9 thg 4, 2013

Bù lỗ vào dân: “Trận đánh đẹp” tiếp diễn?


 Phạm Chí Dũng con của một cán bộ thường vụ Thành ủy TP HCM có bài viết trên BBC sáng nay, Phạm Chí Dũng công tác tại Ban Tôn giáo đã từng ngồi bóc lịch vì tội cung cấp thông tin trên mạng.

Thông điệp của Bộ công thương như một sự thách thức đối với dư luận.
Nhưng “Không tăng giá điện vào tháng 4/2013” không có nghĩa là giá điện sẽ không được đẩy lên vào những tháng sau đó, thậm chí ngay vào tháng 5/2013, trùng với kỳ họp Quốc hội diễn ra.

“Trận đánh đẹp”

“Trận đánh đẹp” - như một cụm từ tự hào và tự tôn mà đại tá Đỗ Hữu Ca, giám đốc Công an Hải Phòng, "ưu ái" dành cho ông Đoàn Văn Vươn, đã tạm kết thúc cái phần chưa hề có hậu của nó.
Nhưng một “trận đánh” khác về quốc kế dân sinh lại vẫn không ngừng điểm nổ…
Điện và xăng dầu từ nhiều năm qua đã làm nên cái thế “hiệp đồng binh chủng” xuất sắc như thế.
“Buộc phải tăng giá xăng dầu” - một phát ngôn của Bộ trưởng kiêm chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam, phát lộ trong cuộc họp báo ngay sau đợt tăng giá xăng dầu hoàn toàn bất ngờ của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolinex) vào cuối tháng 3/2013.
Báo chí Việt Nam cũng nhân dịp này để sáng tạo ra một từ mới về nghệ thuật chiến thuật: “Đánh úp”.
“Trận đánh đẹp” cũng vì thế đã được bảo đảm yếu tố bất ngờ như một yêu cầu không thể thiếu của nghệ thuật chiến tranh du kích.
Thuyết minh cho việc vì sao không công bố trước cho dân chúng biết về quyết định tăng giá xăng dầu, giới chức điều hành Bộ công thương nêu ra lý do là “quyết định này đóng dấu “Mật” để tránh bị các nhóm đầu cơ xăng dầu lợi dụng”.
Nhưng bản kết luận của Thanh tra chính phủ về “sai phạm 3.400 tỷ đồng ở Đà Nẵng”, được tung ra vào đầu năm 2013 khi bí thư thành ủy của thành phố này - Nguyễn Bá Thanh - vừa dợm chân ra Hà Nội nhận chức trưởng ban nội chính trung ương, lại như vượt qua toàn bộ giới hạn của quy trình bảo mật vốn được tận tình khép kín.
Tính quy trình bởi thế cũng đang trở nên đảo lộn.

Đánh úp!

Trong nhiều lần trước đây, hành động tăng giá xăng dầu và điện thường diễn ra theo quy trình từ dưới lên, tức phải có văn bản đề nghị từ Petrolimex và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), sau đó cơ quan chủ quản là Bộ công thương mới “hiệp thông” với một cơ quan khác là Bộ tài chính để quyết định.
Tuy nhiên, có vẻ như tính quy trình nghiêm cẩn như thế đã thường dẫn đến hệ quả phản quy trình, với điều bị các quan chức phàn nàn là “lọt lộ” thông tin ra báo giới - một “đối tượng” vốn không bao giờ bỏ qua hành vi tăng giá và càng không muốn lãng quên động cơ “bù lỗ vào dân”, kéo theo hành động phản biện diện rộng trong dư luận, giới chuyên gia, cùng giới truyền thông xã hội - “đối tượng” vẫn bị xem là “lề trái” hoặc tốt lành hơn là “lề dân”.
Trong một số trường hợp, không khí phản biện gay gắt và phẫn nộ của xã hội đã làm bật ngửa những người muốn “đánh úp”.
Song, “rút kinh nghiệm sâu sắc” sau mỗi trận đánh cũng là bài học không thể thiếu để những trận đánh sau đó được tốt đẹp hơn.
Không mấy ngạc nhiên là vào lần tăng giá xăng vừa qua, vai trò của Bộ công thương lại trở nên nổi bật và sẵn lòng “đứng mũi chịu sào”, thay cho tình cảnh Petrolimex vẫn luôn bị báo chí chĩa mũi dùi công kích mạnh mẽ như những lần trước đây.
Nhưng vào lần này, vai trò trên còn tỏ ra đắc dụng hơn, đúng nghĩa “cơ quan chủ quản”.
Sau “trận đánh úp” về giá xăng dầu, Bộ công thương lập tức phát đi một thông điệp: người dân có thể “yên tâm” vì giá điện sẽ không tăng vào tháng 4/2013.
Vì sao Bộ công thương lại tỏ ra “nhân đạo” một cách khác thường như vậy?

“Định hướng làm nghèo đất nước”

Cũng “rút kinh nghiệm sâu sắc” từ nhiều chiến dịch tăng giá điện và xăng dầu ít ra trong vòng vài năm qua, và đặc biệt hơn là vào năm 2012 trước mỗi kỳ họp của Quốc hội, dư luận trong nước lại có nhiều lý do để không ngớt lo âu.
Với tư cách là “anh em sinh đôi” từ lâu nay, xăng tăng giá luôn dẫn đến giá điện nhảy lên và cứ thế thay phiên nhau làm nên một cuộc đua không tiền khoáng hậu, dẫn dến giá cả hàng tiêu dùng và sinh hoạt tăng vọt cùng bóng ma lạm phát gần 20% của năm 2011 đang lừng lững quay trở lại vào đầu năm nay.
Những ngày cuối năm 2011… Một sự khích lệ lớn lao cho Petrolimex chính là tiền lệ mà EVN đã tiên phong thực hiện thành công khi giá điện được đẩy lên 5% mà không gặp trở ngại đáng kể nào từ phía dư luận, trong khi lại nhận được thái độ đồng thuận của “mẹ đỡ đầu” của nó là Bộ công thương.
Trước đó, dư luận đã “hành hạ” thậm tệ doanh nghiệp độc quyền kinh doanh điện. “Cậu ấm hư hỏng” cũng đã trở thành biệt danh bền vững của công luận dành riêng cho EVN.
Trong bối cảnh EVN đưa ra không ít lý do để tăng giá điện, thì về phía ngược lại, các chuyên gia phản biện xã hội cũng có rất nhiều lập luận phản bác lại những nghịch lý của tập đoàn này.
Một trong những phản biện gia tiêu biểu là TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội, người đã nêu ra bảy nghịch lý về thị trường điện ViệtNam.
Nghịch lý lớn nhất - còn lớn hơn cả giá xăng dầu, là giá điện luôn chỉ có một chiều tăng lên, bất chấp những trồi sụt trên thị trường giá cả trong và ngoài nước. Hoặc, cả nước thiếu điện nhưng một số nhà sản xuất điện tư nhân lại không được ký hợp đồng bán điện với EVN với lý do dây dẫn quá tải, không đủ sức tải lên mạng lưới quốc gia.
Hoặc, ngành điện luôn kêu lỗ do đầu tư đa ngành và thiếu vốn đầu tư nhưng lương nhân viên EVN lại gấp nhiều lần lương trung bình xã hội. Vẫn chưa phải hết, sự lạm dụng khái niệm “an ninh năng lượng” đã được EVN sử dụng như một chiêu trò nhằm phục vụ cho cái “chợ đen” về giá điện của họ được củng cố và thúc đẩy bởi vị trí độc quyền và vai trò độc tôn mà từ đó áp đặt gánh nặng lên đầu người dân, bất chấp ý chí “lấy dân làm gốc” đã trở nên một tiêu ngữ lỗi thời…
Thế nhưng dường như bất chấp làn sóng phản biện, EVN vẫn kiên định về “định hướng làm nghèo đất nước”.
Một trong những lý do chủ yếu mà EVN dùng để thuyết minh cho việc tăng giá bán điện là “bù đắp những khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành”.
Số lỗ đó lên đến 31.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,5 tỷ USD, cho đến nay vẫn chưa được EVN tự làm rõ.
Từ năm 2011 đến nay, trong nghịch cảnh suy thoái nhưng giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm lại vọt lên đến 50%, số lỗ lũy kế của EVN cũng tiếp tục gia tăng quy mô và giá bán điện vẫn tiếp tục được đẩy cao hơn, bất chấp số doanh nghiệp phải giải thể và phá sản đã lên đến hàng trăm ngàn - như một con số của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào đầu năm 2013.

Trách nhiệm của Chính phủ?

Khi cơ chế độc quyền bất chấp tính liêm sỉ vẫn đang dẫn dắt xã hội vào cái ma trận chết người của nó, kẻ đóng thuế chỉ còn lại duy nhất một đặc ân được nhóm lợi ích ban cho - quyền được chọn lựa một trong những phương án tăng giá điện của EVN.
Sẽ thật khó để cho tia hy vọng ổn định lạm phát và đời sống dân sinh còn giữ được chút le lói nếu những mặt hàng kinh tế quốc dân chủ yếu như điện và xăng dầu cứ tiếp tục leo thang, không đếm xỉa gì đến cơn dư chấn lạm phát của năm 2011 đang có cơ hội thuận lợi quay trở lại vào năm 2013 này.
Một khi giá điện vẫn được quyết định bởi một doanh nghiệp còn nguyên thế độc quyền và đặc lợi, sẽ khó có nhà nước nào tiên đoán được, càng không thể giải quyết được những hậu họa kinh tế và thảm họa xã hội gây ra bởi cảnh tượng kinh doanh vô liêm sỉ.
Giờ đây một lần nữa, Bộ công thương lại phát đi thông điệp như một sự thách thức đối với dư luận. Không tăng giá điện vào tháng 4/2013 không có nghĩa là giá điện sẽ không được đẩy lên vào những tháng sau đó, thậm chí ngay vào tháng 5/2013, trùng với kỳ họp Quốc hội diễn ra.
Nếu sự trùng hợp về thời điểm trên thực sự xảy ra, đó sẽ là một minh chứng ghê gớm cho một thứ “quyền lực độc đoán” vẫn còn gần nguyên vẹn trạng thái hoang tưởng trong não trạng những người độc trị.
Đã từng và có thể thêm một lần nữa, tư duy “bù lỗ vào dân” của EVN sẽ khiến sức chịu đựng của người dân được kích thích đến một giới hạn nguy hiểm của phản ứng xã hội.
Phản ứng xã hội cũng đã xảy ra chỉ mới vào tháng 3 năm nay, khi hàng chục ngàn người dân Bulgaria đã đổ xuống đường để phản ứng quyết liệt về tình trạng chính phủ “không làm gì cả” trước hành động tăng giá điện của hai công ty tư nhân.
Cuộc biểu tình trên còn có nguy cơ biến thành một cuộc bạo động đẫm máu.
Dù Thủ tướng Boyko Borisov của Bulgaria đã sa thải bộ trưởng tài chính, nhưng vẫn không xoa dịu được làn sóng phẫn uất từ người biểu tình.
“Tôi sẽ không tham gia vào một chính phủ mà ở đó cảnh sát có quyền được đánh đập người dân. Chúng tôi cũng có danh dự và lòng tự trọng riêng của mình. Nhân dân đưa chúng tôi lên nắm quyền và chúng tôi sẽ trao trả lại quyền lực cho họ” - Thủ tướng Borisov khẳng định trước Quốc hội nước này. Tiếp theo đó vào thượng tuần tháng 3/2013, chính phủ Bulgaria đã quyết định từ chức
Tại Việt Nam, uy tín của Chính phủ có còn được gìn giữ phần nào trong lòng người dân hay không cũng tùy thuộc vào những can thiệp và quyết định sắp tới của thủ tướng về tăng giá xăng dầu và tăng giá điện.
Không phải bất kỳ một quyết định nào được ban hành cũng có thể đặt mọi chuyện vào thế đã rồi như việc tăng giá xăng vừa qua. Không phải bất cứ một chính sách nào gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường dân sinh và dân quyền cũng được bỏ qua một cách rất thiếu suy nghĩ.

1 nhận xét:

  1. Đừng nên so sánh giá xăng Việt Nam với Lào Và Camphuchia hai nước này làm gì có dầu thô, một so sanh kỳ cục cứ nghĩ là dân ngu không biết nói sao cũng được. Ông Tô Văn Trường có bài viết về giá xăng ở Indo chỉ có 9 ngàn việt Nam có phải vì thế mà tối nay giảm giá xăng?

    Trả lờiXóa