14 thg 4, 2013

Dòng chữ cuối cho em


  Ở xã Diễn Nguyên (Diễn Châu) có một người phụ nữ 25 năm qua sống lặng lẽ và nuôi con một mình. Đã bước vào độ tuổi 50, trải qua bao đắng cay, sóng gió cuộc đời, chị vẫn ôm ấp và gìn giữ mối tình với một người đã khuất. 

    Người phụ nữ ấy là chị Trần Thị Ninh, vợ liệt sỹ Phan Huy Sơn, người đã hy sinh trong trận Hải chiến bảo vệ Trường Sa ngày 14/3/1988.
Lần theo địa chỉ, chúng tôi về xóm 2, xã Diễn Nguyên (Diễn Châu) để gặp chị Trần Thị Ninh (sinh năm 1963). Ngôi nhà nhỏ nhắn nhưng vững chãi, đó là món quà tình nghĩa của Quân chủng Hải quân dành tặng mẹ con chị.
Chị Ninh, anh Sơn sinh cùng năm, cùng lớn lên trong một làng, cùng chăn trâu cắt cỏ và cùng chung con đường đến lớp. Theo thời gian, tình cảm giữa hai người ngày càng gắn bó thiết tha. Và rồi, tình yêu đến lúc nào không biết. Học xong cấp 3, được sự đồng ý của gia đình hai bên, đám cưới của họ được tổ chức vào một ngày cuối năm 1981.
Đang ngất ngây trong men say tình yêu và ngập tràn trong niềm hạnh phúc thì vào một ngày đầu tháng 2/1982, anh Sơn lên đường nhập ngũ. Tiễn chồng vào quân ngũ, chị lại trở về thực hiện phận sự dâu con, với cánh đồng đầy nắng gió.
Sau khi nhập ngũ, anh Phan Huy Sơn được bổ sung vào quân chủng Hải quân, đơn vị lúc đầu đóng quân ở vùng Cửa Hội thuộc huyện Nghi Lộc. Sau đó, được điều chuyển ra Hải Phòng học y tá, rồi học lên y sỹ. Học xong lớp y sỹ quân y, anh được điều động ra đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa nhận công tác.
Hai năm sau kể từ ngày nhập ngũ, anh Sơn được trở về thăm gia đình. Một mầm sống mới, kết quả tình yêu của anh chị hình thành. Từ đảo xa nhận được tin này, anh Sơn hạnh phúc và sung sướng đến phát khóc.
Trong thư anh kể rằng khi cầm bức thư báo tin mừng của người vợ yêu dấu, anh hò reo như một đứa trẻ lâu ngày được gặp mẹ. Bức thư được chuyền tay khắp đơn vị, đồng đội cùng ăn mừng bằng cách mổ thịt một cơn lợn mới nhận từ đất liền gửi ra. Đêm đó, anh em cán bộ, chiến sỹ đảo Song Tử Tây đàn hát đến tận khuya.
Thật không may, bé Phan Huy Hà - con trai đầu lòng của anh chị bị dị tật, não phát triển không bình thường, thân hình quặt quẹo. Nhưng mỗi khi thư từ qua lại, anh chị thường động viên nhau rằng đó là giọt máu của chính mình, là đứa con mình dứt ruột đẻ ra nên dù thế nào cũng phải yêu quý nó. Thương nhớ anh, chị dồn hết tình cảm vào việc chăm sóc bé Huy Hà.
Lá thư cuối cùng
Bốn năm sau, anh Phan Huy Sơn được về phép lần thứ 2, đó là dịp sau Tết Nguyên đán năm 1988. Thông thường, kỳ nghỉ phép kéo dài tới 15 ngày nhưng mới hơn một tuần, anh liên tục nhận được 3 bức điện từ đơn vị vào quân cảng Cam Ranh gấp để ra đảo làm nhiệm vụ.
Nhận được điện, anh Sơn lập tức thu xếp việc gia đình để lên đường theo lệnh của đơn vị. Vào một ngày trung tuần tháng 3/1988, khi đang làm cỏ trên đồng làng, tình cờ chị Ninh nghe Đài tiếng nói Việt Nam (phát qua loa công cộng) phát thông tin ngày 14/3, có 3 chiếc tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam bị đắm ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, khoảng 70 cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Linh tính mách bảo chị Ninh anh Sơn có mặt trên 1 trong 3 chiếc tàu bị đắm ấy. Cảnh vật xung quanh như quay cuồng, chị Ninh ngất xỉu bên bờ ruộng, hàng xóm phải dìu chị về nhà.
Và thật trớ trêu, mấy ngày sau chị nhận được thư, bức thư anh viết vào ngày 09/3/1988, tức là trước lúc anh lên tàu 1 hoặc 2 ngày và trước lúc hy sinh 5 ngày.
 Trải qua ¼ thế kỷ, nét chữ anh Sơn vẫn còn rõ ràng, chỉ có điều bức thư đã bị rách một vài chỗ do gấp đi gấp lại nhiều lần hoặc có thể do những dòng nước mắt của chị Ninh tuôn rơi làm cho giấy ướt và rách dần.
Chị Ninh nhận thư, tiền và bưu kiện chồng gửi về được ít lâu thì đơn vị anh Sơn gửi giấy báo tử về cho gia đình. Vậy là nỗi thấp thỏm, lo âu bấy nay đã trở thành sự thật. Một lần nữa chị tưởng chừng như gục ngã.
"Có lúc tôi thật sự không cong thiết sống nhưng nghĩ tới đứa con trai tật nguyền và đứa còn lại đang nằm trong bụng mẹ nên phải gắng gượng để nuôi các con, vì chúng là giọt máu của chồng"- chị Ninh chia sẻ.
Và trong năm đó, bé Phan Thị Trang chào đời. Điều đáng mừng là bé Trang phát triển bình thường cả về thể chất lẫn trí tuệ, đó là nguồn động viên rất lớn để chị Ninh vững bước trong những ngày khó khăn, gian khổ.
Chị Ninh mở cánh tủ trước bàn thờ chồng cho chúng tôi xem kỷ vật của anh Sơn để lại trước lúc đi xa. Đó là những bộ quân phục và quần áo rất đẹp, 25 năm đã đi qua nhưng chúng vẫn còn nguyên nếp gấp và tỏa ra mùi thơm phức.
Bé Trang (giờ đã là một nữ sinh) thỉnh thoảng lại đưa áo quần bố ra giặt, là thành nếp và xịt nước hoa.
Hiện tại, chị Trần Thị Ninh vẫn tần tảo và bươn chải kiếm sống để nuôi nấng hai con. Phan Huy Hà đã gần tuổi 30 nhưng không tự lo được cho bản thân mình, dù đó là những việc nhỏ nhặt như tắm rửa, thay quần áo, thậm chí ăn cơm vẫn phải nhờ mẹ bón giúp. Đã thế, suốt ngày lại còn đi quấy rầy từ nhà này sang nhà khác.
Còn Phan Thị Trang đã tốt nghiệp đại học sư phạm nhưng giờ lại tiếp tục theo học Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An. Lý do Trang đưa ra là muốn được theo nghiệp bố. Hơn nữa, học nghề y để sau này sẽ có điều kiện hơn để chăm sóc mẹ khi già yếu và người anh trai bệnh tật.
Trước lúc chúng tôi chào tạm biệt, chị Ninh còn đưa ra "khoe" tấm ảnh vừa được xử lý bằng phần mềm photoshop. Bức ảnh ấy có đầy đủ các thành viên trong gia đình.
Ngoài chị Ninh và Trang, có Huy Hà với khuôn mặt và vóc dáng bình thường. Đặc biệt, có anh Phan Huy Sơn đứng bên cạnh chị và các con, cả gia đình cùng nở nụ cười hạnh phúc. Niềm hạnh phúc ấy rất đỗi bình thường đối với nhiều gia đình, nhưng với gia đình chị Ninh thật đỗi xa xôi...
Công Kiên

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn tác giả Công Kiên!
    Cảm ơn anh Nguyễn Bá Đang đã đăng bài!
    Bài viết rất cảm động làm HG không cầm được nước mắt.

    Nhớ đêm 13 sang ngày 14/3 vừa rồi, HG đã cùng nhóm bạn ra biển Đồ Sơn thực hiện tâm nguyện được thả hoa đăng và thắp nến cầu siêu tưởng niệm anh linh 64 chiến sĩ hải quân đảo Gạc Ma đã hy sinh ngày 14/3/1988.
    Trong khi chuẩn bị kế hoạch, HG đã đọc rất nhiều lần DANH SÁCH ANH HÙNG LIỆT SĨ HY SINH TẠI TRƯỜNG SA NGÀY 14-3-1988 để sau khi tưởng niệm các liệt sĩ sẽ tìm đến thăm hỏi và tri ân một số gia đình liệt sĩ.
    Ở Nghệ An có 8 liệt sĩ, trong sách đó có liệt sĩ Phạm Huy Sơn (số thứ tự 6):
    6- Phạm Huy Sơn 1963 Chuẩn uý (QNCN) Y sĩ 2-1982 Gạc Ma Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ An
    Chắc chắn là liệt sĩ Phan Huy Sơn theo bài viết.

    Trong chuyến đi này HG và nhóm bạn mới chỉ đến được với 2 gia đình LS ở Hải Phòng và 3 gia đình liệt sĩ ở Thái Bình.
    Có được thông tin này, nhất định sẽ có dịp HG và nhóm bạn sẽ đến thăm gia đình liệt sĩ Phan Huy Sơn để chia sẻ cùng chị Trần Thị Ninh và và tri ân gia đình liệt sĩ.

    Trả lờiXóa