qua cửa sau.
Gà luôn mồm tục tác.
Hươu xí chỗ từ lâu,
Ít khi nhường người khác.

Khỉ hỏi: Mấy giờ rồi?
Lợn bận ăn không đáp.
Mèo khinh khỉnh bĩu môi.
Ngựa thì đang bận ngáp.

Ong không chịu ngồi yên.
Phượng hoàng múa rất nhắng.
Quạ hát mà như rên.
Rái Cá kêu: Im lặng!

Sóc cãi nhau với Trâu.
Trâu đá cho một cái,
U hết tai, hết đầu.
Voi phải ra hòa giải.

Xe cứ đi, lái xe
Yêu cầu khách mua vé,
Nhưng khách chẳng thèm nghe,
Cứ trêu đùa vui vẻ.

2.
Các bạn nhỏ của tôi,
Đây là chuyện có thật
Về một chuyến đi chơi
Bằng xe, của loài vật.

Khi đọc bài thơ này -
Nếu cần, xin đọc lại -
Bạn sẽ thấy ở đây
Đủ hăm hai chữ cái.

Và nhân tiện, tôi khuyên:
Đi xe, ai cũng vậy,
Phải tôn trọng người bên,
Không làm ồn, không quấy.


14
MAI THÚC LOAN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét