GS Ngô Bảo Châu có bài viết trên blog của mình, xin phép đăng lại để các bạn hiểu thêm về thu hút nhân tài của ta.
Đi thăm bác Pierre
Trong tiếng Việt, chữ “bác” khi được dùng ở ngôi thứ hai song song với ngôi thứ nhất là “tôi”, thể hiện sự thân mật, bình đẳng. Nó được dùng ở ngôi thứ ba như một tiền tố không thể thiếu của tên riêng, chỉ trong trường hợp ngôi thứ ba là đối tượng của tình cảm yêu thương , kính trọng đặc biệt của ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai. Ngày xưa chúng ta có bác Hồ, bác Tôn. Bây giờ, các bạn trẻ yêu Vật lý ở Việt Nam có thêm một bác tây phương phi là bác Pierre.
GS. Pierre Darriulat là một nhà vật lý thực nghiệm tên tuổi. Ông là một trong những nhân vật chính trong cuộc hành trình khám phá ra hạt boson W và Z, tác nhân của lực tương tác yếu. Những người ngoại đạo (như tôi) có thể đọc thêm về cuộc phiêu lưu đi tìm hạt W và Z ở đây và ở đây.
Quá trình GS. Darriulat trở thành bác Pierre bắt đầu từ cách đây khoảng mười năm, khi ông về hưu từ viện CERN. Bác Pierre mang sang Việt Nam sách, dụng cụ thí nghiệm để xây dựng labo nghiên cứu tia vũ trụ và tình yêu để bắt đầu cuộc sống trên một lục địa xa lạ.
Cách đây hơn một năm, anh Đàm Thanh Sơn có gửi cho tôi một số bài viết của GS. Darriulat về giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Đọc thấy thú vị quá nên hè vừa rồi, tôi có liên lạc với bác Pierre và xin phép đến thăm phòng thí nghiệm của bác.
Bác Pierre có một cái nhìn không khoan nhượng về khoa học Việt Nam về những người làm khoa học ở Việt Nam. Tôi tin rằng sự tha hóa của đạo đức khoa học, và đạo đức nói chung đã làm bác Pierre thất vọng. Nhưng nụ cười đôn hậu thường trực trên môi bác, cùng với những đôi mắt sáng ngời của những bạn trẻ xung quanh bác, làm tôi tin rằng sự thất vọng đã không làm bác thôi hy vọng.
Buổi trò chuyện với những nhà vật lý trẻ làm việc tại Phòng thí nghiệm Tia vũ trụ làm buổi sáng trôi rất nhanh. Chị Tuyết Nhung, tiến sĩ mới toanh, trình bày công việc nghiên cứu chung của phòng thí nghiệm. Câu chuyện rắc rối về bằng cấp của Nhung không khỏi làm tôi suy nghĩ đến trường hợp của anh Trần Ngọc Nam. Cả hai đều là những thành công đáng tự hào của chương trình đào tạo phối hợp Việt-Pháp. Sau những năm làm việc ở Việt Nam dưới sự hướng dẫn của GS. Darriulat và ở Pháp, Nhung bảo vệ luận án của ở Paris. Theo thỏa thuận về hợp tác đào tạo, chị Nhung sẽ nhận bằng tiến sĩ của cả Pháp và Việt Nam. Trong thực tế, ĐHQGHN không hào hứng lắm trong việc cấp bằng tiến sĩ cho chị Nhung. Trường hợp của anh Nam, xảy ra cach đây mấy năm có phần còn oái oăm hơn. Sau khi đã viết xong luận án tiến sĩ, nhận được ý kiến rất tốt của phản biện, việc bảo vệ ở Pháp chỉ còn tính chất hình thức, Nam quyết định quay về Việt Nam để bảo vệ luận án tiến sĩ ở Việt Nam để tôn trọng một thỏa thuận có từ trước. Khi về Hà Nội, Nam được biết là bằng thạc sĩ của Pháp không được ĐHQG công nhận, và vì thế Nam đã phải thi lại bằng thạc sĩ Việt Nam rồi sau đó mới tính tiếp chuyện bảo vệ tiến sĩ. Cuối cùng thì Nam cũng đã bảo vệ tiến sĩ, nhưng với cái giá là bốn năm mất đi cho những lý do lẩm cẩm. Bốn năm mà anh chắc chắn có thể đã làm được nhiều việc khác.
Một luận án tiến sĩ với nội dung khoa học nghiêm túc là một sản phẩm đáng tự hào của bất kỳ trường đại học nào. Tại sao thay vì làm hết sức để có thêm nhiều tiến sĩ thật made in Vietnam, ta lại đặt ra vô số qui định để cản trở nó ?
Cái làm tôi thực sự băn khoăn sau buổi nói chuyện sáng hôm ấy là điều kiện sống và làm việc của các bạn trẻ bắt đầu làm khoa học ở Việt Nam. Sau đó, tôi có tâm sự với một lãnh đạo một doanh nghiệp về việc nhà nước không có chính sách học bổng cho nghiên cứu sinh làm luận án trong nước. Tôi cho rằng đây là một bất cập, thiếu công bằng so với học bổng nghiên cứu sinh du học. Anh bạn tôi cho rằng, hầu hết người đi làm nghiên cứu sinh trong nước vì không biết làm gì khác. Câu trả lời của anh, có chủ ý gây sốc, vẫn là một biểu hiện sinh động cho sự mất lòng tin trầm trọng đối với nghiên cứu khoa học trong nước. Một biểu hiện sinh động khác, mà các học trò trẻ của bác Pierre cho tôi biết, là việc các doanh nghiệp tư nhân cũng như nhà nước, ngày một mê tín giải pháp chìa khóa trao tay, không cho các nhà khoa học dù một cơ hội nhỏ, tham gia vào việc cài đặt, vận hành, sử dụng.
Ngược lại với trào lưu chung, bác Pierre đã đặt lòng tin vào những bạn trẻ mới bước chân vào con đường khoa học. Bên cạnh lòng tin, bác đã làm hết khả năng của mình để tạo ra điều kiện cho họ sống và làm khoa học thật sự.
Để duy trì hy vọng, thực ra chúng ta không có lựa chọn nào khác.
Trong những ngày vừa qua tại kỳ họp Quốc hội nóng lên vấn đề bô xít. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng và Phạm Thị Loan, Nguyễn Minh Thuyết đều bày tỏ sự quan tâm, lo ngại về dự án bô-xít Tây Nguyên, đặc biệt sáng nay 26-10 trung tướng Nguyễn Trọng Vĩnh gửi thư cho Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu QH nên dừng ngay khai thác bô xít, bà Phạm Chi Lan, ông TS Nguyễn Quang A, GS Đặng Hùng Võ có bài viết trên báo lề phải “Nguy cơ lỗ của các DA bauxite hiện nay đã thấy rõ”, "Việt Nam giàu lên không phải do khai thác bô xít". Ông Dương Trung Quốc có một thư riêng, hôm thảo luận sẽ có ý kiến trên nghị trường. Danh sách các nhà khoa học, các Chuyên gia cao cấp kinh tế, các nhà chiến lược quân sự ký vào bản Kiến nghị đã qua con số hai nghìn, nếu được thông báo rộng rãi như đăng ký ủng hộ cho Vịnh Hạ Long chắc chắn phải vài chục triệu. Một cán bộ lão thành cách mạng nói “ các cháu khuyên tôi ba không nên ký vào bản Kiến nghị, ai mà chẳng biết ba là người yêu nước bọn này họ có suy nghĩ đâu mà ký cho phí mực” .
Để bảo vệ về việc này các nhà lãnh đạo của ta mỗi người phản biện một khác, bạn đọc không biết tin ai: ông Bộ trưởng đưa ra: “Hungary chứa vào một cái hồ, nhưng Tây Nguyên chúng tôi chia ra từng lô một. Mỗi lô 5ha, khi đổ đầy lô này và xử lý các biện pháp an toàn rồi mới làm đến lô khác”, còn ông Than khoáng sản đưa ra “ Ở ta khoang cũng nhỏ thôi, khoảng 14 – 16ha”. Có lẽ con số của TKV gần thực tế hơn. Đuối lý có vị còn nói " Chính phủ cho dừng thì chúng tôi dừng"!
Dừng khai thác bô xít thì thật là khó vì đây là Nghị quyết của Bộ Chính trị, mặc dù mấy ngày nay nhiều nhà khoa học về lĩnh vực khai thác mỏ cho rằng nên đưa ra diễn đàn. Trang báo điện tử Dantri của Hội khuyến học Việt Nam đưa ra thăm dò ý kiến độc giả, như vậy có liều quá không? Quốc hội đưa ra dừng thì trái với Hiến pháp của nước CHXHCNVN.
Hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập được tìm thấy vào những ngày cuối tháng 11 năm 2009. Về hành trình và chi tiết công việc tìm kiếm, chị Trần Thu Hà – thư ký chương trình tại một hội thảo về Đạo Mẫu và tiềm năng đặc biệt của con người, xin trích giới thiệu bài viết của chị để bạn đọc tham khảo. Ngày 1 tháng 12 năm 2009, tại hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã tổ chức tang lễ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập theo nghi thức quốc gia và tổ chức an táng tại quê nhà (xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh)
Mùa hè năm 2008, GS – VS Đào Vọng Đức – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người và tôi đã có buổi nói chuyện với các anh đại diện dòng họ Hà về phối hợp xây dựng chương trình tìm kiếm hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập.
Sau khi hai bên thống nhất phương pháp làm việc, tôi được giao làm thư ký, viết đề cương và liên hệ mời các nhà ngoại cảm Trần Thị Ngọc Ánh, Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Hữu Thuận tham gia chương trình tìm kiếm hài cốt cố TBT Hà Huy Tập.
Đầu tiên chúng tôi tổ chức đoàn lên K9 làm lễ xin phép, sau đó về Hà Tĩnh làm lễ xin gia tiên họ Hà giúp đỡ. Sau khi được phép, các nhà ngoại cảm bắt đầu làm việc.
Tại nhà thờ họ Hà ở Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh, nhà Ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã tiếp cận được vong linh bác Hà Huy Tập và một vài đồng chí của bác. Toàn đoàn được cung cấp nhiều thông tin nhằm xác định địa chỉ khu vực có hài cốt. Sau đó 1 ngày, tại phòng thờ nhà anh Hà Huy Lợi, nhà ngoại cảm Nguyễn Hữu Thuận vẽ sơ đồ chi tiết khu vực có hài cốt và thông tin (người âm) yêu cầu đoàn đi phải đủ “Tướng - Hiệu - Diệu – Binh” vì bác Tập là quan lớn.Chiều 19/12/2008, trước ngày vào TP. HCM, nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh gọi điện cho tôi nói rằng Thánh Hoàng Mười muốn gặp đại diện của Trung tâm và dòng họ. Tôi và cháu Hà Huy Thanh (con trai Lợi) đến Điện nhà cô Ánh. Thánh Hoàng Mười “giáng” và hỏi chúng tôi đoàn đi đã hội đủ “Tướng -Hiệu- Diệu –Binh” chưa. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì thông tin từ nhà ngoại cảm Nguyễn Hữu Thuận hoàn toàn được giữ kín.
Tôi báo với Thánh Hoàng Mười thành phần đoàn đi vào TP. HCM. Thánh bảo thành phần chưa đầy đủ (thiếu GS Đào Vọng Đức) nên đoàn sẽ gặp một số vướng mắc trong chuyến đi sắp tới. Thánh sẽ giúp đoàn, vì Thánh trấn thủ đất Nghệ An- Hà Tĩnh. Sau đó Thánh phất cờ lệnh khao quân quyền và nói đã “điều” hàng vạn quân binh vào vùng Gia Định - Bến Ngựa - Hooc Môn - Bà Điểm (TP. HCM) để giúp đoàn. Thánh trao 3 tờ tiền 10.000đ được lấy ra từ 3 lá cờ lệnh, đưa cho tôi 1 tờ, gửi chuyển cho Anh Lợi và cô Ánh mỗi người 1 tờ. Thánh nói hãy mang theo chuyến đi, đây là “Lệnh”.
Sau cuộc gặp cô Ánh, chúng tôi mới hiểu “Tướng” ở đây có ý chỉ GS- VS Đào Vọng Đức, nhưng ông không thể đi cùng đoàn, quả nhiên khi vào TP. HCM chúng tôi gặp một số vướng mắc. Theo hướng dẫn của vong linh, không ai biết diễn biến sẽ thế nào. Ăn uống thất thường, đi ngày đi đêm, vừa đói vừa khát, mệt, buồn ngủ... tất cả chúng tôi đều phải vượt qua.
Đêm 20/12/2008, tôi và cô Ánh ngủ chung phòng ở khách sạn, gần sáng, bỗng nhiên tôi nghe tiếng gọi. Bừng tỉnh, cô Ánh (cháu Đỏ nhập) nói với tôi: “Cô Hà nhắn cả đoàn đến Nghĩa trang liệt sỹ TP. HCM, nơi có bia mộ ông Bảy Già trước khi mặt trời mọc để nghe cuộc họp của các đồng chí của bác Tập, bàn việc bác ấy có nên về quê không?”.
Gia đình và các nhà ngoại cảm
Tôi sợ quá, lạnh toát cả người. Rõ ràng “Ma” đang nói chuyện với tôi. Cô Ánh giới thiệu: “Cháu là Đỏ, là con trai anh Hà Huy Lợi đã được theo phục vụ Thánh Hoàng Mười. Định thần lại, liếc nhìn đồng hồ đã chỉ 1.05 phút, tôi vội gọi điện cho anh Lợi và anh Sỹ.
Khi chúng tôi đến nghĩa trang thì trời đã mờ sáng, nghĩa trang rộng mênh mông. Đột nhiên anh Hà Huy Dương (người cháu trong họ tộc bác Hà Huy Tập) như được dẫn đường, đi thẳng đến ngôi mộ của đồng chí Võ Văn Tần (ông Bảy Già) mà không cần tìm kiếm gì cả. Tại đây chúng tôi được nghe phần kết luận của “cuộc họp” thông qua “phiên dịch” là cô Ánh.
Trưa hôm đó, tôi vừa nằm nghỉ được vài phút thì bị một vật gì đó rơi vào đầu, mở mắt ra tôi thấy đó là cái gối, nhìn sang giường bên thấy cô Ánh đang nhún nhảy trên giường và nói “cháu đây”. Hóa ra cậu bé Đỏ lại nhập vào cô Ánh để đánh thức tôi dậy. Cậu tiếp tục nói một số vấn đề liên quan đến chuyến đi. Từ đó đến tối, cậu bé lúc nhập lúc xuất. Ba nhà ngoại cảm thay nhau ra thực địa (người này đi thì người kia ở lại khách sạn). Những lúc đó Đỏ liên tục gọi điện thoại nói chuyện, nhưng trên máy điện thoại của chúng tôi không hiện số của người gọi, nghe xong không còn dấu vết lưu trên máy. Khoảng 8 giờ tối cùng ngày, cậu Đỏ nhập lần nữa, tôi bảo đêm nay đừng đánh thức cô nữa. Đỏ nói đùa là vẫn đánh thức tôi, nhưng đêm đó tôi được ngủ yên đến sáng. Sau mỗi lần Đỏ nhập, tôi để ý và thấy khi Đỏ “thăng” rồi, cô Ánh không biết gì cả.
Tất cả các chuyến đi xa tôi đều ở cùng phòng với cô Ánh, và về đêm khi vong nhập vào cô Ánh tôi lại thông báo cho mọi người trong đoàn đến cùng nghe thông tin. Một lần tại khách sạn ở Biên Hòa, Đỏ lên báo chúng tôi đến khu tưởng niệm ở làng Tân Thới Thượng lúc 3.00. Mọi người không biết đường đi, Đỏ gọi điện cho cô Chín (tôi thấy cô Ánh bấm điên thoại di động), nhờ chỉ dẫn cho đoàn. Đỏ nhập vào cô Ánh rất lâu, cứ thế nói chuyện với tổng đài âm phủ. Sau câu Alo, cậu Đỏ phàn nàn: “Sao hôm nay tổng đài âm phủ nghẽn mạng thế nhỉ, chờ nối đường dây lâu quá…” . Quá lâu, tôi bảo Đỏ nghỉ đi, để còn dậy mà đi đến Tân Thới Thượng. Lúc này đã chừng hơn 1giờ sáng...
Nhà ngoại cảm Hằng mặc áo đỏ
Ngày 16/9/2009 Anh Hà Vĩnh Tân được giao làm chủ nhiệm chương trình nghiên cứu. Tháng 11/2009, anh Hà Huy Thanh thay anh Tân tổ chức giai đoạn khai quật. Tôi kết nối các nhà ngoại cảm với các bộ phận chuyên môn và dòng họ. Theo dõi, ghi chép tư liệu, quay video và chụp ảnh cho chương trình,cuộc họp trao đổi, phân tích các thông tin thu được.
Ngày 17/11/2009, đoàn họp ở Hà Tĩnh để chuẩn bị khai quật. Nhưng trước đó tôi định không vào Hà Tĩnh dự họp. Bỗng nhiên 9 giờ sáng ngày 15/11/2009, anh Vũ Hùng (chồng cô Ánh) gọi điện thông báo: “Hà đến ngay, Đức Hoàng Mười muốn nói chuyện với Hà”.
Nhà ngoại cảm đang điều hành qua điện thoại di động
Đến nơi, tôi thấy cô Ánh đang mặc bộ quần áo ở nhà chứ không phải bộ quần áo như mỗi khi cô làm việc (anh Hùng bảo vừa ngủ dậy bỗng nhiên cô Ánh bị nhập và lên điện ngồi luôn). Cô đang ngồi khoanh chân hút thuốc lá như đang chờ đợi. Tôi hiểu và chào Thánh Hoàng Mười. Ngài nói: “Hoàng biết Ghế định không vào Hà Tĩnh lần này nhưng Hoàng khuyên Ghế nên đi. Ghế đã gắn bó, theo đuổi chương trình này từ những ngày đầu, cùng mọi người vượt qua cả chặng đường dài, nay Ghế hãy cố gắng đi nốt quãng đường ngắn ngủi còn lại. Ngày đó sắp đến, ngày mà Ghế và mọi người mong mỏi. Hoàng chỉ có thể nói cho Ghế biết thế thôi, vì có một số điều mà ngay bây giờ Hoàng chưa thể nói cho Ghế được. Riêng Hoàng, Hoàng khẳng định Hoàng rất muốn Ghế có mặt trong những những ngày cuối này...”. Khiđó tôi đã rất xúc động, nghĩ rằng Ngài đã đọc được ý nghĩ của tôi. Tôi hứa với Ngài là sẽ thực hiện đúng như lời Ngài dặn.Những ngày khai quật, mọi người rất ít được ngủ, ăn uống thất thường. Cô Ánh liên tục điều khiển qua điện thoại với bộ phận đào. Ánh thường đứng cách vùng khai quật khoảng 100m, cô nói là đứng cách một quãng như vậy nhìn rõ hơn hiện tượng xuất hiện dưới hố.
Khoảng 200 khối đất được đào lên, nhà ngoại cảm Nguyễn Hữu Thuận từ Bắc vào đến nơi. Chúng tôi rất mừng vì có thêm Thuận vì anh túc trực thường xuyên bên hố đào, thỉnh thoảng lại xuống hố ngó nghiêng, nghe ngóng gì đó. Hôm đó thỉnh thoảng Thuận lại điện về cho mẹ mình ở nhà cúng thêm tại Điện riêng nhằm hỗ trợ cho đoàn khai quật (Nhà Thuận có Điện thờ Tứ phủ và mẹ Thuận có thể áp vong vào người sống. Bản thân Nguyễn Hữu Thuận có căn quả của Đức Thánh Trần).
12.30 phút đêm 22/11/2009, đứng bên miệng hố đào theo dõi và chờ đợi, tôi buồn ngủ và vô cùng mệt. Sau nhiều người ra về, còn hai nhà ngoại cảm Ngọc Ánh, Hữu Thuận, anh Hà Huy Lợi và tôi. Một số con cháu họ Hà tiếp tục nạo vét từng tí đất để tìm kiếm. Các anh Hà Huy Dũng, Hà Huy Sửu, Hà Huy Thanh, Hà Huy Hoàng,.. đặc biệt anh Hà Văn Sỹ gần 70 tuổi vẫn bì bõm dưới hố sâu bốc từng tí đất.
Trước đó ít phút anh Lợi bảo đã được cụ Hà Mại (cụ tổ họ Hà, là tướng thời Trần. Trong quá trình tìm kiếm, cụ rất hay nhập vào cô Ánh để cung cấp thông tin) đã báo là thời khắc sắp đến.
Bỗng nhiên anh Sỹ hét lên, tất cả chúng tôi chạy nhanh ra phía trước và quay video. Anh Sỹ đã được bác Tập nhập vào, gọi con cháu và dang tay ôm lấy vùng đất có hài cốt.
Lúc này máy quay của tôi chỉ 01h.15phút ngày 23/11/2009 (7/10/2009 âm lịch), thiêng liêng và kỳ diệu như có sự sắp đặt trước, đây chính là giờ đầu tiên của ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ 23/11/1940.
Đây là những nét tóm tắt nhất quá trình tìm kiếm hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập mà tôi là người may mắn được tham gia trọn vẹn.
Cảm ơn nhà báo Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, người nhiệt tình ủng hộ chương trình từ ngày đầu đến khi đưa linh cữu bác Tập về nơi an táng. Cảm ơn các nhà ngoại cảm, các cơ quan ban ngành liên quan và gia tộc họ Hà đã thành tâm, nhiệt tình ủng hộ thực hiện thành công chương trình./.
Báo dân trí đưa tin “11h đêm qua, 19/10, tuyến đê Rú Trí ngăn lũ sông Ngàn Sâu bảo vệ gần 20 ngàn người dân thuộc 4 xã của huyện Đức Thọ đã bị vỡ. Dòng nước kinh hoàng đã cuốn phăng gần 1km đường sắt, gây ngập nặng...”
Cũng chính tại huyện này một chuyện thật khó hiểu: 3 giờ ngày 18/10, 30m đê Hói Trí ở xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh bị vỡ. Lãnh đạo huyện xác nhận có sự cố này, nhưng lãnh đạo tỉnh lại trả lời “không có chuyện vỡ đê”!
Ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên bí thư Hà Tĩnh, xung quanh vấn đề xây dựng đập thuỷ lợi để có thiệt hại ngày nay, ông có lời sám hối “Cá nhân tôi cũng có trách nhiệm vì lúc đó tôi đang là Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh”
Lề phải, lề trái tin ai?
Thảm hoạ bùn đỏ ở Hungary xảy ra đầu tháng mười do khai thác bôxit khiến dư luận một lần nữa lại bày tỏ những băn khoăn về dự án khai thác bôxit ở Tây Nguyên. Những người có trách nhiệm, tâm huyết viết bản Kiến nghị xin chữ ký của dân để gửi tới Quốc hội. Người đầu tiên là Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh “Xin hãy dừng ngay khai thác bôxit ở Tây Nguyên” tiếp sau là một loạt những người “Vua biết mặt, Chúa biết tên” đó là Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị, … Trước đó có GS Hoàng Tuỵ, GS Chu Hảo, TS Lê Đăng Doanh, bà Phạm Chi Lan, đặc biệt Giáo sư Ngô Bảo Châu (giải thưởng Fields 2010), bản Kiến nghị được nối dài thêm của nhiều tướng lĩnh: Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, các Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh, Trần Kinh Chi, Huỳnh Đắc Hương, Trần Minh Đức, Tô Thuận, Bùi Văn Quỳ; các vị lão thành cách mạng: Lê Hữu Hà (64 tuổi Đảng), Hồ Sĩ Bằng (63 năm tuổi Đảng), Lê Hữu Đức (65 tuổi Đảng), Lê Kim Toàn (65 tuổi Đảng), Đại tá Trần Thế Dương (58 tuổi Đảng), Đại tá Nguyễn Ngọc Tất (61 tuổi Đảng), Đại tá Lê Văn Trọng (65 tuổi Đảng) và nhiều nhà khoa học và các văn nghệ sĩ khác…con số đó đến nay đã trên một ngàn.
Thử hỏi những người này có phải là thế lực thù địch không mà làm cản trở bước tiến của Chính phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ba lần gửi thư cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ phân tích những điều bất lợi về an ninh quốc phòng, kinh tế khai thác bôxit ở Tây Nguyên nhưng có ý nghĩa gì đâu. GS Ngô Bảo Châu viết thư gửi các đại biểu QH có lời khuyên “Không nên khai thác bôxit phần thiệt hại vẫn là mình”. Một nghị quyết của Quốc hội đưa ra không được sự đồng thuận của nhiều người “Nghị quyết đó có đi vào cuộc sống” không? Ông Nguyễn Minh Thuyết đã phân tích trước QH những dự báo thiệt hại về kinh tế, môi trường, an ninh song cũng bỏ ngoài tai.
Nếu được lấy ý kiến của dân về khai thác bôxit ở Tây Nguyên như chất độc màu da cam chắc con số chữ ký sẽ là hàng triệu, triệu. Bởi vì trên internet số người biết có nhiều đâu mà gửi mail ký vào bản Kiến nghị, nhiều người biết lại cho rằng “dại gì mà chơi với lửa, người khai quốc công thần nói còn chẳng ý nghĩ gì huống chi người dân chỉ là con kiến cuộng rau”. Chắc nhiều người trấy trên VTV1 có đưa tin Thủ tướng Hungary Viktor Orban quả quyết rằng vụ tràn bùn đỏ này là “một lỗi do con người hơn là do thiên tai, một thảm hoạ chưa từng có”. Mong sao những người hoạch định đường lối hãy dành thời gian đọc bản Kiến nghị và cho lời phán quyết vẫn hưa muộn.
Ghi chú: Ông Nguyễn Minh Nhị nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang (em trai Chủ tịch Nguyễn Minh Triết)
Vaò một đêm đầu tháng 10 tình cờ được nghe Đài phát thanh truyền hình Hà Nội, phát băng ghi lại giọng đọc chính tác giả Bài thơ Em ơi, Hà Nội phố - sau “gần nửa thế kỷ ra đời nhưng vẫn chưa trở về Hà Nội” như lời tác giả bộc bạch, nhà thơ Phan Vũ đọc lần đầu tiên trong đêm thơ tổ chức cho riêng ông ở Thư viện Hà Nội. Trên trang web chungta có đăng lời tâm sự của nhà thơ:
" Tôi viết Em ơi, Hà Nội phố từ năm 1972 nhưng trong một thời gian dài, vì những lý do riêng, bài thơ chưa đến với độc giả. Cho đến năm 2009, nguyên tác bài thơ mới in trong tập Thơ Phan Vũ. Ở Huế, tôi đã đọc bài thơ dưới ánh sáng của một ngọn nến, trong một căn nhà cổ cho một số bạn Huế yêu thơ. Ở Sài Gòn, tôi đã đọc tại quán Guitare Gỗ do nhạc sĩ Châu Đăng Khoa đệm đàn và viết một ca khúc phụ họa.
Nhà thơ hoạ sĩ- Phan Vũ
Như vậy là gần nửa thế kỷ bài thơ viết về Hà Nội, tại Hà Nội vẫn chưa trở về Hà Nội. Và tôi vẫn mong đợi một dịp được lần đầu đọc Em ơi, Hà Nội phố giữa thủ đô.
Tháng chạp năm 1972, khi B-52 của Mỹ bắn phá thủ đô với lời hăm he “đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá!”, tôi khởi viết những câu đầu tiên: Em ơi, Hà Nội phố... Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa... Điệp từ Ta còn em, ta còn em... được lặp lại trong từng đoạn của bài thơ. Có người nghĩ điệp từ này có ý nghĩa thách thức với lời hăm dọa của ông Nixon. Tôi không có ý đó, chỉ thấy lòng mình chùng xuống vì âu lo trước cảnh tượng đất đai Hà Nội bị bom đạn cày xới và máu người Hà Nội đổ trên phố phường nên đọc một câu “niệm chú” để tự trấn an. Ta còn em... là còn những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội mà đôi lần khi trong trạng thái cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về. Nhưng Em ơi, Hà Nội phố không phải là một lời thủ thỉ tự tình, đó là một tiếng kêu thương tha thiết... Tháng chạp bi tráng năm ấy, những sự việc hằng ngày đã khắc ghi những đường rãnh trong ký ức, giữ lại cho con người một nỗi nhớ xót xa, sâu đậm. Chỉ một đêm xuống phố Khâm Thiên sau trận bom, nghe tiếng than khóc của dân phố, nhìn những vành khăn tang trắng xóa trong đêm và ngửi mùi hương cúng đã hình thành ngay hoài niệm để một đời không thể nào quên.
Tôi cũng phải nói thêm điệp từ Ta còn em... còn có nghĩa “ta mất em...”. Đó là sự tiếc nuối về những gì “thật Hà Nội” không còn nữa! Không chỉ do chiến tranh mà có thể vì những sai lầm, những vô ý, vô tình của người đời, không ngoại trừ sự quên lãng của thời gian, đã gây ra những đổ vỡ không thể hàn gắn được. Chỉ cần mấy câu thơ của người xưa Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương... cũng làm chúng ta rung động huống hồ những xót đau, mất mát thuộc về tâm linh, một thứ để thờ phụng, khiến con người có thể thí mạng để bảo vệ, gìn giữ. Và tinh thần của người Hà Nội trong tháng chạp năm ấy đã chứng tỏ rõ ràng.
Tôi đã sống một mình trên căn gác suốt 12 ngày đêm khốc liệt của Hà Nội. Bao hoài niệm thật đẹp mà tôi đã có trong quãng thời gian được gọi là “chàng trai Hà Nội” đã trở về trên căn gác, tại một khu trắng triệt để sơ tán vì gần Nhà máy điện Yên Phụ, một mục tiêu oanh kích. Những hình ảnh, những ngôn từ dồn dập kéo đến, đan xen, chồng chéo, không theo một thứ tự thời gian, không gian.
Tôi như đang trong một giấc mơ giữa ban ngày với đôi mắt mở! Em ơi, Hà Nội phố với 25 khổ thơ đã ra đời trong khoảng cách những hồi còi hụ trên nóc Nhà hát Lớn, với giọng Hà Nội thật chuẩn của cô phát thanh viên báo tin những đợt B-52 vào thành phố. Tôi ghi lại một cách vội vàng, theo sự tình cờ, bất chợt, không xếp đặt. Tất nhiên, trong một quá trình dài dặc nửa thế kỷ, bài thơ không thể nằm yên trong ngăn kéo mà luôn cựa quậy, bắt tôi phải chỉnh sửa nhiều lần. Nhiều khi có vài ly rượu ngà ngà lại chợt nhớ, chợt thương một nỗi niềm, chợt tìm thấy một dáng, một hình, một con chữ cần thêm, cần bớt.
Tôi cũng thường bỏ công chép cả bài thơ dài dặc để tặng ai đó, nhưng khi khách ra về lại hí hoáy sửa lại vì trong lúc chép tặng chợt phát hiện một câu, một chữ chưa vừa ý. Do đó Em ơi, Hà Nội phố đã thành tam sao thất bản, đến mức tác giả cũng không sao phân biệt được!
Cho đến năm 1985, một lần gặp Phú Quang, một đoạn thơ đã được phổ nhạc. Khi ca khúc Em ơi, Hà Nội phố đã nổi tiếng với nhiều khen tặng, có người đến nói về giá trị phần ca từ của tôi, nhưng tôi vẫn nghĩ sự xứng đáng thuộc về Phú Quang với những giai điệu mượt mà, du dương quen thuộc của anh; cả về công lao của Phú Quang với ca khúc ấy đã giới thiệu một bài thơ còn lận đận, chưa ra đời! Mấy câu thơ của tôi, một tâm tư mang tính cá nhân, là nỗi đau thầm lặng, nỗi buồn da diết riêng mang không có tính cộng đồng.
Ngày ấy, có một nhà thơ lớn khi đọc bài thơ này đã thật lòng khuyên tôi không nên phổ biến vì có thể chuốc vạ vào thân. Tôi cũng mệt mỏi vì nhiều sự phiền hà văn chương của giai đoạn ấy nên cũng nghe lời bỏ xó.
Tôi hi vọng lần đọc đầu tiên bài thơ ở Hà Nội cũng là đọc bản chính thức cuối cùng của Em ơi, Hà Nội phố. Bởi với tuổi 85, hành trình đi qua trần gian, hay nói theo Trịnh Công Sơn là quãng đời “ở trọ trần gian” của tôi cũng đã quá dài so với bao nhiêu bè bạn. Giữa Hà Nội hôm nay bỗng nhiên tôi nghĩ đến những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ cùng đứng với tôi trong ban chấp hành đầu tiên của Chi hội Văn nghệ Nam bộ thành lập từ năm 1952 giữa rừng U Minh, như các anh Diệp Minh Châu, Hà Mậu Nhai, Đoàn Giỏi, Quách Vũ, Dương Tử Giang, Huỳnh Văn Gấm, Chi Lăng, Ngọc Cung, Trương Bỉnh Tòng...
Trong số đó, có người tập kết ra Hà Nội đã nằm lại trong lòng đất thủ đô, những người ở lại miền Nam bị bắt bớ, tù đày cũng đã qua đời. Các anh ấy chỉ biết Hà Nội trong tưởng tượng, càng không thể hình dung có một Hà Nội của thơ như hôm nay với người cuối cùng còn sót lại của ban chấp hành xa xưa trở về Hà Nội đọc thơ!
Tôi cũng nghĩ tới những người bạn đã kết thân khi tôi từ miền Nam trở về Hà Nội năm 1956, đó là các anh Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Lê Đạt, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Phùng Quán, Phùng Cung, Hoàng Cầm, Hữu Loan... tất cả các anh ấy đều có một số phận không may và đã lần lượt kéo nhau ra đi về “Bến lạ” (tên một tập thơ của Đặng Đình Hưng). Và tôi lại trở thành một trong những kẻ sống sót để thụ hưởng những gì mà đáng lẽ các anh ấy đều được hưởng!"
Bài thơ có tam sao thất bản do sửa chữa nhiều lần, nhưng đây là bản mà do nhà thơ tự đọc. Em ơi! Hà - Nội - phố...
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa.
Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya?
Cọt kẹt bước chân quen
Thang gác
Thời gian
Mòn thân gỗ
Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ...
Ta còn em chấm lửa
Xập xòe
Kỷ niệm...
Một con đường
Một ngôi nhà
Khuôn mặt ai
Dừng trong khung cửa...
Những phong thư bỏ quên trong hộc tủ
Không tên người,
Không tên phố.
Người gửi không tên.
Ta còn em chút vang động lặng im,
Âm âm tiếng gọi
Trong lòng phố...
Em ơi! Hà - Nội - phố...
Ta còn em một gốc cây,
Một cột đèn
Ai đó chờ ai?
Tóc cắt ngang
Xõa xõa bờ vai,
Khung trời gió
Con đường như bỏ ngỏ...
Ta còn em khăn choàng màu tím đỏ
Thoáng qua
Khuôn mặt chưa quen
Bỗng xôn xao nỗi khổ
Mỗi góc phố một trang tình sử.
Em ơi! Hà - Nội - phố...
Ta còn em chuỗi cười vừa dứt
Chút nắng còn le lói vườn hoang,
Vàng ngọn cỏ.
Cô gái khẽ buông rèm cửa,
Anh chàng lệch mũ đi qua,
Lời tỏ tình đêm qua dang dở...
Ta còn em ngày vui cũ,
Tàn theo mùa hạ.
Tiếng ghita bập bùng tự sự,
Đêm kinh kỳ thuở ấy xanh lơ...
Em ơi! Hà - Nội - phố...
Ta còn em vầng trăng nửa
Người phu xe đợi khách bến đầu ô.
Tiếng rao đêm lạc giọng
Ơ hờ...
Căn gác trọ đường vào bằng cửa sổ
Lão Mozart hàng xóm
Bảy nốt cù cưa.
Từng đêm quên giấc ngủ...
Ta còn em cây dương cầm
Trong khung nhà đổ
Lả tả trên thềm
Bettho và sonate Ánh Trăng.
Nốt nhạc thiên tài lẫn trong mảnh vỡ...
Cô gái áo đỏ Venise
Xa Hà Nội,
Vẽ clavecin,
Tập đàn
Trên phản gỗ...
Ta còn em, một đêm lộng lẫy,
Những tràng pháo tay vang dậy
Cô gái dương cầm đứng giữa rừng hoa,
Nước mắt lã chã trên tà áo đỏ
Rồi một ngày tả tơi,
Loạn gió
Vườn Ngọc Hà
Mất một mùa hoa.
Đường Quan Thánh
Bản giao hưởng ”Lặng Câm”
Trong một ngôi nhà...
Ta còn em một đam mê,
Một vật vã,
Một dang dở,
Một trống không,
Một kiếp người,
Những phím đàn long...
Em ơi! Hà - Nội - phố...
Ta còn em ráng đỏ chiều hôm.
Đôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ.
Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá
Gã đầu trần thơ thẩn đường mưa...
Ta còn em một tên thật cũ
Cổ Ngư
Chiều phai nắng
Cành phượng vĩ la đà
Bông hoa muộn in hình ngọn lửa.
Chiếc lá rụng
Khỏi đầu nguồn gió
Lao xao sóng biếc Tây Hồ
Hoàng hôn xa đến tự bao giờ?
Những bước chân tìm nhau
Vội vội.
Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang...
Em ơi! Hà - Nội - phố...
Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm
Thoáng mùi sen nở muộn.
Nhớ Nhật Tân
Mùa hoa năm ấy
Cánh đào phai.
Người dẫu ra đi vạn dặm dài.
Gió ngọn vẫn vương hương phố cũ...
Em ơi! Hà - Nội - phố...
Ta còn em cơn mưa rào qua nhanh
Ướt bậc thềm
Chiếc lá bàng đầu tiên nhuộm đỏ.
Cô gái vội sang đường
Chợt hồng đôi má.
Một chút xanh hơn
Trời Hà Nội
Hôm qua...
Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu qua cổng chợ
Những chùm hoa tím
Ngát
Mùa thu...
Em ơi! Hà - Nội - phố...
Ta còn em con đê lộng gió
Dòng sông chảy mang hình phố.
Cô gái dựa lưng bên gốc me già
Ngọn đèn đường lặng thinh
Soi bờ đá...
Ta còn em mùa nước đổ
Mất tăm bãi Giữa
Dòng sông Hồng
Bè nứa xuôi nhanh,
Con tàu nhổ neo, về bến.
Hồi còi vọng
Như một tiếng than dài:
“Mùa này trăng vỡ trên sông”...
Ta còn em hàng cây khô,
Buồn như dãy phố.
Người bỏ xứ
Quay nhìn lần cuối
Đôi mắt nhòe với hạt sương tan
“Người đi, ừ nhỉ, người đi thực!”... (1)
Ly khách khẽ ngâm câu tống biệt
Đành đoạn một lần dứt áo xanh.
Em ơi! Hà - Nội - phố...
Ta còn em một Hàng Đào.
Không bán đào.
Một Hàng Bạc
Không còn thợ bạc.
Đường Trường Thi
Không chõng, không lều
Không ông nghè bái tổ vinh quy.
Ta còn em ngày đi
Một nỗi mang tên nhớ.
Ngày về phố cũ bỗng quên tên.
Quên bậc đá,
Quên mái hiên.
Quên cây táo trồng ngay trước cửa.
Thuở ấu thơ thỏa thích leo trèo...
Ngày về ra rả tiếng ve
Võng trưa hè kẽo kẹt
“À ơi! Tùng tùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền
Nước mắt như mưa...”
Bài tập đọc
Quốc văn giáo khoa thư
Bà ru cháu ngủ
Người về sững sờ bên cánh cửa,
Tiếng ơi à...
Gợi lại mảnh đời quên.
Em ơi! Hà - Nội - phố...
Ta còn em chiếc xe hoa
Qua hàng liễu rủ
Cánh tay trần trên gác cao
Mở cửa.
Mùa xuân trong khung
Đường phố dài
Chi chít chồi sinh
Màu ước vọng in hình xanh nõn lá
Giò phong lan.
Điệp vàng rực rỡ.
Những gót son dập dìu đại lộ
Bờ môi ai đậm đỏ bích đào?
Ta còn em tiếng trống tan trường.
Màu thanh thiên lẫn trong liễu rủ
Đêm hoa đăng tà áo nhung huyết dụ.
Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa.
Phường cũ lưu danh người đẹp lụa.
Bậc thềm nào in dấu hài hoa?
Em ơi! Hà - Nội - phố...
Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cổ
Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương.
Ai còn ngồi bên gốc đại già?
Chợt quên vườn hồng đã ra hoa.
Chợt quên bên đường ai đứng đợi...
Cuộc đời có lẽ nào
Là một thoáng bâng quơ!
(Phu nhân của nhà thơ Phan Vũ là diễn viên Phi Nga trong phim Chung một dòng sông học sinh miền nam tập kết bị bệnh tim bẩm sinh mất năm 49 tuổi)
Cách chúng ta nửa vòng trái đất, có một thời được gọi là Cộng sản. Ở đó họ không ầm ĩ, tuyên truyền, học tập tấm gương, chỉ bằng hành động và việc làm đáng để ta suy nghĩ. Mấy ngày vừa qua cả thế giới theo dõi những nỗ lực của đất nước Chile cứu sống 33 thợ mỏ sau hơn hai tháng sập lò ở độ sâu 700m, thật sự là một câu chuyện đẹp và đầy tình người. Giá trị nhân văn của “câu chuyện Chile” sẽ là bất tử, sẽ luôn thao thức và nhắc nhở mọi người! Nói về những thợ mỏ được cứu thoát sau vụ sập hầm 5/8/2010, Tổng thống Sebastian Pinera nói "Họ thoát chết mạnh mẽ hơn trước và đã dạy cho chúng ta một bài học", nghe đến đây thấy cảm phục một vị đứng đầu Nhà nước, cho rằng không phải cứu giúp mà là bài học làm người cho mỗi chúng ta. Nhờ vậy nước Chile "nay đoàn kết và mạnh mẽ hơn bao giờ hết,".
Tổng thống Chile và người thợ mỏ cuối cùng
Cứ tưởng, Tổng thống Chile chỉ đến động viên tinh thần hay nhiều lắm chào đón tượng trưng người thợ mỏ đầu tiên thôi, nhưng cả ngày hôm ấy, vẫn thấy ông trong bộ quần áo bảo hộ lao động mầu da cam, ôm hôn từng thợ mỏ một khi được kéo lên trước khi họ ôm hôn thân nhân và cho đi kiểm tra sức khoẻ. Thỉnh thoảng, ông tự lấy nước uống hay với chiếc ghế để ngồi. Nếu không có vài lần trả lời phỏng vấn của phóng viên, hay phát biểu trực tiếp trên truyền hình, khó có thể biết đó là Tổng thống Chile! Bên cạnh ông là bộ trưởng bộ Khai khoáng, bộ trưởng bộ Y tế. Không mấy ai có thể ngờ là tất cả 33 người đều an toàn và khỏe mạnh. Chiến dịch giải cứu tiêu tốn khoảng 22 triệu đô-la nhưng Tổng thống Chile nói “tiền bạc không thành vấn đề”. Một công dân Trung Quốc đã nói: “Họ thật hạnh phúc vì sinh ra ở Chile, nếu ở Trung Quốc thì họ đã bị chôn sống rồi”.
Dù chỉ có một công dân duy nhất trong số 33 thợ mỏ là người Bolivia nhưng Tổng thống nước này cũng bay tới hiện trường và chờ đợi. Ông muốn trực tiếp đón công dân của mình về nhà.
Cùng thời điểm này ngày 11 tháng 9 tại vùng biển Hoàng Sa, Trung Quốc đã giữ tàu cá QNg 66478TS và 9 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi, bắt nộp tiền phạt mới thả. Bộ Ngoại giao ta đã lên tiếng nhưng vẫn rơi vào im lặng.
Chiều 13-10 trong cơn mưa bà Phạm Thị Lan vẫn đợi chồng
Mãi đến hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng ADMM+ họp tại Hà Nội, chiều 11/10, phía Trung Quốc thông báo lúc 13giờ “9 ngư dân và tàu cá Việt Nam đã lên đường về nhà”. Thông tấn xã Việt Nam ngày 12/10 trích lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, Nguyễn Phương Nga nói các ngư dân "sẽ về nhà vào đêm hôm đó". Đến 14/10 được biết tàu QNg 66478TS và 9 ngư dân vẫn chưa về đến nhà! Hãng Reuters trích lời bà Nga nói "những ngư dân được thả hiện đang mất tích trên đường về nhà". Cầu mong đừng có Hòn vọng phu thế kỷ XXI.
Đẹp thêm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Hình ảnh dưới đây là nơi tập kết của các đoàn diễu hành trên đường Thanh niên sáng 10-10
http://dantri.com.vn/63/118/binh-chon.htm Qua 10 ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, theo bạn các sự kiện diễn ra: Xuất sắc: 481 (6%) Đạt yêu cầu: 1265 (16%) Phô trương hình thức: 6241 (78%)
Sau những ngày mệt mỏi Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội - Mời bạn hãy xem những bức tranh Phố cổ của Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái trên nền nhạc Đêm năm mơ phố
Ngày 10/10 /10 ngày lễ quan trọng nhất ở Triều Tiên, nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập đảng Lao động, và ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành người sáng lập đảng và đất nước Triều Tiên.
Giới phân tích cho biết, lễ diễu binh trong ngày lễ còn có ý nghĩa giới thiệu người sẽ kế tục sự nghiệp lãnh đạo tiếp theo của nước này - con trai út ông Kim Jong Il - Kim Jong Un. Một đất nước đã bao lần Xoá án giảm nghèo nhưng chưa có gì thay đổi.
Quang cảnh trong lễ duyệt binh 10-10
Hai cha con Kim Jong Il - Kim Jong Un trên lễ đài
Chân dung nhà lãnh đạo Triều Tiên
Viết đến đây tôi nhớ câu ca dao tục ngữ Việt Nam:
"Con Vua thì lại làm Vua
Con sãi ở chùa, lại quét là đa
Bao giờ Dân nổi can qua
Con Vua thất thế lại ra quét chùa"
Cũng thời điểm này Giải thưởng Nobel năm 2010 được công bố, trao cho những người mang lại lợi ích cho con người trên lĩnh vực Vật lý, Hoá học, Y học, Văn học và Hoà bình, năm 1968 có thêm giải Nobel Kinh tế. Hai năm nay trao giải Nobel Hoà bình đều có chuyện lình sình, năm trước trao cho Tổng thống Mỹ Obama ông ta giải thích "Phát động chiến tranh để lập lại hoà bình" . Năm nay trao cho nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba đang ngồi tù, báo lề phải đưa tin tiết kiệm lời " Giải Nobel hoà bình trao cho người Họ LưuTrung Quốc" hay " Trung Quốc phản đối giải Nobel Hoà bình". Khi bị bắt Lưu Hiểu Ba có nói "tôi không có lòng căm thù và tôi không có kẻ thù" . TT Obama đã lên tiếng đề nghị Trung Quốc thả tự do cho Lưu Hiểu Ba.
Ông Thorbjom Chủ tịch giải Nobel Nauy cầm ảnh Lưu Hiểu Ba khi công bố giải
Tối ngày 6 tháng 10 Đài truyền hình Trung ương đưa tin:Hungary bốn người chết và 120 người bị thương trong sự cố bùn đỏ bauxite tràn khỏi bể chứa tại làng Kolonta ở thị trấn Ajka, cách thủ đô Budapest 160km, người ta ước tính khoảng 700.000 mét khối bùn đỏ đã thoát ra và gây ô nhiễm một diện tích rộng. Các nhân viên cứu hộ khẩn cấp đang cố gắng để ngăn các chất thải độc hại này tràn vào những sông lớn trong đó có sông Danube. Dự tính sẽ cần tới hàng chục triệu đôla và mất ít nhất một năm để khắc phục những thiệt hại do đợt tràn bùn đỏ bauxite gây ra. Sau đó vài phút trên trang blogger “Thích học toán” của GS Ngô Bảo Châu có bài viết: Du lịch Hunggary và kèm bức ảnh không một lời bình.
Tôi nhớ có ý kiến của một nhà khoa học phản biện về khai thác bauxite Tây Nguyên lo lắng nếu bể chứa chất thải bị vỡ sẽ đổ ra sông Đồng Nai thì hiểm hoạ thế nào. Cầu mong đừng bao giờ như Hunggary!
Bùn đỏ từ khai thác bauxite – “bom bẩn” rình rập
Theo hãng tin AP, cảnh sát Hungary đã chính thức mở cuộc điều tra nguyên nhân dẫn tới vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ, sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp ở ba vùng phía Tây của nước này.
Chưa từng có trong lịch sử
Đây là một thảm hoạ sinh thái, mà Hungary, chưa từng trải qua và cũng là thảm họa sinh thái lớn nhất trong lịch sử chế biến nhôm và alumin xảy ra tại một quốc gia có truyền thống và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Điều đáng lo ngại nhất là lịch sử công nghệ sản xuất nhôm và alumin chưa hề xảy ra chuyện một bể chứa bị vỡ khiến biển bùn đỏ tràn ngập các khu dân cư như trường hợp ở Hungary. Do đó, hiện tại, các chuyên gia chưa thể nói được gì về những hậu quả của dung dịch kiềm gây ra cho môi trường và hệ sinh thái, ngắn cũng như dài hạn.
Thảm họa bùng phát chiều 4/10 tại nhà máy sản xuất nhôm Ajka Timfoldgyar thuộc thị trấn Ajka, cách thủ đô Budapest chừng 164km về phía Tây Nam. Tính đến hôm qua, tổng cộng 1,1 triệu m3 bùn đỏ độc hại từ nhà máy này đã tràn ra một khu vực rộng tới 40 km2.
Dòng lũ bùn đỏ đã cuốn trôi hơn 270 căn nhà, xe cộ, phá hủy một số cây cầu. Ít nhất bốn người đã thiệt mạng, sáu người mất tích và 123 người bị thương, phần lớn bị bỏng do hóa chất trong bùn đỏ thấm qua quần áo. Trong số bị thương, 62 người đã nhập viện, 8 người đang nguy kịch.
Các chuyên gia thuộc tổ chức môi trường Greenpeace cho biết, ảnh hưởng của dòng bùn này có thể nghiêm trọng hơn vụ tràn cyanide tại Baia Mare ở Romania năm 2000, khi đó dòng nước bị nhiễm cyanide từ một hồ chứa của mỏ vàng chảy ra gây ô nhiễm dòng sông Tisza và Danube.
“Thảm họa này lớn gấp 7 lần sự cố xảy ra tại Baia Mare, ảnh hưởng lên hệ sinh thái rất rộng và mất nhiều thời gian để khử độc, vì các kim loại nặng và natri cacbonat là hỗn hợp độc hại rất nguy hiểm”, Katerina Ventusova, một chuyên gia về chất độc của Greenpeace nói.
Bộ trưởng Môi trường Hungary cho rằng đây là thảm họa tràn hóa chất nghiêm trọng nhất trong lịch sử của Hungary và ước tính phải mất một năm và hàng chục triệu USD để dọn sạch lượng bùn đỏ này.
Bùn đỏ còn gọi là “bom bẩn”
Bùn đỏ là hỗn hợp bao gồm các chất như sắt, mangan… và một lượng kiềm dư thừa phát sinh trong quá trình dung hòa, tách quặng Alumin. Xét trên góc độ môi trường, bùn đỏ là một loại chất thải rất độc hại, được ví như “bùn bẩn” hay “bom bẩn”.
Tuy vậy, các kim loại nặng độc hại, hoặc chất chì hay phóng xạ trong bùn đỏ không thực nguy hiểm đến tính mạng con người vì hàm lượng của chúng không đáng kể. Điều thực sự nguy hiểm và độc hại là lượng nước thải kèm theo bùn đỏ, xuất phát từ cách xử lý và lưu trữ bùn đỏ theo kiểu hiện tại, vì bùn đỏ trước khi thải và chôn lấp sẽ được rửa nhiều lần nhằm tận thu kiềm.
Dẫu vậy, lượng bùn thải cũng vẫn bị kiềm hóa ở mức độ rất đáng kể: cứ một tấn bùn đỏ lại đi kèm với 2-3m3 nước thải có nồng độ kiềm rất mạnh.
Đại diện các tổ chức công nghiệp ở Mỹ và Anh cho rằng, nếu được xử lý đúng đắn, loại bùn thải này không độc hại. Theo tiêu chuẩn EU, bùn đỏ từ quá trình luyện bauxite thành nhôm không bị coi là chất thải độc hại. Tuy nhiên, hiện trên thế giới chưa có nước nào xử lý triệt để được vấn đề bùn đỏ. Cách phổ biến mà người ta vẫn thường làm là chôn lấp bùn đỏ ở các vùng đất ít người, ven biển để tránh độc hại.
Nhà môi trường học Gergely Simon của Hungary đưa ra giả thiết, lượng bùn thải này được tích lũy suốt hàng chục năm qua nên có độ kiềm cực cao, pH lên tới 13, hơn cả loại thuốc tẩy mạnh nhất và gấp 1 triệu lần dung dịch trung hòa là nước tinh khiết.
Như vậy, đối với con người và động vật sống, một cách trực tiếp, dung dịch bùn đỏ có thể gây bỏng da, hoặc tổn thương nặng nếu vào mắt hay miệng, mà không được tẩy rửa nhanh chóng và kịp thời.
Đối với môi trường, bản thân chất kiềm không có tác động lâu dài tới môi sinh vì sẽ bị loãng đi khi hòa tan vào nước, tuy nhiên, kiềm trong bùn đỏ có thể tiêu diệt một phần thảm thực vật, làm hư hại diện tích đất canh tác. Đặc biệt, khi chảy xuống sông, bùn đỏ sẽ làm chết mọi sinh vật như tôm, cá…
Xử lý bùn đỏ trong dự án Nhân Cơ, Việt Nam
Theo một bản tin của TTXVN số ra ngày 1/12/2009, ông Ngô Tố Ninh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần alumin Nhân Cơ thuộc Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), cho biết, điều quan trọng nhất trong bản báo cáo tác động môi trường Dự án nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ đã được Hội đồng khoa học tỉnh Đắk Nông thông qua, là các phương án xử lý, tái chế bùn đỏ trong quá trình khai thác quặng bauxite, sản xuất và luyện alumin ở Nhân Cơ mà dự luận quan tâm.
Theo đó, tổng lượng bùn đỏ gần 1,4 triệu tấn/năm (tương đương khoảng 945.000 m3), khi Dự án sản xuất alumin Nhân Cơ đạt 650.000 tấn alumin/năm. Đối với Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân cơ, sẽ tiến hành xử lý bùn đỏ bằng phương pháp chôn lấp, sau đó tiến hành hoàn thổ, phục hồi môi trường. Bùn đỏ trước khi thải ra bãi sẽ được rửa ngược dòng 6 bước nhằm tận thu kiềm và alumin kèm theo bùn đỏ.
Hồ chứa bùn đỏ (rộng hơn 200ha) có các lớp chống thấm tốt để kiềm bám bùn đỏ không bị thẩm thấu vào nước ngầm, nước chứa trong bãi chứa bùn đỏ được thu gom và bơm hoàn toàn về Nhà máy.
Các thành phần bùn đỏ có hại cho môi trường được cách ly hoàn toàn, không để rò rỉ hay thẩm thấu gây ảnh hưởng tới môi trường; thành phần chất lỏng đi theo bùn đỏ hoặc sinh ra trong quá trình lưu trữ (như nước mưa hòa với bùn đỏ) sẽ được thu hồi, tái sử dụng tại Nhà máy alumin.
Hồ chứa bùn đỏ xây dựng phải đảm bảo các tiêu chí như: không gây ra hiện tượng thẩm thấu các chất ô nhiễm môi trường; lòng hồ phải được xử lý thi công và lót vải địa kỹ thuật hoặc vải nhựa có độ thấm đạt các yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt nam đối với bãi chôn lấp rác thải nguy hại; không có hiện tượng phát sinh và phát tán bụi ra môi trường; đảm bảo khả năng hoàn thổ trả lại đất cho canh tác trong thời gian ngắn nhất với chi phí nhỏ nhất; không tiềm ẩn bất cứ khả năng gây thảm họa nào đặc biệt là khả năng vỡ đập gây ô nhiễm môi trường và nguy hiểm trên diện rộng…
Hồ thải bùn đỏ được lựa chọn là các thung lũng phía Nam khu vực Nhà máy alumin. Các đập ngăn sẽ được xây dựng để tạo ra các hồ thải theo các giai đoạn hoạt động của nhà máy. Tổng thể tích của các hồ theo tính toán đảm bảo được 30 năm vận hành cho nhà máy.
Xung quanh hồ sẽ xây dựng hệ thống kênh thu nước mặt, nước mưa từ lưu vực xung quanh để dẫn thoát ra khỏi phạm vi lòng hồ, đảm bảo lượng mưa xuống hồ chỉ là lượng mưa thu trực tiếp từ diện tích mặt thoáng của hồ.
Anh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, bố anh là hoạ sĩ cùng thời với Dương Bích Liên. Tôi biết anh những ngày ở Trường Sơn, sau mỗi trận đánh thường nghe anh kể về Hà Nội, anh nói Ngã tư Vọng, Đường Láng, Chợ Bưởi… là xa lạ đối với các anh chứ chưa nói sang Gia Lâm, phải qua cầu Long Biên. Sau chiến tranh anh trở về Hà Nội xin được việc làm ở cơ quan Nhà nước, trời phú cho anh có tài viết văn, lúc đầu anh viết truyện ngắn chỉ là ôn lại kỉ niệm thời chiến tranh, và anh đạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, sau này anh trở thành hội viên Hội nhà văn.
Bây giờ nhiều người biết anh, ngay trong làng văn cũng kính nể, anh quen như ngày ở chiến trường không bỏ được cách xưng hô mày tao và nói bậy, gọi mọi người là thằng nọ, thằng kia nghiêm túc lắm xưng ông tôi, ngay cả viết văn cũng rất bình dị, cuốn tiểu thuyết gần đây anh gọi cái của đàn ông là "thỏi sắt nguội" . Trước ngày Đại lễ anh bảo:
"Nhiều thằng ở quê ra, học đại học xong được công tác ở Hà Nội, đ.. biết gì mà cũng viết về lịch sử, nếp sống thanh lịch của người Hà Nội không những thế lại còn sai. Chỉ được nghe kể mà cũng đòi viết về Hà Nội, chúng nó được học hành tử tế sao mà dốt thế. Tao đã nhìn thấy nhiều người nhường ghế tàu điện cho người già, chuyện nhặt của rơi đem trả lại là chuyện bình thường. Còn bây giờ ngày nào báo chí cũng nói chuyện đâm chém nhau là chuyện vặt, chỉ vì tội va chạm xe máy hoặc “nhìn đểu”, ra đường người ngay sợ kẻ gian, không còn cảnh “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”. Điêù đáng buồn hơn là dân trí người Hà Nội xuống cấp quá. Những năm 60 của thế kỉ trước lớp thanh niên chúng tao không mấy ai là không biết những bản nhạc cổ điển như Phiên chợ Ba Tư của nhà soạn nhạc người Anh Albert William, chúng mày được nghe như lạc vào thế giới cổ tích.
Năm 1970 trước khi vào chiến trường, tao về thăm nhà ba ngày đúng dịp kỉ niệm 200 năm ngày sinh Beethoven, 10 đêm nhạc Beethoven ở Nhà Hát Lớn lúc nào cũng đông nghịt. Tháng trước họ cho tao vé chương trình hòa nhạc "VNSO Beethoven cycle Vol.5" do nghệ sĩ piano nổi tiếng người Nhật Michie Koyama (Người đoạt cả 2 giải quốc tế Chopin và Tchaikovsky), sát giờ biểu diễn chỉ có vài chục người, đêm đó tao thấy Nhà Hát không hết chỗ.
Nghe nói Đặng Thái Sơn biểu diễn trong mấy ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội chắc cũng vắng như Chùa bà Đanh thôi. Dịp vừa rồi Hương Lan-Tuấn Vũ về nước ra Hà Nội biểu diễn, giá vé 3 triệu rưỡi một cặp, biểu diễn nửa tháng mà đêm nào cũng hết vé. Văn hoá kiểu bây giờ là thế họ thích những buổi như vậy, tao khẳng định với chúng mày trong số này có rất ít người Hà Nội đến xem. Đừng cho rằng thanh niên Hà Nội phải biết hip hop, tóc màu, cưỡi xe triệu đô còn nếp sống văn hoá như thế nào không cần biết.
Tao không muốn nhắc những ngày lễ họ không biết từ đâu đến giẫm đạp lên thảm cỏ, tranh cướp hoa như không có chuyện gì". Ngang tàng là vậy nói xong anh lấy tay lau nước mắt.
Không biết thanh lịch của người Tràng An còn nữa không?
Tôi có trong danh sách Cựu chiến binh ra phường tập trung, lên quận dự khai mạc ngày văn hoá kỉ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, với trang phục khăn xếp, áo the chờ từ 15giờ đến 16 giờ 10 đoàn của phường mới được diễu qua lễ đài chưa đầy 3 phút, các phường họ chuẩn bị công phu có cả rước kiệu, nhóm thanh niên mặc quần áo đỏ, cầm đao kiếm đi cùng với đội múa lân. Mấy phường có đình, chùa cổ được xếp hạng di tích lịch sử đây là dịp để cho khoe cho thiên hạ biết. Phường này chỉ có cựu chiến binh là đông, hơn một nghìn CCB một nửa là tướng và tá, phường ôm lấy sân bay BM và Tổng cục 2, sân bay rộng, có Viện bảo tàng, nhiều di tích lịch sử thời chống Pháp nhưng do quân sự quản lí ai xếp hạng.
Tôi chăm chú nghe MC giới thiệu thành tích từng đoàn mỗi khi qua lễ đài, điều đáng suy nghĩ là phong trào giáo dục sau mười năm thành lập quận từ 20000 học sinh nay đã phát triển lên tới 35000 học sinh THCS và tiểu học, đây đừng cho là lớn mạnh mà báo hiệu phát triển dân số đến mức báo động.
Sau lời giới thiệu chương trình của bà Phó chủ tịch với giọng nói non ớt là bài diễn văn của ông Chủ tịch quận, không phải “giọng Hà Nội” chắc chắn ở quê ra, sau khi lên xe trở về ngồi bên cạnh là mấy bác đại tá, ai cũng kêu bài phát biểu không có nội dung gì. Một bác nói:
-Không biết ai viết cho Chủ tịch mà kém đến vậy, khi đọc phải biết bỏ chỗ nào không cần thiết, bài diễn văn như bài văn tả cảnh và kể chuyện. Chuẩn bị lễ hội công phu bao nhiêu thì bài diễn văn lại ẩu bấy nhiêu.
Quả là vậy bài diễn văn có đoạn “ban đêm đường phố ánh đèn đẹp lung linh, nhà cao tằng mọc lên san sát…” tiếp theo ông kể cho mọi người nghe “sáng nay tại vườn hoa Lí Thái Tổ, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước tổ chức lễ dâng hương" và thông báo lịch hoạt động của thành phố và quận từ nay đến ngày 10-10. Chẳng có gì để nói thành ra chủ tịch quận nói nhăng nói cuội, cả buổi sáng nay truyền hình trực tiếp khai mạc đại lễ ai mà không biết.
Các bác đại tá còn nói Chủ tịch quận nội thành mà như thế sao mà xứng với Thủ đô 1000 năm tuổi. Tôi nói vui “con cháu chúng ta cả”, bác trách các cháu chẳng qua là trách mình.
Đoàn Tuồng trích đoạn Lí Công Uẩn đọc Chiều rời đô, sau là màn múa rồng, nhưng theo như sử sách thì đây không phải là rồng nhà Lí, vì rồng nhà Lí giống rắn uốn lượn hình chữ U không vẩy, chân nhỏ, lấy rồng nào cũng được miễn là có để múa có ai để ý đâu. Có thể vì công việc hay chán ngắt cách tổ chức với lễ hội, tôi thấy bà Phó bí thư thành phố NTDT ra về. Mấy người chúng tôi về theo.
Tôi ngẫm nghĩ hôm trước có mấy cụ gửi thư cho Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đề nghị không nên khai mạc 1-10, ngày Quốc khánh của TQ ,“đây là vấn đề nhạy cảm” đừng để dân hiểu sai, thời gian lễ hội quá dài (10 ngày), nội dung không có gì chỉ hôm đầu và hôm 10-10 có nội dung hay, xem lịch hoạt động toàn thấy cắt băng khánh thành nơi này, nơi kia sao đưa vào nội dung lễ hội, những ý kiến ấy các nhà lãnh đạo bỏ ngoài tai.
Hôm trước tôi đi một vòng quanh Hồ Gươm, vài mét lại thấy một dàn âm thanh và ánh sáng đem từ thành phố Hồ Chí Minh ra quả là hiện đại, hoàn toàn loa thùng và âm li của Mĩ phải hàng vài chục tấn, nhiều người qua đây phải bịt tai vì không chịu được với công suất phát ra từ bộ loa khùng này, tôi sợ Cụ Rùa nghe âm thanh và bị chiếu bởi tia lade không chịu nổi dễ bị bệnh stress, dẫn tới mắc bệnh trầm cảm là khó chữa lắm.