24 thg 6, 2013

Nợ công tăng nhanh có phải là bệnh nan y trong kinh tế?

Nhìn nợ công lo an toàn hệ thống ngân hàng

Các ngân hàng nắm giữ một lượng lớn trái phiếu Chính phủ trong danh mục đầu tư nên mỗi sự biến động từ giá trái phiếu là ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản và vốn thuần của ngân hàng.

Trước Quốc hội, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh báo cáo: “Theo Luật Nợ công, nợ công gồm có nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Trên tinh thần như vậy thì nợ công tính đến 31/12/2012, tương đương 55,5% GDP” - vẫn trong ngưỡng an toàn.
Nhưng “tính đầy đủ, thì số nợ công thực tế của Việt Nam đã lên đến gần 129 tỷ USD, gần gấp đôi con số được Chính phủ công bố, lên đến 106% GDP, nghĩa là đã ở mức tiền khủng hoảng”, nhận định này được đưa ra tại buổi hội thảo về nợ công của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Và cũng tại nghị trường, nhiều đại biểu đã tỏ ý lo ngại và cảnh báo “tránh nguy cơ nợ công”.
Nhìn lại diễn biến và hệ lụy cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và những biểu hiện gần đây về tình hình ngân sách (NS), tình hình sử dụng và phát hành trái phiếu Chính phủ và một số quan điểm tăng nợ, tăng bội chi để thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện thời, không thể không cảnh giác về sự nguy hiểm với nợ công ở Việt Nam.
Nợ công vẫn tăng nhanh
Theo bản tin nợ công số 1 của Bộ Tài chính, dư nợ của Chính phủ đến năm 2010 là 889.388 tỷ đồng (tương đương 47 tỷ USD), đến năm 2011 là 1.096.775 tỷ đồng, tương đương 52,7 tỷ USD. Nợ được Chính phủ bảo lãnh tính đến năm 2010 là 225.953 tỷ đồng (11,9 tỷ USD), đến năm 2011 tăng lên 285.124 tỷ đồng (13,7 tỷ USD).
Nhìn về tỷ lệ thì nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn nhưng nhìn về tốc độ, nợ công đang tăng nhanh, nợ trong nước cũng tăng nhanh trong những năm gần đây.
Còn theo bản báo cáo “Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam: Quá khứ, hiện tại và tương lai” do một nhóm chuyên gia thuộc trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội vừa công bố thì, với mức độ thâm hụt NS và tốc độ tăng nợ công bù đắp thâm hụt NS những năm vừa qua và dự báo những năm tới, tính toán đầy đủ các khoản nợ được gọi là nợ công đúng nghĩa, thì nợ công được cho là khá nguy hiểm.
“Có thể nhận thấy rằng, trong mọi kịch bản nợ công/GDP đều có xu hướng tăng dần theo thời gian do thâm hụt NS cơ bản tiếp tục diễn ra”, bản báo cáo trên cho biết.
Nếu tính đầy đủ các khoản nợ nước ngoài của khu vực DN mà chủ yếu là DNNN không được Chính phủ bảo lãnh chiếm 10,6% GDP, nợ trong hệ thống ngân hàng của khu vực DNNN khoảng 16,5% GDP cộng với các khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của DNNN, thì nợ công Việt Nam sẽ lên tới xấp xỉ 95% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn (60%) mà WB và IMF khuyến cáo.
Trông người lại ngẫm đến ta
Với tình trạng kinh tế suy giảm, thu NS rất khó khăn, thâm hụt NS năm 2013 vẫn ở mức cao, dự kiến thâm hụt khoảng 162.000 tỷ đồng và phát hành trái phiếu để bù đắp vẫn là chủ yếu. Nhìn lại năm 2012, nguồn bù đắp bội chi từ vay trong nước 115.500 tỷ đồng, vay nước ngoài 24.700 tỷ đồng. Và phát hành trái phiếu Chính phủ cũng đã liên tục tăng nhanh trong những năm qua. Bộ Tài chính cho biết phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước năm 2010 được 68.292 tỷ đồng, năm 2011 đạt 80.447 tỷ đồng và năm 2012 là 160.000 tỷ đồng.
Để bù đắp bội chi, Việt Nam buộc phải vay trong nước và vay nước ngoài. Thế nhưng, như TS.Vũ Đình Ánh phân tích thì “do số nợ vay được sử dụng vào những mục đích không sinh lợi nên toàn bộ số chi trả nợ gốc phải trông vào phát hành nợ mới, đặc biệt là vay trong nước. NSNN Việt Nam đang đứng trước “vòng xoáy” nợ nần với quy mô nợ Chính phủ ngày càng lớn”. Nhìn vào dự toán NS năm 2013 ông Ánh cho rằng “vẫn phải thực hiện biện pháp phát hành để đảo nợ và giãn trả các khoản vay từ các quỹ tài chính Nhà nước”.
Tuy nhiên, việc kéo dài thâm hụt NS, phải phát hành trái phiếu để bù đắp kéo theo nợ công tăng nhanh, ngoài những nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nợ, trong dài hạn nó còn tác động tiêu cực đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là khi các NHTM đang là khách hàng chính trong các phiên đấu thầu trái phiếu và đang nắm giữ một lượng lớn trái phiếu.
Tại hội thảo về nợ công của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, diễn giả Hoàng Thuỳ Linh (Viện Chiến lược Ngân hàng – NHNN) đã nhắc lại mối liên hệ giữa khủng hoảng nợ công ở châu Âu và sự an toàn của khu vực ngân hàng. Diễn giả Thuỳ Linh cho rằng, khủng hoảng nợ công là sự tiềm ẩn nguy cơ gây khủng hoảng cho hệ thống ngân hàng, giữa khủng hoảng nợ công và khủng hoảng ngân hàng có những tác động qua lại mật thiết. Ý kiến này đã nhận được nhiều sự đồng thuận.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nếu không kịp nhìn ra để có giải pháp phòng ngừa thì khi một quốc gia đã rơi vào khủng hoảng nợ dễ dẫn đến khủng hoảng hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng nắm giữ một lượng lớn trái phiếu Chính phủ trong danh mục đầu tư nên mỗi sự biến động từ giá trái phiếu là ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản và vốn thuần của ngân hàng. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến khả năng cho vay của NHTM và dễ dẫn đến các cuộc khủng hoảng thanh khoản, khủng hoảng tín dụng, thậm chí còn khiến tình hình tồi tệ hơn.
Tuy còn sớm để lo cho hệ thống ngân hàng ở Việt Nam nhưng không thể không nhắc đến để cảnh giác khi nợ công ở Việt Nam đã thực sự không còn an toàn như những con số thống kê trong nước, nhất là khi đó đây vẫn còn những quan điểm cần nới trần nợ công, tăng bội chi NS hòng thoát khỏi tình trạng kinh tế trì trệ hiện nay.
GS.TS Đỗ Đức Bình-Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Thực tế đã khẳng định rằng ở đâu buông lỏng kiểm tra, kiểm soát và giám sát đối với vay nợ và chi tiêu của Chính phủ, thì ở đó đã phải trả giá rất lớn không chỉ về những tổn thất về kinh tế mà còn có những bất ổn cả về chính trị, xã hội và Việt Nam không thể ở ngoài tình trạng này.

Một chỉ tiêu khác gắn với nợ công và sự ổn định kinh tế vĩ mô là mức thâm hụt NS. Mức thâm hụt NS an toàn là không quá 3%. Nhưng thâm hụt NS của Việt Nam luôn cao, vượt qua giới hạn an toàn. Mức thâm hụt năm 2005 là 4,05%, năm 2006 là 5%, năm 2007 là 5%, năm 2008 là 4,95%, năm 2009 là 6,9%, năm 2010 là 5,8% và năm 2011 là 5,5%, năm 2012 là 4,8%. Đồng thời hiệu quả đầu tư lại tỷ lệ nghịch với các khoản vốn vay ngày một lớn.

Việt Nam sẽ còn phải nợ để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển nhưng việc vay vốn này phải được tính toán, cân nhắc thận trọng để đưa ra các quyết định lựa chọn tối ưu, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển, vừa đáp ứng hiệu quả sử dụng vốn vay. Việc vay và trả nợ phải nằm trong giới hạn các chỉ tiêu an toàn về nợ công và đảm bảo an ninh tài chính của quốc gia.

TS. Bùi Trường Giang-Vụ Tổng hợp Văn phòng Chủ tịch nước

Trong 10 năm lại đây, nợ công của Việt Nam tăng nhanh một cách đáng lo ngại và có cơ cấu kém bền vững. Do vay nợ nước ngoài nhiều nên Việt Nam sẽ dễ bị tổn thương một khi thế giới có biến động lớn. Với tốc độ tăng nợ công những năm qua lên tới 15%/năm thì đã gần ngang với tốc độ tăng 17-21%/năm của thu NS, như vậy vài ba năm nữa nguồn NS tăng thu chỉ đủ để bù trả nợ. Nợ được Chính phủ bảo lãnh cũng tăng nhanh trong những năm qua làm gia tăng nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN .

Nhìn bề ngoài có vẻ nợ không đáng ngại nhưng phân tích tình hình kinh tế và tình hình nợ cũng như quản lý nợ thì thấy rằng Việt Nam có điểm giống những nước có tỷ lệ nợ cao ở châu Âu như Hy lạp, Ý, Bồ Đào Nha… và tính bền vững của nợ Việt Nam đang suy giảm. Trước tình hình này, không ít ý kiến cho rằng Việt Nam đang đứng trước những rủi ro nợ tiềm ẩn.

PSG.TS. Lưu Ngọc Trịnh-Viện Kinh tế chính trị và thế giới

Cuộc khủng hoảng nợ cho thấy tất cả các nước rơi vào vòng xoáy nợ công đều có kỷ luật tài khoá lỏng lẻo, tình hình thực hiện chi NS cuối năm luôn vượt xa Nghị quyết của Quốc hội về chi NS được công bố đầu năm; Phân bổ nguồn vốn dễ bị ảnh hưởng bởi các mục tiêu chính trị nhiều hơn mục tiêu kinh tế; Hiệu quả sử dụng vốn thấp và trách nhiệm của người đi vay không cao.

Để không bị cuốn vào khủng hoảng nợ công, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam - một trong những nước đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ công cần tránh: vay nợ quá nhiều, không nên chấp nhận lãi suất vay cao hơn lãi suất NHTM, không nên coi trọng mục tiêu chính trị ngắn hạn hơn hiệu quả kinh tế dài hạn và cần công khai minh bạch kịp thời tình hình nợ công và các vấn đề liên quan đến nợ công…
Theo Linh Đan
Thời báo ngân hàng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét