3 thg 4, 2013

Người bị hại lại xin không bồi thường... chuyện lạ


 Theo Báo Người lao động: Ngày 3-4, phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP Hải Phòng xét xử vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại đầm tôm hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn vào ngày 5-1-2012 bước sang ngày xét xử thứ hai.

  8 giờ 15 sáng, phiên toà bắt đầu với phần xét hỏi. Các bị cáo được đưa vào toà trong bộ trang phục giống như lần xuất hiện đầu tiên ngày 2-4.
  Dù nhận thức được việc làm của mình có thể gây nguy hiểm cho lực lượng cưỡng chế song Đoàn Văn Quý vẫn làm vì theo lời của bị cáo này: “Không phân biệt được ai, chỉ nghĩ là bị mất trắng. Căn nhà đang ở là toàn bộ công sức của vợ chồng. Ngoài đầm, bị cáo không còn làm ở chỗ nào vì đã bán hết dồn hết vốn vào đầm". Bị cáo Quý vẫn cho rằng việc tạo ra quả mìn, bắn súng "là để cảnh báo chứ không nhằm giết người".
  Được luật sư Trần Đình Triển hỏi, bị cáo Đoàn Văn Quý tái khẳng định bị cáo Nguyễn Thị Thương (vợ bị cáo Đoàn Văn Vươn) và Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ bị cáo Đoàn Văn Quý) không được biết, bàn bạc, phân công nhiệm vụ trong việc chống lại đoàn cưỡng chế. Bởi thời gian làm rào vẫn chưa có kế hoạch cưỡng chế, chỉ biết là rào để chống trộm.   
   Trong phiên tòa, bị cáo Quý nói đoàn cưỡng chế bắn trước song tại buổi xét hỏi, các bị hại đều phủ nhận việc này.
   Bị hại Vũ Anh Tuấn cho biết trước khi Quý bắn thì không có ai nổ súng cả. “Tôi là người bị thương đầu tiên và không có ai có súng, áo giáp trong đoàn cưỡng chế. Theo tôi biết, hình ảnh áo giáp, súng chỉ xuất hiện sau khi đã có các chiến sĩ bị thương. Tôi cũng không được mang công cụ hỗ trợ” - bị hại Tuấn nói trước toà.
Cũng theo bị hại Vũ Anh Tuấn, tổ công tác thực hiện biện pháp kêu gọi thuyết phục là chính. Trước khi vào đến hàng rào thứ nhất, đoàn công tác đã kêu gọi qua loa, mời người nhà ra mở cổng để vào làm việc hành chính. Sau đó thì xuất hiện tiếng nổ. Sau khi tiếng nổ thứ nhất, hàng rào bị bung ra, trong nhà vẫn đóng cửa, không có người bên ngoài.
   “Khi tổ công tác tiến sát đến hàng rào thứ 2 thì anh Quý mở cửa sổ bắn súng về phía bọn tôi. Tôi bị thương ngay phát súng đầu tiên. Tôi nhìn rất rõ vì khoảng cách chỉ hơn 10 mét. Ngay sau đó tôi nghe thêm 2- 3 phát nổ nữa”, bị hại Tuấn cho biết.
   Bị hại Lê Văn Mải (nguyên Trưởng công an huyện Tiên Lãng) cũng cho biết đoàn cưỡng chế không có áo giáp, chỉ duy nhất 2 bộ đội có nhiệm vụ rà phá bom mìn, một số dùng công cụ hỗ trợ như dùi cui, duy nhất đội phó đội hình sự (Công an huyện Tiên Lãng) Thuỷ được trang bị 1 khẩu K54.
  Theo bị hại này, việc cưỡng chế hành chính không có gì lớn, chủ yếu thuyết phục, động viên để anh Vươn chấp hành làm việc chứ không có việc dùng vũ lực hoặc có phương án nào khác.
 Sau khi có vụ nổ thứ nhất, ông Mải yêu cầu 2 công binh rà bom mìn từ hàng rào thứ nhất đến hàng rào thứ 2. Lực lượng công an đi sau. Khi đến gần hàng rào thứ hai, thì xuất hiện phát súng thứ hai. “Lúc này, tôi vừa quay sang đồng chí Tuấn, vừa cúi xuống thì tôi bị bắn vào sườn bên phải, thấy người ấm và choáng lập tức” - bị hại Mải nói. Theo bị hại Mải, đến lúc này vẫn chưa có ai trong đoàn cưỡng chế sử dụng súng. 
Bị hại Đỗ Xuân Trường cùng các bị hại Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Văn Hoàng, Đào Văn Đức cũng đều xác nhận theo đúng kế hoạch, tổ 3 đoàn cưỡng chế không được trang bị vũ khí và áo giáp.
 Tuy nhiên, khi các luật sư đặt các câu hỏi về kế hoạch tăng cường tấn công gia đình Đoàn Văn Vươn thì bị hại Lê Văn Mải từ chối trả lời vì cho rằng nội dung này là bí mật công tác, không có nghĩa vụ trả lời và nằm ngoài nội dung vụ án.
  Theo cáo trạng, các bị hại gồm: Lê Văn Mải (1957), Nguyễn Văn Phong (SN 1991), Vũ Anh Tuấn (SN 1979), Đào Văn Đức (SN 1976), Đỗ Xuân Trường (SN 1988), Đào Trọng Dũng (SN 1980) và Lê Văn Ghi (SN 1968).
  Sau khi giám định pháp y, kết quả cho thấy, các nạn nhân nói trên đều bị nhiều vết thương và giảm sức lao động, trong đó Lê Văn Ghi bị 16 vết thương, giảm 43% sức lao động; Đỗ Xuân Trường bị 9 vết thương, giảm 35% sức lao động; Lê Văn Mải bị 8 vết thương, giảm 25% sức lao động;... Bị hại Đỗ Xuân Trường cho biết bị thương 1 cánh tay trái, sườn và mắt trái, giảm 30% sức lao động. Một số viên đạn chưa lấy được, một số viên ở hốc mắt thì không lấy ra được. 
 Tuy nhiên, trong buổi sáng 3-4 tại toà, tất cả các bị hại đều từ chối bồi thường thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần. Đáng chú ý, bị hại Vũ Anh Tuấn nói với Hội đồng xét xử (HĐXX): “Các bị cáo vi phạm pháp luật nhưng một phần do bức xúc nên cần xem xét cho các bị cáo”. Bị hại Đỗ Xuân Trường cũng nói: “Bị hại nhất trí với ý kiến đồng chí Tuấn”.
 Trong phiên xét xử sáng ngày 3-4, tòa tiếp tục với phần luật sư hỏi các bị hại để tái khẳng định lại một số diễn biến, tình tiết trong vụ án. Phiên xử buổi sáng 3-4 kết thúc lúc 11 giờ 45.
14 giờ 15 chiều 3-4, tòa tiếp tục với phần xét hỏi. Các luật sư tiếp tục đặt các câu hỏi với các bị hại. Trong đó, nhiều câu hỏi đặt ra với bị hại Lê Văn Mải để làm rõ các chi tiết trong buổi sáng ngày diễn ra vụ cưỡng chế (ngày 5-1-2012).
  Luật sư Triển đặt câu hỏi: "Trước khi thực hiện cưỡng chế, đã có 1 bản án của tòa án, lẽ ra phải thi hành án chứ sao lại thực hiện cuộc cưỡng chế?". Ông Mải cho biết ông có trách nhiệm đảm bảo an ninh ở địa phương, còn bản án không thuộc chức năng của ông.
  Luật sư Triển tiếp tục: “Xung quanh việc khi quả mìn tự chế của anh Quý đã nổ rồi, công an phải lập lại phương án khác, tại sao lại chỉ đạo tiếp anh em đi vào để xảy ra nổ súng?”. Ông Mải đáp: “Triển khai lực lượng là trách nhiệm của ngành công an chúng tôi. Tôi có trách nhiệm thực hiện kế hoạch đó”.
 Ông Mải cũng cho biết, khi ông xây dựng kế hoạch thì trong kế hoạch không có công cụ hỗ trợ, áo giáp. Tại hiện trường, khi ông Mải ở đó thì chỉ thấy 2 bộ đội công binh rà mìn có áo giáp.
  14 giờ 15 chiều 3-4, tòa tiếp tục với phần xét hỏi. Các luật sư tiếp tục đặt các câu hỏi với các bị hại. Trong đó, nhiều câu hỏi đặt ra với bị hại Lê Văn Mải để làm rõ các chi tiết trong buổi sáng ngày diễn ra vụ cưỡng chế (ngày 5-1-2012).
  Luật sư Triển đặt câu hỏi: "Trước khi thực hiện cưỡng chế, đã có 1 bản án của tòa án, lẽ ra phải thi hành án chứ sao lại thực hiện cuộc cưỡng chế?". Ông Mải cho biết ông có trách nhiệm đảm bảo an ninh ở địa phương, còn bản án không thuộc chức năng của ông.
  Luật sư Triển tiếp tục: “Xung quanh việc khi quả mìn tự chế của anh Quý đã nổ rồi, công an phải lập lại phương án khác, tại sao lại chỉ đạo tiếp anh em đi vào để xảy ra nổ súng?”. Ông Mải đáp: “Triển khai lực lượng là trách nhiệm của ngành công an chúng tôi. Tôi có trách nhiệm thực hiện kế hoạch đó”.
  Ông Mải cũng cho biết, khi ông xây dựng kế hoạch thì trong kế hoạch không có công cụ hỗ trợ, áo giáp. Tại hiện trường, khi ông Mải ở đó thì chỉ thấy 2 bộ đội công binh rà mìn có áo giáp.
  Đến 14 giờ 35, sau 20 phút bắt đầu phiên xử buổi chiều, chủ tọa tuyên bố kết thúc phần xét hỏi và tạm nghỉ phiên tòa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét