12 thg 7, 2011

Nhìn sang Thái Lan



Nguyễn Văn Tuấn - Tuần qua có 2 sự kiện xảy ra ở Thái Lan làm tôi phải suy nghĩ bâng quơ. Sự kiện thứ nhất là lần đầu tiên trong lịch sử Thái Lan có nữ thủ tướng. Sự kiện thứ hai là một anh nghiên cứu sinh cũ và bạn tôi đã chính thức được Vua Thái Lan ban hàm giáo sư. Nhìn Thái Lan không thể không nghĩ đến Việt Nam …

Thế là Thái Lan có nữ thủ tướng. Lần đầu tiên trong lịch sử, Thái Lan có nữ thủ tướng. Mà lại là nữ thủ tướng trẻ trung, xinh đẹp, học giỏi, và … giàu có. Sinh năm 1967, bà Yingluck Shinawatra mới tròn 44 tuổi. Nhìn mặt thấy rất nữ tính, nhưng trang phục thì rất Tây và tân thời. Ra đời ở Chiang Mai, tốt nghiệp cử nhân từ Đại học Chiang Mai, masters từ Đại học Kentucky State về quản trị công cộng. Là giám đốc của tập đoàn bất động sản, bà và ông chồng thuộc vào hàng triệu phú. Nói tiếng Anh thông thạo. Nói tóm lại, bà có tất cả tố chất của một người phụ nữ Á châu hiện đại và sẵn sàng tham chính.

Thật là khó tin, khi chỉ cách đây 2 tuần một anh bạn Thái thông thạo tình hình chính trị bên ấy nói Thái Lan chưa sẵn sàng cho một nữ thủ tướng đâu. Nhưng tôi phải hỏi tại sao không? Tại sao không có một nữ thủ tướng? Úc có nữ thủ tướng. Pakistan, Ấn Độ, Anh, Đức, v.v. cũng thế. Câu hỏi tại sao cũng có thể áp dụng cho Việt Nam. Tại sao một ngày nào đó Việt Nam ta không có nữ thủ tướng. Việt Nam đâu có kì thị nam nữ, nên chuyện nữ thủ tướng Việt Nam, hay nữ chủ tịch nước là chuyện hoàn toàn khả dĩ.

Anh bạn tôi là CP, từng là postdoc ở Viện Garvan khoảng 5 năm trước. Ở Thái Lan, hình như tất cả các bác sĩ đều được gửi đi nước ngoài để huấn luyện một thời gian như là giai đoạn postdoc, do Nhà nước tài trợ hoàn toàn. CP đã chọn nhóm của tôi để tiêu ra một năm. Trong vòng một năm, anh làm được nhiều việc, không nhớ bao nhiêu công trình, nhưng chúng tôi vẫn hợp tác ngay cả sau khi anh về Thái Lan. Chúng tôi đã đứng tên chung cả chục công trình trên các tập san quốc tế. Anh chiếm được nhiều giải thưởng cao quí ở bên Thái Lan, có giải do đích thân thủ tướng Abhisit Vejjajiva vinh danh. Nói chung, anh là một “ngôi sao” đang lên trong thế giới y khoa bên Thái Lan. Rồi anh được tiến phong chứ cdanh phó giáo sư. Hai tuần trước anh báo tin rằng sau 9 tháng xét duyệt, anh đã được Vua Thái Lan chính thức công nhận chức danh giáo sư. Chức danh giáo sư bên Thái Lan là một vinh dự lớn, nên anh mừng lắm. Tôi dĩ nhiên là mừng cho anh bạn. Anh bạn tôi xứng đáng với chức danh đó. Anh đã công bố hơn 20 công trình trên các tập san quốc tế, khoảng 10 công trình trong nước; có nhiều đóng góp nhiều cho chuyên ngành; có nhiều đóng góp cho cộng đồng; và có tên tuổi trong thế giới chuyên ngành loãng xương.

Sự thăng tiến của anh làm tôi suy nghĩ về tình trạng bên nhà. Chính phủ Việt Nam có chính sách nào khuyến khích bác sĩ ra nước ngoài như Thái Lan? Hình như là không. Đào tạo chuyên khoa bên Việt Nam có như Thái Lan? Câu trả lời cũng không. Qui trình đề bạt chức danh giáo sư có nghiêm minh và chuẩn mực như Thái Lan? Cứ đọc bài dưới đây thì thấy câu trả lời cũng “không”. Xin nói sơ qua về quá trình tiến cử và bổ nhiệm bên Thái Lan. Ứng viên làm hồ sơ xin đề bạt, với 10 công trình ứng viên ưng ý nhất, cộng với sách vở và bằng chứng nghiên cứu độc lập (về cái khoản này, hội đồng khoa bảng bên đó yêu cầu tôi phải viết một thư chứng nhận rằng anh ta độc lập), rồi qua phản biện kín, rồi phỏng vấn, và sau cùng là Nhà vua tiến phong. Nói chung, qui trình này hoàn toàn giống với nước ngoài (chỉ không giống chỗ Nhà Vua tiến phong, nhưng tôi nghĩ chỉ là hình thức mà thôi). Không biết ở Thái Lan có ai than phiền về qui trình tiến phong chức danh giáo sư, nhưng ở nước ta, năm nào cũng có lời xầm xì chung quanh chuyện phong học hàm giáo sư. Như Tuần Việt Nam mới có bài “nhục lắm” (Chuyện phong học hàm: “Nhục lắm, em ạ!”), đọc lên là thấy đằng sau bao nhiêu tiêu cực. Nhục sao thì tôi không biết, nhưng tôi chưa thấy nơi nào có qui định lạ lùng về điểm bài báo công bố trên các tập san quốc tế bằng điểm các bài báo công bố trên các tập san trong nước không có hệ thống bình duyệt. Với một tiêu chuẩn như thế thì Việt Nam còn thua Thái Lan rất xa.

Nhưng sự thật là Việt Nam ta thua Thái Lan về mọi mặt. Về kinh tế, GDP của Thái Lan hơn ta gầp 2 lần. Vì dân số Thái Lan (64 triệu) ít hơn Việt Nam (86 triệu), nên GDP đầu người của Thái Lan cao gấp 3 lần Việt Nam. Ngoài ra, tỉ lệ tăng trưởng GDP của Thái Lan (8%/năm) cao hơn Việt Nam khoảng 18%.

Ngoài ra, số bài báo khoa học của Thái Lan trong 10 năm 1998-2008 cao hơn Việt Nam gấp 4.2 lần. Chỉ số kinh tế tri thức của Thái Lan hạng 63 (trên 145 nước), cao hơn Việt Nam 43 bậc! Nói tóm lại, xét trên bất cứ chỉ tiêu nào, Việt Nam cũng đều thua Thái Lan. Chẳng những thua, mà còn thua xa. Vậy mới “đau” chứ.

Nhưng tại sao chúng ta thua họ? Suy đi nghĩ lại tôi thấy có lẽ vì những lí do sau:

Thứ nhất, họ có nhiều người có tài và có tâm hơn ta. Nhìn qua thế hệ lãnh đạo trẻ của họ, phải công nhận là họ giỏi. Như anh bạn tôi, ông cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva, bà tân thủ tướng là những người cùng thế hệ, xấp xỉ cùng độ tuổi. Họ học hành đàng hoàng. Họ được đào tạo bài bản. Họ có cơ hội đi nước ngoài và tiếp cận văn hóa phương Tây, cách làm hiện đại. Họ có trình độ ngoại ngữ tốt và tỏ ra rất văn minh. Họ còn có tâm, vì tất cả đều là người có tôn giáo (Phật giáo), họ quan tâm đến sự phát triển của Thái Lan hơn là lợi ích cá nhân. Ngay cả khi ông thủ tướng Abhisit Vejjajiva thất cử, ông cũng hành xử một cách rất tử tế, chứ không phải “ăn không được thì đạp đổ” hay đố kị. Nói tóm lại, nói theo ngôn ngữ hiện nay, họ có tâm và có tầm cao hơn nhiều người trí thức Việt Nam chỉ biết quan tâm đến chức vụ của mình.

Thứ hai, họ dân chủ hơn ta. Theo cái nhìn của phương Tây thì Thái Lan chưa hẳn là dân chủ. Theo quan điểm Việt Nam thì Việt Nam cũng có dân chủ, nhưng “dân chủ tập trung”. Nhưng khách quan mà nói, mức độ dân chủ của Thái Lan cao hơn ta. Rõ ràng, họ có tranh cử đàng hoàng, và người dân đi bầu chọn người mình tin cậy. Người Thái cũng biểu tình thoải mái, trong khi người Việt chỉ biểu tình chống Tàu đã bị "hỏi thăm" và "làm việc".

Thứ ba, Thái Lan có đạo đức xã hội tốt hơn Việt Nam. Tôi ghé Thái Lan nhiều lần trong mấy năm qua, và lần nào cũng thấy ấn tượng với người Thái. Họ có vẻ thành thật, dễ mến, và hiếu khách. Họ có Phật giáo làm kim chỉ nam đạo đức xã hội. Còn “phe ta” thì thật là kinh khủng. Học trò gọi thầy bằng “thằng”, và khi cần hành hung luôn thầy cô. Hôi của ngay trên đường phố giữa thanh thiên bạch nhật. Phần lớn du khách đến Việt Nam là một đi không quay lại. Tôi là người Việt mà mỗi lần đi du lịch ở mấy chỗ có du khách đều nơm nớp lo sợ bị chặt chém, mắng mỏ, và hành hung. Nếu có thước đo, tôi nghĩ đạo đức xã hội Việt Nam chắc thấp hơn Thái Lan rất nhiều.

Thái Lan và Việt Nam có nhiều nét tương đồng về văn hóa và chủng tộc (chứ đừng lầm rằng Việt Nam và Trung Hoa tương đồng), nhưng cạnh tranh nhau trong suốt nhiều thế kỉ. Nên nhớ rằng trước 1975 họ chỉ bằng hoặc kém ta về kinh tế, giáo dục, khoa học. Vậy mà nay thì họ đã bỏ ta quá xa trên hầu như bất cứ lĩnh vực nào (ngoại trừ quân sự). Không biết các bác đang điều hành đất nước nghĩ gì về Thái Lan và ta. Dĩ nhiên, Thái Lan không phải là tấm gương để chúng ta noi theo, nhưng ít ra, bài học phát triển của họ cũng làm cho ta phải suy nghĩ tại sao chúng ta tụt hậu.

Nguyễn Văn Tuấn


2 nhận xét:

  1. Người phụ nữ trên tấm hình có phải là tân Thủ tướng Thái Lan không đó? Đẹp quá ta!

    Trả lờiXóa
  2. Chính là nữ Thủ tướng tương lai của Thái Lan. Nếu sang VN thi hoa hậu quý bà chắc chắn sẽ được vương miện

    Trả lờiXóa