Nhà thơ Bùi Minh Quốc (bên phải) |
Một người bạn anh tôi không hề biết mặt (tự giới thiệu người cùng quê) có gửi cho tôi truyện ngắn Qua cửa an ninh, khi đọc blog của tôi có bài viết nhà thơ Bùi Minh Quốc anh rất tâm đắc, anh viết truyện ngắn những nhân vật trong này là thật anh muốn kết nối họ với nhau.
QUA
CỬA AN NINH
Truyện của Đặng Khánh Cường
Kính tặng anh Bùi Trường Đa
Lúc đầu, Bùi hứa sẽ ở
lại nhà Đinh qua đêm để chờ gặp được Ngô. Ngô nói qua điện thoại là đang dở hội
thảo, nhưng sẽ về ngay. Từ thuở “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” xong, mỗi
người một ngả. Đây là lần đầu tiên tổ tam tam ngày xưa có dịp hội ngộ. Thời
gian xa nhau đủ để trung sĩ Đinh thành thiếu tướng công an, hạ sĩ Ngô thành đại
tá quân đội - giáo sư chuyên ngành nghiên cứu phê bình văn học. Cả hai đã nghỉ
hưu. Còn thượng sĩ Bùi, tổ trưởng tổ tam tam vẫn là nhà thơ, mà nhà thơ thì không
biết đến bao giờ mới nghỉ hưu.
Ấy thế mà sau cuộc rượu hai
người cố ý kéo dài chờ Ngô, Bùi đòi về bằng được. Taxi chở Bùi vừa lăn bánh
mươi phút thì Ngô xuất hiện. Với nét mặt đăm chiêu, chẳng ra vui chẳng ra buồn,
Đinh thông báo:
- Bùi sắp đi Mỹ đấy.
- Ông có thông tin ấy từ
đâu. Bùi là “công dân đặc biệt” hơn chục năm nay, ông không biết sao. Chính
ngành ông theo dõi nó từng bước mà.
- Ngành thì mênh mông,
bộ phận nào biết bộ phận ấy. Mà tớ nghỉ hưu cũng gần chục năm rồi, ai nói cho
mà biết. Thôi ngồi xuống đây uống tiếp. Cả tiếng đồng hồ chờ ông, Bùi chỉ uống
chứ có ăn gì đâu. Cái thằng yêu nước đến từng chân tơ kẽ tóc ấy lại là “công
dân đặc biệt” nghĩa là sao? Chả nhẽ tớ và cậu lại không hiểu “chất” của nó.
- Hiện tại, chân dung Bùi
trong mắt thiên hạ là hai mảng sáng tối đối chọi như mực tàu vẽ trên giấy trắng.
Tôi nói hình ảnh thế chắc ông hiểu. Tôi và ông đều tự hào là bạn thân thiết của
một nhà thơ nổi tiếng. Ở đâu còn có thể mù mờ, chứ trong thơ không giả dối được,
tất nhiên là thơ thứ thiệt, điều này thì ông tin tôi đi. Những bài thơ cháy
bỏng lòng yêu nước của Bùi được phổ nhạc còn âm vang trong lịch sử. Nhưng Bùi
có thể bị xích tay bất cứ lúc nào nếu bước một chân ra ngoài vạch vôi quy định
của ai đó, kiểu một cái án mà không thành án. Thế mới là lạ.
- Chẳng có gì là lạ, ông
bạn già ạ. Ngày còn tại chức, tớ được biết rất nhiều vụ bắt người rất tù mù. Biết
bao câu chuyện đau lòng, chả khác gì chuyện bị vu vạ bán tơ của bố cô Thúy
Kiều. Những cái lệnh phát ra từ đâu đó được răm rắp thực thi như thánh chỉ. Sau
khi biết sai, chẳng có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm cả. Mọi tội vạ trút
hết vào cái thằng vô hình là nghị quyết tập thể.
Ngồi
vào mâm, Ngô lặng lẽ uống. Đinh không gặng hỏi nữa. Có thể cái tính thẳng như
ruột ngựa của Bùi làm ai đó phật lòng chăng? Chứ tác giả của những bài thơ “Đất
quê ta”, “Cuộc đời vẫn đẹp” , “Hạnh phúc”... không thể là đối tượng của cách
mạng được. Ngô hoạt động bên ngành văn học, chắc là nắm được chuyện gì đó của
Bùi. Để xua đi không khí căng thẳng, Đinh kể câu chuyện tức cười vừa xảy ra.
Ấy là lúc Bùi ngồi vào
mâm rượu. Bùi cố ý chọn chỗ ngồi quay lưng ra cửa để người ngoài không nhìn
thấy mặt. Đối diện với Bùi là cái gương tủ hướng ra cửa. Nói chuyện với mình mà
mắt nó luôn dán vào cái gương. Cái gương này mua sẵn ngoài chợ có gì đặc biệt
đâu. Hay là cái gương gợi cho Bùi tứ thơ nào chăng? Kiểu như “ngồi buồn uống rượu trước gương. Hỏi rẳng
thằng ấy có thương thằng này”... Tớ cứ vô tư rót rượu. Cái gương tủ nhà tớ
mà bước vào thơ thì càng hay chứ sao. Lát sau, Bùi hơi tái mặt và không giấu
nổi vẻ bồn chồn. Tớ lại cho rằng, kẻ nào uống rượu mà mặt cứ tái đi là có tửu
lượng cao, còn bồn chồn là do mong ông. Bỗng Bùi đập nhẹ vào tay tớ, chỉ vào
cái gương. Tớ xoay người lại nhìn, cái gương vẫn như hàng ngày, không rạn vỡ,
không mờ. Có gì đâu?
-
Ông
phát hiện được gì thế?
Tớ chờ hắn đọc một tứ thơ. Nhưng hắn lại thì thào:
- Ở đây có an toàn không?
- Ông hỏi thế nghĩa là làm sao? Tớ ở đây đã mấy
chục năm rồi, không có chuyện gì cả.
Bỗng có bóng người đàn ông xuất hiện trong gương, mặt hầm
hầm, đi đi lại lại vẻ rất hình sự. Chuyện lạ. Ai lại dám theo dõi nhà riêng của
mình nhỉ? Láo thật. Tớ cũng sinh nghi, nhưng để im xem sao đã và trấn an Bùi:
- Uống
đi ông, nhớ là ông đang uống rượu ở nhà riêng của bạn là thiếu tướng công an
đấy nhé.
Nhưng
bàn tay cầm chén rượu của Bùi đã lỏng. Nó nhấp môi làm vì do thói quen. Câu nói
của tớ không dẹp nổi nỗi lo lắng của nó. Bóng người trong gương rút điện thoại
ra gọi. Cách lần cửa kính không nghe được tiếng, nhưng thấy thái độ rất bực tức.
Hình như người phía nghe không tuân lệnh. Bùi tuột tay. Chén rượu vỡ thành
tiếng rất đanh. Bùi vào phòng vệ sinh định lấy chổi để dọn. Tớ ngăn lại, tiện
thể kéo Bùi ra cửa xem người đàn ông kia là ai.
Ông có
biết không, chả phải thằng hình sự bỏ mẹ nào, mà là một gã hẹn đón bồ đi chơi.
Cô bồ làm điệu hay kẹt chuyện gì đó, đến muộn. Lúc tớ và Bùi bước ra thì anh ả
đang tranh nhau trách móc và thanh minh loạn xị. Gương mặt Bùi giãn ra đôi
chút. Cái nhếch mép của Bùi không ra cười, không ra mếu, trông thật tội nghiệp.
Ngày xưa nó đâu có thế.
Sau đó,
tớ giữ thế nào Bùi cũng khăng khăng ra về. Nó hẹn gặp lại ở Trung tâm văn hóa
ngôn ngữ Đông - Tây trong buổi giới thiệu tập thơ của nó mới xuất bản. Ngày giờ
cụ thể nó sẽ gọi điện sau.
Câu
chuyện tưởng lấy lại tiếng cười cho bạn thì lại làm mắt Ngô ngấn lệ. Ngô lẩm
bẩm với Đinh:
- Thế là tư duy của nó thành tật mất rồi. Tội quá! Ác quá!
Có thật là ông không biết một chút nào chứ?
Bùi về nghỉ ở nhà bố mẹ vợ cũ trên phố Hàng Bông. Bên
ngoại vẫn dành riêng cho ông căn buồng nhỏ trên gác hai, một thời là tổ ấm của mối
tình đầu. Con gái ông năm nay đã hơn bốn mươi tuổi, tức là ông đã xa Hà Nội
ngần ấy năm. Bài thơ ông viết năm mười chín tuổi được đưa vào sách giáo khoa
dạy cho học trò. Vì vậy, những năm còn là sinh viên, Bùi đến chỗ nào cũng như
tỏa hào quang. Và duyên số đã đem đến cho Bùi một người vợ cùng nghề, có tâm
hồn trong sáng, tinh khiết như tên chị - chị Dương. Nếu không có cuộc kháng
chiến chống Mỹ, thì cuộc đời của vợ chồng Bùi đã khác.
Cưới nhau được vài tháng, Bùi nhập ngũ và tình nguyện vào
chiến trường miền Nam trong niềm thương nhớ khôn nguôi của người vợ trẻ. Những
lá thư qua lại đã nhân gấp bội hạnh phúc cho hai người. Cái hạnh phúc ngày đánh
giặc có sức mạnh ghê gớm lắm. Sự tự nguyện quên mình cho tổ quốc của mỗi cá
nhân, mỗi gia đình đều tuyệt đỉnh như truyền thuyết. Chả thế mà bé Hương mới
mười sáu tháng tuổi đã ở lại nơi sơ tán với ông bà ngoại, để chị Dương khoác ba
lô vào mặt trận cùng chồng chiến đấu. Chị đã anh dũng hy sinh một năm sau đó
vào đúng ngày mùng 8 tháng 3. Sau ngày hết giặc, ông quyết định ở lại suốt đời với
mảnh đất nơi chị đã ngã xuống.
Thế rồi, mảnh đất vừa ngưng bom đạn ấy được thiết kế theo
kiểu mới. Nhiều kẻ từng là đồng chí, đồng đội của ông lộ rõ sự điên cuồng thèm
khát quyền lực, thèm khát lối sống sa đọa hơn cả lũ kẻ thù vừa bị đánh đổ. Để
thỏa mãn cơn khát ấy, chúng không từ một thủ đoạn đê hèn, trắng trợn nào vơ vét
mọi thứ có thể. Người nào ngăn cản, kể cả người vừa mới cưu mang che chở tính
mạng chúng, lập tức bị vu vạ tội danh tầy đình là phá rối chính quyền cách
mạng, vào tù như bỡn.
Từ chỗ ngơ ngác đến nhận ra sự thật, ông quyết làm mọi
việc có thể, mong lấy lại hình ảnh đẹp đẽ của người chiến sĩ cách mạng trong
lòng dân chúng. Đảng dạy ông không ngại hy sinh thân mình bảo vệ sự trong sáng
của Đảng. Ông là đảng viên, từng tự
nguyện giơ tay tuyên thệ trước cờ Đảng như thế. Và ông đã làm hết mình...rồi
được chính Đảng của ông khai trừ để xếp thành loại “công dân đặc biệt”. Ông
không buồn, nhưng thật cực vì bị tra hỏi xấc xược, thật cực vì mọi cử chỉ của
ông, đều được theo dõi chặt chẽ mọi lúc, mọi nơi liên tục nhiều năm. Vì sự an
toàn của mình, buộc ông phải đề phòng với bất kỳ một ánh mắt lạ nào. Đúng là sự
cảnh giác đã thành tật trong tư duy của ông.
Dẫu vậy, ông không thể viết khác.
Dẫu
biết giờ phải tập quen mà sống
Quen
những mặt trơ lỳ, những miệng trơn lu
Quen
đừng tin yêu, quen thôi mơ mộng
Quen
giả đui, giả điếc, giả mù...
...Không
mẹ ơi, con không thể nào quen
Không
thể nào quen nhìn lưng còng của mẹ
Dẫu
con biết vì sao lưng mẹ còng đến thế
Còng
đến đáy ruộng đồng
Còng
mất con, mất cháu, mất chồng
Để
vẫn hoàn còng, đứng ngồi rón rén
Mắt
mờ đục miệng phào móm mém:
“Nhờ
ơn trên, nhờ ơn trên...”
Không
mẹ ơi, con không thể nào quen!
Bài thơ này ông nói với người mẹ Việt Nam năm xưa đào hầm
nuôi cả sư đoàn dưới đất, bị gạch chéo trong bản thảo. Nhưng ông vẫn cho ra đời
tập thơ dù chỉ còn chín bài được duyệt. Buổi giới thiệu tập thơ mới của ông
không vì thế mà ít người đến dự. Phần đông là bạn bè quen biết cũ của ông,
nhưng cũng không ít những gương mặt lạ. Những buổi sinh hoạt văn học như thế
này, khó mà biết hết được khán giả. Càng không thể biết mục đích của từng người
có nằm trong lĩnh vực văn chương hay không. Đinh và Ngô ngồi tận hàng ghế cuối.
Đến khi gần kết thúc, người dẫn chương trình vui mừng thông báo là sắp tới tác
giả sẽ sang Mỹ thăm con thì nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Một đôi trẻ thì
thầm với nhau:
- Sao nghe nói ông này
đang bị theo dõi vì có phốt về tư tưởng cơ mà?
- Nhưng ông ta không bị mất quyền công dân, phải được
bình đẳng với mọi người chứ. Đi thăm con chứ có làm gì đâu. Cấm ông ta xuất
cảnh tức là tự phơi ra trước mắt thiên hạ thực chất tự do dân chủ. Họ đâu có
dại.
- Thế ra mười mấy năm nay, an ninh không moi được tí phản
động nào từ ông ta à?
- Nhầm nhọt là chuyện thường. Đến bà Ba Sương còn bị bắt
nữa là. Tớ không tin tác giả của những bài thơ “Đất quê ta”, “Cuộc đời vẫn đẹp”
lại là phản động. Chắc người ta cũng nâng lên, đặt xuống chán rồi mới cấp hộ
chiếu. Chả đến lượt cậu phán.
- Biết đâu đến khi ra máy bay, lại bị giữ lại vì những lý
do vớ vẩn nào đó. Bây giờ có nhiều chiêu lắm.
Đinh và Ngô đều nghe rõ câu chuyện. Họ trao đổi thật vô
tư khách quan, nên không tránh khỏi một thoáng lo lắng trên gương mặt hai ông
già. Hai ông già đã nghỉ hưu rồi, giúp gì được Bùi đây.
Trước giờ ra sân bay, Đinh đón Ngô và Bùi đến nhà mình.
Ông đích thân lục hết va ly của Bùi ra xem. Ngoài mấy bộ quần áo và mươi cuốn
thơ vừa được xuất bản của Bùi là chè Thái Nguyên, bánh đa nem, cà phê chồn Tây
Nguyên và chai rượu ngâm thuốc. Tất tật chưa quá chục ký. Bùi phân trần:
- Cháu nó e-mail về dặn đi dặn lại, bố không phải mang
theo thứ gì cả. Hàng Việt Nam bên đấy rất sẵn, nhưng tôi vẫn mang vài thứ gọi
là có quà đón tay. Người mình vẫn thế mà.
- Nhưng rượu là không
được rồi. Đã có quy định mọi chất nước đều bị cấm mang theo lên máy bay vì sợ là
vũ khí khủng bố.
- Thì tôi cầm theo người, nếu họ bảo
không được, nhờ các ông mang về mà uống. Hổ cốt thứ thiệt đồng bào Thượng cho đấy.
Sân bay quốc tế lúc nào cũng ngàn
ngạt người. Còn sớm đến gần một tiếng đồng hồ, ba ông rủ nhau vào bar uống cà
phê. Không ai để ý đến việc Đinh hôm nay mặc bộ cảnh phục. Ngô tâm sự:
- Các ông có nhớ Ca Lê Hiến không.
Mình đi nhiều, nhưng đến bất kỳ sân bay nào mình cũng nhớ đến anh ấy, chứ chẳng
riêng gì sân bay Tân Sơn Nhất.
- Hiến cùng tuổi với tôi - Bùi nói
- Anh ấy vào chiến trường trước tôi hai
năm và hy sinh trước Dương gần ba tháng. Sau đó thì ba chúng ta gặp nhau thành
tổ tam tam. Ôi những ngày tháng ấy, con người sao mà tuyệt vời...
Đinh im lặng nghe hai người văn
chương nói chuyện. Ông đang bồn chồn đặt ra các tình huống trục trặc có thể và
cách giải quyết êm thấm việc xuất cảnh của Bùi. Ông sẵn sàng đánh cược quân hàm
thiếu tướng của mình để bảo lãnh cho bạn. Nhưng chắc gì đã được.
Loa điều hành sân bay đã thông báo
chuyến bay đi Mỹ. Việc gửi va ly và xác định số ghế ngồi của Bùi xuôn sẻ. Nghe
lời Đinh, Bùi bỏ chai rượu vào túi xách nhỏ khoác trên vai. Người đưa tiễn và
người bay đều hồi hộp. Họ lặng lẽ bắt tay nhau.
Bùi bước được vài bước thì có hai cô
gái tiếp viên hàng không ào tới túm lấy ông, ríu rít:
-
Chúng cháu chào chú. Gặp được chú, chúng cháu mừng lắm.
Cả ba ông già đều chột dạ. Ngô định
tiến đến can thiệp thì Đinh giữ lại. Tình huống này không có trong sự chuẩn bị
của ông. Họ định cản trở chuyến bay của Bùi thật sao. Đinh đã thò tay vào túi
áo cảnh phục cầm bộ quân hàm gói sẵn. Nhận ra sự ngỡ ngàng của ông Bùi, một
trong hai cô giới thiệu:
- Chúng cháu là tiếp viên hàng
không. Bữa nọ có được dự buổi giới thiệu tập thơ mới của chú, nhưng nhiều người
quá, chúng cháu không dám đến chào. Biết hôm nay chú bay, chúng cháu ra chờ chú
để cám ơn.
Bùi lúng túng trước sự thân thiện hơi
quá tự nhiên của hai cô gái trẻ:
- Tôi làm gì giúp hai cô mà được cám ơn thế này?
- Bạn này giành giải nhất hội thi
sinh viên nhờ bài hát “Đất quê ta” của chú. Rồi từ đó, lọt vào mắt xanh của
hàng không để thành tiếp viên. Ơn này lớn lắm đấy ạ
- Chưa bằng bạn đây chú
ạ. Thế nào nhỉ? À cháu nhớ ra rồi:
Có khi nào trên đường đời
tấp nập
Ta vô tình đi lướt qua nhau
Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất
Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu...
Ta vô tình đi lướt qua nhau
Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất
Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu...
Nhờ hai
người cùng thuộc câu thơ của chú mà nó lấy được anh chàng phi công đẹp trai
nhất hãng đấy ạ.
Bùi
ngửa mặt cười rõ to như chốn không người. Cái thằng mất cảnh giác quá. Nhà thơ
mà thấy thơ mình tác động vào đời sống như thế thì mấy ai kìm nổi sung sướng. Còn
Đinh và Ngô thì nín thở. Trận cờ thường chiếu tướng ở phút cuối cùng. Không
biết là chiêu trò gì đây. Không khéo chúng dùng mỹ nhân kế, chôm cái vé hay hộ
chiếu thì hạ màn. Tất cả nằm ngoài dự tính của Đinh. Mỗi cô gái túm một bên
cánh tay, gần như dìu Bùi về phía cửa kiểm soát an ninh. Tưởng Bùi bị bắt kiểu
mật ngọt chết ruồi, Đinh chạy vụt tới định can thiệp. Hai cô gái thấy vậy quay
lại với nụ cười tươi rói:
- Ôi
bọn cháu vô ý quá. Chú còn người nhà đi tiễn nữa kìa. Nhưng thôi, sát giờ rồi,
để chúng cháu đưa chú vào phòng chờ lên máy bay. Chuyến này bay đúng giờ đấy
chú ạ.
Họ đi
cùng Bùi đến cửa kiểm tra cuối cùng. Anh cán bộ an ninh cũng chứng kiến câu
chuyện, mỉm cười thân thiện:
- Hai
em được nhiều mà chỉ cám ơn suông thế thôi à. Mời bác bỏ đồ lên băng chuyền,
rồi vào trong nhận lại.
Anh ta
cũng chẳng cần nhìn màn hình xem cái túi toòng teng của ông nhà thơ có những
thứ gì nữa.
Bùi vào
phía trong nhận túi, vẫy tay chào hai người bạn già. Ngô thở phào. Còn Đinh thì
giấu kín chuyện có cái gì trong túi áo cảnh phục.
Hè 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét