20 thg 5, 2010

ĐI NGHE HÁT XẨM


      Ngày còn nhỏ, những hôm chợ phiên tôi thường đi theo người lớn để nghe hát xẩm.  Xẩm là một loại hình dân ca của Miền Bắc, phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. "Xẩm" cũng còn được dùng để gọi những người hát rong trên đường phố và kẻ chợ - thường là người khiếm thị đi hát kiếm sống vì thế hát xẩm còn có thể coi là một nghề, chỉ từ một đến hai người phần lớn là trong một gia đình, có khi là vợ chồng, mẹ con, bố con hoặc hai anh em, ban ngày đi hát rong tối về ngủ ở góc chợ. Nhạc cụ đơn giản chỉ là cây nhị với bộ phách, chứ không như mấy anh hát rong bây giờ với cây ghi ta điện và bộ âm li hát vang cả một dãy phố. Bài xẩm Anh Khóa của Á Nam Trần Tuấn Khải nổi tiếng có lúc đã đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh. Nghệ sĩ hát xẩm nổi tiếng Hà Thị Cầu năm nay 94 tuổi quê Nam Định, hiện nay ở Ninh Bình là người cuối cùng của làng hát xẩm thế kỷ XX.
  Tối nay ra nhà Bát Giác để nghe tiếng đàn bầu của nghệ sĩ Hoàng Anh Tuấn và nghe hát xẩm, mọi người đến đây đều “free” do Sở Văn hoá và Du lịch tổ chức giới thiệu chương trình nhạc cổ truyền vào các tối thứ 3 thứ 5 hàng tuần chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. tiết mục hay nhất là hai bố con Hoàng Anh Tuấn – Thanh Thanh Tấm (6 tuổi) với bài hát xẩm "Mục hạ vô nhân", chỉ tiếc NS Hoàng Anh Tuấn không đem theo chiếc nhị.
     " - Em ơi có phải em lên 6 tuổi không?
      - Không. Em 16 tuổi rồi.
     - Thế sao bảo răng em rụng hết?
    - Răng em sún đấy chứ, em chỉ thay răng thôi
   - Thế thì anh em mình rải chiếu ra đây cùng hát..."
  Trên sân khán giả cười vang. Hai bố con NS Hoàng Anh Tuấn đã quên đi nỗi đau để đến với nghệ thuật và đem niềm vui cho mọi người.
                                                                                                                                       
Cháu Thanh Thanh Tấm con gái NS Hoáng Anh Tuấn

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét