24 thg 9, 2013

Những ai Nhát và Hèn?

   Sáng nay trên BBC, RFI  đưa tin 130 nhân sỹ, trí thức người Việt Nam trong và ngoài nước ký tên vào bản Tuyên bố thực thi quyền dân sự và chính trị. Nội dung đưa ra đề nghị Đảng và Nhà nước từ bỏ độc quyền chuyển sang dân chủ ôn hòa, tôn trọng ý kiến của dân, tranh luận nghiêm túc và công khai.
  Nhiều người có tên tuổi đã từng đóng góp cho cách mạng VN cùng ký tên như: 
   Ông thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nguyên đại sứ tại TQ, GS TS Hoàng Tụy Viện toán, GSTSKH Hoàng Xuân Phú Viện toán, Phạm Xuân Nguyên chủ tịch HNV Hà Nội, GS Tương Lai, ông Nguyễn Trung nguyên đại sứ Thái Lan, Nhà văn Nguyên Ngọc, ông Huỳnh Tấn Mẫm nguyên Tổng hội SVSG trước năm 1975, bà Phạm Chi Lan ban nghiên cứu của Thủ tướng, GS Tương Lai nguyên Viện trưởng viện XH học, ông Chu Hảo nguyên thứ trưởng Bộ KH&CNMT, GS Phạm Duy Hiển nguyên Viện trưởng hạt nhân ĐL, ông Lê Hiếu Đằng, ông Lê Đăng Doanh nguyên ban nghiên cứu CP, TS Nguyễn Quang A, đặc biệt GS Ngô Bảo Châu niềm tự hào của thế hệ trẻ VN và nhiều người nổi tiếng khác.

 Tuần trước đi xem kịch Lưu Quang Vũ vở Lời thế thứ 9 viết cách đây hơn 30 năm, một chiến sỹ bảo vệ biên giới ở nhà bố bị bệnh tim, chính quyền bắt giam vì tội chống tham nhũng, đã hét lên sân khấu “Nhân dân không anh hùng, nhân dân nhát”. Tôi tự nhận mình là những người như vậy “một thằng hèn”.

23 thg 9, 2013

KHẨU HIỆU

Thơ 5 chữ của ông Thái Bá Tân vừa thực, hóm hỉnh lại vui 
Hình như cả thế giới
Chỉ bốn nước, đó là
Việt Nam và Trung uốc,
Triều Tiên và Cu ba

Là còn có khẩu hiệu.
Không những có mà nhiều.
Không những nhiều mà lớn.
Không những lớn mà điêu.

Khẩu hiệu đỏ rực phố.
Khẩu hiệu đỏ rực làng.
Khẩu hiệu trong phòng họp,
Khẩu hiệu trong nhà hàng.

Mà khẩu hiệu gì nhỉ?
À, thi đua, muôn năm.
Muôn năm cái gì nhỉ?
Muôn năm cái quyết tâm.

Hình như có qui luật
Là không gì trên đời
Muôn, muôn năm, mãi mãi,
Cả vật và cả người.

Vậy thì sao khẩu hiệu
Lại cứ hô muôn năm?
Hay nghĩ cứ hô mãi
Là sẽ thành muôn năm?

Nói thật với các bác,
Tôi không dám ra ngoài
Vì sợ thằng khẩu hiệu
Làm lóa mắt, ù tai.

Lại còn thi đua nữa.
Mà thi đua cái gì?
Làm việc tốt, học tốt?
Thôi, đừng vờ, quên đi.

Chỗ thân tình, hỏi thật,
Vừa họp thi đua xong,
Có ai trong các bác
Làm việc tốt hơn không?

Hình như trên thế giới
Chỉ bốn nước, đó là
Việt Nam và Trung Quốc,
Triều Tiên và Cu Ba

Là có cái thằng ấy,
Thằng thi đua, phong trào.
Thi đua là yêu nước.
Không thi đua thì sao?

Cũng chỉ bốn nước ấy
Dẫu dân kêu nhiều lần,
Có hộ khẩu, và đất
Là sở hữu toàn dân.

Nếu phải hô khẩu hiệu,
Tôi chỉ hô một câu:
“Đả đảo các khẩu hiệu!”
Nói thật, không đùa đâu.

Cái gì lạ rồi cũng hóa thành quen

    Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ngày 20/9 ở Hội nghị UBTVQH:
      “Ở VN có một luật rất hay, rất lạ mà thế giới chưa có là luật phổ biến giáo dục pháp luật. Có nghĩa, luật ban hành ra rồi vẫn không làm, đến khi ra thêm luật phổ biến giáo dục pháp luật cũng… chưa làm”
   Điều đó quá đúng nhưng thử hỏi tại sao các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước vẫn làm ngơ.
 Vụ thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa lớn đến như thế, làm tổn thương sức khỏe bao nhiêu người chứng cớ rõ ràng mà chỉ phạt hơn 400 triệu, chẳng khác nào Mỹ giải chất độc màu da cam ở VN những năm chiến tranh mà bao năm nay cứ đi đòi công lý, vụ ba cháu ở Quảng Trị chết oan do tiêm, nhân bản phiếu xét nghiệm ở bệnh viện Hoài Đức đã “giết” oan bao nhiêu người mà cũng chẳng sao, nhìn thấy cái gì cũng lạ. Rồi bệnh lạ, tàu lạ biết rõ mười mươi mà vẫn cho là lạ.

Tàu lạ cho người sang cướp bóc ngư dân VN

Bệnh là ở Quảng Ngãi

21 thg 9, 2013

Lý do Hải Dương báo cáo ngược với Chính phủ vụ cháy?

  Chia sẻ với tiểu thưởng HD, tôi đã gọi điện chia buồn với người thân. Tôi nghĩ hãy đặt  mình bị thiệt hại vụ hỏa hoạn này sẽ suy nghĩ gì về PCCC HD. Báo Đất Việt sáng nay có bài viết.

(Tin tức thời sự) - Trước báo cáo của tỉnh Hải Dương với Chính phủ về vụ cháy trung tâm thương mại vào rạng sáng ngày 15/9 có nhiều điểm mâu thuẫn, trái ngược với tình hình thực tế tại hiện trường vụ việc, dư luận bức xúc cho rằng tỉnh này có nhiều báo cáo ngược để che đậy sự thật.


Truyền thống báo cáo ngược từ vụ đốt pháo?

Ngày 16/9, UBND tỉnh Hải Dương gửi văn bản báo cáo Chính phủ về việc cháy Trung tâm Thương mại Hải Dương vào sáng ngày 15/9. Nội dung báo cáo khẳng định: Khoảng 3h20’ ngày 15/9 mới phát hiện thấy cháy và lập tức tổ bảo vệ tiến hành công tác dập lửa tại chỗ, báo với PCCC Hải Dương.
Đám cháy được phát hiện kịp thời tại quầy bán vải thuộc tầng 1 nhờ công tác tuần tra của nhóm bảo vệ 6 người. Tới 8h cùng ngày, lực lượng chức năng đã khống chế được đám cháy.

Nội dung báo cáo này hoàn toàn mâu thuẫn với lời tố cáo của hơn 500 tiểu thương mấy ngày nay. Tất cả các tiểu thương và nhân dân sống xung quanh trung tâm đều khẳng định cháy từ lúc 1h sáng nhưng không gọi được lực lượng PCCC. Hơn 3h sáng, dân phải phi xe máy tới trụ sở PCCC đập cửa mới báo được.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương báo cáo Chính phủ cháy là do chập điện.
Chiều ngày 19/9, công an Hải Dương đã có buổi làm việc với 6 bảo vệ được cho là những người đầu tiên phát hiện ra vụ cháy TTTM. Đồng thời, công an đang lấy danh sách cuộc gọi từ bưu điện đến các đầu số đường dây nóng 114 để tìm ra thời điểm vụ cháy.
Cùng với đó là lời khẳng định của ông ông Vũ Khắc Thuyết - Giám đốc Trung tâm Thương mại Hải Dương: "Buổi tối trước khi xảy ra hỏa hoạn, bảo vệ trung tâm đã làm đúng quy chế của Ban quản lý là cắt điện lúc 18h30".

Với lời khẳng định của ông Thuyết thì vào hôm TTTM bị cháy không có điện thì chập kiểu gì? Như vậy, báo cáo này của tỉnh Hải Dương gửi lên Chính phủ có nhiều điểm mâu thuẫn với tình hình thực tế và trái với logic thông thường.

Điều này đã làm cho nhiều người liên tưởng đến vụ việc tỉnh Hải Dương báo cáo lên Chính phủ về tình trạng đốt pháo trên toàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán 2013.

Theo đó, vào giữa tháng 2/2013, tỉnh Hải Dương đã gửi báo cáo lên Chính phủ nói rằng trong dịp Tết Nguyên Đán 2013, trên địa bàn toàn tỉnh Hải Dương không để xảy ra tình trạng đốt pháo, thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc buôn bán, tàng trữ và đốt các loại pháo.

Ông Hoàng Mai Khương - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương, khẳng định: "Lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra đón giao thừa, đón xuân ở các địa phương không có đồng chí nào phản ảnh hiện tượng đó. Theo yêu cầu của Chính phủ, chúng tôi đã báo cáo lên Chính phủ là không có hiện tượng đốt pháo".

Pháo đốt đầy đường nhưng Hải Dương vẫn báo cáo với Chính phủ là không có tình trạng này.
Pháo đốt đầy đường nhưng Hải Dương vẫn báo cáo với Chính phủ là không có tình trạng này.

Thế nhưng, ngay sau đó, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã đăng tải hàng loạt những hình ảnh về xác pháo tại huyện Kẻ Sặt, Thanh Miện, Kim Thành - Hải Dương được đốt trong dịp Tết Nguyên Đán 2013.

Đặc biệt, tại huyện Bình Giang, tuyến đường ngay trước trụ sở UBND huyện, xác pháo rải sát ngay trước hiên nhiều nhà dân, nhiều cửa hàng.

Ngay sau khi báo chí phản ánh sự việc, ông ông Nguyễn Văn Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, lại cho rằng: “Nói chung là giảm rất nhiều so với năm trước”.

Người chết còn báo cáo láo, huống chi tài sản

Khi công văn của tỉnh Hải Dương được gửi lên Chính phủ với nhiều nội dung mâu thuẫn  cùng vào thời điểm một vụ việc khác ở tỉnh Lào Cai cũng đang bị chính quyền sở tại giấu nhẹm về thông tin số người chết trong vụ sạt lở mỏ vàng "thổ phỉ" vào ngày 4/9 tại địa bàn xã Minh Lương (Văn Bàn, Lào Cai).

Theo đó, sau khi vụ sạt lở mỏ vàng "thổ phỉ" xảy ra, lãnh đạo xã Minh Lương báo cáo lên huyện. Huyện hỏa tốc thông báo lên tỉnh. Tỉnh thông báo lên Trung ương với một dòng thông tin ngắn ngủi: 2 người chết, 12 người bị thương.

Tại hiện trường vụ việc, ngày 9/9, công tác tìm kiếm thi thể của các gia đình nạn nhân vẫn đang diễn ra.
Theo nhiều người chứng kiến kể lại, hàng chục phu vàng bị cuốn phăng theo con nước dữ, bị đất đá vùi lấp. Có người, may mắn được tìm thấy thi thể - dù không nguyên vẹn; có người, mãi mãi nằm sâu trong lòng đất. Những chuyến xe vùn vụt lao đi trong đêm, chở những thi thể không nguyên vẹn về quê hương an táng. Tất cả đều vội vã.
Phóng viên báo Tiền Phong tại hiện trường vụ sạt lở

Con số 2 người chết mà chính quyền huyện Văn Bàn - Lào Cai báo cáo lên tỉnh, tỉnh báo cáo lên Trung ương khiến cho bất kỳ người nào ở gần khu vực sạt lở cũng phải nghi ngờ.

Liên quan đến vụ việc, chỉ tính riêng thống kê của xã Tuân Đạo, Lạc Sơn, Hoà Bình, trong ngày 5/9, xã tiếp nhận 4 người chết, ngày hôm sau tiếp nhận thêm 1 người chết nữa.

"Trong văn bản của Công an xã ghi rõ, 5 nạn nhân đều bị chết trong vụ sạt lở núi ở bãi vàng tại xã Minh Lương, Văn Bàn, Lào Cai" - ông Bùi Văn Rưn (Chủ tịch UBND xã Tuân Đạo, Lạc Sơn, Hoà Bình) nói.

Báo Hòa Bình ngày 9/9 cũng đưa tin: “Đến thời điểm này, ở 3 xã Tân Lập, Tuân Đạo và Quý Hòa đã xác định có 8 nạn nhân bị chết trong vụ sạt lở núi xảy ra vào trưa ngày 5/9 tại khu khai thác vàng trái phép Rừng Vầu, Rừng Xanh thuộc xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, số người thiệt mạng và bị thương trong cơn lũ quét kinh hoàng xảy ra tại xã Minh Lương, huyện Văn Bàn đã được 'đóng đinh' bởi những con số 2 người chết, 12 người bị thương 'ma quái' đó.

Và có một thực tế là: Số người bị thiệt mạng trong vụ lở núi này lớn hơn nhiều! Con số cụ thể là bao nhiêu, chỉ có những bưởng vàng và chính quyền Lào Cai mới biết được.
Bộ ngành, doanh nghiệp cũng khiến nhiều người "té ngửa" vì báo cáo ngược

Tình trạng báo cáo ngược, không đúng thực tế đang không chỉ xảy ra phổ biến ở một số cơ quan hành chính mà phổ biến ở các doanh nghiệp nhà nước. Xăng dầu liên tục kêu lỗ để xin tăng giá nhưng sau đó hạch toán ra lại lãi lớn, thị trường BĐS kêu gào "đóng băng", mong Nhà nước cứu giúp nhưng đến cuối năm vẫn thưởng cho nhân viên cao ngất ngưởng.

Cụ thể, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) liên tục kêu lỗ, kêu khó khăn không đủ tiền nộp thuế, song theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II năm 2013 của Petrolimex gửi lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn cho thấy, Tập đoàn này đạt lợi nhuận 898 tỷ đồng.

Petrolimex kêu lỗ để tăng giá nhưng hạch toán mỗi quý lại lãi lớn.
Petrolimex kêu lỗ để tăng giá nhưng hạch toán mỗi quý lại lãi lớn.

Trong đó, lợi nhuận từ mặt hàng xăng dầu chiếm 43%. Mặc dù Petrolimex luôn phát đi thông tin kinh doanh xăng dầu khó khăn, nhưng theo báo cáo tài chính thường niên của tập đoàn này thì mức lãi không hề nhỏ.

Theo đại diện một DN đầu mối xăng dầu cho biết, mức chiết khấu phổ biến cho các đại lý xăng dầu trên thị trường hiện nay là 500 - 550 đồng/lít, áp dụng cho cả mặt hàng xăng lẫn dầu diesel. Mức này bắt đầu áp dụng từ đầu tháng 9/2013, sau khi giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng khá mạnh. Trước đó, mức phổ biến trên thị trường lên tới 700 - 750 đồng/lít.

Còn theo quy định của Bộ Tài chính, chỉ cho phép DN đầu mối chi hoa hồng không quá 430 đồng, bằng một nửa so với tổng chi phí định mức 860 đồng.

Quế Phong

17 thg 9, 2013

Chuyện thật như đùa

  Phường của cụ TBT sợ quỹ bảo hiểm vỡ trận, nên bắt người lĩnh lương hưu 6 tháng đến trình diện xem còn hay mất. cụ có bài thơ: 

Ông lương hưu nhà nước
Bắt cụ bà, cụ ông
Trình diện mỗi sáu tháng
Xem có còn sống không.

Cụ Tân chưa chịu chết
Vẫn khỏe mạnh bình thường
Vừa rồi quên, không đến
Nên tháng này không lương.

Gọi điện, không chấp nhận
Vợ đến thay cũng không
Cứ nằng nằng bắt đến
Xem cụ còn sống không.

Bắt đến thì cứ đến
Nhưng nói trước điều này:
Cụ sống đúng trăm tuổi

Cho hết tiền chúng mày.

Thái Bá Tân

Cha ông thằng Thái giỏi
Xưa nó cũng như mình
Nhưng xưa cha ông nó
Khôn khéo và thông Minh

Nên cuối cùng nước Thái
Không thuộc địa thằng Tây
Cha ông thằng Nhật giỏi
Nên được như ngày nay

Vì cha ông thằng Nhật
Mở cửa với nước ngoài
Học tập thằng tư bản
Làm ô tô, làm đài

Cha ông ta cũng giỏi
Chủ yếu giỏi đánh nhau
Tiếc, học nhiều cái dở
Nhất là của thằng Tầu

Không ai được phép chọn
Cha ông và tổ tiên
Có gì chấp nhận lấy
Và đứng khoe ầm lên.

16 thg 9, 2013

KHỦNG KHIẾP

  Bác Thái Bá Tân nhiều người biết bác là giảng viên đại học, là dịch giả nổi tiếng. Từ ngày bác nghỉ hưu làm thơ viết văn, thơ của bác rất đời thường ngày nào cũng có thơ, nghĩ sao viết vậy.
 Xin giới thiệu bài thơ của bác.

Khủng khiếp, các bác ạ,
Khủng khiếp đến giật mình,
Thấy công an nhà nước
Đạp vào mặt dân tình.

Mà rồi, cũng khủng khiếp.
Bị dồn nén, phát điên,
Một nông dân làm súng
Để bắn vào chính quyền.

Khủng khiếp của khủng khiếp
Khi hai người đàn bà
Cởi truồng để phản đối
Việc cướp đất, cướp nhà.

Họ có thể tức giận
Rồi vén váy chửi thề
Nhưng cởi truồng phản đối
Thì chắc có vấn đề.

Một chính quyền nếu tốt
Thậm chí khi dân sai.
Cũng phải nên nhường nhịn
Nhường dân đã chết ai?

Một chính quyền nếu tốt,
Tuyệt đối không bao giờ
Dồn dân vào ngõ cụt
Không thì hãy cứ chờ.

Cái áo chính quyền mặc
Bát cơm chính quyền ăn
Của ai vào đây nữa.
Nếu không phải của dân?

Nên chính quyền không thể
Coi người dân nuôi mình
Là "thế lực thù địch"
Là "diễn biến hòa bình".

Như tôi đây chẳng hạn.
Tôi "thù địch" bao giờ?
"Hòa bình" càng không phải
Tôi chỉ anh nhà thơ.

Thì cũng để tôi nói
Cho mình, cho mọi người
Nói một cách xây dựng
Không xảo ngôn, nặng lời.

Vâng, dân có quyền nói
Quyền bày tỏ ý mình
Nói sai thì giải thích
Dân không nghe cũng đành.

Biết rồi nhưng nhắc lại:
Dân dựng lên chính quyền
Nếu muốn dân có thể
Lật đổ nó, đừng quên.

Chính quyền cũng thừa biết
Rằng người dân nước ta
Trừ khi bị o ép
Nói chung là hiền hòa.

Thói đời ta chẳng lạ
Thường anh hiền, cù mì
Khi cáu thì dữ lắm
Chẳng còn bết sợ gì.

Vậy, cả hai chung sức
Để đất nước bình yên
Xẩy ra nhiều khủng khiếp
Trước hết lỗi chính quyền.
TBT




12 thg 9, 2013

Chúng ta cố gắng để làm gì?

   Nhân kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam, và tưởng niệm 25 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ –Xuân Quỳnh. Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức “Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ ”. Lâu lắm mới đến rạp xem đoàn kịch tuổi trẻ biểu diễn càng thấy thương tiếc một tài năng đã ra đi quá sớm ở tuổi 40.
 “Mùa hạ cuối cùng" ra đời cách đây hơn 30 năm, đạo diễn Phạm Thị Thành đã dàn dựng năm 1980, nhưng hôm nay đạo diễn Chí Trung đã làm mới vở kịch, câu chuyện mang tính thời sự lôi cuốn khán giả bao nhiêu chuyện bất ngờ, đúng như đề dẫn mỗi chúng ta là công dân của thành phố này, mà thành phố chỉ là chấm nhỏ trên quả địa cầu, quả địa cầu chỉ là vật thể nhỏ bé trong vũ trụ bao la.. Vậy chúng ta cố gắng để làm gì?
   Nhà trường đâu chỉ giáo dục kiến thức cho học sinh, trách nhiệm nặng nề hơn đó là phải xây dựng "con người"có đầy đủ đức tính lòng trung thực, thẳng thắn, có trách nhiệm, có niềm tin... Câu chuyện không mới xoay quanh chuyện gian dối trong thi cử. Chuyện kể về nhân vật Châu học giỏi, thông minh, thẳng thắn, đồng hành cùng Châu là thầy Hiển chủ nhiệm lớp luôn dạy học trò về nhân cách, đạo đức, lý tưởng để vươn tới một xã hội tốt đẹp. 
   Trong kỳ thi cuối năm lớp 12, trong buổi thi toán Châu phát hiện đề bài đã có người cùng lớp đưa cho tối qua, Châu đã đứng lên phản ánh với giáo viên đề nghị hủy kỳ thi và cho thi lại. Vì danh dự của nhà trường, uy tín của thầy hiệu trưởng, mọi người bắt Châu phải xin lỗi, hội đồng kỷ luật quyết định không cho Châu thi tốt nghiệp. 
  Bố và bạn bè trách móc sao “dại thế”, tìm đến thầy chủ nhiệm “thôi em ạ, đôi khi cuộc sống phải biết nhân nhượng, có cái gì tuyệt đối đâu”. Thần tượng của Châu bao nhiêu nay mà suy nghĩ như vậy, thử hỏi còn tin vào đâu? Tinh thần suy sụp em bỏ nhà đi.

Đức Khuê trong vai thầy Hiển



Ngọc Huyền trong vai phụ huynh học sinh có đề thi- và học sinh Châu

 Song câu chuyện kết cũng có hậu mọi chuyện đã được làm sáng tỏ. Lương tâm đã đánh thức cô văn thư tự thú, việc lộ đề là do cô, vì sống với gia đình nhà chồng trong căn nhà chật chội bao thế hệ, cô chỉ mong ước được mua “căn hộ giá gốc” để vợ chồng con cái ra ở riêng, nên đã tiết lộ đề cho một phụ huynh.
  Vở “Lời thề thứ chín” đề tài chống tiêu cực, tôi còn nhớ mỗi sáng thứ hai cả đại đội chào cờ chúng tôi thay phiên nhau đọc Mười lời thề danh dự, học thuộc không sai một chữ, cho đến nay đã mấy chục năm tôi vẫn còn nhớ đoạn đầu “ Chúng tôi quân nhân, quân đội Nhân dân Việt Nam xin thề…”
Tôi lạnh người khi nghe trên sân khấu một chiến sỹ bảo vệ biên cương Tổ quốc, ở nhà bố bị chính quyền xã bắt tù oan đã phải thốt lên “Đất nước không tươi đẹp, nhân dân không anh hùng, nhân dân nhát.." cả rạp đứng dậy vỗ tay,  vở này đã nhiều lần đưa trên đài truyền hình nay đã dàn dựng khác, tháng trước Tổng bí thư NPT, Thủ tướng NTD cũng đã xem vở này, không biết đạo diễn có đưa những câu nói này không, nếu có các ông suy nghĩ gì về sự tình đất nước hiện nay?

  Chờ ngày mai đến rạp Công nhân xem “Hồn Trương Ba da hàng thịt” có gì mới không?

9 thg 9, 2013

Bài phát biểu của GS Tương Lai

  Mấy hôm đi vắng mọi thông tin mù tịt, tối qua gọi điện cho Ủy viên TƯ nghỉ hưu về XÃ HỘI DÂN SỰ, ông chỉ cười ông kể có đọc bản tin TTXVN điểm tin bài viết của GS Tương Lai. Trong bài phát biểu có nhắc tới Nguyễn Túc quê ông, tôi hỏi suy nghĩ gì về bài viết này, ông im lặng. Xin giới thiệu bài phát biểu của GS Tương Lai tại Hội nghị Trung ương MTTQVN ngày 5/9.

  Xin cám ơn anh Huỳnh Đảm vì rồi cuối cùng, anh cũng cho tôi phát biểu. Hết thời gian, xin được nói vắn về một ‎ý‎‎ có hơi khác một chút với mấy ý‎‎ kiến vừa phát biểu. Đó là: Vấn đề không phải chỉ ở việc cử một Ủy viên Bộ Chính trị sang làm Chủ tịch Mặt trận. Một Ủy viên Bộ Chính trị sang hay mười Ủy viên Bộ Chính trị sang cũng thế thôi nếu Đảng không thay đổi nhận thức về vai trò, đúng hơn, về sứ mệnh của Mặt trận.

Đó là sứ mệnh tập hợp và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo ra được sự đồng thuận xã hội, điểm tựa vững chắc nhất của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nói đến Mặt trận là nói đến dân, là ý chí và sức mạnh của dân, là cái chân móng của một chế độ. Chân móng mà lung lay thì cả tòa nhà sụp đổ. Vậy mà ai cũng thấy rằng, hiện nay lòng dân không yên, niềm tin bị giảm sút, uy tín của Đảng bị lung lay nghiêm trọng.
Vì sao?
Chúng ta vừa kỷ niệm 68 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9. Để tiến tới Cách mạng tháng Tám, Hồ Chí Minh trước tiên dồn sức thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh hội, gọi tắt là Việt Minh. Không có Mặt trận Việt Minh không thể có tổng khởi nghĩa trên toàn quốc, đừng quên rằng lúc ấy chỉ có 5000 đảng viên cộng sản. Để giành chính quyền, Đảng phải sống trong dân, dựa vào dân, phát huy sức mạnh và ý chí của mọi tầng lớp nhân dân. Dân là nước, Đảng là cá nằm trong nước, rời khỏi nước là cá ngắc ngoải ngay.
Nhưng khi đã giành được chính quyền, trở thành Đảng cầm quyền thì Đảng quên dân, chỉ biết ra sức dạy cho dân biết ơn Đảng mà quên dạy điều quan trọng hơn là Đảng phải biết ơn dân. Vì thế mới có chuyện một bộ phận không nhỏ ngồi trên đầu trên cổ dân, hạch sách nhũng nhiễu dân, áp bức bóc lột dân. Người ta dùng dùi cui nện dân, chĩa súng vào dân với tâm niệm rằng “còn Đảng là còn mình”. Chính vì thế mà đã có bà má Miền Nam nói thẳng với cán bộ rằng “Nếu biết thế này thì trước đây tao đâu có đùm bọc, che chở, nuôi tụi bay”. Chuyện này nhiều người biết bả nói với ai, chắc không cần nhắc lại.
Đã quên dân, xa dân, quay lưng lại với dân, thì làm sao coi trọng sứ mệnh của Mặt trận. Xin nhắc một câu chuyện nhỏ: Trước ngày Đại hội Mặt trận (hình như Đại hội III, tôi nhớ không thật chính xác) khai mạc, tối hôm ấy anh Năm Vận (Phạm Văn Kiết) ngồi ăn cơm ở nhà tôi, nét mặt suy tư, anh trầm ngâm nói: “Nếu một giờ nữa, ông Mười Cúc [Nguyễn Văn Linh] không trả lời dứt khoát là có đến đọc diễn văn Chào mừng Đại hội không thì nhân danh là Bí thư Đảng đoàn Mặt trận tôi sẽ hoãn Đại hội Mặt trận”. Cũng dịp này ông Nguyễn Văn Linh chủ trương giải tán Đảng Xã hội Việt Nam và Đảng Dân chủ Việt Nam. Vừa rồi Nguyễn Túc viết bài trên Đại Đoàn Kết phủ nhận chuyện này là không nói đúng sự thực đâu, tôi sẵn sàng viết lại, nhưng biết chắc là Đại Đoàn Kết sẽ không đăng nên chẳng phí thì giờ và mất công, nay xin nói ở đây.
Chính vì thế mà tôi muốn nhấn mạnh rằng, vấn đề không phải ở chỗ cử Ủy viên Bộ Chính trị ra làm Chủ tịch Mặt trận, mà là nhận thức của những người lãnh đạo Đảng hiện nay về sứ mệnh của Mặt trận. Thì chẳng đã từng có nhiều Chủ tịch Mặt trận không là Ủy viên Bộ Chính trị đó sao? Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, rồi cả anh Lê Quang Đạo, vị Chủ tịch để lại ấn tượng rất đậm nét trong hoạt động của Mặt trận mà tôi rất quý mến, đâu có phải là Ủy viên Bộ Chính trị!
Vì thế, việc anh Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ sang làm công tác Mặt trận là một điều rất hay. Hay ở chỗ anh ấy là một trí thức, chắc sẽ biết cách quy tụ hiền tài, tập hợp trí thức, nhân sĩ và khối đại đoàn kết dân tộc. Khi anh Nhân được bầu vào Bộ Chính trị, tôi lập tức nhắn tin chúc mừng nhận trọng trách mới với nội dung: “Chắc Nhân vẫn nhớ lời dặn của anh Sáu Dân”.
Tôi hy vọng rằng rồi đây, Mặt trận sẽ không tiếp tục thực hiện vai trò cây kiểng làm dáng, ăn theo nói leo với những lời tụng ca như đang và đã từng, mà là tiếng nói phản biện mạnh mẽ trong bối cảnh độc đảng. Chính với đặc thù này mà Mặt trận có chức năng đích thực của nó là nơi quy tụ ý chí nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, làm nhiệm vụ giám sát đường lối chính sách, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước, thực hiện sứ mệnh là tổ chức phản biện có trách nhiệm và có quyền đòi hỏi sự phản hồi nghiêm túc về nội dung phản biện đó. Chừng nào Mặt trận thôi đóng vai trò cây kiểng làm dáng, mà là phong trào hoạt động thực sự của một tổ chức xã hội dân sự rộng lớn như nó cần phải có thì lúc ấy nó mới thực hiện được sứ mệnh đích thực của mình. Quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng như nhiều vị vừa phát biểu đều cần thiết, song đó chưa phải là nhiệm vụ chính của Mặt trận, càng không phải là sứ mệnh đích thực của Mặt trận mà dân tộc đang cần.
Nhân có anh Trương Tấn Sang ở đây, tôi xin được nói rằng, không việc gì phải kiêng sợ mấy chữ xã hội dân sự cả. Mặt trận đã rất nhiều lần tổ chức Hội thảo, trao đổi về sự tất yếu phải hình thành và phát triển XÃ HỘI DÂN SỰ đi liền với xây dựng NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN. Bản thân tôi cũng đã ba lần gửi bài trình bày về xã hội dân sự, nhưng rồi tất cả đều rơi vào quên lãng. Bài viết của tôi cho Đại Đoàn Kết cứ có mấy từ “xã hội dân sự” là bị Tổng Biên tập căt bỏ ngay vì sợ phạm húy! Ai kiêng sợ điều này?
Chừng nào còn kiêng sợ hoạt động của xã hội dân sự thì chừng ấy Mặt trận chỉ còn là cánh tay nối dài rất vô duyên của bộ máy Đảng và Nhà nước, tốn tiền thuế của dân. Nhưng lịch sử sẽ vận động theo quy luật của nó, chỉ có thể làm chậm bước tiến chứ không cưỡng lại được quy luật đâu.
Xin dừng lại ở đây.


6 thg 9, 2013

Tâm sự tuổi già

     Theo yêu cầu nhiều người tôi xin post bản in. Có tài liệu đưa ra đây là bài viết của ông Chu Dung Cơ theo tôi chưa có cơ sở.
  Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh, nhưng chỉ có hiểu cuộc đời thì mới sống thanh thản, sống thoải mái.
Qua một ngày, mất một ngày. Qua một ngày, vui một ngày. Vui một ngày lãi một ngày…
Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc và vui sướng là cảm giác và cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.
Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng có coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng ai mang nó đến, khi chết chẳng ai mang nó theo. Nếu có người cần bạn giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khoẻ và niềm vui thì tại sao không bỏ tiền ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền, biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đùng làm tôi tớ cho nó.
“Quãng đời còn lại càng ngắn ngủi thì càng phải làm cho nó phong phú”. Người già phải thay đổi cũ kỹ đi, hãy chia tay với “ông sư khổ hạnh” hãy làm “con chim bay lượn”. Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao phẩm chất cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của TUỔI GIÀ.
Tiền bạc rồi sẽ là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khoẻ là của mình.
Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn. Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một cái, hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào. Nhà cha mẹ là nhà của con; nhà của con không phải là nhà cha mẹ. Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.
Ốm đau trông cậy vào ai ? Trông cậy con ư ? Nếu ốm dai dẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu “cứu bệnh sàng tiền vô hiếu tử”. Trông vào bạn đời ư ? Người ta cũng yếu, có khi lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi. Trông cậy vào đồng tiền ư ? chỉ còn cách đấy.
Cái được người ta chẳng hay để ý; cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong đời tuỳ thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người ta hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì cho mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.
Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình “Tỷ thượng bất túc, tỷ hạ hữu dư”, biết đủ thì lúc nào cũng vui “tri túc thường lạc”.
Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt mỏi, tự tìm niềm vui. Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.
Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ người ta cũng nghĩ cả rồi, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở về với tự nhiên. Thực ra nghề cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.
Quá nửa đời dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc gì muốn làm thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống để người khác thích hay không thích, nên sống thật với mình.
Sống trên đời không thể vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.
Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già; tuổi không già tâm già, thế là không già lại thành già. Nhưng giải quyết một vấn đề thì nên nghe già.
Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức, ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ, quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu… mọi thứ đều nên “VỪA PHẢI”.
Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn, tham uống….) Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh….) . Người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống. Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới chữa bệnh….ĐỀU LÀ MUỘN.
Phẩm chất sống người già cao hay thấp chủ yếu tuỳ thuộc vào cách suy tưởng :
Suy tưởng hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng suy tưởng hướng lợi để xây dựng cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và tự tin, cuộc sống có hương, có vị.
Suy tưởng hướng hại là suy tưởng tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.
“Chơi” là một trong những nhu cầu căn bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi yêu thích nhất, trong khi chơi hãy thử nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm lý và sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.
“Hoàn toàn khoẻ mạnh” đó là nói thân thể khoẻ mạnh, tâm lý khoẻ mạnh và đạo đức khoẻ mạnh.. Tâm lý khoẻ mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao tiếp; Đạo đức khoẻ mạnh là có tình yêu thương, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu…
Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong xã hội, thể hiện giá trị của mình đó là cách sống lành mạnh.
Cuộc sống tuổi già nên có nhiều bạn gìà trong nhiều thành phần,nhiều mẫu người với nhiều màu sắc khác nhau trong xã hội. Có một hai bạn tốt thì chưa đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình đẹp làm thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc.
Con người ta chịu đựng, hoà giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất, quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống như thế nào.
Tại sao khi về già người ta hay hoài cổ “hay nhớ lại chuyện xưa?” Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân ga cuối. Tâm linh cần trong phòng, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tìm lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thủa nhỏ, cùng bạn sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thanh là một niềm vui lớn của tuổi già.
Nếu bạn đã cố hết sức, mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó. Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.
“SINH – LÃO – BỆNH – TỬ” là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình dấu chấm hết thật tròn.
  


5 thg 9, 2013

Nhớ về ngày khai giảng

   Đến hẹn lại lên cứ ngày 5/9 hàng năm các trường học trong cả nước tổ chức lễ khai giảng,(mặc dù được phép dạy từ tháng 8), ở các lớp mầm non, tiểu học còn được gọi mang tính đầy nhân văn “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”. Từ hôm trước ông Chủ tịch Hội KH đi vắng, tôi nhận được 4 giấy mời đến dự lễ khai giảng của 4 trường trong phường, chiều qua tranh thủ mang quà đến thăm và chúc mừng, ban Giám hiệu các trường tập duyệt kịch bản tổ chức buổi lễ, lo lắng ngày mai trời mưa không tổ chức được mọi kế hoạch đều “phá sản” .


   Ngày xưa đến dự khai giảng theo sự phân công của lãnh đạo, đến đâu đều được nhận phong bì gọi là tiền “xăng xe”, nhưng đi xe công tiền xăng xe thuộc ngân sách, cách giải thích thật nực cười, còn bây giờ đúng nghĩa đến mừng khai giảng bằng tặng phẩm của mình.
  Có điều ngành giáo dục ngày nay nhiều chuyện quá, “con sâu làm rầu nồi canh” một số người có tiền nhảy sang lĩnh vực kinh doanh GD thi nhau mở trường lớp, chứ họ có yêu GD gì đâu miễn là nơi đây đầu tư có “lãi”, họ thuê Hiệu trưởng, giáo viên để thành lập trường, mở lớp lừa gạt dân. Cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là thế này sao?  

  Ngồi nhà nhìn ra đường mưa, mưa.. đường ngập. Thương cho các cháu.

3 thg 9, 2013

Tâm sự tuổi già (khuyết danh)

Phương Trinh làm loạn ở ngay Hà Nội

  Tối 23/8, lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Nội đã họp và gọi chủ quán Next top lên giải trình. Thanh minh với lãnh đạo Sở, chủ bar Next Top cho biết, Angela Phương Trinh lúc đến duyệt chương trình đã ăn mặc rất tử tế nhưng khi lên hát lại tự ý mặc đồ khêu gợi. Bà chủ quán bar cũng khẳng định, ngay khi phát hiện Angela Phương Trinh mặc phản cảm, quản lý lên sân khấu dừng phần biểu diễn của nữ ca sĩ trẻ. Tuy nhiên, Angela Phương Trinh đã kịp trình diễn ba ca khúc và có 15 phút nóng bỏng trên sân khấu.
pt2-1377316681.jpg
Phương Trinh với trang phục phản cảm trong buổi biểu tối 22/8 ở Hà Nội. Ảnh: Dương Winamp.
  Ngay sau đó, lãnh đạo Sở Hà Nội đã thông báo cho các quán bar Hà Nội yêu cầu tạm dừng các buổi biểu diễn có Angela Phương Trinh. Bị hủy chương trình ở bar Max 3, Hà Nội tối 24/8, Angela Phương Trinh lập tức xuống Hải Phòng. Tối 25/8, tại thành phố Cảng, cô tiếp tục mặc bộ bộ jumpsuit màu nude bó sát cơ thể, thực hiện những động tác khiêu khích.
Sở Hà Nội mới đây đã tiến hành xử phạt chủ quán bar Next Top 3,5 triệu đồng vì hai lỗi: Biểu diễn mà không thông báo với Sở và Biểu diễn có yếu tố phản cảm, vi phạm thuần phong, mỹ tục.

Tâm sự tuổi già

Lê Thanh Dũng

Cái USB

 Trong thời đại thông in số và Internet, nhiều người đã quen sử dụng USB. Nó bé như cái kẹo cắm vào máy tính để được «đút» thông tin vào, khi cần thì lấy ra nguyên vẹn! Nó còn xa mới là cái máy tính mà máy tính còn xa mới là cái não con người.
Cái não con người là để tư duy, để thu nhận, để sáng tạo, để điều khiển và kiểm soát hành vi. Vậy mà chúng ta, không ít người, nghe gì tin nấy và làm theo. Không phải cái não mà là cái…tai làm chức năng chỉ huy hành vi(!)
Tội quá, tại sao bắt cái tai chỉ là cái đầu cắm và cái não chỉ là cái…USB!

Một cách làm «từ thiện»

 Người già hay nói, nói dài, nói dai, nói nhạt, mà lặp đi lặp lại…Nhiều lúc mình nghe sốt ruột khó chịu mà không biết làm sao. Bèn nghĩ, người ta thích nói, hoặc đang cần xả tress, chả lẽ người ta nói với bức vách à. Vậy thì mình chiều theo ý thích của người ta là… ngồi nghe, làm bức vách di động. Và coi như…làm từ thiện. Nghĩ thế mình thấy thoải mái và tiếp tục làm bức vách một cách vui vẻ (có vẻ hơi…AQ nhỉ).
Khốn nỗi, vì vốn có thói quen bao giờ cũng chăm chú nghe người đối thoại một cách lịch sự cho nên hình như mình cứ khuyến khích họ nói dai.
Có ông bạn gọi điện bảo: “Ông bận gì không? Mình sang chơi nhé?”
Ông này mà tra tấn thì chết…Cái khó ló cái khôn, mình trả lời: “Thôi để tôi sang ông.”
Nghe thì lịch sự đấy nhưng thực ra sang nhà người ta mình dễ kết thúc câu chuyện hơn, nếu không thì mệt lắm (già hay lẫn nhưng nếu chưa lẫn thì cũng hay láu cá).
Rồi lại giật mình. Coi chừng, mình đã từng bắt ai đó làm bức vách…
Chắc chắn là vậy.  

Sống lâu 

Cách đây hơn ba chục năm, mình học ở nước ngoài. Khi về nước hằng năm lại họp Hội của các anh chị em đã từng học ở nước đó. Được mấy lần thì mình bỏ vì gặp toàn các bạn trẻ, đáng tuổi con cháu, chẳng quen ai mà nói chuyện. Bạn bè mình cùng học ở đó đã già, gần tám mươi cả rồi, chẳng mấy ai đến họp nữa, người thì đau yếu, người thì đã “bỏ cuộc chơi”, “đi họp tận trên thiên đình” rồi. Biết nói chuyện với ai.
Một trong những nhu cầu của tuổi già là gặp gỡ bạn bè cũ, giao lưu hỏi han, kể chuyện xưa…Trộm nghĩ, nếu trời cho ai đó được như lời chúc đầu năm, trăm tuổi,  trăm hai, trăm ba mươi tuổi chẳng hạn thì dù khỏe mạnh, không bệnh tật không phiền con cháu (mà làm gì có chuyện đó!!!)…nhưng nhìn xung quanh chẳng còn bạn bè, chẳng còn ai tri kỉ tâm giao, chẳng còn có ích gì cho gia đình, cho cộng đồng thì cũng buồn. Sống để làm gì nhỉ?
Cái gì cũng vậy dù hay đến đâu cũng có thời của nó, đáng hết thời mà chưa …biến đi thì là bi kịch, là dở hơi chứ hay ho gì.

Già

 Cơ quan tổ chức cho các cụ hưu khám sức khỏe. Mọi người hỏi kết quả thế nào, mình bảo:
- Phấn khởi và tự hào (y như câu nói cửa miệng của “toàn đảng toàn dân” mấy chục năm nay)
- Không bệnh tật gì cả à? Mừng cho ông.
- Không phải! Mình “phấn khởi tự hào” vì mình chẳng kém ai! Các cụ có cái gì thì mình có cái đó!
Khi thử máu, hỏi nhau nào lipid, nào acid uric, nào cholesteron…Mình bảo: Khi bác sĩ chọc vào ven thấy còn máu đỏ chảy ra là mình mừng rồi, còn các “món” khác chẳng quan tâm.
Chẳng phải hay ho gì, nhưng cái tạng mình nó thế. Gần tám chục vẫn tằng tằng xe máy đi chơi gần chơi xa Sóc Sơn, Hòa Bình… Huyết áp cao, uống thuốc đều, nhưng chẳng phải đo nhiều mất công vì luôn “ổn định” ở 170, 180 (!). Một ngày nào đó cầu chì đứt phựt, xong. Chỉ có mỗi cái lo là đi không trót, cứ nằm ì ra khổ con cháu. Nhưng ông Google và các bác sĩ chỉ nói cách phòng bệnh chữa bệnh, chẳng thấy ai mách bảo cách làm sao “đi” cho nhanh chứ đừng cù nhầy!

Cái quí của tuổi già

 Có lần trả lời phỏng vấn của truyền hình, mình nói: Hạnh phúc của tuổi già chẳng cần tìm đâu xa, hạnh phúc của tuổi già là ở chỗ…được già. Ai cũng bảo cuộc sống là quí giá mà ta lại đang được sống lù lù đó thôi! Ối người có được già đâu! Còn chuyện đau lưng, đau mình, tiểu đêm, ho hắng, chân chậm, mắt mờ chút chút…thì đó là “tiêu chí” cần có để được vào “hội già” mà thôi. Không có tiêu chí đó thì “đi chơi chỗ khác”. Mấy ông tám chín chục mà khỏe như võ sư, phớt lờ bệnh viện, coi bác sĩ bằng nửa con mắt thì là dị nhân rồi, không dám bàn và cũng…không chấp !
Chuyện vui bên tây :
Một bà cụ đến khám bệnh. Bác sĩ hỏi :
- Cụ làm sao?
- Dạo này lưng tôi đau quá
- Cụ đau lưng từ bao giờ?
- Một tuần nay.
- Cụ năm nay bao nhiêu tuổi?
- Tám mươi.
- Hồi trẻ cụ có đau không?
- Không.
- Thế cụ định bao giờ mới đau?

Tĩnh tâm

 Có người nổi giận rồi hậm hực mãi vì chuyện gì đó do người khác gây ra; sau được một người bạn can ngăn khuyên giải, dần bình tâm trở lại.
Vậy ông là người nóng tính, dễ cáu bẳn và là người biết kiềm chế, lại biết phục thiện?
Có thể.
Nhưng chắc chắn ông là người có thể trạng…yếu!
Vì ông đã bị tác động từ bên ngoài đến hai lần liên tiếp của hai người chưa chắc đã hơn tài ông, thậm chí kém ông mấy cái đầu(!).
Nói theo kiểu thầy thuốc, ông là người nhạy cảm với thời tiết, dễ hắt hơi sổ mũi, không chịu được nắng gió…
Có thể nói, ông là người đã quen sống trong vùng ảnh hưởng… của người khác.
Tội nghiệp…