11 thg 11, 2010

Kỷ niệm 20-11 chuyện cũ đăng lại.

                                               Có lần chị nói "Thà đau một lần", như vậy có phũ phàng không?
                             SỐ PHẬN  

  Chị đã bước sang tuổi bốn lăm, tóc đã điểm những sợi bạc. Thời gian này chị có gầy đi nhưng vẫn giữ được nét đẹp dịu dàng, đôn hậu, kiêu sa của một người thiếu phụ có học. Với vẻ đẹp của chị mấy năm trước, nhiều chị em trong trường đã phải thốt lên:
- Mày xinh đẹp như vậy, là phụ nữ tao còn mê huống chi bọn đàn ông.
Thường những người phụ nữ nhan sắc, tài ba tục ngữ có câu “Hồng nhan bạc mệnh” có phải vì thế nên chuyện tình duyên trắc trở nó đã theo đuôỉ chị suốt đời.
    Chị sinh ra và lớn lên ở một thị xã miền trung du, bố chị là ông Đồ Nghệ ra ngoài này dạy học, lấy cô giáo cùng trường rồi lập nghiệp tại đó, cái thị xã nhỏ bé này dù chỉ là quê ngoại nhưng cả tuổi thơ cũng như những năm học đại học gắn bó với chị, bao nhiêu kỷ niệm vui buồn đã in sâu vào trí nhớ, mỗi khi cả nhà xum họp hay gặp lại các bạn tuổi ấu thơ cùng học ngày xưa chị kể vanh vách như mới ngày hôm qua.
    Thừa hưởng gen của bố, thời là sinh viên chị thông minh, học giỏi, có đề tài khoa học được báo cáo ở trường. Thầy chủ nhiệm ở đại học không gần gũi gắn bó học sinh như thầy chủ nhiệm phổ thông, nhưng thầy thường xuyên đến thăm chị ở kí túc xá, khi thì giúp chị phương pháp nghiên cứu khoa học, khi thì đưa chị mấy cuốn sách để tham khảo. Với linh cảm của một thiếu nữ chị biết thầy yêu mình, mấy cô bạn cùng phòng thỉnh thoảng lại trêu đùa với chị "thầy xin chết sao mày bỏ qua" lúc đó chị chỉ cười. Nhiều lần chị lảng tránh lấy lý do để không muốn gặp thầy. Song cái gì đến nó sẽ đến, hôm ấy thầy đến chơi mọi người trong phòng đi vắng, khác với mọi lần, thầy ngồi rất lâu mà chẳng nói gì, khi về thầy gửi chị cuốn sách trong đó có lá thư:
  “Em thân yêu! Chắc em không khỏi ngạc nhiên khi nhận lá thư này, thời gian cũng đã đủ để anh nói với em: Anh rất yêu em, em hãy tin điều đó là sự thực. Anh luôn mang hạnh phúc đến cho em và cùng em đi hết cuộc đời này”.
   Chị gấp thư, đi lại bên cửa sổ ngoài trời một không gian mênh mông với ánh sáng nhạt nhoè được hắt lên từ ngọn đèn dưới sân. Chị im lặng thở dài.
   Chị biết thầy là người của công việc, thời gian hàng ngày dành cho nghiên cứu khoa học và giảng dạy sinh viên. Khu tập thể cán bộ, giáo viên của trường chỉ có thầy ăn với bếp sinh viên, thầy bảo ra chợ không biết mua bán. Mấy lời tỏ tình vụng về ấy cũng đủ biết thầy yêu chị thiết tha, ngược lại bao nhiêu lần gặp thầy, cũng như trong suy nghĩ chưa một lần trái tim chị rung động trước thầy.
  Thầy đâu có biết, lúc đó chị đang yêu một cậu cùng lớp hơn chị chưa đầy một tuổi, họ yêu nhau say đắm, suốt ngày bên nhau tưởng như trên đời này chỉ có họ mà thôi, không có sức cản nào làm xa rời được đôi uyên ương ấy. Năm cuối ở đại học hai người đã công khai với gia đình và bạn bè hẹn, báo cáo với tổ chức khoa xin về cùng nơi công tác, sau đó làm lễ cưới.
    Tốt nghiệp chị về dạy học quê bạn trai bên bờ sông Luộc. Cả nhà đều thương và lo ngại cho chị, đi về vùng quê nơi mà không có một người thân. Dù là chị cả nhưng từ nhỏ đến giờ chưa hề biết lo toan vất vả, mọi việc ở nhà đều do mẹ làm. Hôm nhận quyết định, cả bố mẹ xuống tận trường sắp xếp nơi ăn nghỉ cho chị, lúc chia tay hai mẹ con ôm nhau không muốn rời xa.
   Thời ấy dạy cấp 3 ở huyện rất được kính trọng, giáo viên được gọi là trí thức, nhưng cuộc sống của mọi người lúc đó đầy khó khăn vất vả. Chả thế mà có giai thoại được truyền nhau vừa buồn cười nhưng không khỏi chạnh lòng thời bao cấp, mọi mua bán hàng ngày là tem phiếu, trên bảng tin của cửa hàng thực phẩm ghi:
   "Ô 01 tháng 1 bìa C, D mọi cán bộ công nhân kể cả giáo viên được thêm 2 lạng thịt"
  Chị cũng như bao giáo viên khác, tháng nào cũng vậy chưa hết tháng đã không còn tiền lương, đã thế giáo viên mở lớp dạy thêm bị cắt danh hiệu tiên tiến. Mỗi khi về nhà bao giờ chị cũng xin mẹ khi thì lạng mì chính, hay túi cá khô, lúc thì can dầu đốt. Cuộc sống thiếu thốn vậy nhưng ai cũng vui chẳng thấy kêu ca, gặp nhau là cười đùa.
   Hết một học kỳ, bạn trai của chị xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động ở Nga, ban đầu chị khóc và phản đối dữ dội, nghe mọi người phân tích và được thấy những người đi "Tây" thường xuyên gửi hàng hoá về giúp đỡ gia đình, cuối cùng chị cũng để anh đi. Đêm chia tay trước ngày anh sang Nga, chị đã trao cho anh tất cả đến bây giờ chị vẫn chưa quên cảm giác ngất ngây ấy.
   Sau hai năm chờ đợi, chị nhận được tin anh đã lấy vợ người Hà Nội cùng làm bên đó, rồi bỏ việc đi buôn bán quần áo không về nước.
   Tin ấy làm chị gục ngã tưởng như không vượt qua được, nhiều lúc chị không tin cho đây chỉ là giấc chiêm bao, cả tháng chị không ra khỏi nhà, niềm vui của chị chỉ còn là các em học sinh, và những lá thư động viên an ủi của cô em gái gửi ra cho chị. Mỗi khi đêm về gối chị thấm đầy nước mắt…
   Nghe gia đình và bạn bè chị định bỏ dạy học tìm việc khác gần bố mẹ. Chị buồn chán có hôm quên cả giờ lên lớp học sinh phải xuống tìm. Lúc đó cô bạn cùng trường giới thiệu cháu ông Phó chủ tịch huyện, một anh bộ đội chuyển ngành đến tìm hiểu và là chồng chị sau này. Tối nào anh cũng đi chiếc Honda 67 đến chơi, mỗi khi về thăm bố mẹ, anh làm "tài xế" đưa đón chị ra bến xe của tỉnh. Rồi anh ngỏ lời yêu chị, mẫu người như anh chị không bao giờ nghĩ tới, nhưng “mưa dầm thấm lâu” cuối cùng chị tặc lưỡi buông xuôi nhận lời lấy anh.
    Công việc của chồng chị hàng ngày giao nhận vật tư, tốt nghiệp cấp 3 rồi đi bộ đội nay chuyển ngành không học hành gì nhưng thu nhập gấp bốn, năm lần lương chị mà chẳng vất vả, đi muộn về sớm, thời buổi “xin và cho” chỉ một chữ ký cũng bằng cả tháng lương. Cưới nhau chưa đầy một năm vợ chồng chị đã xây được nhà, cuộc sống của chị là mơ ước của nhiều giáo viên trong trường. Hàng ngày chị đi dạy học, không phải lo gạo, thực phẩm, chất đốt… là những mặt hàng chiến lược của thời bao cấp, chỉ có điều chị thường xuyên phải nghe những câu:
- Hôm nay em thích ăn thịt nuộc hay thịt quay để anh mua?
- Em đừng phải no nghĩ nàm gì cả cứ để đấy cho anh!
- A ai gọi đấy...
  Mỗi khi nghe những câu như vậy chị chỉ muốn bịt tai, dù đang vui cũng tan biến. Đã thế khi cùng chị đi chơi với bạn bè anh lại hay nói, mọi người hiểu được chỉ cười như để an ủi chị. Song khổ nhất với chị là chuyện "chăn gối", nhiều đêm chị cứ vờ soạn bài, làm việc chờ anh đi ngủ trước, rồi chị mới vào giường, nửa đêm anh vùng dậy như con thú khát mồi, chị chỉ biết cắn răng, ràn rụa nước mắt.
  Ông trời như hiểu và thương chị, cho chị hai đứa con giống mẹ nhiều hơn giống bố, học giỏi chăm ngoan, đứa con gái lớn đã vào Đại học. Cháu hiểu và thương chị, mỗi khi ở trường về hai mẹ con ngồi bên nhau thủ thỉ, có đêm hai mẹ con nói chuyện đến gần sáng, cháu thường nói với chị:
- Mẹ đừng buồn, hai chị em con là hạnh phúc của mẹ rồi, sau này con sẽ ở với mẹ. Chị chỉ cười và nước mắt ràn rụa chảy ra.
    Do cơ chế thị trường xoá bỏ bao cấp, Công ty chồng chị làm ăn ngày càng khó khăn không còn được như trước, cán bộ lần lượt thay nhau nghỉ hoặc tự tìm nguồn hàng mua đi bán lại để có lãi chia nhau, sau nhiều ngày chống chọi cuối cùng Công ty giải thể, anh chẳng có bằng cấp gì do vậy không thể sắp xếp công việc ở huyện nên được nghỉ mất sức.
   Sau ngày nghỉ việc không biết làm gì có ít tiền phụ cấp chế độ trước khi nghỉ, anh cùng với mấy người bạn đi mua phân đạm và thuốc trừ sâu ở những cơ sở cũ về bán, được mấy chuyến đầu mua bán dễ dàng, chuyến sau không có giấy tờ chứng minh nguồn hàng Ban quản lý thị trường tịch thu hết, thế là trắng tay. Cả nhà chỉ còn trông vào đồng lương của chị, không còn đường nào khác chị liều về quê vay tiền bố mẹ mua máy khâu để làm thêm, sáng đí dạy chiều về nhận may gia công hoặc may quần áo trẻ em giao cho các bà bán ngoài chợ công rẻ mạt, thu nhập chẳng đáng là bao chỉ đủ để mua rau.
   Cũng năm ấy dạy thêm không còn cấm đoán, học sinh đến học chị ngày một đông, hàng tháng chị thu nhập chính bằng dạy thêm, đã mua sắm được nhiều đồ dùng đắt tiền, tiện nghi sinh hoạt trong nhà đầy đủ, bây giờ bọn trẻ trong trường lại mơ ước có một gia đình như chị .
   Chồng chị ngày càng thay đổi, thể hiện rõ bản chất của người ít học, không còn chăm chút cho chị như ngày xưa nữa, nhiều hôm hết tiết 5 ba mẹ con về anh đi chơi vẫn chưa nấu cơm, không mấy ngày là không đi cùng bạn bè uống rượu, có hôm say nằm ngoài cửa chị phải đưa vào nhà. Có tháng anh và chị không nói với nhau một câu, chị lầm lũi đi về như cái bóng.
   Vào một buổi trưa chị vừa nằm nghỉ để chiều đi dạy, tiếng chuông điện thoại bàn reo lên linh tính như có điều chẳng lành, từ đâu dây bên kia một giọng nói vội vàng:
- Chị ra ngay bệnh viện anh bị cảm bọn em đưa anh nằm ngoài đó.
Chị choàng dậy hốt hoảng dắt xe lao đi vừa đến cổng bệnh viện mấy người bạn của anh chạy lại dắt xe cho chị và đưa chị vào phòng cấp cứu.
  Chị chỉ còn nhận ra chiếc áo sơmi anh mặc, cả người anh dính đầy máu, mọi người vây xung quanh, cô y tá đang lau những vết máu trên mặt. Chị chạy lại bên anh chỉ thốt lên được một câu:
- Thật thế này ư. Rồi chị gục xuống bên anh.
  Hôm đó anh cùng mấy người bạn rủ nhau đi uống rượu trên thị trấn, trên đường về anh bị tai nạn giao thông.
  Chị ngồi bên quan tài, ôm chặt hai đứa con như không muốn rời ra. Chị gào, chị hét, chị khóc cho đến khi không còn nước mắt. Chị chẳng còn tâm trí nào để cảm tạ những người đến viếng, thẫn thờ như cái xác. Họ nhìn chị với ánh mắt đầy xót xa.
  Có phải chị khóc thương anh hay khóc thương cho chính bản thân mình?
   Hôm sau tổ chức đưa tang anh, từ nghĩa trang về mấy người phải đi bên dìu chị. Đến cửa chị kịp nhận ra thầy Chủ nhiệm và các bạn sinh viên năm xưa, thầy đưa tay đỡ chị vào nhà. Chị nấc lên và ôm lấy thầy:
- Thầy ơi sao số em khổ thế!
                                                   HN Tháng 10-2009

1 nhận xét:

  1. http://www.clocklink.com/
    http://www.thuthuatblog.com/2007/06/ng-h-cho-blog.html
    chú làm theo hai trang này nhé!

    Trả lờiXóa