9 thg 7, 2013

CỎ NON THÀNH CỔ


                         
   Nhiều năm gần đây các trường đã tổ chức cho giáo viên tham quan các di tích lịch sử như Thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang Trường Sơn...các thấy cô đã tìm gặp các nhân chứng lịch sử, được nghe kể câu chuyện cũ, họ đã sống và chiến đấu như thế nào...một việc làm tôi thấy cần được nhân rộng.
 Tăng Hùng vừa từ đó ra gửi thầy đăng bài CỎ NON THÀNH CỔ


                         “Cỏ non thành cổ
Một màu xanh non tơ…”
Bước chân vào khu di tích thành cổ Quảng Trị, chợt trong tôi như có một luồng cảm giác chưa bao giờ gặp. Rất lạ, cứ chạy dọc sống lưng đến nỗi phải ngồi xuống khi nghe cô hướng dẫn viên bắt đầu giới thiệu về di tích này. Cỏ non cứ mọc như mọi ngày. Mặt trời Quảng Trị vẫn gay gắt như mọi ngày. Xương máu bao người lính trẻ đã hòa quyện vào mảnh đất này đến mức người ta không nỡ (hay là không dám) xây dựng nơi đây một khu tưởng niệm xứng đáng những con người đã hi sinh khi còn rất trẻ. Tám mươi mốt ngày đêm Thành cổ Quảng Trị đã là khúc ca bi tráng vào bậc nhất của cuộc chiến hai mươi năm. Đa số chiến sĩ tham gia chiến dịch mùa hè đỏ lửa 1972 ở thành cổ đều còn rất trẻ. Điều đáng lưu ý hơn cả là hầu hết họ là sinh viên đại học được tổng động viên “gác bút nghiên” làm nghĩa vụ “trai thời loạn”. Các anh hi sinh vì lí tưởng cao đẹp nhưng sau 81 ngày đêm, thành cổ vẫn không giữ được. Điều đau xót nhất, đáng suy nghĩ nhất là hàng trăm, hàng ngàn sinh viên ấy sẽ là một đội ngũ trí thức hùng hậu đóng góp vào công cuộc tái thiết đất nước thời “hậu chiến”.
Và câu hát của ca sĩ Nhã Phương cứ da diết quanh ta.
Người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ 
Khi chồng con không trở về... 
Cho tôi hôm nay vào Thành Cổ 
Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ. 
Cỏ xanh non tơ. cỏ xanh non tơ. 
Xin chớ vô tình với người hy sinh 
Trên mảnh đất quê mình. 


Quảng Trị, thành cổ 13/6/2013

1 nhận xét:

  1. Em cảm ơn thầy. Em có một chú ruột hi sinh mặt trận Quảng Đà 1967 hiện không biết hài cốt nơi nao.. Chưa đầy 17, chú viết đơn bằng máu và khai tăng tuổi (chú tuổi Canh Dần 1950) để được vào bộ đội đặc công. Bố em kể khi đèo bà nội lên thăm chú trên Xuân Mai trước khi vào Nam, chú bảo:"Bu cứ về đi. Con một xanh cỏ, hai đỏ ngực". Bài thơ em viết về sắc đỏ hoa gạo là để tưởng nhớ chú và các đồng đội

    Hoa gạo

    (Nhớ chú Lâm)

    Hùng Tăng

    Tháng ba hoa gạo nở
    Cháy cả một bến sông
    Con đò thưa khách lạ
    Mùa này con nước ròng

    Mẹ tiễn cha ra trận
    Con tay bế tay bồng
    Cánh cò chao ngọn sóng
    Gánh gạo… còn hay không?

    Rồi những đêm trông ngóng
    Rồi những ngày chờ mong
    Mặt trận im tiếng súng
    Lại thành gái có chồng

    Tháng năm mùa hè ấy
    Gạo đã không còn bông
    Cha trở về bến cũ
    Dáng đi sao lạ lùng

    Một chân cha để lại
    Chiến trường đất miền đông
    Biết bao người trai khác
    Có trở về hay không?




    Trả lờiXóa