30 thg 5, 2012

Ông Trần Quốc Thuận trả lời phỏng vấn


Ls Trần Quốc Thuận
Bà Võ Thị Thắng trước tòa án Ngụy SG
  Mặc Lâm phỏng vấn luật sư Trần Quốc Thuận(chồng bà Võ Thị Thắng) nguyên Phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội để có thêm chi tiết trong vấn đề chống tham nhũng hiện nay của chính phủ, mời quý vị theo dõi sau đây:
Mặc Lâm: Thưa luật sư, là người từng đảm nhiệm trọng trách Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, luật sư nhận xét thế nào về nổ lực chống tham nhũng hiện nay của chính phủ, đang hơn lúc nào  hết được dư luận cả nước kể cả Quốc hội chú ý một cách nghiêm khắc nhất so với từ trước tới nay thưa ông?
LS.Trần Quốc Thuận: Tôi nghĩ rằng hiện giờ đang tiến hành thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 chống tham nhũng, và nghị quyết này rất là quyết liệt nếu không thì sự tồn tại của đảng cộng sản Việt Nam, vai trò lãnh đạo của đảng đối với đất nước sẽ có nguy cơ mất đi vì người ta không còn tín nhiệm nữa.
Cuộc kiểm điểm đó là từ trên xuống nên chờ kiểm điểm của Bộ Chính trị và mọi người đang nín thở để chờ. Rồi tiếp theo đó là các Ủy viên Trung ương rồi các Bộ trưởng, các Bí thư của các tỉnh.
Tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng trách nhiệm, trước nhất là Ủy ban Kiểm tra về đảng, có khi nhà nước phải cho thanh tra, chẳng hạn con một ông đứng đầu hàng tỉnh có số tiền, tài sản trên một vùng đất nông nghiệp như thế thì số tiền này có nguồn gốc ở đâu?
Mặc Lâm: Qua kinh nghiệm khi làm việc tại quốc hội ông có thể cho biết điển hình một vụ tham nhũng lớn nào trong quá khứ được quốc hội đem ra nghị trường nhưng không giải quyết được thưa ông?
LS.Trần Quốc Thuận: Ở Việt Nam có câu “để lâu cứt trâu hóa bùn”. Rất nhiều vụ án trước đây như vụ Lã Thị Kim Oanh có liên quan đến con của một ông đứng đầu đất nước này, mua một tài sản rất lớn nhưng vụ án đó cuối cùng rồi cũng chìm xuồng. Thứ hai, gần đây nhất là vụ Vinashin. Vụ này chưa kết luận thanh tra, chưa xử thì mấy ông lớn nhất đất nước này tuyên bố rằng không ai bị kỷ luật! Những cách làm như vậy là không bình thường. Chính sự không bình thường này là cái bóng che cho những kẻ tham nhũng, lạm quyền. Những kẻ thiếu trách nhiệm.
Mặc Lâm: Dư luận báo chí đang hết sức theo dõi vụ căn nhà hàng trăm tỷ được cho là của ông Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Bùi Thanh Quyến nhưng lại được con trai của ông ta đứng tên. Đây là sự che đậy tài sản quen thuộc nhất của tệ trạng tham nhũng. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?
LS.Trần Quốc Thuận: Vụ Hải Dương này tôi nghĩ rằng có lẽ là một trong những điển hình cần phải bóc tách để tìm hiểu xem tiền của ở đâu mà xây nhà? Có người nói, tôi cũng thông qua tin trên báo trên mạng, số tiền lên tới cả trăm tỷ. Bây giờ trên đất nước này cũng có những ông lãnh đạo của tôi khi nghĩ hưu anh em ở ngoài Hà Nội vô báo cho biết ông ấy mua cái nhà tới 89 tỷ! Chỉ mới vừa nghỉ hưu có mấy ngày thôi đã mua cái  nhà như vậy rồi thì đó cũng là một câu chuyện đáng bàn.
Khi biết câu chuyện đó tôi đã gặp những người lớn nhất của đất nước này và nói rằng không biết mấy anh chống tham nhũng ở đâu chứ gần kề mấy anh, có người mới vừa nghỉ hưu một hai tháng thì đã mua cái nhà 89 tỷ, như vậy thì tiền ở đâu? Có điều tra không? Thì mấy ông ấy nói “để xem! để xem!”
Bây giờ tôi cũng là cán bộ đảng viên đây tôi sẽ chờ xem! Nhưng người ta đã nói việc chờ xem này mà không đến nơi đến chốn thì sự tồn vong của đảng có vấn đề.
Mặc Lâm: Vấn đề con cái đứng tên cho cha mẹ trong các giấy tờ sở hữu tài sản để che đậy đồng tiền thu nhập bất chính tuy rất thô thiển, nhưng vẫn không bị pháp luật Việt Nam chế tài triệt để, phải chăng do ý kiến của các nhân vật có vai vế cao nhất nước nhằm bao bọc cho khối tài sản bất minh của họ qua việc kê khai tài sản mà chính phủ đã và đang thực hiện một cách rất chiếu lệ thưa ông?
LS.Trần Quốc Thuận: Tôi biết những người tham nhũng đó họ cũng lý sự lắm. Họ bảo Việt Nam không có luật truy cứu nguồn gốc tài sản cho nên khối người trong đó con của những ông to hơn có hàng ngàn tỷ! Chủ tịch Hội đồng Quản trị này, ngân hàng này ngân hàng nọ…có hàng mấy ngàn tỷ nhưng chưa thấy ai nói truy tìm xem ở đâu mà tiền nhiều thế? Vấn đề này có lẽ chính là bóng che cho tham nhũng hiện nay.
Mặc Lâm: Thông qua vụ Hải Dương lần này ông có nghĩ đây là cơ hội để nhà nước sửa sai hay không?
LS.Trần Quốc Thuận: Đây cũng là một sự kiện, một dịp, một cơ hội tốt để vấn đề đặt ra là kê khai tài sản phải công khai minh bạch và phải làm như các nước phương Tây. Như Hàn Quốc, Nhật hay ngay cả bên Mỹ thì việc kê khai không phải chỉ kê khai tài sản của cá nhân, vợ chồng mà kể cả con cái, thân thuộc cũng phải kê khai một cách công khai. Trong thời gian làm nhiệm vụ thì vấn đề tăng hay giảm tài sản cũng phải kê khai.
Ở Việt Nam việc kê khai tài sản chỉ làm cho lấy có rồi sau đó đút vào hộc bàn coi như tài liệu riêng mà nếu lộ ra thì xem như lộ bí mật tài liệu có thể bị ở tù. Cho nên việc con ông bí thư tỉnh ủy Hải Dương cũng chính là vấn đề đặt ra cho thấy hiện nay con của nhiều lãnh đạo cao nhất của đất nước này rất giàu có. Vì vậy phải đặt câu hỏi là tại sao giàu có như thế. Đặt ra như vậy để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.
Mặc Lâm: Trước đây trong vụ Tiên Lãng chính Thủ tướng đã ra lệnh giải quyết một cách rốt ráo và dư luận tạm yên trong một thời gian. Tuy nhiên sau đó thì vụ Văn Giang lại nổi lên nghiêm trọng hơn vụ trước bởi tính chất đông người và rồi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại tiếp tục ra lệnh xem xét giải quyết. Luật sư có chia sẻ gì về động thái này?
LS.Trần Quốc Thuận: Hôm nay tôi nghe trên đài nói rằng Thủ tướng đã ra lệnh vụ Văn Giang, Hưng Yên phải điều tra, thanh tra và công khai trên mạng của chính phủ. Tôi rằng cho điều này rất là tốt. Bởi vì người ta nghi ngờ Ecopark có liên quan đến ông lãnh đạo rất to cho nên câu chuyện đó phải công khai để coi thử các nhóm lợi ích các thế lực tiêu cực mà ngày nay người ta gọi là mafia nó lộng hành ở chỗ nào? Nếu không bóc gỡ cái đó thì ung nhọt tham nhũng của Việt Nam sẽ rất ghê gớm. Tham nhũng tại Việt Nam bây giờ người ta nói không những nó ăn mòn ruột gan, phổi phèo mà nó đã lên tới não rồi, suy thoái tư tưởng rồi. Suy thoái tư tưởng tức là não rồi còn gì?
Suy thoái tư tưởng lớn nhất không phải là những lời nói chuyện này, chuyện kia mà suy thoái lớn nhất chính là chuyện chi tiêu ngân quỹ, ngân sách mà thật tế là tiền của nhân dân. Chính điều đó là suy thoái lớn nhất. Trong khi y tế và giáo dục xuống cấp rất dữ. Người ta lên án Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Giáo dục. Chuyện chủ trương này kia là chuyện khác, nhưng tội nghiệt là người bệnh phải nằm ba tới năm người một giường thì tiền đâu Bộ trưởng Y tế bù vào? Trong khi ông Bộ trưởng Giao thông Vận tải tính xây dựng trụ sở của ông ta tới 10 nghìn tỷ. Tiền bạc xài một cách phung phí như vậy.
Mặc Lâm: Có lẽ vụ Vinalines sẽ còn chiếm sự quan tâm của dư luận rất lâu, nhất là cho tới khi nào ông Dương Chí Dũng chưa bị bắt. Theo luật sư sở dĩ ông Dũng trốn khỏi lưới pháp luật là do sơ hở của cơ quan điều tra hay vì lý do nào khác?
LS.Trần Quốc Thuận: Cái vụ Vinalines cho thấy tại sao ông Dương Chí Dũng lại bỏ chạy như thế được? Có người cho rằng ông Vinalines được trả công vì ổng đã gánh nợ cho Vinashin. Số nợ ấy lên rất lớn cho nên được chia như chia lửa. Người ta trả công cho ông ấy bằng cái cách cho phép ổng chạy khỏi cuộc điều tra. Khi một đối tượng như thế, một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như thế thì thường thường cơ quan chức năng mà cụ thể là cơ quan điều tra phải giám sát 24/24. Như vậy thì cơ quan đang tiến hành điều tra lộ bí mật công tác để cho nghi phạm biết vì theo thông tin thì ông này đã bị lôi lên hỏi đi hỏi lại nên ông ta biết chuyện đã tới nơi rồi!
Như vậy thì chức năng giám sát của cơ quan điểu tra giám sát tới đâu thì cơ quan ấy phải chịu trách nhiệm. Thay vì người ta cứ nói lòng vòng về ông Bộ trưởng thì cái đó tính sau, nhưng mà để cho một tội phạm đặc biệt như vậy trốn chạy thì phải truy cứu trách nhiệm. Việc giám sát nghi phạm, giám sát những hành vi vi phạm ở Việt Nam từ thấp lên cao đều chưa làm tới nơi tới chốn, chưa làm triệt để. Đó là một điểm rất đáng tiếc nhưng bây giờ đòi hỏi phải làm.Nếu không làm thì hậu quả như Nghị quyết Trung ương 4 đã đề ra tức là sự tồn vong của đảng sẽ xảy ra trước mắt.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

29 thg 5, 2012

Văn hóa từ chức

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra vụ Văn Giang (28/05)
Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng
   Vụ cưỡng chế ở Văn Giang sau hơn một tháng, vụ ông Dương Chí Dũng cục trưởng Hằng hải trốn khỏi nhiệm sở...Chỉ khi báo chí và những cán bộ cao cấp nghỉ hưu lên tiếng Thủ tướng mới chỉ đạo báo cáo thật quá muộn.   Những cán bộ "trở cờ" phát ngôn đúng luật ai nghe cũng hiểu chứ không vòng vo như ông Vũ Đức Đam để dân lắc đầu bịt tai không muốn nghe.
 Vụ Lã Thị Kim Oanh chỉ làm thất thoát rất nhỏ so với ông Dương Chí Dũng, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ xin từ chức, bây giờ bao nhiêu vụ tày trời mà chẳng có ai việc gì "tập thể chịu trách nhiệm".
  Ở Việt Nam bây giờ không có khái niệm từ chức thì phải?

27 thg 5, 2012

Ngôi nhà có một không hai


  Anh Bùi Văn Hải cùng ôn thi đại học ở đoàn an dưỡng rồi vào đại học cùng lớp với tôi, anh tốt nghiệp cấp 3 HQ năm 1960  rồi đi bộ đội, ra trường anh về dạy ở cấp 3 Chí Linh nghỉ hưu hơn chục năm nay, anh em vẫn thông tin cho nhau bằng điện thoại, vừa rồi anh mời tôi về quê anh Tân Dân-Chí Linh. Ở xã này tôi thật bất ngờ về ngôi nhà của anh Nguyễn Đức Lượng con liệt sĩ.
  Đến Chí Linh, hỏi ngôi nhà thờ giát vàng, ai cũng biết  về ngôi nhà độc đáo có một không hai này. Đó là anh Nguyễn Đức Lượng một đại gia bất động sản ở Hà Nội.
  Khuôn viên nhà chính rộng 5.000m2 là nơi chủ nhân thể hiện hết những sở thích, ý tưởng của mình. Để biến những cái ao cũ thành quả đồi nhân tạo, chủ nhân ngôi nhà đã cho người tát cạn nước, phun hàng ngàn khối cát làm nền rồi đổ cả trăm xe đất sỏi chở từ rừng về.
  Tâm điểm của toàn bộ không gian rộng lớn là ngôi nhà thờ bằng gỗ, mái ngói đỏ tươi. Trên nóc nhà chạm trổ rồng phượng chầu vào 3 chữ “Phúc Trường Minh”, ngôi nhà này có 49 cột gỗ lim, cột nào cột nấy to đến nỗi 1-2 người ôm mới xuể. Tầng hầm bằng bê tông đủ 49 bệ đá. Cứ mỗi bệ đá một cột lim từ tầng hầm lên tận mái nhà.
 Công đoạn đánh bóng cột gỗ cũng khác thường, không được đánh bằng giấy nháp mà chỉ xoa bằng lá chuối khô. Riêng công đoạn xoa lá chuối này, ba thợ lành nghề đánh ròng rã sáu tháng. Gạch xây nhà cũng theo lối cổ mỗi viên dài tới 30 cm, đốt bằng rơm rạ bảy ngày, bảy đêm. 
  Xây dựng ngôi nhà suốt 9 năm ròng. Gian ngoài có một lối đi vào hậu cung. Giữa gian hậu cung lớn, là một ban thờ uy nghi vàng rực. Mọi chi tiết trong hậu cung này đều được giát vàng miếng nguyên chất.
  Bà Nguyễn Thị Sáu, mẹ của anh Nguyễn Đức Lượng ngôi nhà cho biết: “Riêng việc giát vàng trên hoành phi, câu đối, chúng tôi đã phải đích thân thuê người giám sát thợ làm, mất vài tháng mới xong, tổng cộng có khoảng trên 60 cây vàng được cán mỏng, dát ra mới được thế này đấy…” Chỉ riêng bức tượng đặt trên bàn thờ là ông Nguyễn Minh Độ liệt sĩ, chồng bà Sáu, bố anh Lượng được đúc bằng đồng. 
Toàn bộ ngôi nhà

Hậu cung mọi thư được giát vang


Tượng Liệt sĩ Nguyễn Minh Độ

Tiền sảnh
 Khu vườn toàn cây cảnh đẹp, bà Sáu cho biết: “ Mấy  cây sanh, cây si kia toàn 3- 4 tỷ một cây, cây tùng cổ thụ ở đầu nhà 4,6 tỷ đồng". Giữa khu đồi nhân tạo là hòn non bộ nặng tới 46 tấn. Sừng sững, hiên ngang như thi gan cùng tuế nguyệt.
 

Đọc cho vui

  Tối qua có một độc giả gửi mail cho tôi "Cả tối qua em đọc loạt bài Lương không đủ sống và “vườn thượng uyển triệu đô” (Đào Tuấn). – Quý tử quần quật làm thêm, Bí thư trổ tài ăn nói (PN Today).  – Chân dung con trai bí thư Hải Dương có vườn thượng uyển (PhunuToday). – “Thái tử” Hải Dương-Tôi thích bạn rồi đó (Cu Làng Cát).   – Nhà vườn “triệu đô”: Tiền ơi, từ đâu đến? (DT)  – Nguyên cán bộ cao cấp đề nghị sớm có kết luận về ‘tư dinh’ ở Hải Dương (GDVN).  – Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương: ‘Phóng viên cứ tự tìm hiểu’ (ĐV). cả trên BBC nữa"


 Người của công chúng họ được nhiều người biết quá! Nhà báo LTH có bài viết mới:(hãy nhấn vào là đọc)


"AI NÓI HẢI DƯƠNG KHÔNG CHỐNG THAM NHŨNG, LÀ NÓI ĐIÊU"...

26 thg 5, 2012

Không nên đặt cược tính mạng dân tộc


Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết:

Không nên đặt cược tính mạng dân tộc


Ngày 5/5/2012 tại buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân tại cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân đã giải đáp nhiều thắc mắc của người dân, trong đó có vấn đề xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) tại Ninh Thuận. Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng đã thông báo năm 2014 chưa thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Một ngày sau  tuyên bố của Bộ trưởng, Nhật Bản đã chính thức đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng. Nhân sự kiện này, VNT đã phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - người được dư luận đánh giá cao về những phát biểu ở Quốc hội khi ông giữ vai trò Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá,  Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - xung quanh sự kiện này.

Chúng ta sẽ sụn lưng nếu làm ĐHN

- Dư luận xã hội đánh giá ông là một trong những đại biểu Quốc hội có những ý kiến rất sâu sắc liên quan đến nhiều vấn kinh tế - xã hội, đặc biệt, ông  từng có ý kiến không đồng thuận về dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên và về vụ nợ nần cả trăm nghìn tỷ ở tập đoàn Vinashin. Nhưng hình như ông rất ít nói đến dự án ĐHN, vì sao vậy?

- Dự án xây dựng hai nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận được Chính phủ trình Quốc hội vào tháng 11 năm 2009, tại Kỳ họp thứ 6 QH khoá XII. Khi đó, tôi là một trong những người phát biểu ý kiến phản đối và là một trong 39 người biểu quyết không đồng tình với dự án này. Tôi nhớ là cùng với 39 người không đồng tình, còn có 18 người không biểu quyết (tức là bỏ phiếu trắng).

-  Ông có thể nói rõ lý do khiến ông có những ý kiến không đồng thuận?

- Một dự án phát triển kinh tế - xã hội phải được đánh giá trên ba phương diện: sự cần thiết, tính khả thi và tác động của dự án.

 Về sự cần thiết của dự án, Tờ trình của Chính phủ cho biết với tốc độ phát triển GDP của Việt Nam trung bình 8 – 9 %/năm thì nhu cầu điện năng vào năm 2020 sẽ là 380 tỷ kWh, gấp bốn lần năm 2010. Trong khi đó, Việt Nam không còn khả năng phát triển nhiệt điện do hết than, không còn khả năng phát triển thủy điện vì chỗ nào làm thủy điện được thì đã tận dụng gần hết, làm điện gió, điện mặt trời thì đắt, do đó phải làm ĐHN.

Tuy nhiên, trên thực tế, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của nước ta chỉ đạt 6 – 7 %/năm và trong hoàn cảnh khó khăn về tài chính và khủng hoảng kinh tế như hiện nay, khả năng tăng trưởng cao hơn là rất khó. Theo tôi, để giải quyết vấn đề thiếu điện, một mặt, Việt Nam cần tích cực giảm lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng điện; mặt khác nên chủ động giảm tăng trưởng GDP. Trong nhiều năm, để tăng trưởng GDP, chúng ta thu hút đầu tư bằng mọi giá. Nhưng đổi lại, dân ta bị  mất đất, môi trường bị tàn phá, người lao động có việc làm, nhưng mức lương chỉ từ 1,2 - 1,5 triệu/tháng. Vốn bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả sản xuất rất thấp. Hiện nay chỉ số ICOR (hiệu quả kinh tế) của Việt Nam là 7 tức bỏ ra 7.000 đ thì chỉ thu về được 1.000 đ. Chỉ số này ở khu vực kinh tế nhà nước còn lên đến 9,1. Như vậy, nếu không tăng được hiệu quả đầu tư, không chống được tham nhũng, lãng phí  thì càng tăng trưởng mạnh lại càng thất thoát nhiều.

Thứ hai là tính khả thi của dự án. Đây là một dự án không có tính khả thi. Xét về mặt nhân lực, chúng ta chưa có bất kỳ một cán bộ kỹ thuật nào về ĐHN chứ chưa nói đến chuyên gia. Hiện nay chúng ta đã cử cán bộ ra nước ngoài để học về ĐHN. Nhưng làm ĐHN khác với đóng gạch. Học đóng gạch chỉ cần một tháng, học làm ĐHN không những đòi hỏi thời gian dài mà còn đòi hỏi tác phong công nghiệp, trước hết là tính kỷ luật, sự cẩn trọng, chính xác. Phải nói thẳng là về tác phong công nghiệp thì người Việt Nam mình hạn chế rõ ràng. Nhiều người tham gia giao thông, cứ thấy vắng bóng cảnh sát là vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Không hiếm trường hợp người ta tháo cả giằng cầu đi bán. Có người còn lấy cắp cả hộp phóng xạ về nhà, bán không ai mua thì đem làm đòn kê chẻ củi. Tính kỷ luật trong xã hội thấp như vậy thì không chắc người được đào tạo về ĐHN sẽ không bị ảnh hưởng hoặc những người phục vụ xung quanh không bị ảnh hưởng.

Về nguyên liệu, nếu làm ĐHN, Việt Nam phải nhập từ nước ngoài. Theo số liệu thống kê thì lượng uranium trên toàn cầu chỉ còn khoảng 15 triệu tấn, đủ phục vụ cho 440 lò phản ứng HN đang hoạt động trong vòng vài chục năm nữa. Và như vậy, khi uranium trở nên khan hiếm thì giá của nó vô cùng đắt đỏ; đến lúc ấy, chắc chắn ta không thể chịu đựng được, đành bỏ không nhà máy ĐHN.

Thứ ba là tác động của dự án. Tôi xin nói về tác động tài chính trước. Về kinh phí làm 2 nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận, Nghị quyết của Quốc hội đưa ra con số 13,2 tỷ USD, nay tương đương 260.000 tỷ đồng. Song Quốc hội lại yêu cầu làm bằng công nghệ an toàn nhất. Ngay tại phiên thảo luận của Quốc hội, nhiều đại biểu đã khẳng định rằng không thể có giá rẻ như vậy. Và trên thực tế, Việt Nam đã ký Hiệp định liên Chính phủ với Nga trong đó Nga cam kết cho vay khoảng 8 tỷ USD (chưa tính phần vốn đối ứng trong nước) cho việc xây NMĐHN Ninh Thuận 1; còn với Nhật tuy chưa ký Hiệp định, nhưng cũng đã đồng ý cho công ty Nhật triển khai làm nhà máy thứ hai dự báo giá thành cũng không thấp hơn. Đó là chưa kể đến chi phí chôn lấp chất thải HN trên dưới 2 tỷ euro/nhà máy. Chi phí dỡ bỏ nhà máy ĐHN khi hết hạn sử dụng (chừng 40 – 50 năm) cũng khác hẳn chi phí tháo dỡ một nhà máy lắp ráp ô tô. Theo GS.VS Hoàng Xuân Phú, ở CHLB Đức, để dỡ bỏ 2 nhà máy ĐHN, người ta phải chi tới 4,1 tỷ euro. Nói thẳng là nếu làm ĐHN chúng ta sẽ sụn lưng.

Tác động đến xã hội cũng là điều cần cân nhắc. Làm ĐHN, chắc chắn chúng ta phải vay tiền; mà khả năng vay từ nguồn ODA (viện trợ trả chậm, không lấy lãi hoặc lãi suất thấp) là không có. Trong khi đó, nợ công của Việt Nam đã xấp xỉ 60%. Gánh nặng nợ nần có thể dẫn đến những bất ổn xã hội. Đó là chưa kể tâm lý lo lắng của người dân, nhất là ở vùng trực tiếp chịu ảnh hưởng của nhà máy ĐHN. Gần đây, tôi có đọc một số ý kiến của nhà thơ dân tộc Chăm Inrasara phản ánh tâm trạng lo lắng về ảnh hưởng của ĐHN đối với quê hương mình. Đó là những ý kiến rất cần được quan tâm.   

Tổ tiên run rủi?

Thảm họa đến từ thiên nhiên là bất khả kháng, nhưng trên thực tế thảm họa đến từ con người không phải là không thể xảy ra, liệu công nghệ hoàn hảo như chúng ta kỳ vọng sẽ đẩy lùi được thảm họa?

- Trận động đất, sóng thần dẫn đến thảm hoạ ĐHN ở Fukushima, Nhật Bản, cho thấy con người không thể tưởng tượng được hết mức độ và hậu quả khủng khiếp của thiên tai. Tốt nhất là hãy từ các thảm hoạ nhỡn tiền rút ra bài học cho mình. Tôi nghĩ tổ tiên đã run rủi cho chúng ta bằng những điểm báo rất rõ ràng: Khi ta chuẩn bị triển khai đại dự án bauxite ở Tây Nguyên thì xảy ra thảm họa bùn đỏ ở Hungary; định làm đường sắt cao tốc thì xảy ra hàng loạt tai nạn tầu cao tốc ở Trung Quốc; định làm ĐHN thì xảy ra thảm họa ĐHN ở Nhật Bản. Chẳng lẽ những cảnh báo dồn dập như vậy chưa đủ hay sao? Nên nhớ công nghệ cao đến đâu cũng có rủi ro. Lấy ví dụ, cầu Cần thơ do chuyên gia Nhật Bản thiết kế và chỉ đạo thi công bị sập cầu dẫn; Nhà máy lọc dầu Dung Quất với công nghệ tiên tiến của Pháp cũng dật dờ lúc đóng lúc mở suốt từ ngày khánh thành đến nay. Chúng ta không nên đặt cược tính mạng dân tộc vào kỹ thuật nước ngoài. Nếu còn thoát ra được thì nên cố gắng thoát ra. Thảm họa  có thể xảy ra từ thiên nhiên hay từ những bất cẩn của con người mà Chernobyn là một ví dụ điển hình về sự bất cẩn ấy.

- Nếu không làm ĐHN, Việt Nam sẽ không thể khắc phục được tình trạng thiếu điện đang ngày càng trở nên trầm trọng?

- Năng lượng điện của hai nhà máy ĐHN dự kiến chỉ đóng góp được 4% vào tổng năng lượng điện quốc gia, trong khi lãng phí điện ở nước ta rất lớn. Trong sản xuất, 1kwh điện ở Việt Nam chỉ làm ra được 0,8 USD, trong khi đó cũng 1kwh ở Nhật Bản, người ta làm ra 4,6 USD; ở Singapore 3,4 USD; ở Indonesia 2,7 USD và ở và Philippines 2,1 USD. Vì điện được sử dụng hiệu quả hơn nên mức tăng trưởng điện năng trung bình (do phát triển thêm nhà máy điện hoặc mở rộng quy mô các nhà máy điện hiện có) ở Nhật trong những năm qua chỉ là 0,8%/năm; ở Singapore 4,4%; ở Indonesia 6,3% và ở Philippines 4,6%; trong khi ở Việt Nam là 14,4%, cao hơn cả Trung Quốc (13%). Để đạt 380 tỷ kwh vào năm 2020, nước ta sẽ phải nâng mức tăng trưởng năng lượng điện lên 17%/năm. Nhưng nếu không nâng cao được hiệu quả sử dụng điện thì càng tăng trưởng nhiều càng bất lợi.  
Theo GS.VS Hoàng Xuân Phú, nếu tính cả kinh phí chôn lấp chất thải HN và dỡ bỏ nhà máy ĐHN khi hết hạn sử dụng, tổng giá thành làm ĐHN sẽ cao gấp 43 lần nhiệt điện, 41 lần điện từ khí, 27 lần điện từ gió biển. Trong khi đó, với trên 20 tỷ USD dự kiến đầu tư cho hai nhà máy ĐHN, chúng ta hoàn toàn có thể làm một nhà máy nhiệt điện công suất 18.750 MW, gấp 4,6 lần 2 nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận.

- Sau hơn 1 năm xảy ra sự cố ĐHN, ngày 6/5 Nhật đã chính thức đóng cửa lò phản ứng hạt nhân cuổi cùng, trong khi đó nước Nhật vẫn là đối tác giúp Việt Nam xây dựng nhà máy ĐHN? Ông suy nghĩ thế nào về sự kiện này?

- Việt Nam lựa chọn Nga và Nhật là hai nước có khoa học - công nghệ phát triển và cũng là hai nước có thảm họa hạt nhân lớn nhất làm đối tác giúp xây dựng 2 nhà máy ĐHN đầu tiên. Với những thông tin mà mình có được, tôi không hiểu rõ lý do lựa chọn hai nước này. Nhưng điều quan trọng hơn là không hiểu vì sao nước ta vẫn kiên trì phát triển ĐHN, trong khi hàng loạt quốc gia phát triển như Đức, Bỉ, Thuỵ Điển, Tây Ban Nha, Italia,… và chính nước Nhật đã từ bỏ chính sách phát triển ĐHN. Thủ tướng Nhật Naoto Kan khi còn tại chức đã khẳng định: “Xem xét nguy cơ nghiêm trọng của các tai hoạ hạt nhân, chúng tôi cảm nhận mạnh mẽ rằng chúng ta không thể cứ tiếp tục dựa trên lòng tin là chỉ cần tìm cách bảo đảm an toàn hạt nhân.” Và ngày 6/5 vừa qua, nhà máy điện HN cuối cùng ở Nhật đã phải đóng cửa theo yêu cầu của người dân Nhật. Người dân Nhật cũng rất có thiện chí khi biểu tình đòi Chính phủ không được bán công nghệ ĐHN cho Việt Nam. Ở chiều ngược lại, vừa qua, một số nhà khoa học và các giới khác ở Việt Nam cũng đã gửi thư cho Thủ tướng Nhật Bản với mong muốn nước Nhật không đưa công nghệ ĐHN vào Việt Nam. Còn vì sao Việt Nam vẫn kiên trì thì câu hỏi này chỉ có thể tìm câu trả lời đầy đủ nhất từ Chính phủ.

Theo nhìn nhận của ông, vì sao Nhật chấm dứt ĐHN?

- Thảm họa HN ở Fukushima đã làm tăng sự tàn phá của trận sóng thần đối với đất nước Nhật, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế cũng như đến đời sống người dân Nhật nói chung và người dân tại Fukushima nói riêng. Nếu ĐHN có góp được phần nào cho sự phát triển của nước Nhật trong giai đoạn vừa qua thì bây giờ nó lại chứng tỏ sức tàn phá quá khủng khiếp. Và ở một nước dân chủ như Nhật thì Chính phủ phải có những quyết định hợp với lòng dân. Chấm dứt ĐHN chính là để đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Quân khi trả lời trực tuyến báo chí đã chính thức   thông báo ĐHN chưa thể bắt đầu vào năm 2014.  Theo ông, có nên lùi thời hạn xây dựng ĐHN tới năm 2020?

- Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt, cho rằng nên lùi thời gian ít nhất là 10 năm và chỉ nên làm vài lò phản ứng để có kinh nghiệm đã. Nhưng dự kiến của Việt Nam là đến năm 2025 - 2030 sẽ đứng vào hàng thứ 15 thế giới về ĐHN. Thiết tưởng, chạy theo thành tích trong lĩnh vực này nguy hiểm hơn các lĩnh vực khác nhiều. Mà trên thế giới, cũng không ai người ta khuyến khích mình thi đua như vậy. Ngược lại, chúng ta phải nghiên cứu xem vì sao nhiều nước tiên tiến trên thế giới đang từ bỏ ĐHN.

Theo tôi, là một nước nhiệt đới, chúng ta nên đầu tư học hỏi, nghiên cứu làm điện từ năng lượng gió, từ nhiệt của mặt trời, chứ không nên phát triển ĐHN. Giá thành ban đầu có thể đắt nhưng khi cải tiến được công nghệ sẽ rẻ. Năm ngoái, tôi đi châu Âu, thấy những dàn điện gió trải khắp nước Hà Lan và những tấm pin mặt trời trải khắp nước Đức, tôi cứ mong một ngày nào điện gió, điện mặt trời cũng phổ biến trên khắp đất nước ta.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!
                                                                                          THU HÀ (thực hiện)

Nguồn : Văn Nghệ Trẻ số 22 (282), ngày 27/5/2012

25 thg 5, 2012

Chuyện xưa kể lại

  Video clip nay thực hiện lâu rồi, đôi trai tài gái sắc đã đến với nhau nên vợ nên chồng, tiếc rằng nay không còn như uyên ương thuở nào nữa. 
  Truyện dân gian Trưởng giả học làm sang hay và thâm thúy phê phán những kẻ hợm danh. Nay tôi có ý định mời mọi người tham gia viết HỌC GIẢ LÀM QUAN , để góp phần làm trong sạch cán bộ. 


23 thg 5, 2012

Mẹ xin con

Ảnh minh họa
Kính tặng hương hồn mẹ


  Con ơi! 
Giờ mẹ lúc quên, lúc nhớ
Nhiều khi còn chậm cả nhời
Xin con đừng nên trách cứ

Cho mẹ một chút thời gian...


Giờ mẹ mặc áo quên cài khuy
Ăn cơm vãi đầy ra áo
Chải đầu tay bần bật run
Đừng giục mẹ nhanh hơn
Mẹ chỉ cần có con ở bên
Làm mẹ thêm đủ ấm.

Bây giờ mẹ đi không vững

Lập cập theo mỗi bước chân
Xin con đừng buông tay mẹ
Dìu mẹ, chậm thôi, chậm thôi...
Như thuở nào
Mẹ dắt con đi những bước đầu đời… 



dangnba 5-12

Kịch bản này lỗi thời rồi

     Sau hai ngày báo GDVN đưa tin “Tài sản kếch xù của Bí thư tỉnh ủy…”. Sáng nay báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh có bài: 
  "Chiều 22-5, ông Nguyễn Xuân Thuấn, Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang, cho biết khu đất đang xây dựng nhà trên không phải của ông Bùi Thanh Quyến, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, mà là của anh Bùi Thanh Tùng - con trai ông Quyến. Theo ông Thuấn, mảnh đất đang xây dựng có diện tích hơn 4.000 m2 này đã được anh Tùng mua lại của bốn hộ dân, sau đó cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Bùi Thanh Tùng. Ông Thuấn cho rằng chưa đủ cơ sở đánh giá chi phí xây dựng ngôi nhà với nhiều cây cảnh, hòn non bộ này có giá trị tới hàng trăm tỉ đồng"
  Cách trả lời của Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang kiểu "thầy , tớ" trong hát chèo, tưởng rằng mưu kế hay, dẹp được dư luận nhưng ngược lại.  Bài báo ra đúng vào thời kỳ NQ4 cần làm trong sạch cán bộ, nhân dân tỉnh H  sao không khỏi bực tức khi người cao nhất của tỉnh có một tài sản khùng như vậy, họ phô tô bài viết truyền nhau đọc.
  Kịch bản này dốt thì hơi quá, nó ngô nghê của một anh nông dân vô học, họ không biết dân trí ngày nay là thế nào. Một thanh niên thế hệ 8X không giỏi giang gì  mà có được tài sản nhiều triệu đô, đá vài triệu đô, cây vài triệu đô... cả khu đất xây dựng hào và tường bao quanh chẳng khác gì Cung đình ở Huế thử hỏi bao nhiêu tiền?  Hơn 4.000 m2 so với 5.000 mhọc sinh tiểu học nào cũng nói được. Việc chuyển nhượng cấp sổ đỏ dễ như trở bàn tay với chức Bí thư tỉnh ủy.
  Phải chăng Bùi Thanh Tùng buôn hàng cấm mới có được nhiều tiền như vậy? Một câu hỏi không khó với thạc sĩ nước ngoài chỉ học có vài giờ.

22 thg 5, 2012

Dân và quan


Cưỡng chế đá quý ở Gia Lai

   Cách đây mấy tháng chính quyền huyện Chư Sê cưỡng chế thu hồi hai hòn đá tại nhà ông Lê Hùng Dũng (29/3) và tịch thu một cục đá của bà Trần Thị Sắc (28/3) thuộc xã H’bông, huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai, mặc dù có nguồn gốc các hòn đá trên do họ đào được trong vườn, dư luận rất bất bình với cách hành xử của các vị quan huyện Chư Sê. 
   Hôm qua trên trang Giáo dục Việt Nam và Dân Việt có đăng bài “tận mắt khối tài sản kếch xù của ông bí thư tỉnh H” , nhiều người gọi điện thông báo, hóa ra thời buổi kinh tế khó khăn này vẫn còn nhiều người để ý đến chính trị thời sự. Họ đều nói:
Đá và cây quý ở vườn nhà Bí thư
Chợ Bắc Hà 12-2012
   "Đá nhà ông Bí thư quý gấp vạn lần những hòn đá mà huyện Chư Sê cưỡng chế", vậy chính quyền tỉnh có cho đây là tài sản nhà nước quản lý không? Nếu đúng cơ quan nào sẽ thu hồi ? Chắc là không, vì ai dám động đến vua của tỉnh, ai có ý kiến sẽ bị "đập chết".

Nhà của Vua Mèo
 "Cả rừng cây thẳng tắp" trong đó có cây gỗ sưa bạc tỷ, ai cũng biết mấy năm qua nhiều vụ chặt trộm gỗ sưa đã bị bắt, tất nhiên nhiêu “sưa tặc” thoát được nạn, vậy đây có phải là những cây sưa của kẻ gian  lấy trộm không? Dân mà mua được sẽ quy cho tội tiêu thụ của kẻ gian có mà bóc lịch sớm.
 Năm trước mấy người rủ tôi đi chợ Bắc Hà thực sự là một chuyến đi rất vui, ở đó tôi biết thế nào là chợ vùng cao, biết món thắng cố, hay hơn nữa đến biệt thự của Vua mèo, sau khi bộ đội chiếm Bắc Hà Vua mèo bỏ chạy vào Nam, nhưng để lại một biệt thự mà ngày nay sở Văn hóa Lào Cai hàng ngày cho khách thăm quan mỗi năm thu một khoản tiền lớn từ việc bán vé, nhưng nếu so với nhà của ông Bí thư tỉnh báo đưa tin còn kém xa, vì ngôi biệt thự, tầng ba hoàn toàn bằng gỗ đắt tiền thiết kế theo mái vòm.
 Khổ nhất vẫn là dân bị cưỡng chế mà không làm gì được, còn người có quyền chức ngang nhiên dẫm đạp cả lên pháp luật và công luận.

21 thg 5, 2012

Chán như con gián


   Từ Chủ tịch hội đồng quản trị Vinalines chuyển sang  làm công tác quản lý Cục trưởng Hàng hải, lý do kinh doanh không có hiệu quả và bị thua lỗ gây tổn thất cho công ty- Công tác đề bạt luân chuyển cán bộ là vậy thật nực cười.
   Ngày 19/5, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã phát lệnh truy nã đối với ông Dương Chí Dũng - Tội danh báo chí đã đưa tin.
  Nhiều người chưa biết ông Dương Chí Dũng có thân nhân tốt, gia đình toàn trong ngành công an giữ vị trí quan trọng! Dương Chí Dũng không biết đi đâu tại thời điểm phát lệnh khám xét từ đứa trẻ con cũng hiểu được.
  Thật “chán như con gián”!

19 thg 5, 2012

Một tuần hai sự việc khó hiểu


    Tuần qua hai vụ “động trời”: Cắt điện thoại bà Lê Hiền Đức một người nổi danh trong nước và quốc tế; thương binh đến áp đáo tại thư viện Hán Nôm nơi làm việc của TS Nguyễn Xuân Diện.
  Tất cả những tin này hoàn toàn đọc được trên bloger, chưa một tờ báo lề phải nào đưa tin mặc dù chuyện xảy ra giữ Thủ đô Hà Nội- Thủ đô hòa bình. 
Thương binh là đây
  Tôi có quen một vài thương binh làm nghề lái xe ba bánh, có người sức khỏe yếu, không có tiền bán thương hiệu thương binh cho người khác để kiếm ít tiền, tất cả chỉ là mưu sinh cho cuộc sống gia đình họ, họ chẳng biết thời sự tin tức, chính chị chính em là gì, ai thuê thì chở, nếu có vi  phạm bị cảnh sát giao thông tuýt còi, họ van xin, thậm chí cùng lắm là ăn vạ. Nhưng hôm nay họ đến thư viện Hán Nôm nhân danh "thương binh" một người trong số họ yêu cầu TS Nguyễn Xuân Diện phải gỡ bỏ bài viết về  điện hạt nhân tại Việt Nam. Điện hạt nhân ở Đức và ở Nhật họ đã đóng cửa, nhiều nhà khoa học trong nước và nước ngoài lên tiếng đề nghị QH hãy xem xét xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Họ không phải diện đầu đất vì quá thuộc bài “điện hạt nhân có đảng và nhà nước lo nên viết “Cờ lốc” phản đối là không được”, sao hôm nay sức mạnh gì mà làm thay đổi họ nhanh đến thế?
   Đến áp đáo tại cơ quan nhà nước, cắt điện thoại cá nhân một bà già trên 80 tuổi không có lý do là vi phạm pháp luật, gọi điện cho công an phường, lực lượng 113 mấy tiếng sau mới có mặt thử hỏi bảo vệ Đảng như vậy sao?
 Hai hành động trên thật khó hiểu, sự bế tắc về đường lối. TBT Nguyễn Phú Trọng nói đúng “ nguy cơ” đến nơi rồi.
 Cụ Nguyễn Du nói chuyện ngày xưa mà cứ như mới hôm qua.

14 thg 5, 2012

Kết nạp đảng viên mới ở Hà Nội

Ngay ở Hà Nội mà có cảnh này thì không còn gì muốn nói
Không cần bình gì nữa

11 thg 5, 2012

Thư ngỏ của Nhà báo Tống văn Công


  Nhà báo Tống Văn Công từng là TBT tờ Lao động (1988-1995), cùng tờ Văn nghệ khi đó do Nhà văn Nguyên Ngọc làm TBT và một số báo khác, đi đầu đóng góp nhiều vào cuộc “Đổi mới” cho xã hội, “cởi trói” cho văn nghệ. Mấy năm qua, ông đã có một số bài viết chấn động dư luận lấy bút danhThiện Ý.

    Kính gửi Quốc hội khóa XIII , kỳ họp thứ 3
Ngày 5-5- 2012, tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ có báo cáo riêng gửi đại biểu Quốc hội “việc xử lý, giải quyêt vụ việc ông Đoàn văn Vươn (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) vì đây là việc nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội và gây nhiều bức xúc trong thời gian qua”. Thiết nghĩ, Quốc hội cần quan tâm hơn đối với vụ cưỡng chế ở Văn Giang ngày 24-4, vì vụ này gây bức xúc đối với người Việt trong và ngoài nước vô cùng nghiêm trọng. Bởi vì, theo ông Nguyễn Khắc Hào, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên báo cáo với Thủ tướng trong hội nghị trực tuyến: “Đây là một trong số ít các vụ khiếu kiện đông người điển hình”, “Có sự móc nối chặt chẽ giữa các phần tử chống đối trong và ngoài nước”, “Có dàn dựng lên các video clip giả để vu khống bôi nhọ chính quyền”. Tuy nhiên, Tuyên bố của các trí thức tiêu biểu của đất nước cho rằng, vụ cưỡng chế giải tỏa đất đai bẵng vũ lực ở Văn Giang “đang gây xúc động mạnh mẽ tất cả người Việt Nam có lương tri, dấy lên nỗi lo lắng chưa từng có trong mọi người dân Việt biết ưu tư về vận mệnh đất nước”. Chỉ trong vài ngày có hàng ngàn người hưởng ứng xin ký tên, đặt biệt là bà con nông dân Văn Giang đã vượt qua nỗi sợ hãi. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội đã viết những câu thơ thâm ưu:
“Người thắng trận này không phải nhân dân.
Dân là vậy,
Chỉ thắng trong trận cuối.
Nhưng chính quyền nhân dân thất bại,
Khi tấn công những người mình nhân danh”.
Kính thưa Quốc hội, một sự kiện ở tầm vận mệnh đất nước như thế, rất mong phải được kỳ họp này quan tâm mổ xẻ, đem lại hi vọng và niềm tin cho đồng bào, đặc biệt là bà con nông dân đã bị quá nhiều thua thiệt bất công!
Từ các ý kiến tâm huyết, xin kính gửi tới Quốc hội bốn điều bức xúc từ Văn Giang:
I – LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI NHẰM ĐÁP ỨNG “NHÓM LỢI ÍCH”?
Kể từ năm 1993, Luật Đất đai được sửa đổi 5 lần. Các điêù khoản thu hồi đất được quy định chặt chẽ ở luật 1993 đã trở nên rắc rối ở Luật 2003. Điều 27, Luật Đất đai 1993 quy định:”Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại”. Luật đất đai 2003, tuy rằng ở Điều 40 quy định trong trường hợp “Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế “, Thì “nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất”. Nhưng, tại Điều 39, các công trình đầu tư có “mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng” chỉ được định nghĩa là “những dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt”. Điều này đã biến “lợi ích của nhà đầu tư” thành “lợi ích quốc gia”. Theo Luật sửa đổi này, Dự án Ecopark ở Văn Giang đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, do vậy nó là “lợi ích quốc gia”. Đó chính là căn cứ để giáo sư Đặng Hùng Võ trả lời đài BBC rằng “Quyết định thu hồi đất ở Văn Giang là đúng Luật.
Từ khi Luật đất đai sửa đổi 2003 đã có hàng ngàn vụ khiếu nại tố cáo. Khiếu nại ,tố cáo về đất đai chiếm 70% số khiếu nại, tố cáo. Điều đó chứng tỏ Luật sửa đổi này không hợp lòng dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:”Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa”. Vì không chịu nghe khiếu nại tố cáo của dân chúng cho nên đã xảy ra vụ Đoàn văn Vươn, Văn Giang và nếu không kịp thời sửa đổi thì chắc chắn sẽ còn xảy ra nhiều vụ khác ngày càng nghiêm trọng hơn!
Tại Hội nghị Trung ương 3, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói:”Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị tư duy nhiệm kỳ, tư tưởng cục bộ, thành tích, chủ quan duy ý chí, hay nhóm lợi ích chi phối”. Luật Đất đai sửa đổi 2003 quả là minh họa cho cái sự thật mà Tổng bí thư cảnh báo: Bị nhóm lợi ích chi phối!
Quốc hội bằng quyền lực nhà nước cao nhất cần có biện pháp khẩn cấp ngăn chặn tai họa
khủng khiếp đối với giai cấp nông dân, cũng là tai họa đối với đất nước. Sự nghiệp đổi mới đã trả lại quyền sở hữu cho các thành phần xã hội, kể cả nhà tư sản; chỉ riêng nông dân vẫn không có quyền sở hữu ngay trên mảnh đất thừa kế của cha ông mình đã đổ mồ hôi, xương máu. Xin Quốc hội xây dựng Luật đất đai mới, trả lại sự công bằng cho giai cấp nông dân, vốn là đội quân chủ lực của cách mạng dân tộc dân chủ.
II – 1000 CÔNG AN ĐÁNH ĐẬP 200 NÔNG DÂN, CÓ NGƯỜI GIÀ VÀ PHỤ NỮ.
Nhiều đảng viên, nhà báo kể lại vụ cưỡng chế:
Một bên, khoảng 1000 ( UBND Hưng Yên đã xác nhận 1000, nhưng nhiều nguồn tin cho là hơn 2000 ) công an cảnh sát cơ động, mặc áo chống đạn, có khiên che, có súng, lựu đạn, dùi cui.
Một bên là khoảng 200 nông dân, nhiều người già, phụ nữ tay cầm gậy gộc, gạch vỡ, chai xăng.
7 giờ 30, công an rầm rập xáp tới. Sau khi tung 2 quả lựu đạn, khói mù trời, hằng ngàn dùi quật tới tấp vào những người nông dân khóc la chửi bới, chống cự một cách tuyệt vọng và bỏ chạy!
Thưa Quốc hội,
“Người cày có ruộng!” Giai cấp nông dân trở thành quân chủ lực cách mạng là vì tin theo khẩu hiệu đó của Đảng. Nay bỗng dưng họ bị cưỡng chế tàn bạo ngay trên mảnh ruộng của cha ông mình để lại!
Từ một đứa con nông dân đã có 10 năm mặc áo lính, tôi không khỏi đau lòng khi nhìn thấy hàng ngàn cảnh sát nện dùi cui lên lên đầu bà con Văn Giang. Tôi thấy như chính mình là kẻ phản bội các cha, các mẹ chiến sĩ đã cưu mang mình và đồng đội trong suốt những năm kháng chiến gian khổ!
Luật đất đai sửa đổi 2003 đã biến bộ máy công quyền thành người làm thuê cho các nhà đầu tư, tức những “đại gia”. Từ khi có Luật này các đại gia không cần trực tiếp thương lượng với nông dân mà chính quyền địa phương đã phục vụ cho họ đạt được giá đền bù rẻ mạt:
Nhà đầu tư dự án này đang rao bán “giá căn hộ trên dưới 20 triệu đồng/ m2, giá biệt thự và nhà phố trên dưới 45 triệu đồng/ m2, đã bao gồm phần xây thô”. Trong khi giá đền bù là 135.000 đồng/m2, nếu đến nhận tiền sớm thì được nhà đầu tư thưởng thêm cho 35000 đồng/ m2.
Báo Nông Thôn Ngày Nay có bài viết gọi đây là “Cánh Đồng Vàng đã mất”.Dự án này xâm phạm quyết định giữ 3,8 triệu ha đất nông nghiệp của Chính phủ,nhưng đây chỉ nói về việc nó gây thiệt hai to lớn cho bà con nông dân, vì không được đền bù đúng mức,và vì vậy rồi đây họ sẽ phải lâm vào cảnh khốn cùng. Nhiều năm nay, bà con vùng này chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây cảnh, mỗi sào bình quân thu hoạch từ 50 đến 70 triệu đồng/năm. Với số tiền đền bù ít ỏi như trên, họ làm sao để có số thu nhập ấy?
Nguyên phó Thủ tướng phụ trách nông nghiệp Nguyễn Ngọc Trìu nhận định khái quát về đền bù giải tỏa:”Khi trong này khai trương công trình thì bên ngoài dân khiếu kiện biểu tình. Vì giá đền bù cho dân là 1, khi đem lô đất đó ra bán thì giá gấp 15 lần.” Như vậy Luật đất đai sửa đổi 2003 đã tạo môi trường tốt cho tham nhũng, bởi các nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao cho nhà chức trách ra quyết định cưỡng chế “hỗ trợ thi công”. Đây là vấn đề thuộc nội dung của Nghị quyết TƯ. 4 phải giải quyết.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói:”Dân sai thì phải thuyết phục”. Đúng vậy! Trong vụ Văn Giang chưa thể nói dân sai, nhưng việc dùng 1000 cảnh sát để cưỡng chế dân là trái với ý kiến Thủ tướng. Nhiều người coi đây là một vết nhơ không thể gột rửa trong lịch sử!
Bằng quyền lực cao nhất xin Quốc hội mau chóng nghiêm cấm hình thức phản nhân dân này!
III- “SỐ ÍT CHỐNG ĐỐI MÓC NỐI VỚI BỌN PHẢN ĐỘNG TRONG, NGOÀI NƯỚC”?
Sáng ngày 2 -5- 2012, tại Hội nghị trực tuyến có 63 tỉnh thành và các Bộ, Ngành do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, Phó Chủ tịch UBND Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào báo cáo rút ra những “bài học bước đầu trong lãnh đạo chỉ đạo và công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo” rất đáng lo ngại:
1- Về lý do cưỡng chế, ông Hào cho rằng, khi đã có chủ trương đúng, hiệu quả kinh tế xã hội cao, “được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ thì không thể vì một số người chống đối mà không triển khai thực hiện chủ trương đó”.
Chúng ta đã có kinh nghiệm: Ngày xưa, chủ trương hợp tác hóa nông nghiêp từng được cho rằng có 100% nông dân tự nguyện gia nhập, nhưng sự thật là họ không thể không “tự nguyện”, bởi bao nhiêu lo lắng bị đối xử như công dân hạng hai, con cái sẽ khó vào Đoàn, khó vào đại học… Người dân Văn Giang cho báo Đất Việt biết: Côn đồ vào nhà dọa nạt bảo phải mau chóng nhận tiền đền bù; đảng viên bị dọa nếu chống chính sách sẽ bị khai trừ; giáo viên bị dọa sẽ không nhận tiền đền bù sẽ bị đổi công tác đến nơi khó khăn; người sắp kết hôn sợ không cho đăng ký kết hôn khi chưa chịu nhận tiền đền bù… Báo Người Cao Tuổi cho biết, có ít nhất là 4 người bị bắt ngày 24 – 4 phải ký giấy cam kết không khiếu nại nữa mới được thả. Một phụ nữ có con nhỏ còn bú cho đài RFI biết, chị phải ký giấy cam kết không khiếu kiện nữa, mới được thả về cho con bú!
Theo truyền thống văn hóa dân tộc, cái gì từ 1 tăng lên đến 3 thì đã thay đổi về chất:
“Một cây làm chẳng nên non; Ba cây dụm lại nên hòn núi cao”; “Ba anh thợ da thành ông Gia Cát”; “Ba chị đàn bà thành cái chợ”; “Hơn một tuổi là anh; Hơn 3 tuổi là chú”… Vậy thì hơn 160 hộ dân, có hơn 200 con người dám đứng ra đương đầu, làm sao có thể gọi là số ít?
2 – Trong vụ cưỡng chế ngày 24- 4 ở Văn Giang Phó Chủ tịch Hào cho rằng: “Có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài. Các thông tin thậm chí còn được tường thuật tại chỗ, từng giờ để tuyên truyền xuyên tạc, dàn dựng những video clip giả để vu khống bôi nhọ chính quyền…”. Ông nói, do tính chất nghiêm trọng như vậy nên 19 người đã bị bắt ngay, hiện 5 người còn bị tạm giữ, có 9 “đối tượng cầm đầu”, “nhiều năm gây rối” đã bỏ trốn. Ông Hào nhận định: “Xử lý được 9 người này sẽ khắc phục được tình trạng tập trung đông người, kéo lên cơ quan Trung ương”.
Nhận định nói trên của đại diện chính quyền tỉnh Hưng Yên là cực kỳ nguy hiểm: Ghép nông dân Văn Giang vào với bọn phản động, đẩy 9 người nông dân bị o ép, quá sợ hãi bỏ trốn vào hàng ngũ phản động nguy hiểm!
Đề nghị Quốc hội kiểm tra, giám sát làm rõ các kết luận sai trái hết sức nguy hiểm nói trên, đừng để một chính quyền cấp tỉnh phát ngôn tùy tiện, dựng đứng, vu cáo nhân dân, bất chấp sự thật mà không bị trừng phạt, như vậy cách làm này sẽ lan tràn như một thứ bệnh dịch làm mục ruỗng hệ thống chính quyền của dân, do dân vì dân.
IV- VÌ SAO PHẢI HẠN CHẾ HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ?
Trong vụ Tiên Lãng, báo chí được Thủ tướng khen ngợi đã góp phần tích cực sớm làm sáng tỏ sự thật giúp Chính phủ kịp thời xử lý. Vụ Văn Giang, về quy mô cũng như sự phức tạp của nó còn lớn hơn, rất cần được báo chí quan tâm làm sáng tỏ thì trái lại có những bằng chứng các hoạt động báo chí đã bị hạn chế ngay từ đầu.
Nếu việc cưỡng chế là đúng pháp luật thì tại sao phải hạn chế thông tin? Tại sao những tấm bảng “Cấm quay phim, chụp ảnh” được dựng ra khắp nơi? Chỉ có hai tờ báo dám nói một phần sự thật, và nói rất từ tốn là báo Người Cao Tuổi và báo Sài Gòn tiếp thị thì cả hai đều bị buộc phải gỡ xuống khi vừa cho lên mạng! Lạ lùng là hai nhà báo của đài phát thanh quốc gia bị công an Hưng Yên đánh “hội đồng”, còng tay, mặt mũi bê bết máu, phải đi bệnh viện, dù hai anh nhiều lần kêu to “chúng tôi là nhà báo đang làm nhiệm vụ”! Càng lạ lùng hơn trong khi đài BBC biết chuyện nhà báo bị đánh đã có ngay cuộc phỏng vấn, thì phía Việt Nam mãi đến ngày 9-5, tức là mất nửa tháng sau, các báo chúng ta mới được lên tiếng! Và cho đến nay, Công an Hưng Yên chẳng những chưa có lời xin lỗi mà còn từ chối trả lời câu hỏi rất đơn giản: Vì sao đã biết nhà báo đang tác nghiệp mà vẫn cứ đánh đập?!
Hình như một số việc nhằm hạn chế hoạt động của báo chí trong vụ cưỡng chế ở Văn Giang không phải chỉ là từ phía Hưng Yên? Vậy thì cấp nào và vì lý do gì đã chủ trương hạn chế hoạt động của báo chí trong vụ này? Tại sao bài học tích cực của báo chí trong vụ Tiên Lãng được Thủ tướng biểu đương, nhưng đã không được phép vận dụng?
Giải mã được những uẩn khúc về việc hạn chế hoạt động báo chí trong vụ Văn Giang sẽ rút ra nhiều bài học bổ ích cho thực hiện quyền được thông tin, công khai minh bạch các hoạt động ảnh hưởng tới người dân, xúc tiến dân chủ…
Vốn là một nhà báo, tôi vô cùng bức xúc trước câu hỏi mà mình không tự trả lời được, xin tin cậy gửi tới Quốc hội .
Ngày 9 tháng 5 năm 2012
Tống Văn Công