30 thg 12, 2013

Tư lệnh trưởng mà nhận thức như thế hỏi còn ai tin?

In
Thú thực, người viết bài này đã định không trở lại câu chuyện có liên quan đến chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế tại nghị trường ở kỳ họp Quốc hội thứ 6 vừa qua nữa, dù dư âm của nó có lẽ sẽ còn dài, rất dài.
Nhưng, tối 26/12 lại tình cờ đọc được bài viết “Không ai chất vấn, tôi chủ động nói vụ Cát Tường” trên báo điện tử Vietnamnet dẫn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tại hội thảo "Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác y tế" do bà chủ trì ở Hà Nội vào sáng cùng ngày.

Theo bài báo, ở hội thảo này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Uỷ ban Pháp luật nêu rằng, đại biểu Quốc hội chất vấn nhiều Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trong các cuộc họp, bởi không chất vấn Bộ trưởng thì biết chất vấn ai về những vấn đề nóng của ngành?

Và Bộ trưởng Kim Tiến đã xin lỗi ngắt lời ông Cương để giải thích: “Tôi thì không bị chất vấn nhiều, báo chí phản ánh nhiều thôi, còn kỳ vừa rồi tôi không bị chất vấn. Tôi chủ động bấm máy trả lời. Chủ yếu vừa rồi báo chí phản ánh về các vấn đề y tế nóng và những sự cố của ngành, chứ còn trong Quốc hội kỳ này tôi không nằm trong danh sách trả lời chất vấn và cũng không có ai chất vấn tôi. Nhưng khi có một đồng chí đại biểu Quốc hội nói về việc chậm ban hành một số văn bản liên quan đến dioxin thì tôi giải thích về vấn đề đó, nhân tiện tôi cũng nói luôn về vụ việc xảy ra ở thẩm mỹ viện Cát Tường”.

Trong lời đáp, đại biểu Cương khẳng định ngoài việc chất vấn trực tiếp, các đại biểu cũng còn nhiều hình thức chất vấn khác.

Từ quan sát của người viết bài tại nghị trường, đại biểu Cương nói rất đúng, và Bộ trưởng Kim Tiến cũng không nói sai.

Đúng là tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 vừa qua, Bộ trưởng Kim Tiến không nằm trong danh sách trả lời chất vấn trực tiếp, dù được nhiều đại biểu yêu cầu. Còn trong buổi sáng ngày 19/11, khi thảo luận ở hội trường về báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, cũng không có vị nào trực tiếp chất vấn về vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, song Bộ trưởng Kim Tiến đã dành ít phút nói về vấn đề này.

Nhưng như thế không có nghĩa là “không ai chất vấn” Bộ trưởng. Bởi, như VnEconomy đã hơn một lần đề cập, bên cạnh trực tiếp nêu câu hỏi trong các phiên chất vấn trực tiếp, thì rất nhiều vị đại biểu chọn hình thức gửi văn bản chất vấn.

Và, như VnEconomy đã đưa tin, trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ sáu vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhận được tới 11 chất vấn bằng văn bản, chỉ đứng sau hai vị bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đều nhận được 21 chất vấn).

Trong số đó, một số vị đại biểu đã đề cập các "sự cố" có hiệu ứng xã hội xấu liên quan đến y đức của người thày thuốc mà đỉnh điểm là vụ thẩm mỹ viện Cát Tường và “truy” trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng về tình trạng xuống cấp y đức nghiêm trọng. 

Ở các văn bản trả lời thì Bộ trưởng Kim Tiến đều tóm tắt diễn biến từng vụ việc mà có vị đại biểu gọi là “scandal”: tiêm thiếu vaccine, nhân bản xét nghiệm, 3 trẻ tử vong tại Quảng Trị, thẩm mỹ viện Cát Tường...

Đây cũng là những vụ việc chính gây nên “sóng gió” trong năm 2013 của tư lệnh ngành y tế.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, những vụ việc nói trên là hậu quả của việc xuống cấp đạo đức xã hội nói chung và mầm mống của nhiều bê bối trong ngành y đã hình thành từ trước khi bà Kim Tiến được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Y tế vào tháng 8/2011. Nỗi niềm của vị tư lệnh ngành y cũng nhận được sự cảm thông của người đứng đầu Chính phủ khi ông chọn nâng cao y đức cùng với giảm quá tải bệnh viện là một trong hai vấn đề xã hội để giải trình thêm trước Quốc hội. Và cũng nhận được chia sẻ của Tổng bí thư khi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, rằng “có nhiều cái nằm ngoài tính toán, những việc rất đau đầu không đáng có”.

Nhưng, tâm điểm của dư luận nằm ở ứng xử của người đứng đầu ngành y, một thành viên Chính phủ, một đại biểu Quốc hội đương nhiệm.

Tại kỳ họp Quốc hội giữa năm nay, khi phát ngôn về những vấn nạn của ngành y như quá tải hay phong bì, nữ Bộ trưởng đã gây ấn tượng mạnh khi nói câu hỏi về tình trạng quá tải bệnh viện kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục phải dành cho Nhà nước vì Bộ Y tế không thể xây nhà được và cũng không có tiền làm nhà, xây bệnh viện hay mua trang thiết bị. Hay, “nếu phát hiện bác sĩ nào nhận phong bì hãy chụp ảnh, ghi lại tên tuổi đưa cho chúng tôi xử lý”.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở kỳ họp đó, bà nằm trong số các thành viên Chính phủ được ít phiếu tín nhiệm cao, nhiều phiếu tín nhiệm thấp.

Ngay sau đó, vị Bộ trưởng lại tiếp tục làm tốn rất nhiều giấy mực của báo chí với vụ việc xảy ra vào cuối tháng 7/2013, ba trẻ sơ sinh tại Quảng Trị tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B. Thời điểm đó, Bộ trưởng Kim Tiến đang có chuyến công tác tại địa phương này và tham dự lễ khởi công xây dựng nhà tháp chuông tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh, thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn... 

Trả lời báo chí về lý do tại sao không đến thăm hỏi và chia sẻ cùng các gia đình có trẻ bị tử vong, Bộ trưởng cho biết lịch làm việc đã kín. Và quả quyết “sẽ không có bao che, mà công khai, minh bạch nguyên nhân. Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin, lỗi do người tiêm, xử người tiêm, lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật”.

Dư luận sau đó còn bàng hoàng về vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Đa Khoa Hoài Đức nhằm trục lợi bảo hiểm y tế suốt từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013. Và chẳng thể an lòng khi nghe Bộ trưởng nói rằng để xảy ra sai sót trong suốt cả một thời gian dài như vậy trách nhiệm đầu tiên thuộc về trưởng phòng xét nghiệm và giám đốc bệnh viện.

Rồi đến vụ việc động trời bác sĩ Thẩm mỹ viện Cát Tường vứt xác bệnh nhân, đại biểu phẫn nộ khi thảo luận, phóng viên liên tục đề nghị bà thể hiện chính kiến nhưng Bộ trưởng đều rất kiên quyết từ chối và chỉ trả lời sau khi nhận được tới khoảng 50 câu hỏi từ nhiều tờ báo.

Và khi có đến hơn một vị đại biểu gửi văn bản “truy” trách nhiệm của Bộ và cá nhân Bộ trưởng về sự xuống cấp trầm trọng của y đức thì bà thanh minh rằng “sự đơn độc của ngành y tế trong việc giáo dục và nâng cao y đức sẽ không thể xây dựng một đội ngũ cán bộ thầy thuốc giỏi y thuật, sáng về y đức”. 

Chính vì vậy, Bộ trưởng “trân trọng đề nghị đại biểu có ý kiến với các ban ngành liên quan cùng chung tay với  ngành y tế nâng cao đạo đức nghề nghiệp”. Chẳng trách không chỉ các vị gửi chất vấn mà một số vị khác cũng chung nhận xét Bộ trưởng nói về những vấn đề của ngành mình không đúng tầm của một vị "tư lệnh" ngành, nhẹ cả trách nhiệm và cả giải pháp. 

Trở lại đoạn đối thoại của Bộ trưởng Kim Tiến với đại biểu Sỹ Cương ở đầu bài viết này, lại là câu chuyện ứng xử. Người viết nghĩ rằng, ít nhất với sự am hiểu của một vị đại biểu đương nhiệm, có lẽ bà không nên ngắt lời ông Cương để quả quyết rằng “không có ai chất vấn tôi”.

Ứng xử đúng tầm, luôn luôn là đòi hỏi của xã hội, với một chính khách.


27 thg 12, 2013

Bạo loạn ở Thái Lan

   Những người biểu tình chống chính phủ Thái Lan đụng độ với cảnh sát chống bạo động tại sân vận động Bangkokm nơi đăng ký danh sách các ứng cử viên ngày 26/12/2013.
Pháp luật Thái Lan cho phép lực lượng an ninh cấm biểu tình, phong tỏa các tuyến đường giao thông, áp đặt lệnh giới nghiêm và tiến hành các biện pháp lục soát. 
Những người biểu tình đang trút cơn thịnh nộ vào nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, người mà họ nói là “con rối” của anh trai là cựu Thủ tướng bị quân đội lật đổ và hiện đang sống lưu Thaksin Shinawatra.




    Một cuộc bầu cử trước thời hạn đã được dự kiến vào ngày 2/2/2014, sau cuộc đại biểu tình có tới 200.000 người xuống đường ở thủ đô Bangkok.
Trong ngày 26/12, một đám đông tụ tập bên ngoài và ném đá vào sân vận động Bangkok, nơi Ủy ban bầu cử Thái Lan đang tiến hành các thủ tục đăng ký ứng cử viên của ít nhất 27 đảng phái tham gia cuộc bầu cử sắp tới.
Cảnh sát đã cảnh báo những người biểu tình chớ có xâm nhập sân vận động và sau đó bắn hơi cay, đạn cao su khi đám đông đã cố gắng xô đổ các rào chắn.
Vụ đụng độ mới nhất này đã khiến 7 người bị thương. 
Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan, ông Paradorn Pattanathabutr, nói với Reuters: "Chúng tôi đã cảnh báo trước khi bắn hơi cay”.
Về phần mình, những người biểu tình đã chuẩn bị đối phó với phản ứng mạnh tay của cảnh sát, Họ đeo mặt nạ hoặc kính bảo hộ cũng như chai nước để rửa mắt.
Những người biểu tình thề ngăn cản cuộc bầu cử trước thời hạn, kiên quyết đòi Thủ tướng tạm quyền Yingluck từ chức và đòi thành lập “Hội đồng nhân dân” để cai trị đất nước trước tiến hành tổng tuyển cử.
Trong khi đó, nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck đã đề nghị thành lập một hội đồng cải cách độc lập để cầm quyền cùng với với chính phủ mới được bầu. Phe biểu tình đã bác bỏ đề xuất này. 
Phe đối lập đã tẩy chay bầu cử và khiến cho tình hình Thái Lan trở nên rối ren, phức tạp hơn.


      Minh Đức (theo tin tức Russia Today)

21 thg 12, 2013

Bình Nhưỡng ngày nay

SỬ VIỆT CHO HỌC SINH (Tiếp theo kì trước)


  Sử việt cho học sinh chỉ để bố mẹ, ông bà kể cho các cháu chưa đến tuổi tới trường.

TRUYỀN THUYẾT VỀ MỴ CHÂU, TRỌNG THỦY

1
Xưa, ở nước Âu Lạc,
Vua là An Dương Vương
Muốn xây thành giữ nước.
Một việc rất bình thường.

Thành ấy hình xoắn ốc
Ở kinh đô Cổ Loa,
Phải cao và phải rộng,
Cấu trúc phải hài hòa.

Vua và dân xây mãi,
Thế mà không hiểu sao
Cứ ngày xây, đêm đổ,
Chẳng ai hiểu thế nào.

Vua lập đàn cầu tế,
Thần Kim Qui giúp ngài
Xây xong thành lũy ấy,
Vững chắc cả trong ngoài.

Xong, Kim Qui còn lấy
Một chiếc móng của mình
Đưa cho vua và nói
Nó sẽ giúp giữ thành.  

“Dùng nó làm lẫy nỏ,
Sẽ là chiếc nỏ thần,
Bắn trăm phát trăm trúng,
Một lúc giết nghìn quân.”

Vua liền sai Cao Lỗ,
Một người thợ thông minh,
Làm cho vua nỏ ấy,
Rồi luôn giữ bên mình.

Đó là chiếc nỏ đẹp
Và rất cứng, muốn dương,
Phải là tay lực sĩ
Có sức mạnh phi thường.      

Nước Nam Việt phía Bắc,
Đánh Âu Lạc nhiều lần
Nhưng luôn chịu thất bại
Vì gặp phải nỏ thần.

Nên ông vua nước ấy,
Có tên là Triệu Đà,
Bèn toan tính kế khác -
Cho con sang giảng hòa.  

Đó là chàng Trọng Thủy,
Đúng một đấng mày râu,
Cha bắt sang Âu Lạc
Để cầu hôn Mỵ Châu.

Mỵ Châu là con gái
Của vua An Dương Vương,
Một công chúa trong trắng,
Lại xinh đẹp khác thường.

Vì thơ ngây, trong trắng,
Và cả tin, nên nàng
Đem lòng yêu Trọng Thủy,
Không biết mưu cha chàng.

Về phần mình, Trọng Thủy
Cũng yêu nàng thiết tha,
Tình yêu cũng trong trắng,
Bất chấp ý đồ cha.

Thấy Mỵ Châu, Trọng Thủy
Yêu thương nhau thực lòng,
An Dương Vương đồng ý
Cho họ thành vợ chồng.

Một đêm trăng tuyệt đẹp,
Hai người ngồi trước thềm.
Nước dưới hồ lấp lánh
Nghìn vạn ánh sao đêm.  

Rồi như thể nhân tiện,
Trọng Thủy hỏi vợ mình
Bí quyết nước Âu Lạc
Giữ vững được Loa Thành.

Nghĩ đã là chồng vợ,
Không giấu diếm điều gì,
Mỵ Châu liền kể chuyện
Chiếc nỏ thần Kim Qui.

Hơn thế, nàng lấy trộm
Chiếc nỏ từ phòng cha,
Hướng dẫn cách sử dụng,
Tỉ mỉ và thật thà.

Ngày hôm sau Trọng Thủy
Xin phép được lên đường
Quay trở về Nam Việt
Để dự lễ Trùng Dương.

Trước khi đi, lưu luyến,
Chàng nói với Mỵ Châu:
“Sự đời khó biết trước,
Lần này ta xa nhau,  

Nhỡ can qua, ly biệt,
Khó biết đâu mà tìm.”
Mỵ Châu nói: “Nhà thiếp
Có chiếc áo lông chim.

Nếu không may loạn lạc,
Phải chịu cảnh tha hương,
Thiếp nhổ lông chiếc áo
Rồi bỏ lại dọc đường.

Theo đó mà tìm thiếp
Một khi chàng quay về.
Nói đoạn, nàng liền khóc,
Nước mắt chảy dầm dề.

Lại nói chàng Trọng Thủy
Về nước gặp Triệu Đà,
Kể hết về chiếc nỏ
Rồi đưa cho vua cha

Chiếc lẫy thần, chiếc móng
Của thần Rùa Kim Qui.
Chàng đã lấy trộm được
Mà không ai biết gì.

Mấy tháng sau, Nam Việt,
Với chiếc lẫy trong tay,
Cho quân đánh Âu Lạc,
Chắc thắng lợi lần này.      

Được tin giặc lại đến
Vua Việt, An Dương Vương,
Cậy nỏ thần vô địch,
Vẫn bình tâm như thường.

Nhưng khi đem nỏ bắn
Thì thấy mất lẫy thần,
Thành Cổ Loa thất thủ,
Vua phải trốn, thoát thân.

Chỉ một mình một ngựa,
Người ngựa phóng như bay,
Sau lưng là con gái,
Liên tục suốt mấy ngày.      

Nàng Mỵ Châu lấy áo,
Nhổ lông rắc dọc đường.
Cuối cùng đến dãy núi,
Đêm vừa buông, mù sương.

Ngọn núi ấy gần biển,
Phía trước không đường đi.
Sau lưng giặc đang đuổi.
Vua không biết làm gì.

Ngài xuống ngựa, cầu khấn
Thần Kim Qui giúp mình.
Khấn xong, trời nổi gió
Và mặt biển rùng mình.

Thần Kim Qui xuất hiện:
“Giặc đang ngồi phía sau!”
Vua Âu Lạc chợt hiểu,
Liền chém con đứt đầu.

Rồi ngài ôm con khóc,
Leo lên tảng đá cao,
Nhảy xuống biển tự tử.
Biển nổi sóng dâng trào.

Nhớ lời vợ, Trọng Thủy
Liền lên đường đi tìm.
Chàng cứ đi, đi mãi,
Lần theo vết lông chim.

Khi đến núi Mộ Dạ,
Chàng tìm thấy Mỵ Châu,
Người vợ chàng yêu quí,
Chết, mà không có đầu.

Chàng ôm vợ than khóc,
Day dứt và chân thành.
Rồi vội vàng lên ngựa
Đem vợ về kinh thành.

Chàng làm lễ mai táng
Theo nghi thức vương gia,
Rồi gieo đầu xuống giếng
Chết trong thành Cổ Loa.

Chiếc giếng ấy, được biết,
Đã trải qua nhiều đời.
Nghe nói lấy nước giếng
Rửa ngọc, ngọc sáng ngời.


9
HAI BÀ TRƯNG

Bắt đầu giai đoạn mới
Trong lịch sử nước ta -
Một nghìn năm lệ thuộc 
Vào phong kiến Trung Hoa.

Vào năm Một Bảy Chín
Trước Công Nguyên, Triệu Đà
Sáp nhập vào Nam Việt
Nước Âu Lạc hiền hòa.

Nam Việt, như ta biết
Là Lưỡng Quảng ngày nay,
Vùng đất thuộc Trung Quốc,
Tức Quảng Đông, Quảng Tây.

Triệu Đà chia Âu Lạc
Thành hai quận, đông dân
Và rộng lớn lúc ấy,
Là Giao Chỉ, Cửu Chân.

Giao Chỉ ở Miền Bắc,
Còn Cửu Chân bây giờ
Thuộc vùng Thanh Nghệ Tĩnh,
Phong cảnh đẹp như mơ.

Vào năm Một Một Một,
Nhà Hán chiếm nước ta.
Lập thêm một quận nữa,
Nhật Nam, quận thứ ba.

Quận này đất cũng rộng,
Nhưng người thưa, hanh khô,
Từ Quảng Bình cát trắng
Đến Quảng Nam bây giờ.

Nhà Hán nhập ba quận
Với vùng đất người Tàu,
Thành một Châu rộng lớn,
Đặt tên là Giao Châu.

Thủ phủ của Châu ấy
Đóng ở huyện Thuận Thành.
Luy Lâu là tên cũ,
Nay thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Thái Thú đứng đầu quận.
Thứ Sử đứng đầu Châu.
Tất cả đều người Hán.
Còn Lạc Tướng, Lạc Hầu

Vẫn giữ nguyên người Việt.
Cai trị vẫn như xưa.
Dân chịu nhiều sưu thuế,
Thân phận như trâu, lừa.

Năm Ba Tư, Tô Định
Được nhà Hán cử sang
Làm Thái Thú Giao Chỉ.
Tên này loại làng nhàng,

Nhưng nham hiểm, độc ác,
Chuyên vơ vét cho mình,
Làm nhiều điều ngang ngược,
Gây khổ cho dân tình.

Bấy giờ ở vùng đất
Nay thuộc huyện Mê Linh,
Có hai chị em gái
Vừa đẹp vừa thông minh.

Con một vị Lạc Tướng.
Trưng Trắc là cô đầu.
Cô em là Trưng Nhị,
Ghét Tô Định từ lâu.

Quan Thái Thú Tô Định,
Gian xảo và đê hèn
Lập mưu giết Thi Sách,
Con quan huyện Châu Diên.

Ông là chồng Trưng Trắc,
Trước đó từng bất bình
Với cách quan nhà Hán
Cai trị dân nước mình.

Vào đầu năm Canh Tý,
Tức là năm bốn mươi,
Hai Bà Trưng khởi nghĩa  
Thu hút rất nhiều người.

Trước hết đền nợ nước,
Sau để trả thù nhà.
Nghĩa quân thắng dòn dã,
Nức lòng dân gần xa.

Theo truyền thuyết kể lại,
Hay tin, Nguyễn Tam Trinh
Từ Mai Động kéo đến
Cùng hai nghìn tráng binh.

Hơn ba nghìn lính nữ
Theo chủ tướng, Ông Cai,
Gia nhập quân khởi nghĩa,
Từ vùng đất Thanh Oai.

Quân Hai Bà rất mạnh.
Sáu lăm thành đầu hàng.
Tô Định trốn về nước,
Nhục nhã và vội vàng.

Hai Bà lập nước mới,
Kinh đô ở Mê Linh,
Đuổi Thái Thú phương Bắc,
Cai trị theo cách mình.

Đứng đầu đất nước ấy
Là hai vị nữ vương.
Xưa nay trong lịch sử,
Một sự kiện phi thường.

Năm Bốn Hai, nhà Hán
Sai Mã Viện Phục Ba,
Lưu Long làm phó tướng,
Sang chiếm lại nước ta.

        Cùng rất nhiều xe ngựa
Và hai vạn tinh binh
Chúng tấn công Hợp Phố,
Và cướp bóc dân tình.

Mã Viện đi đường thủy,
Lưu Long đi đường rừng,
Gặp phải sự chống cự
Nghĩa quân Hai Bà Trưng.

Quân Mã Viện thế mạnh,
Áp tới tận La Thành
Nghĩa quân không chống nổi,
Rút lui bảo vệ mình.

Sau một năm cầm cự,
Dũng cảm và kiên cường,
Quân Hai Bà đành rút,
Binh sĩ chết đầy đường.

Cuối cùng đến Phúc Thọ,
Giặc dụ dỗ ra hàng,
Nhưng Hai Bà tuẫn tiết,
Nhảy xuống dòng Hát Giang.  

Ở đấy giờ đang có
Ngôi đền thờ Hai Bà,
Một tấm gương trung liệt,
Trả nợ nước, thù nhà.

Quân Mã Viện tuy thắng,
Nhưng thiệt hại nặng nề.
Mười phần chết sáu, bảy
Ở vùng đất Cấm Khê.

Lại nói tướng Mã Viện,
Khi việc bình định xong,
Hắn ngạo nghễ cho đúc
Chiếc cột lớn bằng đồng.

Trên cột đồng hắn khắc
Hai dòng chữ sơn son:
“Khi cột đồng này gãy,
Đất Giao Chỉ không còn.”

Thật láo và hợm hĩnh
Viên tướng người Tàu này.
Cột đồng giờ chẳng thấy,
Nước Việt vẫn còn đây.

Hơn thế, còn hùng mạnh,
Đã đánh đuổi nhiều lần
Quân phương Bắc xâm lược.
Chúng sợ, chẳng dám gần.

*
Chuyện Trưng Trắc, Trưng Nhị,
Thế là ông kể xong.
Một trang sử chói lọi
Sống mãi cùng non sông.

Ngày mai ông kể tiếp
Chuyện bà Triệu Thị Trinh,
Hay còn gọi Bà Triệu,
Một anh hùng xứ Thanh.

Bây giờ, để giải trí,
Các cháu nghe chuyện này.
Chuyện ngụ ngôn Esôp,
Ý nghĩa và rất hay.


ÔNG GIÀ VÀ THẦN CHẾT

Xưa có ông già nọ,
Rất già yếu, thế mà
Phải hàng ngày hái củi
Ở tít trong rừng xa.
  
Một hôm, hái xong củi,
Đang định cõng mang về,
Nhưng bó củi quá nặng,
Lưng thì đau và tê,

Ông lão kêu tuyệt vọng:
“Thật khốn khổ thân tôi!
Chỉ mong sao Thần Chết
Đến bắt đi cho rồi!”

Lập tức, Thần Chết đến.
Đó là một bộ xương,
Một tay cầm lưỡi hái,
Đáng sợ và dị thường.

Ông lão run lập cập.
“Ngươi vừa mới gọi ta?”
“Vâng, ta muốn Thần Chết
Mang bó củi về nhà!”

Bây giờ các cháu biết,
Không phải mong ước nào
Cũng muốn thành hiện thực.
Cuộc sống lạ kỳ sao.  


10
NHO GIÁO, ĐẠO GIÁO VÀ PHẬT GIÁO

Nhà Đông Hán suy yếu,
Đầu thế kỷ thứ ba.
Ba nước Ngô, Thục Ngụy
Ra đời ở Trung Hoa.

Đó là thời Tam Quốc,
Khi ba nước tranh tài.
Nhà Ngô đã tự tiện
Chia Giao Châu thành hai.

Phần đất ở Trung Quốc
Được gọi là Quảng Châu.
Phần của Âu Lạc cũ
Thì gọi là Giao Châu.

Khi dẹp xong khởi nghĩa,
Các triều vua Trung Hoa
Cử người sang cai trị
Các huyện ở nước ta.

Cùng thời gian, đất nước
Phát triển hơn xưa nhiều.
Nhưng người dân vẫn khổ
Và cơ cực đủ điều.

Nhân tiện, ông muốn nói,
Rằng vào thời gian này,
Thế kỷ Một đến Sáu,
Đã có nhiều đổi thay

Trong đời sống văn hóa
Và tinh thần nước ta.
Nho Giáo rồi Đạo Giáo,
Rồi Đạo Phật Thích Ca

Được người Hán du nhập
Vào đời sống hàng ngày.
Sơ bộ, ông giải thích
Về từng đạo thế này.

*
Nho Giáo, hay Khổng Giáo,
Do Khổng Tử lập ra.
Là bộ luật ứng xử
Và lễ nghĩa người Hoa.

Khổng Tử người nước Lỗ,
Thông minh và thâm trầm,
Một triết gia cổ đại,
Hai nghìn năm trăm năm.

Cơ sở của Nho Giáo
Là Tứ Thư, Ngũ Kinh.
Nó dạy người nhỏ tuổi
Phải chăm lo học hành.

Luôn kính yêu cha mẹ,
Lớn, xây dựng nước nhà.
Như các cụ vẫn nói:
“Tu thân rồi tề gia…”

Sống, có trên có dưới,
Đúng đạo lý làm người.
Vua được gọi “Thiên Tử”,
Nôm na là “Con Trời’.

Nó dạy nhiều điều khác,
Nói chung, toàn điều hay.
Ảnh hưởng của Nho Giáo
Còn đến tận ngày nay.

*
Cùng thời với Khổng Tử,
Có Lão Tử, là người
Đã lập nên Đạo Giáo,
Chủ trương sống ở đời

Phải tuân theo số phận
Và qui luật tự nhiên.
Sống giản đơn, thanh bạch,
Không lo lắng, buồn phiền.

Lão Tử là tác giả
Bộ sách Đạo Đức Kinh.
Dựa vào nó, Lão Tử
Xây dựng thuyết của mình.

Đạo Giáo bao quát rộng,
Ngoài nghi lễ tinh thần,
Còn có cả tướng số,
Thuốc chữa bệnh, thiên văn.

Cả phép trừ ma thuật,
Cả phong thủy, pháp thiền,
Dưỡng sinh và diệt độc,
Cả phép luyện thuốc tiên…

Một người khác, Trang Tử,
Cũng đóng góp phần mình
Vào tư tưởng Đạo Giáo
Bằng cuốn Nam Hoa Kinh.

Ông này, theo truyền thuyết,
Có giấc mơ lạ thường.
Ông mơ mình hóa bướm,
Bay lượn mãi bên đường.

Tỉnh dậy, ông rất tiếc,
Thấy mình vẫn là người,
Không biết mơ hay tỉnh,
Đành thở dài, mỉm cười.

*
Quê hương của Phật Giáo
Không phải nước Trung Hoa,
Mà là nước Ấn Độ.
Đức Phật là Thích Ca.

Ngài là người có thật,
Sinh tháng Tư, ngày Rằm,
Cách đây đã lâu lắm -
Hai nghìn năm trăm năm.

Giáo lí của Đạo Phật
Chủ yếu ba điều này:
Không được làm việc ác,
Làm việc thiện hàng ngày.

Điều thứ ba, luôn nhớ
Làm sạch ý nghĩ mình
Bằng cách ngồi thiền định
Hoặc niệm Phật, cầu kinh.

Thế giới, ba Đạo lớn,
Là Đạo Phật lâu đời,
Rồi đến Đạo Thiên Chúa,
Cuối cùng là Đạo Hồi.

Đạo Phật giúp hướng thiện,
Xua đuổi cái ác tà,
Làm lòng người nhân ái,
Xã hội đẹp, hài hòa.

Vậy là ông nói hết
Tam Giáo của người Tàu,
Nhập vào đời sống Việt,
Cái thuở ấy ban đầu.

*
Các cháu mệt chưa nhỉ?
Không sao, ông có đây
Thêm một truyện cổ tích.
Truyện rất nhộn, thế này.


MƯỜI VOI KHÔNG ĐƯỢC BÁT NƯỚC XÁO

Xưa, có ba cô gái,
Đến tuổi, đi lấy chồng.
Thành ra nhà ba rể.
Ba ắt tốt hơn không.

Hai anh đầu giàu có,  
Nghiêm chỉnh và đàng hoàng.
Anh thứ ba nghèo khổ,
Lại còn thói huênh hoang.

Một hôm, bố vợ chết,
Hai anh mang lợn, xôi.
Anh thứ ba tay trắng,
Còn khinh khỉnh bĩu môi:

“Lợn hai bác bé quá.
Để bây giờ em đi
Mua mười voi làm cỗ
Chừng ấy thấm tháp gì.”

Rồi anh ta đi thật.
Đi đâu không ai hay,
Bắt người ta chờ mãi,
Cho đến khi tối ngày

Anh ta mới quay lại,
Tay không vẫn tay không,
Rồi làm bộ giận dữ:
“Thật đúng là mất công.

Cái nhà kia thật láo,
Tôi định mua mười voi,
Mà hắn chỉ có tám,
Thế là chờ công toi.”

Rồi anh ta ngồi xuống,
Thản nhiên chén ngon lành,  
Lại chê con lợn bé,
Không có mỡ trong canh.

Từ đấy mới có chuyện
Nói khoác những mười voi,
Không được bát nước xáo.  
Một anh rể không tồi.


11
BÀ TRIỆU

Hôm qua ông đã nói,
Vì sưu thuế nặng nề,
Dân Giao Châu cơ cực
Và khốn khổ đủ bề.

Nhiều nơi dân khởi nghĩa
Chống lại ách ngoại bang,
Khiến vua quan Trung Quốc
Phải hoảng sợ, kinh hoàng.

Thái Thú quận Giao Chỉ
Là Tiết Tống tâu vua:
“Dân Giao Chỉ khó trị,
Đất lam chướng bốn mùa…”

Năm Hai Trăm Bốn Tám,
Giữa thế kỷ thứ Ba,
Một cuộc khởi nghĩa lớn
Có nhiều người tham gia.

*
Một truyền thuyết kể lại,
Xưa ở quận Cửu Chân
Có một con voi trắng
To đẹp như voi thần.

Nó xuống núi phá phách,
Dẫm đạp hết mùa màng.
Nhiều khi còn táo tợn
Xông cả vào xóm làng.

Con voi thật to lớn,
Duy nhất chỉ một ngà.
Ai nhìn thấy cũng sợ,
Phải né tránh từ xa.

Thế mà một cô gái,
Xinh đẹp, để vai trần,
Quyết tay không bắt nó  
Để trừ hại cho dân.

Cô đi trước, khiêu khích,
Nhử nó ra đầm sình,
Rồi nhảy lên đầu nó
Đưa về nuôi nhà mình.  

Về sau, cô gái ấy
Chiêu quân chống giặc Ngô,
Luôn cưỡi nó ra trận,
Voi một ngà, khổng lồ.

Truyền thuyết còn kể lại
Rằng ngực cô rất dài,
“Dài tới hơn ba thước”,
Thường phải vắt lên vai.

Quân giặc nhìn, cả sợ,
Liền bỏ chạy thoát thân.
Cô gái ấy xinh đẹp,
Oai nghiêm như vị thần.

*
Cô gái trong huyền thoại,
Tên là Triệu Thị Trinh,
Một anh hùng dân tộc,
Dám vì dân quên mình.

Bà người huyện Yên Định,
Tỉnh Thanh Hóa bây giờ,
Không may bố mẹ chết
Khi đang còn trẻ thơ.

Anh bà, Triệu Quốc Đạt,
Nuôi em như mẹ hiền.
Ông là một hào trưởng,
Làm huyện lệnh Quan Yên.

Lớn lên, bà giỏi võ,
Có sức khỏe hơn người,
Lại nung nấu chí lớn
Muốn ra tay giúp đời.

Gặp người chị dâu ác,
Bà trốn nhà đi xa,
Lên rừng chiêu binh mã,
Hơn nghìn người theo bà.

Thấy giặc Ngô tàn ác,
Bà về bàn với anh
Cùng khởi binh chống lại,
Và được anh đồng tình.

Từ căn cứ Yên Định,
Nghĩa quân lấn đánh dần,
Chiếm quận lỵ Tư Phố,
Rồi cả vùng Cửu Chân.

Quốc Đạt lâm bệnh chết,
Bà cầm quân thay anh.
Ra trận mặc giáp bạc,
Cưỡi voi, cài trâm anh.

Trông bà thật lẫm liệt,
Xinh đẹp như nữ thần,
Nên người ta thường gọi
Là “Nhụy Kiều Tướng quân.”

*
Nghe tin có bạo loạn,
Vua Ngô rất lo âu,
Liền cử tướng Lục Dận
Làm thứ sử Giao Châu.

Cùng sáu nghìn binh mã,
Theo đường bộ tới đây,
Hắn quyết tâm đàn áp
Cuộc khởi nghĩa lần này.

Hắn dùng tiền mua chuộc
Nhiều hào trưởng địa phương,
Hứa phong cho Bà Triệu
Chức Lệ Hải Bà Vương.

Tất nhiên Bà từ chối,
Nhất quyết không đầu hàng.
Nghĩa binh được khích lệ,
Tinh thần càng vững vàng.

Nhiều trận đánh ác liệt
Ở căn cứ Bồ Điền.
Nhưng do lực quá yếu,
Thiếu lương thực và tiền,

Nên chỉ sau hai tháng
Cầm cự rất kiên cường,
Thành Bồ Điền thất thủ,
Rơi vào tay đối phương.

Bà Triệu đã tuẫn tiết
Trên núi Tùng đầy mây.
Nó ở xã Triệu Lộc,
Huyện Hậu Lộc ngày nay.

Bà mới hăm ba tuổi,
Chết, để lại tấm lòng
Và chiến công hiển hách,
Sống mãi với non sông.

*
Giờ thì các cháu thấy
Rằng phụ nữ nước ta
Đúng là thật oanh liệt.
Thật oanh liệt các Bà.

Bà Trưng rồi Bà Triệu.
Rồi sau nữa con nhiều.
Tổ tiên chúng ta đấy.
Ngoan cường và đáng yêu.

Bây giờ, như thường lệ,
Nào, ngồi xích lại đây.
Lại kê chuyện cố tích,
Cực nhộn và cực hay.


VUA LỢN  

Xưa, có anh chàng nọ,
Nhà nghèo, không mẹ cha,
Phải đi ở từ bé
Cho ông quan huyện già.  

Vì làm lụng vất vả,
Vì ở bẩn thành quen,
Anh chàng bẩn như lợn.
Và Lợn cũng là tên.  

Một hôm, đang kỳ cọ
Chân quan huyện bên bồn,
Hắn thấy mu chân chủ
Có ba nốt ruồi son.

Buột miệng thôi, Lợn nói
Hắn cũng có sau lưng
Chín nốt ruồi như thế.
Quan nghe, bảo hắn dừng,  

Cởi áo, quan xem kỹ.
Quả có chín nốt ruồi.
Xếp thành hàng thật đẹp,
Nốt nào cũng hồng tươi.

Không nghi ngờ gì nữa.
Đây là tướng làm vua.
Thằng Lợn thành vua Lợn?
Đây không phải chuyện đùa.

Quan quyết định giết hắn,
Bèn lệnh cho nô tỳ,
Bảo như thế, như thế,
Như thế cứ làm đi.  

Nô tỳ tên là Gái,
Thầm yêu Lợn lâu nay,
Bèn báo cho Lợn biết,
Bảo phải trốn đi ngay.

Lợn sợ, đi xa lắm,
Theo dòng sông ngược lên,
Cuối cùng hắn được nhận
Giúp việc trong ngôi đền.

Đền có tượng hộ pháp
To lớn và phương phi.
Lợn lau, với không tới,
Bèn nói: “Ngồi xuống đi.”

Thật lạ, ông hộ pháp
Nghe nói thế liền ngồi.
Lau xong, lại đứng dậy,
Còn mỉm cười, nhếch môi.

Ban đêm Lợn bảo tượng
Ra tập võ cho mình.
Có hôm tập hăng quá
Đến tận rạng bình minh.

Ông chủ đền thấy lạ,
Bèn hỏi rõ đầu đuôi.
Lợn thật thà kể hết,
Kể cả chuyện nốt ruồi.

Ông già báo quan huyện.
Quan đến bắt Lợn đi
Vì ngài vẫn muốn giết
Cái thằng này lạ kỳ.

Bất chợt một toán cướp
Từ trong rừng nhảy ra,
Đánh quân lính tan tác
Rồi khênh Lợn về nhà.

Ở đấy, chúng sụp lạy 
Trước Lợn rồi kính thưa:
Đêm qua thần báo mộng
Hôm nay sẽ gặp vua.

Lợn vui vẻ đồng ý
Làm thủ lĩnh nghĩa quân,
Được tắm rửa sạch sẽ
Và thay mới áo quần.

Nhưng tên Lợn vẫn giữ.
Thủ lĩnh Lợn oai phong.
Các anh hùng hào kiệt
Đến tụ nghĩa rất đông.      

Rồi khởi nghĩa thắng lợi,
Lợn được tôn làm vua.
Một vị vua rất oách,
Vua thật chứ chẳng đùa.

Một lần ngài kinh lý,
Thấy cô Gái năm nào.
Gái nói: “Vua oai nhỉ?”
Ngài đáp: “Ừ, thì sao?

Có muốn làm hoàng hậu
Thì lên xe đi cùng.”
Gái gật đầu: “Cũng được.”
Rồi hai người về cung.


12
LÝ BÍ VÀ NHÀ TIỀN LÝ

Đầu thế kỷ thứ Sáu,
Nhà Lương chia nước ta
Thành sáu châu lớn nhỏ.
Tên các châu ấy là:

Giao Châu ở Bắc Bộ.
Ở Thanh Hóa - Ái Châu.
Đức, Lợi, Minh - Nghệ Tĩnh.
Quảng Ninh là Hoàng Châu.

Ở Giao Châu thời ấy
Thứ Sử là Tiêu Tư,
Tham lam và gian ác
Nhưng giả bộ nhân từ.

Hắn đặt nhiều thuế mới,
Tăng lao dịch, lao công,
Làm người dân cơ cực,
Luôn ấm ức trong lòng.

Rồi một cuộc khởi nghĩa,
Năm năm trăm bốn hai,
Do Lý Bí khởi xướng,
Ác liệt và kéo dài.

Sau, ông thành vua Việt,
Hậu duệ người Trung Hoa,
Đó là Lý Nam Đế,
Chính trực và tài ba.

Vào cuối đời Tây Hán,
Để tránh nạn đao binh,
Tổ tiên ông phiêu dạt
Sang nước Nam yên bình.

Đến đời thứ mười một
Lý Nam Đế mới sinh.
Cụ bà ông người Việt,
Đa tài và rất xinh.

Ông lập nhà Tiền Lý,
Khai sinh nước Vạn Xuân,
Một anh hùng dân tộc,
Sống mãi cùng nhân dân.

Ông tên là Lý Bí,
Sinh ở nơi ngày nay
Là vùng đất Thạch Thất
Và thị xã Sơn Tây.

Năm tuổi, ông mất bố.
Bảy tuổi, mẹ qua đời,
Ông sống với người chú.
Đến khi ông lên mười,

Một nhà sư đức độ
Cho vào chùa nhập thiền.
Sau mười năm đèn sách,
Ông thành người thâm uyên.

Tiêu Tư cho Lý Bí
Làm Giám quân Đức Châu,
Nay thuộc huyện Đức Thọ,
Nhưng một thời gian sau,

Thấy dân tình quá khổ
Vì sưu thuế nặng nề,
Vì chế độ lao dịch,
Ông từ quan về quê.

Ông chiêu binh, mãi mã,
Quyết chống lại người Tàu.
Trong số người hưởng ứng
Có thủ lĩnh nhiều châu,

Như Triệu Túc, Hà Nội,
Phạm Tu ở Thái Bình.
Thế mạnh như thác đổ,
Háo hức lòng dân tình.

Chỉ trong vòng ba tháng,
Nghĩa quân chiếm hết châu.
Tiêu Tư cùng gia thất
Phải trốn chạy về Tàu.

Toàn bộ vùng Bắc Bộ
Nằm trong tay nghĩa quân.
Lần lượt các châu khác
Cũng được giải phóng dần.

Vua nhà Lương, Vũ Đế,
Tháng Tư, năm bốn hai,
Cho quân sang trấn áp,
Cử toàn những tướng tài.

Nghe tin này, Lý Bí  
Liền chủ động đưa quân
Sang bán đảo Hợp Phố
Mai phục sẵn một phần.

Thành Hợp Phố lúc ấy
Còn thuộc về Giao Châu.  
Khi quân Lương kéo đến
Liền bị đánh phủ đầu.

Quân của tướng Tôn Quýnh
Mười phần chết bảy phần.
Thế là thành đại bại,
Hắn phải đành rút quân.

Cả nước được giải phóng
Sau trận chiến thắng này,
Kể cả quận Hợp Phố
Thuộc Quảng Đông ngày nay.

Ngày ấy ở vùng đất
Quảng Bình đến Quảng Nam
Là vương quốc Lâm Ấp,
Ở phía bắc nước Chàm.

Lâm Ấp thấy Lý Bí
Đang bận đánh quân Lương,
Định xâm lấn bờ cõi,
Thái độ rất khinh thường.

Chúng đem quân đánh chiếm
Phần phía Nam Giao Châu,
Nay là Thanh, Nghệ, Tĩnh,
Bằng đường bộ, bằng tàu.

Lý Bí sai tướng giỏi
Vào đánh dẹp, rất nhanh
Đội quân của Lâm Ấp
Đã bị đánh tan tành.

*
Năm năm trăm bốn bốn,
Lý Bí tự xưng vương,
Gọi là Lý Nam Đế,
Một việc cũng bình thường.  

Đặt niên hiệu Thiên Đức,
Quốc hiệu là Vạn Xuân.
Lập trăm quan văn võ,
Xuống chiếu để yên dân.

Lập đô ở Đan Phượng,
Thuộc Hà Nội ngày nay,
Cho xây điện Vạn Thọ
Để triều kiến hàng ngày.

Tướng Tinh Thiều giỏi chữ,
Được đứng đầu ban văn.
Còn đứng đầu ban võ 
Là Phạm Tu phong trần.

Năm sau, vào tháng Sáu,
Tướng Bá Tiên dẫn đầu
Một đoàn quân hùng mạnh
Sang chiếm lại Giao Châu.

Lý Nam Đế lập tức
Điều ba vạn nghĩa quân
Quyết một lòng bảo vệ
Đất nước mới Vạn Xuân.

Ở cửa sông Tô Lịch
Quân của ông bị thua.
Tướng Tinh Thiều tử trận
Khi phá vây cứu vua.

Thế yếu, Lý Nam Đế
Rút về thành Gia Ninh,
Nay ở tỉnh Phú Thọ,
Để chấn chỉnh lương, binh.

Tháng Giêng năm bốn sáu
Bá Tiên chiếm thành này.  
Tướng Phạm Tu tử trận,
Vua phải bỏ nơi đây

Để đến hồ Điển Triệt,
Huyện Lập Thạch bây giờ.
Ông đóng nhiều thuyền lớn,
Đậu kín cả mặt hồ.

Quân Lương không dám tiến,
Chờ nước lụt dâng cao.
Bất ngờ nước dâng thật,
Thuyền quân giặc kéo vào.

Do không phòng ngự trước
Quân của vua thua to,
Rút về động Khuất Lão, 
Dai dẳng thế dằng co.

Năm năm trăm bốn tám,
Ở trong hang quá lâu,
Ông nhiễm bệnh, mù mắt,
Qua đời mấy tháng sau.

Hưởng thọ bốn sáu tuổi,
Trị vì được năm năm,
Vua băng hà, để lại
Lừng lẫy một tiếng tăm.

Người vợ vua yêu quí,
Hoàng hậu Bùi Thị Quyền,
Cũng là một dũng tướng,
Hy sinh cùng chiến thuyền.

*
Lại thích nghe cổ tích?
Được thôi, ông có đây.
Ông nhiều cổ tích lắm.
Có thể kể suốt ngày.


ĂN QUẢ KHẾ, TRẢ CỤC VÀNG

Hai anh em nhà nọ  
Sớm mồ côi mẹ cha.
Người anh, khi lấy vợ,
Đuổi em ra khỏi nhà.

Ruộng đất và nhà lớn
Anh ta giữ cho mình.
Chỉ cho em cây khế
Và một túp lều tranh.

Người em, vốn dễ tính,
Không một lời cằn nhằn,
Chỉ chăm sóc cây khế
Và làm thuê kiếm ăn.  

Không hiểu sao năm ấy
Cây khế trái rất nhiều.
Người em mừng, nghĩ bụng
Bán khế lấy tiền tiêu.

Thế mà rồi bất chợt
Có con chim khổng lồ
Không biết từ đâu đến,
Mổ khế ăn kỳ no.

Người em nhìn, tiếc của:
“Tôi chỉ có cây này.
Nếu chim ăn hết khế,
Tôi sống thế nào đây?”

Con chim đáp: “Đừng sợ,
Tôi là người đàng hoàng.
Cứ ăn một quả khế,
Tôi trả anh cục vàng.”

Hôm sau và sau nữa
Con chim ấy khổng lồ
Tiếp tục đến ăn khế,
Ăn nhiều, ăn thật no.

Cuối cùng con chim nói:
“Hãy may túi ba gang,
Ngồi lên lưng, tôi chở
Đi đến chỗ lấy vàng.

Con chim bay, bay mãi,
Chàng chẳng nhớ bao lâu,
Cuối cùng đến hòn đảo
Đầy bạc vàng, ngọc châu.

Chàng đi dạo quanh đảo,
Chỉ nhặt một ít vàng
Cho vào chiếc túi vải
Rộng vừa đúng ba gang.

Chim bảo lấy thêm nữa
Nhưng chàng chỉ lắc đầu.
Trở về nhà, từ đó
Chàng thành người rất giàu.

Người anh khi biết chuyện
Liền đến gạ gẫm chàng,
Xin đem hết nhà cửa
Đổi lấy cây khế vàng.  

Thương anh, lại dễ tính,
Cuối cùng chàng gật đầu.
Người anh tham, háo hức
Chờ mùa khế năm sau.

Con chim kia lại đến,
Ăn khế, hứa trả vàng.
Ăn sắp hết, lại dặn
May túi vải ba gang.

Chim không biết trước đấy
Hai vợ chồng anh này
Đã may sẵn chiếc túi
Rộng đúng bằng sải tay.

Thành ra khi đến đảo
Lấy vàng xong, quay về,
Chim nặng, bảo vứt bớt,
Nhưng anh chàng không nghe.

Anh ta ôm chặt túi,
Nhất quyết không chịu rời.
Chim tức giận, nghiêng cánh,
Rơi cả túi lẫn người.

*
Thế là anh ta chết
Vì lòng tham, đúng không.
Bài học này các cháu
Phải ghi nhớ trong lòng.

Giờ thì ông kể tiếp
Về đất nước Vạn Xuân
Sau khi Lý Bí chết,
Lực lượng suy yếu dần.


13
TRIỆU QUANG PHỤC VÀ NHÀ HẬU LÝ

1
Lý Nam Đế khi mất,
Có dặn dò ân cần
Và trao lại quyền bính
Cho một người rất thân.

Đó là Triệu Quang Phục,
Người cùng bố giúp ông
Đánh giặc Lương đô hộ
Và gây dựng non sông.

Dưới triều đại nhà Lý
Ông là Tả tướng quân,
Người nắm quyền quân sự 
Đất nước trẻ Vạn Xuân.

Vâng mệnh, Triệu Quang Phục,
Sau thành Triệu Việt Vương,
Đã giữ vững bờ cõi,
Chống xâm lược nhà Lương.

Ông là con Triệu Túc,
Người ở huyện Chu Diên,
Nay nằm ở vùng đất
Phía Đông thành Long Biên.

Hai cha con họ Triệu
Theo Lý Bí từ đầu,
Lập được nhiều công lớn
Truyền tụng mãi về sau.

Năm năm trăm bốn bảy,
Ông đến một đầm lầy
Có tên là Dạ Trạch,
Huyện Khoái Châu ngày nay.

Đó là một đầm lớn,
Ở giữa có gò cao,
Cây cối rất rậm rạp,
Khó ra và khó vào.

Ông tập trung ở đấy
Những hơn hai vạn người.
Dùng chiến thuật du kích,
Giấu khói và giấu người.

Trần Bá Tiên, tướng giặc,
Muốn đánh nhanh thắng nhanh,
Nhưng bị ông giữ lại,
Ngập chân trong bùn sình.

Đêm, các thuyền độc mộc
Đi từ bãi Tự Nhiên
Đến đánh úp lương thảo
Doanh trại Trần Bá Tiên.  

Quân giặc bị bắt sống
Hoặc bị giết hàng nghìn.
Quân Lương rất mệt mỏi,
Nhưng chỉ biết đứng nhìn.

Năm năm trăm bốn tám,
Lý Nam Đế qua đời.
Ông xưng vương, điều ấy 
Hợp lẽ người, lẽ trời.

Tên nước vẫn như cũ,
Ông thành Triệu Việt Vương,
Vẫn ở đầm Dạ Trạch,
Vẫn chiến đấu như thường.

Một thời gian sau đó
Trần Bá Tiên về Tàu,
Giao Dương Sàn, tỳ tướng,
Phải mai phục dài lâu.

Vua Vạn Xuân lập tức
Tung quân đánh họ Dương.
Quân Lương thua, tan vỡ
Phải trốn về Bắc phương.

Đất nước hết bóng giặc, 
Hết chiến tranh triền miên.
Vua và tôi nhà Triệu
Dọn về thành Long Biên.

*
Lại nói Lý Nam Đế
Trước có người anh trai
Tên là Lý Thiên Bảo,
Một dũng tướng có tài.

Khi vua Lý gặp khốn,
Bị bệnh, nằm trong hang,
Ông và Lý Phật Tử,
Một người cùng họ hàng,  

Đem ba vạn binh mã
Đánh vào vùng Đức Châu,
Nay thuộc đất xứ Nghệ,
Định tính kế dài lâu.

Họ giết Trần Văn Giới,
Một viên tướng người Tàu,
Rồi đem quân ra Bắc,
Tiến đánh vùng Ái Châu.

Trần Bá Tiên đánh trả,
Họ thua, sang Ai Lao,
Đến đất người Di Lạo,
Nay thuộc về nước Lào.

Binh lính chết già nửa,
Chỉ còn hơn vạn người.
Họ chọn vùng đất rộng,
Màu mỡ và xanh tươi

Rồi lập nên nước mới
Đặt tên là Dã Tăng,
Còn tướng Lý Thiên Bảo
Tự xưng vương, Đào Lang.

Khi vua Đào Lang chết,
Chỉ mấy năm sau này,
Không có con nối dõi,
Lý Phật Tử lên thay.  

Năm năm trăm năm bảy  
Lý Phật Tử lên đường
Đem quân xuống giao chiến
Với quân Triệu Việt vương.  

Hai bên đánh năm trận
Ở vùng đất Thái Bình.
Phật Tử biết mình yêu,
Bèn chủ động hoãn binh.

Ông đề nghị vua Triệu
Cùng thôi binh, giảng hòa. 
Hơn thế, còn mong muốn
Được trở thành thông gia.

Con trai Lý Phật Tử,
Có tên là Nhã Lang,
Muốn lấy con vua Triệu
Là công chúa Cảo Nương.

Còn nặng tình họ Lý,
Triệu Việt Vương gật đầu,
Chia đất nước ông có
Thanh hai phần đều nhau.

Phía Tây thuộc Phật Tử,
Phía Đông của Việt Vương.
Đất ai người ấy giữ,
Đúng như lẽ đạo thường.

Đường ranh địa giới ấy
Là bãi sậy lơ thơ
Giữa làng Thượng, Hạ Cát,
Huyện Từ Liêm bây giờ.

Sau đó Lý Phật Tử
Dọn đến thành Ô Diên
Nay là xã Hạ Mỗ,
Cũng thuộc huyện Từ Liêm.

Hai bên cựu thù địch
Giờ giảng hòa với nhau,
Thề thân ái, đoàn kết
Tới răng long, bạc đầu.

*
Theo truyền thuyết kể lại,
Khi lấy nàng Cảo Nương,
Nhã Lang muốn tìm hiểu
Binh tình nhà Việt Vương.

Năm năm trăm bảy mốt
Lý Phật Tử bội thề,
Đánh úp Triệu Quang Phục,
Bao vây khắp tứ bề.

Thế yếu không địch nổi,  
Cùng con gái của mình
Vua bỏ chạy, chạy mãi
Rồi hai người quyên sinh.

Thế là nhà Triệu mất,
Trị vì hăm ba năm.
Nhà Lý được khôi phục
Sau bao nỗi thăng trầm.

Lên ngôi, Lý Phật Tử
Đóng đô ở Phong Châu,
Cũng xưng Lý Nam Đế,
Các sử gia đời sau

Gọi là nhà Hậu Lý
Để phân biệt gian, ngay
Giữa Lý Bí vua trước
Và Phật Tử vua này.

Nhà Tùy bên Trung Quốc,
Hơn ba mươi năm sau
Cho quân sang đánh chiếm,
Tướng Lưu Phương cầm đầu.

Hay tin, Lý Phật Tử
Rút về thành Cổ Loa.
Bị bao vây, dụ dỗ,
Ông nộp mình xin hòa.

Cả hoàng tộc bị giết,
Một cảnh tượng đáng thương.
Vua bị đưa về Bắc
Rồi cũng chết dọc đường.

*
Nước Vạn Xuân kết thúc,
Năm sáu trăm linh ba.
Nhà Đường được thành lập,
Và đô hộ nước ta.

Ngày mai ông sẽ kể 
Về giai đoạn sử này.
Giờ thì nghe ông đọc
Bài thơ tếu sau đây.

Bài thơ về loài vật,
Trong một chuyến đi chơi
Tranh chỗ trên xe buýt,
Bị người ta chê cười.

Tác giả là Mac-sắc,
Nhà thơ lớn người Nga.
Ông dịch từ lâu lắm
Sang tiếng Việt nước ta.


TRÊN XE BUÝT

1.
A, xe buýt đến rồi!
Bò nhảy lên chiếm chỗ.
Chó cũng chen vào ngồi.
Dê tranh nhau với Chó.

Én lách qua cửa sau.
Gà luôn mồm tục tác.
Hươu xí chỗ từ lâu,
Ít khi nhường người khác.

Khỉ hỏi: Mấy giờ rồi?
Lợn bận ăn không đáp.
Mèo khinh khỉnh bĩu môi.
Ngựa thì đang bận ngáp.

Ong không chịu ngồi yên.
Phượng hoàng múa rất nhắng.
Quạ hát mà như rên.
Rái Cá kêu: Im lặng!

Sóc cãi nhau với Trâu.
Trâu đá cho một cái,
U hết tai, hết đầu.
Voi phải ra hòa giải.

Xe cứ đi, lái xe
Yêu cầu khách mua vé,
Nhưng khách chẳng thèm nghe,
Cứ trêu đùa vui vẻ.

2.
Các bạn nhỏ của tôi,
Đây là chuyện có thật
Về một chuyến đi chơi
Bằng xe, của loài vật.

Khi đọc bài thơ này -
Nếu cần, xin đọc lại -
Bạn sẽ thấy ở đây
Đủ hăm hai chữ cái.

Và nhân tiện, tôi khuyên:
Đi xe, ai cũng vậy,
Phải tôn trọng người bên,
Không làm ồn, không quấy.


14
MAI THÚC LOAN


19 thg 12, 2013

SỬ VIỆT CHO HỌC SINH

Thái Bá Tân
___________

1
LỜI MÀO ĐẦU

Chào các cháu thân mến.
Ông là Thái Bá Tân,
Còn gọi Ông Tân Béo,
Nghề - làm thơ, viết văn.

Trước ông cũng dạy học,
Nhưng lâu rồi, hôm nay
Ông có chuyện muốn nói
Với các cháu thế này.

Người ta bảo các cháu
Ngại môn Sử, đúng không?
Thế thì thật đáng tiếc,
Vì môn ấy, theo ông

Là môn rất bổ ích,
Dễ học và cực hay.
Ông ngày bé, thú thật,
Mê học nó hàng ngày.

Vì sao? Vì học nó
Như một chuyến đi xa,
Ngược thời gian, tìm hiểu
Lịch sử của nước nhà.

Mà chuyến đi vui lắm,
Chẳng tốn kém một đồng.
Ông sẽ dẫn các cháu,
Ta cùng đi, thích không?

Vừa đi ông vừa kể,
Bảo đảm không ai buồn.
Kể bằng thơ dễ hiểu.
Nếu cần, ông thề luôn.

Sẽ lâu và xa đấy.
Bốn nghìn năm cơ mà.
Bốn nghìn năm lịch sử
Đất nước Việt Nam ta.

Ông sẽ theo trình tự
Kể từ những ngày đầu
Nhân dân ta dựng nước
Rồi kể tiếp về sau.

Suốt bốn nghìn năm ấy
Tổ Quốc ta thân yêu
Trải qua bao biến cố.
Nhiều lắm, nhiều, rất nhiều.

Nhiều triều đại tiếp nối.
Nhiều chiến thắng vẻ vang.
Nhiều anh hùng, hào kiệt.
Nhiều trang sử huy hoàng…

Tất cả những cái ấy
Ta phải biết, đúng không?
Biết để hiểu đất nước,
Tự hào về cha ông.

Lần lượt ông kể hết.
Hơn thế, dọc đường đi
Ông kể xen cổ tích,
Toàn truyện hay, li kỳ.

Hoặc có thể là truyện
Các danh nhân, anh hùng.
Nước ta, người như thế
Thì ôi, nhiều vô cùng.

Các cháu đồng ý chứ,
Sao cứ phải chờ lâu?
Làm gì là làm tới.
Nào, chúng ta bắt đầu.


2
VŨ TRỤ VÀ TRÁI ĐẤT 

Đã bao giờ các cháu
Tự hỏi mình câu này:
“Từ đâu ta có được
Thế giới như hôm nay?”

Một câu hỏi thú vị,
Được đặt ra từ lâu.
Bây giờ ông sẽ nói,
Từ sơ khai, ban đầu.

Mười bốn tỉ năm trước,
Có một cái Big Bang,
Tức là Vụ Nổ Lớn,
To lắm, thật kinh hoàng.

Cái Big Bang lớn ấy
Làm vũ trụ nở ra,
Tạo nên các thiên thể,
Như Trăng, Sao, Thiên Hà…

Mười tỉ năm sau đó
Trái Đất mới ra đời,
Như một hành tinh nhỏ
Bay xung quanh Mặt Trời.

Mặt Trời về thực chất
Chính là một Ngôi Sao,
Vì nó tự phát sáng,
Lơ lửng trên trời cao.

Thiên thể bay quanh nó
Được gọi là Hành Tinh,
Tự chúng không phát sáng,
Như Trái Đất chúng mình.

Mặt Trời có tất cả
Tám Hành Tinh khác nhau.
Rất khác về kích thước,
Tính chất và sắc màu.

Đó chính là Sao Hỏa,
Sao Mộc, Hải, Thiên Vương,
Các sao Thổ, Kim, Thủy
Và Trái Đất thân thương.

Trong số tám “Sao” ấy,
(Chính xác là Hành Tinh,
Vì do ta gọi chệch)
Có Vệ Tinh của mình.

Vệ Tinh là gì nhỉ?
Là thiên thể bay quanh
Một Hành Tinh nào đó.
Tất nhiên bay rất nhanh.

Ngoài Vệ Tinh nhân tạo,
Trái Đất có Mặt Trăng,
Một Vệ Tinh tuyệt đẹp,
Ta quen gọi Chị Hằng.

Chị Hằng không tỏa sáng.
Hấp thụ ánh Mặt Trời,
Đêm, Chị phản chiếu lại,
Làm say lòng loài người.

Theo các nhà khoa học,
Trái Đất của chúng ta
Hình thành từ mảnh vỡ
Của Mặt Trời văng ra.

Đến lượt mình, Trái Đất
Cũng có một miếng văng,
Cùng thời gian, cô lại
Và rồi thành Mặt Trăng.

Vậy, như ông đã nói,
Sau cú nổ kinh hoàng,
Ta gọi Vụ Nổ Lớn,
Tây thì gọi Big Bang,

Tỉ tỉ Sao xuất hiện,
Phân bố ở khắp nơi.
Mỗi Sao là một Hệ.
Ta thuộc Hệ Mặt Trời.

Nhiều Hệ gộp nhau lại
Thành một chùm Thiên Hà.
Ngân Hà là tên gọi
Thiên Hà của chúng ta.

Vũ Trụ nó lớn lắm.
Lớn vô tận, vô cùng,
Đến mức ông cũng chịu,
Không thể nào hình dung.

Cùng với sự lớn ấy
Là khối lượng khổng lồ
Các Thiên Hà, các Hệ
Đủ kích thước nhỏ to.

Có chuyện này thật lạ,
Thoạt nghe tưởng chuyện cười,
Rằng Sao trong Vũ Trụ
Cũng sinh, chết, như người.

Theo các nhà khoa học,
Năm tỉ năm nữa thôi
Mặt Trời ngừng phát sáng
Và sẽ chết, than ôi,

Trái Đất ta, thật tiếc,
Cũng chết theo, tuy nhiên,
Từ giờ đến lúc ấy
Còn lâu, đừng buồn phiền.

Cũng có thể khoa học
Giúp chúng ta “dọn nhà”
Sang sống ở nơi khác
Trong Vũ Trụ bao la.

Vậy là hết lo nhé,
Ngoài lo học thành người.
Nhất là học môn Sử.
Tuyệt đối không được lười.

Tiếp đến ông sẽ nói
Một đề tài rất hay,
Là do đâu xuất hiện
Sự sống như ngày nay.

Giờ thì như đã hứa,
Để các cháu nghỉ ngơi,
Ông kể một câu chuyện,
Một bài học ở đời.

Chuyện về một cậu bé
Lười đọc sách, tiếc sao.
Rồi các cháu sẽ hiểu
Chuyện kết thúc thế nào.

Đúng, đọc sách cần lắm.
Mà phải đọc hàng ngày.
Nào, lắng nghe ông kể.
Câu chuyện ấy thế này.


CUỐN SÁCH VÀ CHIẾC GIỎ ĐỰNG THAN  

Theo người ta kể lại,
Xưa có người đàn ông
Sống với một cậu bé
Trong ngôi nhà ven sông.

Đó là hai ông cháu.
Người ông tóc bạc phơ.
Cậu bé mới mười tuổi.
Quang cảnh đẹp, nên thơ.

Hàng ngày ông đọc sách.
Vâng, đọc sách hàng ngày.
Có nhiều cuốn sách cổ
Gáy bọc da, rất dày.

Còn cậu bé đi học,
Cũng hàng ngày, buổi chiều,
Khi làm xong bài tập,
Cậu chơi bóng, thả diều.

Cũng có hôm chơi chán,
Cậu đọc sách cùng ông,
Nhưng đọc không hứng lắm,
Và lúc hiểu, lúc không.

“Ông ơi, sao thế nhỉ, -
Cháu đọc thấy không hay,
Lại buồn ngủ, không hiểu.
Mà ông đọc suốt ngày.”

Ông mỉm cười bảo cậu
Lấy chiếc giỏ than đen
Vừa đổ than vào bếp,
Xuống sông xách nước lên.

Cậu vâng lời, rất cố,
Nhưng khi lên đến nơi,
Nước đã chảy ra hết.
Ông cậu lại mỉm cười:

“Thì cháu hãy thử lại.
Lần này đi nhanh hơn.”
Cậu đi gần như chạy,
Mà nước vẫn không còn.

Cậu xách thêm lần nữa,
Mồ hôi chảy thành dòng:
“Không thể dùng chiếc giỏ
Để lấy nước, thưa ông.”

Ông cậu đáp: “Đúng vậy.
Thực ra ông hôm nay
Không muốn cháu lấy nước,
Mà muốn nói điều này:  

Giỏ không đựng được nước.
Nhưng giỏ bám than đen,
Sau mấy lần “lấy nước”
Sẽ sạch, trắng dần lên.

Cũng vậy, cháu đọc sách,
Khó hiểu, thấy không cần.
Nhưng cháu kiên trì đọc,
Đầu óc sẽ sáng dần.”

Cậu bé nhìn chiếc giỏ,
Hình như lần đầu tiên,
Thấy nó được nước rửa
Không còn bám bụi đen.

Vâng, ông già nói thế,
Rằng đọc sách rất cần
Tâm hồn và ý nghĩ
Sẽ thanh lọc dần dần.

Từ đó, cậu bé ấy
Chăm đọc sách hàng ngày.
Rồi trở nên thông thái
Tự lúc nào không hay.


3
SỰ SỐNG TRÊN TRÁI ĐẤT

Người ta đã ước tính
Có hàng tỉ Thiên Hà,
Tỉ tỉ ngôi sao sáng
Trong Vũ Trụ bao la.

Tỉ tỉ sao sáng ấy
Có thể có hành tinh,
Tức là có sự sống
Như Trái Đất chúng mình.

Tiếc, đến nay, sự sống
Chưa tìm thấy nơi nào.
Có thể ta đơn độc 
Giữa nghìn nghịt trời sao.

Có thể là như vậy.
Có thể không, hãy chờ.
Ông thì nghĩ là có.
Để rồi xem, bây giờ

Ngắn gọn và dễ hiểu,
Bây giờ ông điểm qua
Việc hình thành sự sống
Trên Trái Đất chúng ta.

Hơn bốn tỉ năm trước,
Ông nói rồi, nhớ không,
Đã hình thành Trái Đất,
Một khối lửa rực hồng.

Khối lửa ấy lắng xuống.
Các chất nhẹ nổi lên,
Thành quả cầu rất nóng,
Có bề mặt màu đen.

Rồi quả cầu ấy nguội,
Thành đất, đá nhấp nhô.
Các núi lửa hoạt động,
Liên tục phun bụi tro.

Chính trong bụi tro ấy
Có nhiều khí, về sau
Hình thành nên khí quyển
Bao quanh quả địa cầu.

Rồi đại dương xuất hiện,
Bốn tỉ năm trước đây
Nhờ xuất hiện hơi nước 
Và mưa lớn nhiều ngày.

Từ trên cao xuống thấp,
Nước chảy mạnh từng dòng,
Dần dần ăn lõm đất
Và cuối cùng thành sông.

Nửa tỉ năm sau đó
Có sinh vật đơn bào.
Thêm hai tỉ năm nữa
Phát triển thành đa bào.

Rồi xuất hiện động vật,
Gồm các loài giản đơn,
Lúc đầu sống dưới nước,
Rồi thành phức tạp hơn.

Năm trăm triệu năm trước  
Có loài cá đầu tiên.
Một thời gian sau đó
Có cỏ trên đất liền.

Các cháu chú ý nhé:
Cá xuất hiện trước cây.
Cá bò lên đất cạn,
Thành động vật sau này.

Trước hết thành bò sát,
Lúc đầu sống lưỡng cư,
Cả dưới nước, trên đất,
Cứ tiến hóa từ từ.

Trong các loài bò sát,
Có một loài rất to,
Là khủng long tiền sử,
Bằng mấy chục con bò.

Hai trăm triệu năm trước,
Tổ tiên xưa của Người
Là động vật có vú
Mới có mặt trên đời.

Chim thì mãi sau đó,
Khoảng năm mươi triệu năm.
Hoa thì còn sau nữa, 
Nếu ông nhớ không nhầm.

Loài khủng long, ta biết,
Tuyệt chủng đã từ lâu,
Sáu lăm triệu năm trước,
Còn chưa rõ do đâu.


4
LOÀI VƯỢN CỔ

Hàng chục triệu năm trước,
Trên trái đất chúng ta
Có một loài vượn cổ,
Thường sống trong rừng già.

Hàng ngày đi bắt thú
Hoặc tìm kiếm thức ăn,
Loài vượn này thích ứng
Với việc đi bằng chân.

Hai chi trước giải phóng
Để cầm nắm, bẻ cây,
Hàng triệu năm phát triển,
Rồi dần dần thành tay.

Thế là Người tối cổ
Cuối cùng đã hình thành.
Đứng thẳng lưng, tay ngắn,
Chân to chắc, bước nhanh.

Họ sống thành từng tốp,
Trên dưới vài chục người.
Ban ngày đi bắt thú 
Hay hái hoa quả tươi.

Còn ban đêm họ ngủ
Trong hang, trong lều thô
Dựng bằng cành cây lớn,
Phủ cỏ hoặc lá khô.

Họ đã biết dùng lửa 
Để nướng chín thức ăn;
Làm công cụ bằng đá
Giúp cho việc đi săn.

Bốn mươi nghìn năm trước,
Loài Người tối cổ này
Cuối cùng có hình dáng
Giống con người hiện nay.

Họ sinh hoạt theo nhóm,
Khoảng vài chục gia đình,
Có họ hàng gần gũi,
Gọi là Người Thông Minh.

Đó là các thị tộc,
Làm, ăn chung với nhau
Trong chế độ nguyên thủy,
Cái buổi ấy ban đầu.

Thế là ông kể hết
Sơ lược về quá trình
Phát triển của Trái Đất
Đến con người thông minh.

Hiện các nhà khoa học
Chưa nhất trí với nhau.
Nhiều điều còn tranh cãi,
Mà chắc còn cãi lâu.

Tiếp đến ông sẽ nói
Về xã hội loài người
Thời xã hội nguyên thủy
Vốn tồn tại một thời.


5
XÃ HỘI NGUYÊN THỦY

Trong xã hội nguyên thủy,
Mọi người sống với nhau,
Không khái niệm đẳng cấp,
Sang hèn hay nghèo giàu.

Cùng chung sức làm việc,
Không tranh giành miếng ăn.
Không khái niệm bóc lột.
Không ghen ghét, thù hằn.

Vào thời tối cổ ấy
Thức ăn còn chưa nhiều,
Lại sống cùng thú dữ,
Quả khốn khó nhiều điều.

Cùng với sự tiến hóa,
Con người đã khôn dần,
Biết chế tạo công cụ,
Kiếm được nhiều thức ăn.

Họ biết nuôi gia súc,
Trồng ngũ cốc, rau xanh,
Lấy vỏ cây dệt vải,
Làm đồ gốm, đồ sành.

Tuy nhiên, công cụ đá
Dẫu tiến bộ rất nhiều,
Nhưng năng suất lao động
Chẳng hơn được bao nhiêu.

Sáu nghìn năm về trước,
Con người tìm thấy đồng,
Cùng các kim loại khác
Rồi học cách gia công.

Họ chế tao nông cụ,
Các vật dụng trong nhà,
Cả các đồ trang sức,
Xẻ gỗ để dựng nhà.

Nhờ có công cụ mới,
Họ khai phá đất hoang,
Săn bắt nhiều dã thú,
Sản xuất, trao đổi hàng.

Rồi hàng hóa, lương thực
Được làm ra cuối cùng
Vừa nhiều vừa đa dạng,
Vượt quá mức tiêu dùng.

Số lượng dư thừa ấy
Được những người thông minh
Hay khỏe mạnh chiếm giữ
Làm của riêng cho mình.

Họ ngày càng giàu có,
Không cùng làm, cùng ăn,
Mà trở thành bóc lột,
Và thế là dần dần

Một giai cấp xuất hiện,
Sống bằng bóc lột người.
Xã hội cũ tan rã,
Xã hội mới ra đời.

*
Cái xã hội nguyên thủy,
Dạng xã hội đầu tiên,
Đại khái là thế đấy,
Như ông vừa kể trên.

Mai, trước khi kể tiếp,
Về lịch sử nước nhà,
Ông sẽ điểm ngắn gọn,
Kiểu cưỡi ngựa xem hoa,

Một số quốc gia cổ,
Cả Đông và cả Tây.
Các cháu đồng ý chứ?
Thôi, tạm dừng hôm nay.

À mà khoan, gượm đã,
Có chuyện ngụ ngôn này,
Ông kể cho các cháu,
Bảo đảm là rất hay.

Ông Esop viết nó
Cách đây ba nghìn năm,
Một nô lệ Hy Lạp,
Nếu ông nhớ không nhầm.

Các cháu lắng nghe nhé,
Vừa hay vừa thông minh.
Nghe xong, phải cố gắng
Rút bài học cho mình.


HAI CON DÊ QUA CẦU

Có một con Dê Trắng
Và một con Dê Đen
Đi qua chiếc cầu nhỏ,
Hai con từ hai bên.

Chẳng may, cầu thì hẹp,
Sông phía dưới lại sâu.
Ai cũng tranh đi trước,
Quyết không chịu nhường nhau.

Dê Trắng nói: “Anh bạn,
Anh phải nhường tôi đi.”
Dê Đen đáp: “Ngược lại.
Nhường ư? Anh nói gì?”

Cả hai con cứ bước,
Không ai chịu nhường ai,
Rồi húc nhau ghê gớm,
Rồi rơi xuống cả hai.

Từng có chú Dê Trắng
Và Dê Đen, buồn sao,
Nay ở khúc sông ấy
Không có chú Dê nào.

*
Dê hay Người cũng vậy,
Đi đường phải nhường nhau.
Nếu có chậm một chút,
Cũng chẳng chết ai đâu.  


6
CÁC QUỐC GIA CỔ ĐẠI

Vào cuối thời nguyên thủy,
Cư dân sống rất đông
Ở những vùng đất lớn
Dọc theo các dòng sông,

Như sông Nin Ai Cập,
Sông Dương Tử, Trường Giang,
Trung Hoa thời cổ đại.
Ở Ấn Độ - sông Hằng.

Ti-grơ, Ơ-phơ-rat,
Hai sông nặng phù sa,
Ở khu vực Tây Á,
Còn gọi là Lưỡng Hà.

Nhờ nông cụ cải tiến,
Đất rộng và phì nhiêu,
Nông nghiệp phát triển mạnh,
Năng suất cao hơn nhiều.

Đặc biệt là lúa gạo,
Cả khoai sắn, rau, dưa.
Chăn nuôi cũng phát triển,
Đã có phần dư thừa.

Vậy là có chiếm hữu -
Có người không đủ ăn,
Có người thành giàu có,
Giai cấp hình thành dần.

Năm nghìn năm về trước,
Lần đầu tiên, quốc gia
Hình thành ở Ai Cập,
Trung Quốc và Lưỡng Hà.

Ở các quốc gia ấy
Dân sống bằng nghề nông,
Nhưng họ không có ruộng,
Chỉ là người làm công.

Sau mỗi mùa thu hoạch
Họ phải nộp, trung bình,
Một phần ba sản phẩm
Cho chúa đất của mình.

Ngoài ra phải lao dịch,
Tức là làm không công
Cho nhà giàu, quí tộc,
Và cho cả cộng đồng.

Bọn nhà giàu, quí tộc
Không làm việc chân tay,
Vì có người hầu hạ
Suốt cả đêm lẫn ngày.

Đó là các nô lệ,
Vốn là những tù binh,
Những người nghèo bị ép
Bán sức để nuôi mình.

Đứng đầu lớp quí tộc
Có ông vua, ông này
Nắm hết mọi quyền lực
Trong mọi việc hàng ngày.

Hơn thế, vua tự nhận
Là thánh thần, hơn người.
Trung Quốc là Thiên Tử,
Nôm na là con trời.

Còn ở nước Ai Cập
Vua là Pha-ra-ông,
Tức là “ngôi nhà lớn”.
Các cháu thấy kỳ không?

Để giúp việc vua ấy,
Một bộ máy chính quyền
Do quí tộc nắm giữ,
Suốt từ dưới lên trên.

Chúng bắt dân đóng thuế,
Bắt đi lính, bắt phu,
Xây cung điện, ai chống
Sẽ bị giết, bỏ tù…

*
Vậy là ông đã nói
Ngắn gọn trong mấy dòng
Về ba quốc gia cổ,
Tất cả đều Phương Đông.

Giờ các cháu nghe tiếp
Về hai nước Phương Tây,
Rô-ma và Hy Lạp,
Được hình thành thế này.

Có hai bán đảo nhỏ
Ở miền Nam châu Âu,
Nhô ra Địa Trung Hải.
Ở nơi ấy, từ lâu,
Hơn ba nghìn năm trước
Hình thành hai quốc gia,
Là Hy Lạp cổ đại
Và nhà nước Rô-ma.

Đất ở đây không tốt
Như các nước Phương Đông,
Nên người dân buộc phải
Tìm giống và chọn trồng

Nhiều cây lưu niên phụ,
Như ô-liu và nho.
Chúng không cần nhiều nước,
Nhưng quả mọng và to.

Đặc biệt hai nước ấy
Không chỉ giỏi nghề nông,
Còn giỏi nghề làm rượu
Và nhiều nghề thủ công,

Như nghề luyện kim loại
Làm công cụ, nữ trang,
Nghề thủy tinh, gốm sứ,
Cả nghề tìm, đãi vàng.

Rô-ma và Hy Lạp
Có nhiều cảng nước sâu,
Nên buôn bán phát triển,
Tấp nập thuyền và tàu.

Xã hội hai nước ấy
Gồm có hai loại người -
Chủ nô và nô lệ.
Tỉ lệ một trên mười.

Nô lệ phải làm việc
“Như nô lệ”, tất nhiên.
Bị coi như súc vật,
Không cơm áo, gạo tiền.

Chủ nô, tức quí tộc,
Lại sung sướng cực kỳ.
Chỉ ăn chơi, nhảy múa,
Không động tay làm gì.

Nô lệ đã khởi nghĩa
Rất nhiều lần ở đây,
Vì họ không cam chịu
Cuộc sống bất công này.

*
Vào buổi bình minh ấy,
Các quốc gia cổ xưa
Đạt được những thành tựu,
Cũng không phải loại vừa.

Trung Quốc có âm lịch,
Mười hai tháng một năm.
Ba mươi ngày một tháng,
Tính toán cả ngày rằm.

Họ có đồng hồ nước,
Đồng hồ cát để bàn
Để đo và tính toán
Giờ giấc và thời gian.

Người Phương Đông thời cổ
Nghĩ ra chữ tượng hình
Để ghi lại cảm nghĩ
Và văn hóa của mình.

Trong lĩnh vực toán học,
Người Lưỡng Hà là người
Nghĩ ra các con số
Từ một cho đến mười.

Những con số đơn giản
Các cháu dùng ngày nay.
Đơn giản như khi đếm
Mười ngón trên hai tay.

Trong khi người Ai Cập
Lại tìm ra số Pi,
Vì họ giỏi Hình Học,
Chính xác đến lạ kỳ.

Trong lĩnh vực xây dựng,
Họ để lại cho ta
Rất nhiều Kim Tự Tháp,
Thành quách ở Lưỡng Hà.

Người Rô-ma, Hy Lạp
Vào thời ấy mịt mùng
Đã có bảng chữ cái
Nay nhiều nước vẫn dùng.

Trong lĩnh vực khoa học,
Như Toán, Sử, thơ văn,
Vật Lý, Triết, Hình Học,
Điêu Khắc, Địa, vân vân,

Xuất hiện nhiều tên tuổi
Có thể gọi khổng lồ -
Pla-tông, A-si-met,
Ta-let, Pi-ta-go…

Trong lĩnh vực xây dựng
Và kiến trúc ở đây,
Nhiều công trình đồ sộ
Tồn tại đến ngày nay.

Ông đã chiêm ngưỡng chúng -
Đấu trường Cô-li-dê
Ở Rô-ma cổ kính.
Không tin à? Ông thề.

Ông còn đến Hy Lạp,
Thăm đền Pac-tê-nông.
To, đẹp, hoành tráng lắm.
Sao, lại không tin ông?

Mai sau các cháu lớn,
Cứ đến những nơi này,
Ngắm chúng và hãy nhớ
Lời ông nói hôm nay.

Các cháu mệt chưa nhỉ?
Chưa à? Có gì đâu.
Học lịch sử thích lắm,
Như ông nói từ đầu.

Ngày mai ông sẽ nói
Về lịch sử nước ta.
Giờ ngồi im, ông kể
Chuyện một cậu lớp Ba.

Câu chuyện này có thật,
Đúng mắt nhìn, tai nghe,
Khi thăm nhà người bạn,
Mới đây thôi, xin thề.


CHUYỆN CẬU BÉ VÀ BA ĐIỂM MỘT

Cậu nọ đi học về
Liền giấu ngay sổ điểm,
Nhưng bà mẹ đòi xem -
Cậu hết đường giấu diếm.

Mẹ chau mày thở dài,
Chỉ thấy toàn điểm một.
Bố giận dữ hồi lâu
Nhìn cậu con học dốt.

- Vì sao cô cho con
Con một này?- Bố quát.
-Vì con yếu môn sinh,
Gọi chim là bò sát.

-Thế điểm một thứ hai?
Cậu kia liền nhăn nhó:
-Con tưởng Kenguru
Mọc ngoài đồng như cỏ.

-Điểm một là còn cao!
Bà mẹ rơi nước mắt.
-Nhưng trường con xưa nay
Điểm một là thấp nhất.

Còn điểm một thứ ba
Là do con dốt toán.
Đề bài hỏi: Vậy là
Lớp B bao nhiêu bạn?

Con giải suốt một giờ,
Tính trên rồi tính dưới,
Cuối cùng thành: Lớp B
Có hai mươi bạn rưỡi.


7
NƯỚC VĂN LANG

Vào thời xa xưa ấy
Đất nước của chúng ta
Là một vùng rậm rạp
Núi và đồi bao la.

Có rất nhiều hang động
Và cây cối tốt tươi
Với nhiều loài động vật,
Tất nhiên, có cả người.

Các nhà khảo cổ học,
Năm sáu mươi, sáu lăm,
Tìm thấy dấu tích họ,
Ba, bốn trăm triệu năm.

Họ sinh sống rải rác
Ở Hòa Bình, Hạ Long,
Nghệ An và phú Thọ…
Chủ yếu dọc các sông.

Ngoài săn bắn, hái lượm,
Để có thêm thức ăn,
Họ chăn nuôi, trồng trọt,
Cuộc sống khá hơn dần.

Gần ba nghìn năm trước,
Dọc theo các triền sông
Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ,
Như sông Mã, sông Hồng,

Có nhiều bộ lạc lớn,
Đã hình thành khắp nơi,
Chung phong tục, ngôn ngữ,
Hùng mạnh và đông người.

Trong đó, hùng mạnh nhất
Là bộ lạc Văn Lang 
Ở Việt Trì, Phú Thọ,
Sống trong các bản làng.

Khoảng thế kỷ thứ bảy
Trước Công Nguyên, một người,
Một thủ lĩnh tài giỏi
Của Văn Lang ra đời.

Ông nhanh chóng khuất phục
Các bộ lạc bốn phương,
Thanh thế rất mạnh mẽ,
Rồi tự xưng Hùng Vương.

Ông lập một nước mới,
Đặt tên là Văn Lang,
Đóng đô ở Phú Thọ,
Thuộc thời đại Hồng Bàng.

Đất nước ấy rộng lớn,
Gồm Bắc Bộ bây giờ
Và vùng Thanh, Nghệ, Tĩnh,
Phong cảnh đẹp, nên thơ.

Nước có mười lăm bộ,
Giống huyện quận ngày nay,
Đứng đầu là Lạc Tướng.
Bên dưới các bộ này

Có rất nhiều chiềng, chạ,
Tương đương như xã, làng,
Đứng đầu là Bồ Chính,
Chức quan thời Văn Lang.

Nhà nước chưa có luật,
Cả quân đội cũng không.
Mỗi khi có chiến sự,
Các trai tráng một lòng

Theo lệnh vua chiến đấu.
Lạc Tướng luôn dẫn đầu.
Lo các việc chính sự
Có các quan Lạc Hầu.

Kiểu cha truyền con nối,
Các vua lên ngai vàng.
Mị Nương là công chúa.
Hoàng tử là Quan Lang.

Là một nước nông nghiệp,
Dân nước ta bấy giờ
Giỏi về canh tác lúa,
Biết dệt vải, thêu thùa.

Chiếc trống đồng Ngọc Lũ,
Phát hiện ở Hà Nam
Và một số trống khác
Cũng người thời ấy làm.

Họ còn biết dùng sắt
Đúc vũ khí, lưỡi cày.
Đánh cá, nuôi gia súc,
Đóng thuyền và trồng cây.

Vì còn nhiều thú dữ
Nên dân ở nhà sàn.
Nhà làm bằng tre nứa,
Tường là các tấm đan.

Nam giới chỉ đóng khố.
Nữ mặc váy, yếm che.
Chân trần, đầu thường đội
Một vòng lông chim xòe.

Dân Văn Lang thời ấy
Xăm mình, nhuộm răng đen.
Theo chế độ mẫu hệ
Và thờ cúng tổ tiên.

Vào những ngày lễ hội
Họ tổ chức đua thuyền,
Thi giã gạo, làm bánh,
Trong tiếng trống, tiếng kèn…

Nước Văn Lang thế đấy,
Có từ thời xa xưa.
Một đất nước rộng lớn.
Các cháu nghe, nhớ chưa?

Bây giờ ông sẽ kể
Câu chuyện cổ tích này,
Xẩy ra vào thời ấy.
Về bánh chưng, bánh dày.


SỰ TÍCH BÁNH CHƯNG, BÁNH DÀY

Đời Hùng Vương thứ sáu,
Khi giặc Ân không còn,
Vua có ý thoái vị,
Muốn nhường ngôi cho con.

Vua gọi các hoàng tử,
Nhân năm mới, đầu xuân:
“Các con tìm lễ vật
Cùng nước uống, thức ăn

Làm sao thật ý nghĩa
Để thờ cúng đất trời,
Cúng thần linh, tiên tổ,
Đẹp dáng, đẹp lòng người.

Cuộc thi này đặc biệt,
Phần thắng thuộc về ai
Ta sẽ cho người ấy
Được thừa kế vương ngai.”

Các hoàng tử háo hức
Lên đường đi gần xa,
Tìm của ngon vật lạ,
Mong nối ngôi vua cha.

Con trai thứ mười tám,
Có tên là Lang Liêu,  
Vốn hiền hậu, hiếu thảo,
Đáng khen đủ mọi điều.

Mẹ không may chết sớm,
Việc thờ cúng tổ tiên
Chàng còn chưa được dạy,
Nên lo lắng, buồn phiên.

Một đêm, thần báo mộng:
“Suy cho cùng, ở đời
Không gì quý bằng gạo.
Gạo nuôi sống con người.

Vậy con lấy gạo nếp
Làm bánh vuông, bánh tròn.
Vuông tượng trưng cho đất.
Tròn là bầu trời con. 

Trong bánh có nhân thịt,
Ngoài gói bằng lá xanh,
Để ghi sâu ơn nặng
Công cha mẹ sinh thành.”

Chàng Lang Liêu tỉnh dậy
Nhớ lời thần, rất mừng,
Làm bánh vuông, luộc chín,
Đặt tên là bánh chưng.

Chàng đồ xôi, giã mịn,
Rồi ngồi vắt bằng tay
Những bánh tròn bọc lá,
Gọi đó là bánh dầy.

Đúng hẹn, các hoàng tử
Mang đến trình vua cha
Nhiều món ăn ngon lạ
Của các miền gần xa.

Còn Lang Liêu, khiêm tốn,
Dâng bánh chưng, bánh dày.
Chàng nói rõ ý nghĩa
Của các loại bánh này.

Vua đích thân nếm thử
Thấy rất ngon, và rồi
Chàng là người được chọn
Để vua cha truyền ngôi.

Từ đó, Tết Nguyên Đán
Người dân khắp mọi miền
Làm hai loại bánh ấy
Cúng đất trời, tổ tiên.


8
NƯỚC ÂU LẠC

Đời Hùng Vương Mười Tám,
Tức thế kỷ thứ Ba,
Trước Công Nguyên, hẳn thế, 
Nước Văn Lang chúng ta

Không yên bình như trước.
Vua quan lo ăn chơi,
Không lo chuyện phòng vệ.
Dân đói ăn nhiều nơi.

Trong khi đó, Phương Bắc,
Vua Tần, Tần Thủy Hoàng,
Vào năm Hai Một Tám,
Cho đánh chiếm Văn Lang.

Người Lạc Việt lúc ấy
Sống cùng người Tây Âu,
Còn gọi người Âu Việt,
Có quan hệ từ lâu.

Họ hợp sức chiến đấu.
Quân giặc mạnh và đông,
Giết thủ lĩnh Âu Việt,
Nhưng họ không nản lòng.

Sử cũ Trung Quốc chép
Về quân dân Văn Lang:
“Người Việt bỏ lên núi,
Nhất quyết không đầu hàng.

Ngày án binh bất động,
Đêm quấy nhiễu quân Tần.
Họ tôn một hào kiệt
Để lãnh đạo toàn dân.”

Hào kiệt ấy, Thục Phán,
Vừa có đức, có tài,
Ngăn được bọn xâm lược,
Làm chiến tranh kéo dài.

Sáu năm trời ròng rã
Quân giặc bị giam chân.
Trong một trận quyết chiến,
Quân Việt thắng quân Tần.

Tướng giặc bị giết chết,
Là Hiệu Úy Đồ Thư.
Nhà Tần phải ra lệnh
Cho rút quân từ từ.

Vào năm Hai Không Bảy,
Sau chiến thắng không lâu,
Thục Phán lên ngôi báu.
Lạc Việt và Tây Âu

Được sáp nhập làm một,
Một nước mới ra đời,
Có tên là Âu Lạc,
Đất rộng và đông người.

Kinh đô của Âu Lạc
Đóng ở vùng Cổ Loa,
Một vùng đất bằng phẳng,
Cách Bờ Hồ không xa.

An Dương Vương Thục Phán
Sau khi lên ngai vàng,
Giữ nguyên bộ máy cũ
Của vua Hùng Văn Lang.

Nước vẫn chia thành bộ,
Có Lạc Tướng, Lạc Hầu,
Bồ Chính và chiềng chạ…
Vốn tồn tại từ lâu.

Đất nước đã phát triển,
Trước hết là nghề nông,
Nghề chăn nuôi, dệt vải,
Rồi các nghề thủ công.

Dân số gia tăng mạnh.
Rồi khoảng cách giàu nghèo
Cũng gia tăng tương ứng,
Rồi mâu thuẫn tăng theo.

*
Các cháu nghe, hiểu chứ?
Giờ ông kể vì sao
Âu Lạc đã sụp đổ,
Và trong hoàn cảnh nào.

Thục Phán cho xây dựng
Ở kinh đô của mình
Một khu thành bằng đất,
Sau gọi là Loa Thành.

Sử cũ chép: “Thành ấy
Rộng nghìn trượng, hình tròn,
Như chiếc loa vỏ ốc…”
Nay di tích vẫn còn.

Với ba vòng khép kín,
Tường thành này rất dài,
Những mười sáu nghìn mét,
Nếu ông nhớ không sai.

Mặt thành khoảng mười mét.
Chiều cao - năm đến mười.
Chân thành, để đứng vững,
Có chỗ rộng hai mươi.

Có hào sâu đầy nước
Bao bọc xung quanh thành,
Thông với một đầm lớn,
Dành cho các thủy binh.

Giữa là khu Thành Nội,
Nơi ở của Hoàng Gia,
Cùng Lạc Hầu, Lạc Tướng
Gia nhân và người nhà.

Cổ Loa, thành xưa ấy,
Không chỉ là kinh đô,
Mà còn một chiến lũy,
Cùng quân đội, lương kho.

*
Đất nước mới thành lập,
Được ít năm yên hòa
Thì có họa xâm lược
Từ phía quân Triệu Đà.

Triệu Đà là viên tướng
Được vua Tần ủy quyền
Cai quản xứ Lưỡng Quảng
Và những vùng kề bên.

Vào năm Hai Không Bảy,
Nhà Tần yếu, Triệu Đà
Lập nên nước Nam Việt
Ở vùng đất giáp ta.

Chẳng bao lâu sau đó
Triệu Đà đã dấy binh,
Rắp tâm đánh Âu Lạc,
Những tưởng sẽ thắng nhanh.

Tuy nhiên, quân Âu Lạc,
Có lợi thế đất nhà,
Tướng giỏi, vũ khí tốt,
Nên hắn thua, xin hòa.

Vào năm Một Bảy Chín,
Hắn lần nữa xuất quân
Sau khi đã ly gián
Thục Phán và triều thần.

Do không còn tướng giỏi,
Không chủ động phòng xa,
Đất nước ta, Âu Lạc,
Lọt vào tay Triệu Đà.

Vậy là các cháu thấy,
Thục Phán An Dương Vương,
Chỉ vì do khinh xuất,
Mà phải chết thảm thương.

Cũng bắt đầu từ đó,
Suốt một nghìn năm dài,
Dân ta là nô lệ
Của phong kiến nước ngoài.

Trong suốt nghìn năm ấy
Không khuất phục, đầu hàng,
Dân Đại Việt nổi dậy,
Lập nhiều trang sử vàng.

Giờ thì ông sẽ kể
Một truyền thuyết đau lòng
Liên quan đến Thục Phán 
Và con gái của ông.

(Ngày mai đăng tiếp)